 |
NSND Nguyễn Công Nhạc |
QĐND Online-Trong cơn bĩ cực của sân khấu nước nhà những năm đầu chuyển đổi cơ chế quản lý, có lẽ Nhà hát Nhạc vũ kịch (NVK) Việt Nam là một trong những đơn vị long đong, “hẩm hiu” nhất. Nhưng từ đầu năm 2002 đến nay, cùng với sự xuất hiện thường xuyên chương trình của Nhà hát NVK Việt Nam trên sóng phát thanh và truyền hình quốc gia, đều đặn hằng tháng Nhà hát NVK còn có 2 chương trình (4 tối) biểu diễn ở Nhà hát Lớn và phòng hoà nhạc Núi Trúc (Hà Nội). Sự trở lại khá tấp nập của của sân khấu Ô-pê-ra ba-lê với khán giả Thủ đô và bạn bè quốc tế, đánh dấu một thời kỳ mới của bộ môn nghệ thuật đỉnh cao, trong đời sống văn hoá ở nước ta hiện nay. Nhân dịp đầu tháng 11 vừa qua, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Nguyễn Công Nhạc-Giám đốc Nhà hát NVK Việt Nam-được thưởng “Huân chương Hiệp sĩ văn học, nghệ thuật” của Cộng hoà Pháp, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện chúc mừng nghệ sĩ và Nhà hát NVK. NSND Nguyễn Công Nhạc phấn khởi cho biết:
- Cuối năm 2001 công trình nâng cấp cải tạo Nhà hát NVK Việt Nam ở 11 Núi Trúc, quận Ba Đình (Hà Nội) hoàn thành và đưa vào sử dụng. Chấm dứt bao năm “ăn nhờ ở đậu” của các nghệ sĩ Ô-pê-ra ba-lê Việt Nam. Anh em Nhà hát bảo nhau: "Bây giờ "an cư" rồi thì chúng ta phải hết sức cố gắng để "lạc nghiệp". Trước hết phải phấn đấu giành lại và xây dựng một lực lượng công chúng khán giả của ô-pê-ra ba-lê trong đời sống văn hoá nghệ thuật ở nước ta. Hiện nay, Nhà hát NVK Việt Nam là đơn vị nghệ thuật duy nhất của Bộ VH-TT có lịch biểu diễn chi tiết trong năm, một điều rất bình thường của bất kỳ một Nhà hát nào trên thế giới nhưng thực tế ở nước ta thì rất hiếm.
* Điều đó có ý nghĩa như thế nào đối với vấn đề "lạc nghiệp" của Nhà hát NVK Việt Nam, thưa ông?
- Có lịch biểu diễn chi tiết trong năm là chúng tôi tự đặt ra những cái mốc cố định để chủ động phấn đấu thực hiện. Khán giả cũng có "thực đơn" để lựa chọn. Đồng thời việc hợp tác giao lưu quốc tế cũng có nhiều thuận lợi hơn. Và một điều khá quan trọng nữa là các nhà tài trợ nắm chắc từng chương trình trong năm để lựa chọn tài trợ có hiệu quả.
* Những nét khởi sắc của Nhà hát NVK Việt Nam dăm năm gần đây, có liên quan gì tới tấm “Huân chương Hiệp sĩ văn học-nghệ thuật” của Cộng hoà Pháp tặng thưởng cho ông mới đây?
- Trong thành tích chung của Nhà hát những năm gần đây, có những kết quả hết sức quan trọng về hội nhập và giao lưu quốc tế, nhất là với nền văn hóa-nghệ thuật Pháp, thông qua Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam và Trung tâm văn hóa Pháp tại Hà Nội. Nhờ đó, chúng tôi đã hợp tác dàn dựng thành công nhiều vở nhạc kịch và múa cổ điển thuộc hàng kinh điển của sân khấu Ô-pê-ra Ba-lê thế giới để biểu diễn phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Đặc biệt, Nhà hát NVK Việt Nam đã ủng hộ múa đương đại, khi trường phái này được nghệ sĩ người Pháp gốc Việt Ea Sola thực hiện ở Việt Nam. Năm 2006, chúng tôi đã dựng lại “Hạn hán và cơn mưa Vol.2” của Ea Sola đi biểu diễn ở 6 nước Âu-Mỹ. Theo kế hoạch, năm 2007 vở này sẽ trở lại với khán giả Mỹ một vòng nữa. Hiện nay, múa đương đại đã được đưa vào giảng dạy chính khoá ở các trường nghệ thuật của nước ta. Nhiều nghệ sĩ trẻ của Nhà hát NVK Việt Nam cũng đã được cử đi đào tạo về múa đương đại ở Pháp và một số nước.
* Dẫu sao thì Ô-pê-ra Ba-lê vẫn còn khá xa lạ với phần đông khán giả ở nước ta. Làm thế nào để thu hút được đông đảo công chúng trong nước đến với sân khấu của bộ môn nghệ thuật bác học này?
- Trước hết phải khẳng định rằng mỗi bộ môn nghệ thuật có khán giả riêng của nó. Với môn nghệ thuật bác học như ô-pê-ra ba-lê thì việc "cơ động, xung kích" để đến với công chúng rất khó khăn vì không phải ở đâu cũng có thể biểu diễn phục vụ đông đảo công chúng được. Bởi vậy một trong những vấn đề trọng tâm của Nhà hát NVK Việt Nam là phải có một "Chiến lược khán giả" cho Ô-pê-ra ba-lê Việt Nam để "kéo" khán giả đến với Nhà hát. Thực ra không phải khán giả Việt Nam không hiểu, không thích ô-pê-ra ba-lê. Bằng chứng là vào những năm 60 ở nước ta, Nhạc vũ kịch đã có một thời kỳ "hoàng kim" với một lực lượng khán giả rất đông đảo thuộc nhiều tầng lớp nhân dân. Gần đây, có chương trình hoà nhạc giao hưởng hợp xướng, Nhà hát đã bán sạch vé mà vẫn còn rất nhiều người đăng ký, trong đó quá nửa số vé là bán cho khán giả Việt Nam. Đây là kết quả bước đầu thực hiện "Chiến lược khán giả" của Nhà hát NVK, với một số biện pháp chính là: Lập một danh sách e-mail khán giả để thường xuyên thông báo chương trình, trao đổi thông tin cần thiết và bán vé giao tận nhà. Hiện nay danh sách này đã có trên 500 địa chỉ và vẫn đang tiếp tục tăng. Đồng thời, Nhà hát thành lập một Câu lạc bộ khán giả với nhiều biện pháp hỗ trợ, ưu đãi tạo điều kiện cho các thành viên được thưởng thức bộ môn nghệ thuật này. Bốn năm gần đây, được sự đồng ý của Bộ VH-TT và sự giúp đỡ của quỹ Ford, chúng tôi đã triển khai thực hiện dự án “Khám phá âm nhạc và múa cổ điển” dành cho học sinh và sinh viên (HS-SV). Thực chất, đây là chương trình “sân khấu học đường” ngoại khóa, dưới hình “sân chơi nghệ thuật” để HS-SV tiếp cận, khám phá những tinh hoa nghệ thuật của Ô-pê-ra Ba-lê. Chương trình đã được hiện tại hơn 20 tỉnh, thành phố trong cả nước, với hàng trăm buổi biểu diễn, giao lưu cùng hàng chục vạn lượt HS-SV. Sắp tới tổng kết chương trình này, chúng tôi sẽ cho biên tập, in ấn hàng vạn cuốn sách và đĩa CD cấp phát cho các trường học.
* Ô-pê-ra Ba-lê là nghệ thuật 'nhập ngoại", vậy phải xây dựng một nền NVK Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" như thế nào?
- Những nền nghệ thuật ô-pê-ra ba-lê lớn trên thế giới như ở Pháp, Nga, Hung-ga-ri, Cu-ba...đều có phong cách riêng và mang đậm bản sắc văn hoá của các dân tộc đó. Chúng ta cũng đã từng có một thời kỳ phát triển bộ môn nghệ thuật này với những thành tựu được coi như là kinh điển của "Ô-pê-ra ba-lê Việt Nam" như: Tấm Cám, Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Cô Sao v.v... Liên hoan kịch múa toàn quốc lần thứ nhất tổ chức năm 2001 cũng có nbiều tác phẩm xuất sắc như: Ngọc trai đỏ, Núi Đôi, Kiều Nguyệt Nga... Chào mừng những ngày kỷ niệm lớn trong 2 năm 2004-2005, chúng ta đã dàng dựng nhiều vở kịch múa đặc sắc được dư luận đánh giá cao như: Đất nước đứng lên (Trường Đại học VHNT Quân đội), Trương Chi (Nhà hát NVK Việt Nam) v.v…Từ những kinh nghiệm thực tiễn trên đây, theo tôi chúng ta hoàn toàn có thể tiếp tục xây dựng và phát triển một nền nghệ thuật Ô-pê-ra Ba-lê Việt Nam "tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc" trên cơ sở khai thác những đề tài Việt Nam, âm nhạc Việt Nam, kết hợp với việc đầu tư bồi dưỡng, đào tạo chính qui cả trong nước và ở nước ngoài một đội ngũ nghệ sĩ ô-pê-ra Ba-lê Việt Nam có tài, có tâm và sống được bằng chính nghề của mình.
* Xin cảm ơn ông!
Mai Nam Thắng (Thực hiện)