QĐND - Thầy Cường nhìn hai vợ chồng học trò cưng ôm nhau mà ứa nước mắt. Hai người chỉ có 5 chi lành lặn. Hai số phận qua lời mai mối của thầy, đã run rủi hòa vào nhau, gắn kết trong một mái ấm gia đình. Thầy Cường thầm ước, sắp tới, cặp đôi này sẽ có những đứa con khỏe mạnh, không thiệt thòi như bố mẹ chúng...
Khuyết tật chứ không khuyết tài
Đầu thập niên 1990, khi thể thao cho người khuyết tật mới manh nha ở Việt Nam, thì HLV Đổng Quốc Cường, khi đó là giảng viên Trường Đại học TDTT TP Hồ Chí Minh, kiêm cộng tác viên cho Trung tâm TDTT quận Tân Bình, đã ấp ủ ước mơ dạy bơi cho người khuyết tật. Chuyện nghe đơn giản nhưng để cụ thể hóa ước mơ này không dễ chút nào. Nhớ lại chuyện cách đây gần 20 năm, HLV Đổng Quốc Cường tâm sự: “Hồi đó, ra đường cứ phải quan sát những người bán vé số ngồi xe lăn, nhìn kỹ từng động tác, cử chỉ, cơ bắp của họ, xem anh nào có vẻ “ngon” là tôi lân la mua vé số vài ba lần, rồi gợi chuyện, mời đi tập bơi. Có đứa hỏi: Tập có tiền không? Mới tập chưa có tiền, nhưng sẽ có tương lai. Nghe tôi nói vậy, mấy đứa chịu liền”.
Thế rồi, HLV Đổng Quốc Cường đã thuyết phục lãnh đạo Trung tâm TDTT quận Tân Bình cho thành lập CLB bơi thể thao người khuyết tật. Ngay sau khi ra đời, câu lại bộ đã có khá đông người khuyết tật trên địa bàn tham gia. Tại đây, các học viên khuyết tật được tập bơi miễn phí và cuối tuần có thêm cơ hội sinh hoạt cùng nhau. Năm 1997, khi thể thao người khuyết tật bắt đầu được đưa vào hệ thống thi đấu quốc gia, với Hội thi văn nghệ-thể thao được tổ chức tại tỉnh Quảng Trị, các VĐV bơi khuyết tật ở CLB của HLV Đổng Quốc Cường đã trở thành hạt nhân, giúp đoàn thể thao người khuyết tật TP Hồ Chí Minh dẫn đầu toàn quốc. Với kết quả lạc quan ban đầu, HLV Đổng Quốc Cường đã lao vào viết giáo án, nhằm đưa phong trào chung lên hướng thể thao thành tích cao với việc nâng giờ tập lên 4 giờ/ngày.
 |
HLV Đổng Quốc Cường cười bảo: “Vài năm nữa, tôi sẽ mai mối cho cậu này”. |
Kể từ đó đến nay, đội tuyển bơi lội khuyết tật quốc gia luôn có quân của thầy Cường, số lượng có khi chiếm tới quá bán, giành được rất nhiều HCV ParaGames, châu Á, thế giới…
Nói về các học trò của mình, ông Đổng Quốc Cường, HLV đội tuyển bơi khuyết tật quốc gia và TP Hồ Chí Minh, khẳng định: “VĐV khuyết tật chứ không khuyết tài”.
Ngoài thành tích chuyên môn xuất sắc, HLV Đổng Quốc Cường đến nay đã trực tiếp xe duyên, tác thành cho hơn 10 cặp vợ chồng tại CLB bơi khuyết tật Tân Bình. Không chỉ vun vén tình cảm cho các đôi bạn trẻ, ông còn đứng ra tổ chức hôn lễ, làm chủ hôn, rồi xác lập kế hoạch tương lai cho các học trò. Đáp lại tấm chân tình của thầy, học trò đều gọi ông là bố, nhờ ông đặt tên con và coi ông như ông nội (ngoại) của con mình.
|
Từ "cặp đôi hoàn cảnh" đến "cặp đôi hoàn hảo"
Đưa các học trò lên đỉnh cao vinh quang nhưng trong thâm tâm, thầy Cường vẫn trăn trở một điều, sau này bọn trẻ sẽ ra sao, không lẽ cứ ngày ngày đi xe lăn bán vé số, rồi sống đơn lẻ trong mấy mét vuông? Trong đầu người thầy nung nấu ý nghĩ, phải chủ động ghép đôi cho bọn nhỏ thôi, đứa ngồi xe lăn sẽ ghép với VĐV đi lại bình thường; con bé khuyết tật nặng ghép với VĐV nam khuyết tật nhẹ… Để thực hiện ý tưởng trên, HLV Đổng Quốc Cường chủ động thu xếp giờ luyện tập cho các đôi ông nhắm thấy ưng ý, rồi từ những câu trêu đùa tếu táo, đến những lần tâm sự rất thật của thầy với trò, nhiều học trò của ông đã nên vợ, thành chồng.
Đến giờ, HLV Đổng Quốc Cường vẫn không quên được đám cưới đầu tiên do ông tác thành, giữa hai học trò Trần Đắc Thắng và Lê Thị Hiền. Đó là năm 2004, hôn lễ của đôi bạn trẻ được tổ chức ở nhà thờ xóm Chiếu, quận 4. Đồng đội ở đội tuyển bơi khuyết tật quốc gia, ở CLB bơi khuyết tật TDTT quận Tân Bình chứng kiến hôn lễ, không một ai cầm được những giọt nước mắt hạnh phúc.
Tuy nhiên, cũng có những “ca khó”, mà theo lời HLV Đổng Quốc Cường, đó là lần ông xe duyên cho VĐV khuyết tật Nguyễn Thị Minh Lý và cậu học trò của ông-trợ lý HLV Nguyễn Hoàng Anh. Nguyễn Hoàng Anh cao to đẹp trai, nhà ở Cần Thơ, lại là con một nên khi gia đình biết tin con mình yêu VĐV khuyết tật thì phản đối dữ dội. Vượt qua mọi rào cản, Nguyễn Hoàng Anh vẫn quyết nên duyên vợ chồng với Minh Lý. Tuy nhiên, mẹ Nguyễn Hoàng Anh vẫn đe: Bữa ăn hỏi, nếu tôi nhìn mặt người yêu anh mà không ưng thì đừng nói chuyện cưới xin.
Qua Tết Nguyên đán 2005, gia đình Nguyễn Hoàng Anh đi ăn hỏi bằng ghe, vào nhà gái ở cầu Mỹ Quý, xã Tân Hội, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang. Ở TP Hồ Chí Minh, HLV Đổng Quốc Cường đứng ngồi không yên vì sợ gia đình nhà trai bỏ về giữa chừng. Thầy Cường gọi điện cho học trò Minh Lý, dặn: “Giờ thầy gọi cho con, con nghe, rồi để điện thoại xuống bàn, nếu thành công thì báo thầy một tiếng”. Bà Đặng Thị Ngọc Lan (mẹ Hoàng Anh) dẫn đầu đoàn ăn hỏi vào nhà gái, vừa nhìn thấy Minh Lý (xinh xắn) liệt nặng, không di chuyển được, bà ôm chầm lấy con dâu tương lai khóc nức nở. Minh Lý hạnh phúc ngập tràn, mếu máo: “Thầy ơi, được rồi”.
Hiện nay, vợ chồng Hoàng Anh - Minh Lý sống rất hạnh phúc cùng hai thiên thần bé nhỏ là: Bé gái Nguyễn Hoàng Minh Châu (18-9-2006) và cu tí Nguyễn Hoàng Minh Ngọc (1-6-2012). Tổ ấm bé nhỏ của họ ở xã Vĩnh Lộc, quận Bình Chánh lúc nào cũng đầy ắp tiếng cười. Bữa tôi qua chơi, hỏi chuyện “chiều nay bà xã Minh Lý nấu món gì đãi chồng”, thì Lý khoe: “Hôm nay anh Hoàng Anh đi làm được về sớm, nên bọn em cho các cháu đi chơi thú nhún, rồi ăn tiệm luôn”.
HLV Đổng Quốc Cường vẫn hay nói khích các nam VĐV trong đội tuyển bơi khuyết tật: “Các cậu là một lũ vô tích sự, gái đẹp trong đội toàn để trai ngoài vào cua. Các cụ có câu “nhất cự ly, nhì tốc độ”, thế mà…”. Hình như lời nói khích của thầy luôn có tác dụng vì trung bình một năm, HLV Đổng Quốc Cường lại mai mối thành công, rồi đứng ra tổ chức hôn lễ cho một đôi uyên ương trong đội. “Sang năm, tôi nhẩm tính sẽ là đám cưới của… Thôi, không nói ra, sợ "nói trước bước không qua". Cũng có đôi tôi mai mối, yêu nhau một thời gian rồi "đường ai nấy đi". Buồn quá! Những lúc đó tôi tự nhủ, có lẽ số trời chưa cho bọn trẻ ở bên nhau. Với lại, "ép dầu ép mỡ ai nỡ ép duyên". Chỉ lo cho mấy đứa con gái, gặp phải người không tử tế thì khổ.
Thương như con đẻ
Có bận, thầy Cường biết chuyện có người lợi dụng sự thiếu thốn tình cảm của các nữ học trò, tính làm chuyện bậy, thầy gọi đám học trò lên, nói thẳng: “Từ giờ trở đi, nếu các con có bạn trai, thì phải kêu lên gặp thầy. Nếu anh nào không lên gặp thầy, thì các con phải cảnh giác”. “Quả nhiên có đứa không lên gặp tôi, rồi bảo với mấy đứa nhỏ anh ngại lắm. Thế rồi mấy thằng đó cũng từ từ rút ra, không lợi dụng chuyện tình cảm, tiền bạc của VĐV khuyết tật. Tôi vẫn nhớ lần gặp chồng của VĐV khuyết tật Lê Thị Hương, vốn là kỹ sư, tôi nói thẳng: “Hương bị khuyết tật, đã một lần bất hạnh rồi. Cậu hạ quyết tâm lấy Hương thì mong rằng sau này vợ chồng luôn thương yêu nhau. Cậu đừng làm chuyện gì để Hương phải bất hạnh thêm lần nữa”.
Trong câu chuyện bên hồ bơi Trung tâm TDTT Tân Bình, HLV Đổng Quốc Cường cho tôi xem ảnh các học trò của ông. Các nữ VĐV khuyết tật đều rất đáng yêu và duyên dáng. Trò chuyện một hồi với HLV Đổng Quốc Cường, tôi kêu: “Trông chú gầy hơn so với tháng trước”. “Đúng rồi, tôi sụt mất mấy cân”. “Chú lo cho đội tuyển chuẩn bị dự Asian ParaGames 2014?”. “Không, dạo này bọn trẻ giận nhau dữ quá, lại còn ghen tuông nữa chứ. 1, 2 giờ sáng, có đứa còn gọi chuyện kể tội chồng. Tôi bảo con ạ, mình là phận nữ, việc gì cũng phải nhẹ nhàng, từ tốn khuyên bảo, chớ có mặt nặng mày nhẹ, ăn nói thiếu cẩn trọng mà hỏng việc. Rồi có “rể” điện thoại mách: Thầy ơi, thầy kêu học trò mở cửa cho con vào. Con nhậu về muộn chút xíu, vợ con cũng không cho vào nhà. Trời sắp mưa rồi thầy… Đấy, toàn chuyện con nít không thôi à. Bọn chúng ghen tuông đến là đáo để”.
Qua câu chuyện của thầy Cường, rồi những buổi nói chuyện với các VĐV khuyết tật tại CLB bơi quận Tân Bình, tôi được biết VĐV khuyết tật ở đây, cứ gặp chuyện gì khó khăn lại “a lô” cho thầy Cường. Đêm hôm đang ngủ, có trò gọi gấp: “Thầy ơi, mưa to nhà con bị dột, thầy qua giúp con với”. VĐV khác thì bộc bạch: “Con muốn mua xe máy, để đi lại cho thuận tiện, thầy cho con vay tiền nghe” hoặc “Thầy ơi, từ tối tới giờ thằng nhỏ nhà con sốt quá. Con lại không có tiền đưa cháu đi viện, thầy cho con vay”… Không lẽ lại từ chối, bảo đến sáng sẽ giúp cũng không được, trẻ con sốt đâu phải chuyện đùa. Thế rồi, đêm hôm thầy Cường tức tốc phóng xe đến nhà học trò, đưa tiền, chở hai mẹ con vào viện. “Vợ tôi bảo: “Nhà có hai đứa, ông lo mãi chẳng xong, cứ mải lo chuyện thiên hạ”. Bà nói vậy thôi chứ thương học trò tôi lắm. Lâu lâu bọn nhỏ không qua thăm, bà ấy lại bần thần.
Bữa trước, chuẩn bị ra Hà Nội, đến chào HLV Đổng Quốc Cường, ông bảo: “Mấy lần trước, tôi quên chưa tâm sự chuyện này. Ngày trước, học trò của tôi là gánh nặng của nhiều gia đình. Ngoài xã hội, không ít người có những suy nghĩ thiếu tích cực về người khuyết tật. Bây giờ, những học trò của tôi lại là trụ cột gia đình. Nhiều VĐV khuyết tật thi đấu thành công, tiền thưởng cả trăm triệu đồng. Đã có người mua nhà, sửa nhà, mua xe máy, mua ruộng cho bố mẹ, trang trải tiền ăn học cho các em… Tôi nghĩ, xã hội cần có đánh giá và có cái nhìn công bằng, đúng đắn hơn về người khuyết tật”.
Bài và ảnh: ĐÌNH HÙNG