QĐND - Tết con ngựa mà sắm quà Tết là những sản phẩm của ngựa để ăn Tết và biếu tặng người thân, kể cũng hay hay và thật ý nghĩa. Bởi con ngựa là biểu trưng cho sự nhanh nhẹn, mạnh mẽ, may mắn… “Mã đáo thành công” mà!
Theo kinh nghiệm dân gian và ý kiến của các chuyên gia y tế thời nay, cao ngựa rất tốt với những người cao tuổi, già yếu; trẻ em suy dinh dưỡng, biếng ăn, còi xương; phụ nữ sau kỳ sinh nở… Một số sản phẩm khác từ ngựa, như: Rượu ngâm pín ngựa (mã pín tửu), giò chả ngựa xúc xích ngựa xông khói v.v.. không chỉ là những món khoái khẩu của giới mày râu đệ tử lưu linh, mà còn là thực phẩm bổ dưỡng và là những vị thuốc quý của mọi đối tượng gái trai, già trẻ…
 |
Một góc phân xưởng sản xuất của Công ty Chu Việt |
Từ lâu, dân ta đã biết nấu cao ngựa và chế biến nhiều món ăn từ thịt ngựa, pín ngựa… Khoảng một thập niên gần đây, “cao ngựa Chu Việt” đã trở thành một thương hiệu lớn, nổi tiếng không chỉ trong nước mà còn được nhiều khách hàng nước ngoài biết đến. Cùng với đó là những sản phẩm khác của Chu Việt có nguồn gốc từ ngựa, như: Giò chả ngựa, xúc xích ngựa hun khói, mã pín tửu ... cũng là những món thực phẩm khá được ưa chuộng trên thị trường khắp trong Nam, ngoài Bắc. Nghe nói, vài năm nay, các sản phẩm trên còn được xuất sang nhiều nước châu Á và cả một số nước châu Âu. Hiện nay, Công ty Chu Việt là đơn vị đầu tiên ở Việt Nam sản xuất và chế biến các sản phẩm từ ngựa có uy tín nhất, với dây chuyền sản xuất hiện đại khép kín, theo tiêu chuẩn ISO 22.000.2005; đoạt danh hiệu “Cúp vàng Thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng”.
Chuyện về công dụng của các sản phẩm từ ngựa và danh tiếng của Công ty Chu Việt thì có lẽ nhiều người đã biết. Nhưng chuyện ông Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần tài chính, đầu tư, xây dựng Chu Việt (gọi tắt là Công ty Chu Việt) từng là chiến sĩ Trường Sa, thì chắc còn nhiều người chưa tỏ. Vâng, sau 3 năm phục vụ trên đảo Phan Vinh (quần đảo Trường Sa), Trung sĩ, Khẩu đội trưởng ĐKZ Lê Hải Châu được xuất ngũ ra quân vào năm 1988. Đó là thời kỳ “mở cửa, bung ra” của công cuộc đổi mới, Lê Hải Châu quyết dấn thân vào thương trường. Nhưng rồi vốn ít, kinh nghiệm ít cùng rất nhiều hệ lụy của cơn lốc “cơ chế thị trường” đã khiến anh nhiều lúc trắng tay. Không nhụt chí, anh lại thử sức với một vài ngành nghề khác, nhưng vận may vẫn không mỉm cười với anh. Thậm chí, có lúc anh phải bán nhà, bán tài sản sinh hoạt để trả nợ.
 |
Doanh nhân Lê Hải Châu trực tiếp lựa chọn những giống ngựa tốt, khỏe mạnh từ trong nước và nước ngoài để làm nguồn nguyên liệu cho công ty. |
Một doanh nghiệp đàn anh an ủi: Thôi thì trong cái rủi có cái may là mình được tôi luyện, được học hỏi những điều khôn ngoan trong làm ăn. Cậu có nhớ câu chuyện Tái ông mất ngựa không? Không ngờ, lời an ủi của đồng nghiệp lại làm lóe lên trong đầu Lê Hải Châu một ý tưởng: Tái ông mất ngựa! Ở nhỉ, tại sao ta không thử bắt đầu từ con vật biểu tượng của sự mạnh mẽ, nhanh nhẹn, may mắn này? Và anh bắt tay vào kinh doanh các sản phẩm từ ngựa. Ban đầu chỉ là những lạng cao ngựa nấu thủ công, tiến đến thành lập công ty vào năm 2001 với nhiều nhà xưởng có các dây chuyền chế biến hiện đại, với nhiều loại sản phẩm khác nhau. Đến nay, cơ ngơi của Chu Việt đã là một tập đoàn kinh doanh đa ngành, có trụ sở khắp ba miền, nhưng cao ngựa và các loại thực phẩm chế biến từ ngựa vẫn là những mặt hàng chính, làm trụ cột của thương hiệu Chu Việt. Quả đúng là con ngựa đã mang lại may mắn, thành công cho Lê Hải Châu!
Bây giờ thì Lê Hải Châu nổi tiếng không chỉ là “ông cao ngựa” mà còn là một nhà hoạt động xã hội tích cực. Dù luôn bận rộn với công việc của một người “thuyền trưởng” đưa con thuyền Chu Việt vượt ra biển lớn, Lê Hải Châu còn đảm nhiệm nhiều chức trách trong các tổ chức đoàn thể chính trị-xã hội: Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam (khoá VII), Phó chủ tịch Hội Giáo dục, chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Thông tin - Khoa học-Công nghệ Việt Nam, Phó chủ tịch Hội Hữu nghị Việt-Đức TP Hồ Chí Minh; Phó Tổng biên tập Tạp chí Thông tin & Phát triển, Chủ tịch Hội đồng doanh nghiệp Việt Nam - Mông Cổ….
Nhưng với Lê Hải Châu, đó chỉ là những công việc “chức phận” của một công dân. Sâu thẳm trong tâm khảm anh là tình cảm đối với cộng đồng, nhất là với những số phận bất hạnh, những người có công với dân, với nước mà nay cuộc sống còn nhiều khó khăn, túng thiếu. Và anh âm thầm, lặng lẽ với công việc uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa. Con số gần 30 tỷ đồng mà Công ty Chu Việt làm công tác từ thiện, tài trợ cho các chương trình vì lợi ích cộng đồng trong những năm gần đây là xuất phát từ tâm nguyện đó.
 |
Cán bộ, công nhân viên công ty quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung bị bão lụt, năm 2013. Ảnh: Thái Bình |
Trong hành trang hướng thiện của Lê Hải Châu, có rất nhiều bức thư với những lời cảm kích của những yếu nhân, những văn nghệ sĩ dành cho anh, như những dòng viết tay của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Giáo sư Trần Văn Khê, đạo diễn Lê Cung Bắc, họa sĩ Lê Trí Dũng ... Đặc biệt là những lá thư cảm ơn, những thông tin tốt lành từ nhiều miền quê của đất nước gửi về cho biết, cao xương ngựa Chu Việt đã giúp họ khỏi bệnh, tăng cường sức khỏe.
Còn một điều nữa chắc nhiều người cũng chưa biết: Cựu chiến binh Trường Sa Lê Hải Châu quê nội ở Củ Chi, TP Hồ Chí Minh, quê ngoại ở đất lúa Thái Bình-châu thổ sông Hồng. Anh sinh ra và lớn lên ở thủ đô Hà Nội, là con trai của một cán bộ miền Nam tập kết, một sĩ quan cấp cao của Quân đội nhân dân Việt Nam. Truyền thống quê hương, truyền thống gia đình, văn hóa Thăng Long… là những yếu tố quan trọng hun đúc nên ý chí của một doanh nhân và tình cảm của một nhà từ thiện mang tên Lê Hải Châu.
BÙI MINH