 |
Ông Luận (bên phải) đang trò chuyện cùng tác giả |
Bước sang tuổi 60, chân đã mỏi, gối đã chùng, thân thể luôn bị vết thương cũ hành hạ nhưng khát khao tìm đồng đội vẫn thôi thúc ông Lê Quang Luận (thương binh hạng 4/4, ở khu phố 8, phường Quang Trung, Hà Đông, Hà Nội), vượt suối, băng rừng, trở về chiến trường xưa tìm hài cốt liệt sĩ. “Ngày nào tôi còn bước được, tôi sẽ còn đi tìm cho bằng được đồng đội đưa về với gia đình, quê hương” - Ông chia sẻ nỗi lòng.
Day dứt lời thề…
Khum tay che gió, đánh lửa châm bó hương đỏ rực rồi cắm lên bát hương trước tượng đài liệt sĩ, quay sang tôi, giọng ông Luận nhòa trong tiếng nấc:
- Năm ấy tôi vừa tròn mười tám, cũng tại mảnh đất Hà Đông này, 6 thanh niên trong làng cùng rủ nhau viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Vậy mà giờ đây, người trở về, người còn nằm lại ẩn khuất trong những cánh rừng…
Trong cảm xúc bị nén chặt, giọng ông nghèn nghẹn chìm trong khói hương chiều nghĩa trang liệt sĩ Hà Đông ảm đạm, linh thiêng. Ký ức đồng đội hiện về đánh thức tuổi mười tám, đôi mươi của ông và những bạn bè đồng ngũ ngày ấy tỉnh giấc…
… Mùa hè năm 1967, làng Đơ nhỏ bé tan hoang sau trận ném bom điên cuồng của đế quốc Mỹ. Đêm trước ngày nhập ngũ, dưới mái đình Hà Trì, sáu chàng trai xã Hà Cầu (Luận, Long, Nhuệ, Cao, Trường, Dự) ôm chặt lấy nhau cùng nguyện thề dưới ánh trăng hạ tuần tháng 6. Một giọng nói vang lên trong giây phút thiêng liêng: “Chúng mình ra đi không được phép đứa nào đào ngũ, thề hy sinh cho Tổ quốc, quê hương. Đứa nào còn sống phải có trách nhiệm với gia đình người đã chết và đưa hài cốt trở về…”.
Vào quân ngũ, ông Luận được biên chế về đơn vị thông tin, học lớp báo vụ rồi làm Đài trưởng 15W (Tiểu đoàn 17, Sư đoàn 2, Quân khu 5), tham gia chiến đấu ở chiến trường Quảng Nam, Quảng Ngãi…
Sau lời chúc Tết của Bác Hồ, giờ “G” hiệu lệnh Tổng tiến công Tết Mậu Thân, năm 1968 bắt đầu. Ông tham gia trận đánh đầu tiên vào khu căn cứ Khâm Đức, Phước Sơn (Quảng Nam). Cuộc chiến diễn ra hết sức ác liệt. Ngồi trong hầm điện đài, trái tim ông như có ai bóp chặt khi nghe tin Nguyễn Đức Nhuệ đã anh dũng hy sinh trên cao điểm E, núi Pùm Pum. Không kịp vĩnh biệt bạn, nén nỗi đau, ông tiếp tục lao vào cuộc chiến đấu. Trên đường hành quân qua mộ bạn, ông chỉ kịp ngước nhìn nơi bạn yên nghỉ, lòng nguyện thầm: “Hãy yên giấc Nhuệ nhé, phù hộ cho mình sống sót, nhất định sẽ có ngày toàn thắng, mình đưa bạn trở về”…
- Không lâu sau đó tôi cũng bị thương trong một trận bom rải thảm của địch, đồng đội tôi hy sinh khá nhiều…
Ông nén nỗi xúc động, cầm tay tôi sờ lên vết thương cũ trên đầu. Mặt ông nhăn nhó, hai hàm răng cố nghiến chặt. Vết thương đã liền sẹo, nhưng chai sần.
… Trận đó, tuy bị thương, nhưng nỗi đau vết thương hành hạ ông không bằng nỗi đau về tinh thần khi chứng kiến đồng đội mình ngã xuống. Ông vẫn gượng dậy tham gia chôn cất, mai táng đồng đội trong nước mắt giàn giụa. Ông cố ghi nhớ trong đầu từng ngôi mộ, để sau này có dịp trở lại đưa về.
Ông ngồi bần thần bên những ngôi mộ đồng đội mới đắp, trái tim như quặn thắt. Trước giờ chiến trận, gặp người bạn học cùng lớp hồi phổ thông, Nguyễn Văn Hạnh, người làng Vạn Phúc (Hà Đông). Hai người ôm nhau dưới chân dốc mừng mừng, tủi tủi, bất ngờ Hạnh nói: “Lần này đánh ở Minh Long, mày về báo tử giúp tao”. Không ngờ đấy cũng là lần gặp cuối cùng. Trận đánh núi Tróc Trài (Nghĩa Hành, Quảng Ngãi), Hạnh dũng mãnh ôm khẩu trung liên xông lên, một tràng đạn địch quạt ngang. Hạnh ngã xuống, lời dặn ấy như mũi dao khắc sâu vào tâm khảm ông…
Khoác ba lô ra khỏi cuộc chiến tranh, ông trở về với cuộc sống đời thường. Trăn trở với cơm, áo, gạo, tiền nhưng ông vẫn không thể nguôi ngoai được những lời trăng trối của đồng đội trước khi nhắm mắt. Trong ông vẫn luôn canh cánh một điều day dứt rằng những đồng đội của ông vẫn còn nằm lại giữa những cánh rừng lạnh giá heo hút…
Khát khao tìm đồng đội
Chuyến trở về chiến trường xưa tìm đồng đội đầu tiên được ông thực hiện vào năm 1993. Dịp ấy đã cận kề cái Tết Giáp Tuất, người người nườm nượp về quê đón Tết. Thấy ông sắm sửa lên đường, có người khuyên: “Năm hết Tết đến rồi, chú thư thư sang năm đi cũng được, ở nhà còn giúp gia đình chuẩn bị đón Tết”.
- Biết là vậy nhưng lòng tôi không yên, đêm đêm cứ chợp mắt là hình ảnh Hạnh lại hiện về, có lẽ cái cảnh tượng Hạnh ôm tôi rồi dặn dò: “Mày về báo tử cho tao” luôn ám ảnh, khiến tôi day dứt…
Ông dừng câu chuyện, đưa tay quệt hai giọt nước nơi khóe mắt. Tôi thấy sống mũi mình cũng cay cay…
Chiều cuối năm mưa bay bay, gió bấc thổi về lạnh thấu xương. Người lính già khoác ba lô đi ngược dòng người về quê đón Tết, trong lòng nặng trĩu ưu tư, phải quyết tâm đưa bằng được đồng đội về kịp đón Tết với gia đình dù phải trải qua bao gian khổ, khó khăn.
Chuyến ấy ông trở lại Nghĩa Hành (Quảng Ngãi), nơi liệt sĩ Nguyễn Văn Hạnh đã nằm lại. Gần 25 năm trôi qua, mọi cảnh vật đã thay đổi. Ông tìm lên đồi, lau lách um tùm, chen kín lối đi. Đến nơi mộ của đồng đội thì chẳng còn dấu tích. Lần tìm mãi, ông mới được biết, sau khi chôn cất, mộ liệt sĩ Hạnh bị bom B52 ném gần trúng. Thương tình, một người dân đã đào lên đưa về chôn trong vườn nhà. Sau giải phóng người ta đưa về nghĩa trang huyện Nghĩa Hành. Ông lặn lội lên nghĩa trang xin đưa đồng đội mình về quê.
Bố liệt sĩ Hạnh ôm ông Luận, giàn giụa nước mắt: “Gia đình không biết lấy gì để trả ơn con. Nếu không có con, chắc suốt đời này bố sẽ không bao giờ được đón thằng Hạnh về. Bây giờ đã thoả ước nguyện bấy lâu, bố có nhắm mắt cũng yên lòng”.
Mọi người xúm lại cảm ơn ông và đưa quà gửi về vợ con đón Tết, ông kiên quyết từ chối. Ông về đến nhà khi trời đã nhá nhem tối. Ngước nhìn lên tường ông mới chợt giật mình, tờ lịch ngày 29 Tết ai vừa xé còn nằm lại trên bàn. Bánh chưng thơm lừng, vợ ông mới vớt để cúng tất niên…
Sau chuyến đi tìm hài cốt liệt sĩ Hạnh, lòng ông vẫn cứ khắc khoải không yên, lời nguyện thề đêm trước ngày nhập ngũ giày vò. Ông quyết lên đường đi tìm liệt sĩ Nhuệ.
- Có lẽ chuyến đi tìm liệt sĩ Nhuệ là vất vả nhất chú à, phải ngược xuôi đi đến lần thứ ba mới tìm và đưa được anh ấy về. Dù vất vả nhưng tìm được là tôi cảm thấy yên lòng.
Chuyến ấy, ông vào đến Phước Sơn, Quảng Nam, thật không may, trời đổ mưa tầm tã hơn chục ngày liền. Đường dốc lầy lội, vai mang ba lô nặng trĩu, tay chống gậy, đôi chân thương tật, ông phải dò dẫm, trầy trật lê từng bước một. Suốt gần cả tháng trời tìm kiếm không ngơi nghỉ, cứ sáng tinh mơ leo lên núi đến tối xẩm mới lần mò xuống, đôi chân ông rã rời, như muốn rụng ra, vậy mà vẫn không thấy dấu tích mộ liệt sĩ Nhuệ ở đâu. Lương thực mang theo đã cạn kiệt, thế là ông đành ra về mà trong lòng không nguôi day dứt.
Mãi đến lần thứ ba quay trở lại, kiên trì tìm kiếm suốt mấy ngày liền, dường như được linh hồn liệt sĩ phù hộ, ông mới tìm được liệt sĩ Nhuệ ở trên yên ngựa núi Pùm Pum…
Danh sách liệt sĩ được ông tìm kiếm, quy tập về quê hương ngày một dài thêm. Các liệt sĩ Nguyễn Tài Châu (Hoài Đức, Hà Nội), Lê Khắc Chi (phường Quang Trung), Đoàn Văn Hạnh (Thanh Oai, Hà Nội), Đỗ Văn Tỵ (phường Vạn Phúc), Lê Phi Hùng (Duy Tiên, Hà Nam)… lần lượt được đưa về trong niềm xúc động khôn tả của gia đình, người thân và đồng đội.
Mỗi năm hai lần ông trở lại chiến trường xưa lặn lội kiếm tìm. Vào mùa mưa không thể lên đường, ông lại ngồi chăm chú theo dõi các chương trình “Nhắn tìm đồng đội” trên ti-vi, Đài Tiếng nói Việt Nam… ghi chép cẩn thận thông tin từng liệt sĩ để sắp xếp thời gian đi tìm. Đêm đêm, khi vợ con đã ngủ say, ông cặm cụi ngồi viết thư thông báo cho các gia đình về thông tin liệt sĩ. Đến nay, ông đã đưa về quê hương an táng 63 liệt sĩ, hơn 200 thông tin liệt sĩ đang yên nghỉ ở các nghĩa trang được thông báo tới gia đình trong quá trình ông đi tìm đồng đội.
Hơn 15 năm qua, người thương binh già gom góp những đồng lương hưu ít ỏi, cộng thêm tiền bà nuôi lợn, những lúc rảnh rỗi lại chạy xe ôm kiếm thêm thu nhập. Tất cả ông tập trung cho những cuộc hành trình đi tìm đồng đội.
- Có một chuyện cho đến giờ tôi vẫn day dứt, ân hận mãi trong lòng. Đầu tháng 9 năm 1969, tôi chỉ huy một bộ phận đi nhận gạo chuẩn bị cho chiến dịch ở ấp Tịnh Thọ (Sơn Tịnh, Quảng Ngãi). Trên đường trở về bị địch phục kích, Nguyễn Văn Hưng quê ở Thạch Thất (Hà Tây cũ) bị hy sinh, tôi trực tiếp chôn cất. Giờ muốn đưa liệt sĩ Hưng về nhưng không làm sao liên lạc được với gia đình vì tôi không nhớ rõ liệt sĩ Hưng ở xã nào.
Ông nắm tay tôi thật chặt ở bậc thềm lúc chia tay thổn thức. Hai khóe mắt ông ầng ậng nước. Chiều Hà Đông mưa lất phất bay...
PHAN THẾ HIỂN