QĐND Online - Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày truyền thống Đánh thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân và dân miền Bắc (2 và 5-8-1964 / 2 và 5-8 - 2014), chúng tôi đã có dịp đi thực tế gặp gỡ những cựu chiến binh đã trực tiếp tham gia chiến đấu, góp phần làm nên chiến thắng trận đầu có ý nghĩa vô cùng quan trọng và ghi lại những câu chuyện về trận  chiến đấu không khoan nhượng đánh đuổi lũ “giặc trời” khỏi khu vực biển miền Bắc nước ta.

Bắn trúng từ loạt đạn đầu

Ngoài 70 tuổi, nhưng ông Bùi Mạnh Hùng, trú tại khu tập thể Đoàn 6, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng còn khá khỏe mạnh. Tự tay pha trà mời khách và trong câu chuyện với chúng tôi, ông dường như trẻ lại khi nhớ về kỷ niệm những năm tháng tham gia chiến đấu góp phần làm nên chiến thắng trận đầu.

Đầu năm 1963, chàng thanh niên Bùi Mạnh Hùng tạm biệt làng quê Hải Thịnh, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định lên đường nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), ông được phân công về thực hiện nhiệm vụ tại tàu săn ngầm của lực lượng Hải quân mang ký hiệu 225, Đoàn 200. Được về làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu trên một trong những con tàu hiện đại nhất của Hải quân nhân dân Việt Nam lúc bấy giờ, ông phấn khởi lắm. Ở vị trí pháo thủ số 2,  người thanh niên xuất thân từ vùng biển Hải Thịnh hăng say luyện tập cách nhận biết các loại máy bay địch; cách bắt “tốc độ”, tính toán phần tử, xạ kích...Do đặc thù đối với pháo tàu săn ngầm là phải kiêm nhiệm rất nhiều việc khó khăn vất vả, nhiều khi phải huấn luyện đêm, trong lúc say sóng vẫn phải đeo mặt nạ phòng hóa... nhưng Bùi Mạnh Hùng và đồng đội vẫn không nản chí, quyết tâm luyện tập, chờ đón một ngày “nhả đạn” về phía quân thù.

 Đại tá Bùi Mạnh Hùng và cuốn nhật ký ghi chép về chiến thắng trận đầu.

Thời khắc chiến đấu rồi cũng đến. Khoảng 14 giờ chiều ngày 5-8-1964, đội hình máy bay Mỹ bao gồm từ 3 đến 5 chiếc F5 lao vào tấn công vùng biển của ta. Tàu của ông được lệnh rời cảng, tiến ra khu vực Cửa Lục (Bãi Cháy). Đường cơ động rộng, máy bay địch “bu” vào tấn công đội hình chiến đấu của ta. Phát hiện mục tiêu bay từ hướng tây nam, thuyền trưởng Lê Văn Chừng hạ lệnh, các pháo thủ trên tàu 225 bình tĩnh tính toán phần tử, xạ kích và nhả đạn...Từng loạt đạn rền vang và trong mịt mùng khói lửa, một chiếc máy bay Mỹ đã phải “đền tội”...

Sau chiến công chung ấy, tàu 225 được cấp trên khen thưởng, riêng cá nhân pháo thủ Bùi Mạnh Hùng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Nhưng với ông, điều mừng vui nhất là sau trận đánh này, tàu 225 của ông bảo đảm an toàn, không ai hy sinh.

Lần đầu tham gia chiến đấu trong một trận đánh ác liệt và giành thắng lợi, chiến sĩ Bùi Mạnh Hùng được điều chuyển về Trung đoàn 71. Trên cương vị là khẩu đội trưởng pháo, ông đã tham gia gần 30 trận đánh, trong đó có những trận đánh bảo vệ Nhà máy Xi măng Hải Phòng, Nhà máy điện Hải Phòng, bảo vệ cầu Long Biên, nhà máy điện Yên Phụ và Cầu Đuống... Với những thành tích nổi bật trong rèn luyện và chiến đấu, chiến sĩ Bùi Mạnh Hùng được cử đi học, trải qua nhiều cương vị công tác và được thăng quân hàm Đại tá.

Hiện tại, người cựu chiến binh tham gia đánh thắng trận đầu năm xưa đã nghỉ hưu, vui tuổi già tại khu tập thể Đoàn 6, phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng. Khi được hỏi về khả năng hoàn thành nhiệm vụ của Bộ đội Hải quân hiện nay, ông Bùi Mạnh Hùng tin tưởng: Bộ đội Hải quân hiện tại khác nhiều so với thời kỳ chúng tôi tham gia đánh thắng trận đầu. Đội ngũ sĩ quan được đào tạo cơ bản, hệ thống vũ khí, trang bị kỹ thuật được đầu tư hiện đại, phát huy yếu tố xây dựng con người, tôi tin Bộ đội Hải quân có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ dù kẻ thù xâm lược có mạnh đến đâu.

Sáu lần vinh dự được đưa, đón Bác

Đến thăm nhà Đại tá, cựu chiến binh Trần Bạch ở khu tập thể Hải quân X70 (TP Hải Phòng), nhìn trên tường ở những vị trí trang trọng nhất, ngoài những tấm huân huy chương, huy hiệu 50, 55 tuổi đảng, chúng tôi đặc biệt ấn tượng với những bức ảnh người cựu chiến binh, thuyền trường Hải quân này đã được chụp chung với Bác Hồ trong những lần vinh dự được đưa, đón Người. Tuy đã ngoài 80 tuổi, sức khỏe giảm sút nhiều, nhưng khi nhắc đến Bác Hồ, nhắc đến chiến thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân thì bỗng nhiên ông lại trở lên hào hứng lạ thường.

Quân nhân Trần Bạch vinh dự được Bác Hồ mời ngồi ăn cơm cùng và trò chuyện (Ảnh Chụp lại)

Trong cuộc đời quân ngũ của mình ông đã vinh dự 6 lần được gặp và đưa đón Bác. Riêng ngày 20-3-1959 là lần đầu tiên Bác về thăm Bộ đội Hải Quân, con tàu do quân nhân Trần Bạch làm  trưởng ngành cơ điện khi ấy, đã vinh dự được đưa đón Bác. Một vinh dự lớn lao không thể quên khi người phụ trách “trái tim con tàu” ấy được Bác mời ngồi ăn cơm cùng và trò chuyện. Bức ảnh tình cảm và mang tính lịch sử vô cùng quý giá ấy được ông treo ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà của mình.

Cùng với những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh, thời trai trẻ của Đại tá Trần Bạch cũng gắn liền với chiến thắng trận đầu của Hải quân nhân dân Việt Nam và quân, dân miền Bắc. Gợi về những diễn biến đầy máu lửa trong chiến thắng trận đầu cách đây 50 năm,  người lính già nguyên là thuyền trưởng tàu 120 trong đội hình của căn cứ 1 nhớ lại:

- Khoảng 11 giờ trưa ngày 5-8-1964, khi cả tàu đang ăn cơm thì toàn căn cứ nhận được lệnh báo động, cơ động ra khu vực Cửa Lục thả neo thành “đội hình phòng không”, mỗi tàu cách nhau 400 mét để bảo vệ và chi viện cho nhau, sẵn sàng đánh máy bay địch. Cùng lúc này, đài quan sát báo máy bay địch xuất hiện, tình huống chiến đấu trở nên vô cùng khẩn trương, toàn tàu làm công tác chuẩn bị chiến đấu. Bầu trời khu vực Cửa Lục cả một màu xám xịt, máy bay hải quân Mỹ bổ nhào từ hướng Cửa Lục, gặp núi, chúng vọt lên đồng thời bắn vào đội hình chiến đấu của căn cứ 1. Thuyền trưởng Trần Bạch đã mưu trí chỉ huy tàu lúc bẻ lái sang phải, khi lại ngoặt mũi sang trái để tránh làn bom đạn địch, đồng thời chỉ huy bộ đội trên tàu được trang bị pháo 40 ly và 12,7 mm phối hợp cùng các tàu bạn đánh trả máy bay địch. Trên bờ, các trận địa pháo của bộ đội ta ở khu vực bãi Cháy, phối hợp với dân quân du kích cũng đồng loạt nhả đạn, tạo thành lưới lửa phòng không nhả đạn về phía quân thù...

Trong trận chiến đấu không cân sức ấy, có lẽ  ông sẽ không bao giờ quên hình ảnh chiến sĩ Đồng Quốc Bình dùng xuồng bơi theo tàu tham gia chiến đấu, bị thương hai lần vẫn bình tĩnh tiếp đạn cho đồng đội, lần thứ ba bị thương bên sườn, anh dùng một tay giữ vết thương, tay còn lại chuyển tiếp những băng đạn cuối cùng cho đồng đội đánh địch và anh dũng hy sinh…Cùng với đó còn nhiều tấm gương chiến đấu dũng cảm khác thể hiện khí phách và tinh thần Việt Nam, góp phần tạo tạo nên chiến thắng trận đầu của Bộ đội Hải quân và quân và dân miền Bắc.

 Đại tá Trần Bạch kể về diễn biến đầy máu lửa trong chiến thắng trận đầu cách đây 50 năm

Đại tá Trần Bạch là thuyền trưởng trực tiếp chỉ huy, tham gia cùng đồng đội thuộc căn cứ 1 chiến đấu với địch trong một trận chiến đấu không cân sức, vũ khí, trang bị của chúng mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần nhưng vẫn phải chuốc lấy thất bại nặng nề. Nay tuổi đã cao, trở về với cuộc sống đời thường, nhưng với ông, hình ảnh người lính Hải quân và biển khơi vẫn là những điều rất đỗi gần gũi, thân thương. Chia sẻ về những kinh nghiệm trong huấn luyện và chiến đấu, người thuyền trưởng tàu 120 trong đội hình căn cứ 1 năm xưa cho rằng: Cùng với làm tốt công tác chính trị tư tưởng, Bộ đội Hải quân nhân dân Việt Nam được huấn luyện cơ bản về kỹ, chiến thuật, sát điều kiện thực tế chiến đấu. Bên cạnh đó, họ còn được trau rèn một bản lĩnh không dao động trước khó khăn thử thách, một tinh thần dám đánh, quyết đánh và quyết thắng và điểm tựa chính nghĩa đó là chiến đấu bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ Quốc và đã chiến đấu thắng lợi.

Quyết trả thù cho đồng đội

Cùng nhập ngũ năm 1963 với ông Bùi Mạnh Hùng và qua thời gian huấn luyện ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), quân nhân Nguyễn Quốc Chủng, quê ở tỉnh Ninh Bình được điều về làm chiến sĩ pháo thủ tàu 124 thuộc căn cứ 1. Trong trận chiến đấu với quân thù ngày 5-8-1964, cán bộ chiến sĩ trên tàu 124 đã chiến đấu vô cùng quả cảm, khôn khéo. 4 cụm pháo 37 mm được bố trí trên tàu liên tục nhả đạn về phía máy bay địch khiến nhiều lúc chúng phải vòng ra xa không dám bổ nhào ném bom vào đội hình của căn cứ 1. Tuy nhiên, vào khoảng 14 giờ chiều hôm ấy tàu của ông bị trúng đạn-rốc-két 2 lần vào phía mạn phải. 2 cụm pháo 37 mm bị hỏng, pháo thủ số 2 Nguyễn Văn Chinh bị thương nặng, quân nhân Nguyễn Văn Yến, Trưởng ngành cơ điện của tàu phải lao xuống khoang lấy đạn cho pháo thủ chiến đấu. Rồi, một trong những lần cơ động ấy, người phụ trách “ trái tim của con tàu” đã trúng đạn rốc-két của địch và anh dũng hy sinh. Trả thù cho đồng đội cụm pháo 37 mm do Nguyễn Quốc Chủng làm pháo thủ vẫn liên tục nhả đạn về phái máy bay địch, khiến chúng phải vòng ra xa rồi mất dạng.

Thượng tá Nguyễn Quốc Chủng (bên trái) kể chuyện chiến đấu cách đây 50 năm

Lần đầu tiên tham gia chiến đấu với một thế trận không cân sức, trong đội hình căn cứ 1, tàu 124 đã chiến đấu đầy quả cảm khiến lũ “giặc trời” khiếp sợ cút khỏi vùng biển miền Bắc nước ta. Sau trận chiến đấu đó, toàn tàu được biểu dương khen thưởng và pháo thủ Nguyễn Quốc Chủng được thưởng Huân chương Chiến công Hạng 3.

Sau chiến thắng trận đầu, ông và đồng đội còn tham gia nhiều trận chiến đấu, trong đó có nhiệm vụ bí mật, cơ động vào khu vực cửa Hội tham gia chiến đấu chống biệt kích. Với những thành tích trong huấn luyện và chiến đấu, quân nhân Nguyễn Quốc Chủng được cấp trên cử  đi học rồi trở thành sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá.

Được hỏi, ngày ấy bí quyết gì đã giúp chúng ta, những con tàu nhỏ bé với những trang bị thô sơ so với kẻ địch vẫn chiến đấu và chiến thắng kẻ thù, cựu chiến binh, Thượng tá Nguyễn Quốc Chủng cười hiền nói: Trước mỗi trận đánh, chúng ta đã có những sự chuẩn bị rất kỹ về công tác cán bộ, công tác tư tưởng, không hề run sợ và ỷ lại vào vũ khí. Chính vì vậy, khi trận chiến diễn ra hết sức khốc liệt, khó khăn gian khổ, bom đạn cận kề, nhưng không ai tỏ ra hoang mang, run sợ mà hướng tất cả căm hận, trút đạn về phía quân thù và điều này đã khiến kẻ địch khiếp sợ, chúng ta đã chiến thắng.

Ghi chép của NGÔ DUY ĐÔNG