Đã gần 70 năm theo Đảng làm cách mạng mà nay được tin Đảng ta phát động cuộc vận động Học tập và làm theo đạo đức Hồ Chí Minh, tôi thực sự vui mừng. Mừng cho Đảng ta đã làm đúng điều cần làm và mừng vì đây là cơ hội để soi lại mình, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện theo tấm gương đạo đức của Bác.

Cuộc vận động này đã “điểm trúng huyệt” – cái yếu cốt tử hiện nay trong Đảng ta-là có một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên bị chi phối bởi mặt trái của cơ chế thị trường, đồng tiền đã làm nhiều người tha hóa, biến chất; sao nhãng việc giáo dục, tu dưỡng đạo đức, lối sống cách mạng. Hậu quả của việc đạo đức đang bị xói mòn thì những năm qua toàn xã hội đã biết.

Nhân báo Quân đội nhân dân mở mục Những lời tâm huyết, tôi muốn kể lại một câu chuyện cách đây hơn 60 năm. Đó là thời kỳ Nhà nước non trẻ của chúng ta phải đối phó với thù trong giặc ngoài, bị đe dọa từ nhiều phía-thế nước ngàn cân treo sợi tóc: Bọn phản động Việt Quốc, Việt Cách theo chân quân Tàu Tưởng điên cuồng hoạt động chống phá hòng lật đổ chính quyền ta. Chúng vu cáo Chính phủ ta ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946 là bán nước cho Pháp. Tại phiên họp thứ 2, Quốc hội khóa 1, Chính phủ phải làm rõ vấn đề này.

Trước tình hình ấy, Đảng đoàn Việt Minh (gồm các đại biểu Đảng Cộng sản, Đảng Xã hội và Đảng Dân chủ) phải họp trù bị trước để đối phó với 70 đại biểu Việt Quốc, Việt Cách trong Quốc hội. Tôi được phân công thay mặt Đảng Dân chủ, chất vấn Chính phủ về việc ký Hiệp định sơ bộ 6-3-1946. Bản chất vấn này, tôi phát biểu dài 20 phút, nhằm làm rõ tính đúng đắn, khôn khéo của Chính phủ Hồ Chí Minh khi ký Hiệp định, đã được các đại biểu hoan nghênh. Anh Tạ Quang Bửu (lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng) bắt tay tôi, nói bằng tiếng Pháp: “Đây là bản chất vấn có giá trị nhất!”. Tôi vui lắm.

Sáng hôm sau tôi được gọi lên gặp Bác Hồ. Bác trò chuyện với tôi thật thân tình. Bác nói: Bài chất vấn của chú rất đầy đủ, không có gì sai nhưng giọng nói của chú khá mạnh-nhất là lúc nêu trách nhiệm của Chính phủ. Nói như vậy dễ gây hiểu nhầm là đại biểu Đảng Dân chủ chưa thật tin tưởng vào giá trị của bản Hiệp định.

Để giúp tôi hiểu rõ hơn, Bác cầm cây bút chì màu, nhẹ nhàng đưa cho tôi. Rồi Bác nhận lại cây bút chì, đứng cách xa tôi khoảng hơn một mét, phóng thẳng vào tay tôi. Tôi bắt không kịp, bút lao vào bụng. Bác tươi cười giải thích: Chú thấy chưa, cũng là đưa cây bút chì nhưng có hai cách: Đưa nhẹ nhàng và ném mạnh!...

Trong lúc nước sôi lửa bỏng, Bác vẫn bình tĩnh, tỉnh táo xử lý các tình huống. Bác không chỉ lắng nghe nội dung tôi phát biểu mà còn quan tâm đến âm lượng, sắc thái và hiệu quả của lời nói. Bác không răn dạy bằng những lý luận cao siêu mà dùng hình thức tâm tình mộc mạc, dễ hiểu, dễ nhớ. Đó là phương pháp tư tưởng của Bác, là tiêu biểu của cốt cách văn hóa Việt Nam.

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, tôi luôn ghi nhớ lời dạy của Bác. Làm việc gì cũng phải thấu tình đạt lý; thuyết phục mọi người bằng hành động nêu gương và phải bắt đầu từ tình cảm chân thành. Đó là cách tốt nhất để đi vào lòng người, cảm hóa con người. Đó không chỉ là đạo đức của người cán bộ cách mạng, mà là nhân sinh quan cho tất cả mọi người!

HUỲNH VĂN TIỂNG (phường Nguyễn Cư Trinh, quận 1, TP Hồ Chí Minh)