QĐND - Sáng sớm tinh mơ hôm qua, thứ bảy ngày 24-5, tôi dậy rất sớm ngồi bên chiếc bàn nhỏ cạnh vài cụm cây xanh, có một búp huệ đỏ vừa chớm nở ngay sân nhà. Cậu liên lạc đưa cho tôi tờ Báo Quân đội nhân dân còn ấm mùi mực in mà anh em tòa soạn chuyển tới tặng hằng ngày. Như có một linh tính, sau khi lướt qua trang nhất, tôi mở ngay trang 8 xem mục tin buồn. Ôi! Anh Hoàng Linh, Đại tá, Phó giáo sư, Nhà giáo ưu tú, nguyên Chủ nhiệm Khoa Tâm lý-Giáo dục học quân sự của Học viện Chính trị đã ra đi.
 |
Đại tá Hoàng Linh |
Tôi nhớ mãi ngày 1-5-1964, từ một thông tin viên ở Sư đoàn 312, tôi được điều về Báo Quân đội nhân dân, đúng lúc anh Hoàng Linh, Phó tổng biên tập thường trực, quyền Tổng biên tập, đã có quyết định sắp chuyển vào cơ quan Văn phòng Tổng cục Chính trị làm chuyên viên nghiên cứu lý luận. Anh Văn Phác, Tổng biên tập Tạp chí Văn nghệ quân đội vừa sang thay anh Hoàng Linh. Anh Linh vẫn còn trực tòa soạn thêm một thời gian ngắn. Là người cùng Đại đoàn-Sư đoàn 312, tôi biết anh là Phó chính ủy kiêm Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn 141, rất có uy tín, từng đánh thắng trận Phủ Thông, trận cao điểm 600-400 trên đỉnh Ba Vì và nhiều trận quyết chiến ở Điện Biên Phủ.
Chỉ hai ngày sau khi nhận nhiệm vụ làm phóng viên quân sự, tôi đã được anh Hoàng Linh kéo về nhà riêng ở 12 Lý Nam Đế, một phòng nhỏ trên lầu 1. Anh pha trà, mời tôi ăn kẹo lạc rồi dốc bầu tâm sự. Giọng anh nhỏ nhẹ, rất ấm:
- Này, Hồng Phương bây giờ là phóng viên trẻ nhất tòa soạn đấy nhé. Mình thèm cái tuổi của cậu lắm. Phóng viên quân sự là phải đi đến những mũi nhọn của cuộc sống mới có tin hay, bài hay. Tớ xem các bài viết về điển hình bắn giỏi của Tiểu đoàn Phủ Thông và viết về Đại úy Phan Thống, cán bộ Ba nhất của sư đoàn ta, mình thấy cậu nhanh, nhạy đấy. Cậu nêu được con người và sự kiện rất trúng. Cậu nên phát huy sức trẻ vào tác phẩm của mình ngay từ chuyến đi đầu tiên nhé. Phải đánh thắng trận đầu để tạo đà, để gây men say mà phát triển nghề nghiệp về sau...
- Nhưng thưa anh!-Tôi xen vào-em còn trẻ quá. Xung quanh em toàn người giỏi, giàu kinh nghiệm. Nên chắc còn phải mày mò học hỏi, học lỏm các anh nhiều…
- Đúng vậy! Nhưng làm báo là phải bình đẳng về nghề, phải tự tin đấy em ạ, khiêm tốn không phải là biết vâng dạ, mà chính là ở chỗ anh có chịu học người khác không, nhất là những người tài, có học qua tác phẩm của họ hay không? Học phải đến nơi đến chốn. Mà học là phải dám nhận việc khó, làm ra ngay tác phẩm báo chí nhanh nhất, tốt nhất-có thế mới trở thành nhà báo Hồng Phương được.
- Dạ! Dần dần em cũng nghiệm ra điều đó-Tôi nói xen vào.
Giọng anh Hoàng Linh vẫn đầm ấm và càng lắng sâu hơn:
- Mà mình nói thêm: Học không phải chỉ khen người ta viết hay bài này, tin kia. Quan trọng nhất là phải biết lần ra quá trình người ta tư duy, tìm ra ý tứ, tìm ra câu từ, tìm ra tài liệu hay ở đâu đó. Nó từ đâu ra, nó do đọc, hay quan sát hay suy nghĩ mà có? Do tích lũy chắt lọc, hay do giỏi làm hồ sơ-tư liệu mà người khác chưa chắc đã làm được? Có thể rút ra điều này-Hồng Phương nhớ thấy một cái tít hay phải lần ra quá trình lao động sáng tạo của người ta, từ đâu mà có, mình có làm được không? Mình thiếu cái gì…
Tôi ngồi nghe, không hề ghi chép mà nhớ như in những lời của anh Hoàng Linh cho đến tận bây giờ.
Sau cuộc trò chuyện với anh Hoàng Linh, tôi được cử về Trung đoàn Sông Lô 209 để viết một tin cấp tốc. Đi về khu gang thép Thái Nguyên-nơi Trung đoàn 209 đóng quân làm tin và về ngay trong ngày. Đêm viết xong tin về hoạt động kiểm tra trình độ sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn, nộp ngay lên Thư ký tòa soạn. Không ngờ đêm hôm đó anh Hoàng Linh vẫn còn trực và duyệt tin bài. 10 giờ đêm rồi, anh Linh bảo đồng chí Vũ Chính, Thư ký tòa soạn, đưa ngay tin cho anh xem. Anh chữa tin rất nhanh và quyết định dành đất trang 1 cho đăng tin này có kèm xã luận khoảng 600 đến 700 chữ. Nhưng ai viết xã luận bây giờ? Anh Tô ân, Phó trưởng phòng Phòng biên tập Quân sự đã về phòng ngủ rồi. Tôi định chạy về gọi. Nhưng anh Hoàng Linh bảo: “Để tớ viết cho. Tớ nắm được thông tin của cậu đưa rồi, tin tốt đấy. Có lẽ toàn quân phải gấp rút kiểm tra nâng cao trình độ sẵn sàng chiến đấu như Trung đoàn 209 đang làm. Tớ mới đọc tin nhanh, đã có 3 tàu chiến của Hạm đội 7 rập rình ngoài biển rồi…”.
Thế là anh Hoàng Linh ngồi viết. Thấy anh ngồi ngẫm nghĩ vài phút, gạch đầu dòng mấy ý rồi viết một mạch. Viết xong, anh đưa cho tôi xem qua và đưa đi đánh máy. Cô Phán đang trực chờ bản thảo. Cô đánh rất nhanh, chỉ 6 hay 7 phút là xong bài xã luận với tiêu đề: “Toàn quân khẩn trương kiểm tra trình độ sẵn sàng chiến đấu”.
Thật lạ, hay là có sự trùng hợp, chỉ 3 tháng sau diễn ra sự kiện ngày 5-8 không quân và hải quân Mỹ mở cuộc ném bom, tập kích lớn vào Hòn Gai (Quảng Ninh), Lạch Trường (Thanh Hóa), sông Gianh (Quảng Bình)… bộ đội ta với trình độ sẵn sàng chiến đấu cao đã giáng trả đích đáng, bắn rơi 8 máy bay Mỹ, bắt sống 1 giặc lái, đó là tên Trung úy An-va-rét. Trong những giờ phút oanh liệt đó, sao mà tôi nhớ anh Hoàng Linh. Anh không còn ở tòa soạn nữa. Anh đã nhận nhiệm vụ ở cơ quan Văn phòng Tổng cục Chính trị, làm Tổ trưởng Tổ nghiên cứu lý luận về tâm lý học và tâm lý học quân sự. Chỉ một thời gian không dài, anh đã ra mắt cuốn sách dày như một giáo trình lớn về tâm lý học Mác - Lê-nin trước sự thán phục của giới nghiên cứu lý luận hồi đó, mặc dù anh không được đi học dài ngày ở Liên Xô-Trung Quốc như nhiều đồng chí khác.
Anh yêu nghề báo máu thịt biết chừng nào. Nhưng hầu như từ đó anh không còn làm báo thời sự nữa. Dù vậy, các nhà chính trị quân sự nghiên cứu lý luận vẫn không bao giờ quên bài luận văn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp mà anh được chấp bút, được trình bày đóng khung trang trọng trên trang nhất Báo Quân đội nhân dân cách đây hơn 50 năm với nhan đề: “Một số vấn đề về đoàn kết quốc tế của Đảng ta”.
Anh Hoàng Linh ơi! Em biết anh về làm Phó tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân từ cuối năm 1961 và rời khỏi báo vào mùa hè nóng bỏng 1964. Chỉ 3 năm thôi, mà sao dấu ấn của anh để lại đã in sâu trong lớp trẻ bọn em ở tòa soạn hồi đó như thế.
Em viết bài này khi anh không còn nữa. Em đang ở Thành phố Hồ Chí Minh. Mong anh nhận lấy một vài kỷ niệm mà em kể trên đây, như một nén hương thơm của một đứa em nhỏ nhoi xứ Nghệ, quê hương của Bác Hồ kính yêu, để tiễn biệt anh về nơi an nghỉ cuối cùng, anh Hoàng Linh nhé!
HỒNG PHƯƠNG