Mấy bữa trước, nhà văn Mã Thiện Đồng, chị Đinh Thanh Thủy (Giám đốc Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) và tôi có hẹn sắp xếp thời gian đến thăm chú Hai Thương. Nghe đâu chú bị bệnh nặng lắm. Nhà văn Mã Thiện Đồng bảo, hai tháng trước chị có đến thăm chú Hai Thương, thấy sức khỏe chú đã yếu. Mã Thiện Đồng là tác giả cuốn sách nổi tiếng “Người bị CIA cưa chân 6 lần” viết về cuộc đời Anh hùng LLVT nhân dân, Thiếu tá tình báo Nguyễn Văn Thương, do Nhà xuất bản Tổng hợp TP Hồ Chí Minh ấn hành. Vậy mà lời hẹn của chúng tôi chưa kịp thực hiện thì sáng 14-8, nhận được tin chú Hai Thương từ trần. Con người được mệnh danh bất tử, được chính kẻ thù ví như một khối sắt, trải qua 6 lần bị cưa chân trong những năm tháng nước sôi lửa bỏng của cách mạng vẫn bất khuất, hiên ngang, nhưng cuối cùng không thể tránh khỏi “lưỡi cưa” khắc nghiệt của tạo hóa. Chú Hai Thương vĩnh viễn rời xa chúng ta ở tuổi 81, khép lại một cuộc đời hào hùng, bi tráng, điển hình cho phẩm chất tuyệt vời của một chiến sĩ cộng sản.
 |
Đồng đội, người thân đến thăm chú Hai Thương, tháng 6-2018. Ảnh: THIỆN ĐỒNG
|
Nghề báo đã cho tôi cái duyên được gặp gỡ con người huyền thoại ấy từ hơn 10 năm trước và được chú yêu quý như người thân. Ngày đó, tôi tìm đến nhà riêng của chú ở quận Bình Thạnh, vừa bước vào phòng khách thì trời chuyển mây vần vũ rồi mưa như trút. Cô Tư (bà Tư Em, vợ chú Hai Thương) vội vã pha nước gừng nóng chườm chân cho chồng. Cô bảo, mỗi khi trái gió trở trời là hai mỏm chân của chú lạnh ngắt, đau nhức. Cô thường lấy gừng tươi giã nhuyễn, chế nước ấm, pha thêm vài giọt rượu và chút muối để chườm, giữ ấm cho chú. Tôi xin phép được giúp cô Tư chăm sóc chú Hai. Khoảnh khắc gần gũi ấy khiến tôi sửng sốt khi nhìn thấy hai chân của người anh hùng bị cụt đến sát mông. Hơn 4 thập kỷ trôi qua nhưng những vết cắt nham nhở mà kẻ thù áp dụng để tra tấn chú vẫn còn in rõ trên cơ thể. Chú Hai Thương di chuyển bằng hai bàn tay và mông trên những chiếc ghế gỗ nhỏ.
Biết tôi ở Báo Quân đội nhân dân, chú Hai Thương nhắc: “Báo của cháu có anh Nguyễn Trần Thiết, đã viết nhiều tác phẩm về chú. Anh ấy yêu quý và giúp đỡ chú nhiều lắm. Những nhà báo chiến sĩ đã kinh qua chiến tranh, họ thấu hiểu hơn ai hết giá trị của xương máu đồng đội nên sống tình nghĩa, thủy chung. Lần nào vào Sài Gòn, anh Thiết cũng đến thăm chú”!
Tôi cũng đã đọc một số tác phẩm của nhà báo, nhà văn Nguyễn Trần Thiết viết về chú Hai Thương. Có thể nói, Báo Quân đội nhân dân là tờ báo đầu tiên đưa hình ảnh, tấm gương sáng ngời của người anh hùng Nguyễn Văn Thương thông qua ngòi bút của Nguyễn Trần Thiết đến với độc giả sau ngày đất nước thống nhất. Từ đó đến nay, đã có rất nhiều tác giả viết về chú Hai Thương. Nhân vật huyền thoại này cũng đã đi vào điện ảnh, sân khấu, truyền hình. Tôi là người đi sau, lại non kinh nghiệm, viết về người anh hùng quả cảm này thực là một thử thách. Sau nhiều lần đến thăm chú, tôi xin phép được viết về mối tình của cô chú. Đó là mảng đề tài như những vỉa quặng nằm ở tầng sâu, chưa được nhiều người khai thác. Sau khi Báo Quân đội nhân dân đăng loạt ký sự dài kỳ “Đời làm vợ tình báo”, tôi đem báo đến biếu cô chú. Đọc bài xong, chú Hai Thương bảo: “Cô ấy hy sinh vì chú nhiều lắm. Nếu không có cô, không có tình yêu đôi lứa hòa quyện trong tình yêu Tổ quốc, có lẽ chú khó vượt qua những thử thách lớn trong đời”.
Những năm tháng Hai Thương ở trong tù, nghiến răng, vã mồ hôi, chết đi sống lại cả mấy chục lần nghe tiếng lưỡi cưa của kẻ thù rít ken két vào xương ống chân, cũng là thời điểm Tư Em bị kẻ thù dụ dỗ, mua chuộc, đe dọa, mang tiếng oan là gái chửa hoang phải bỏ xứ đi xa mưu sinh. Nỗi đau và sự hy sinh xương máu, hy sinh danh dự của vợ chồng người chiến sĩ tình báo chỉ người trong cuộc mới cảm thấu, không thể chia sẻ với bất cứ ai, kể cả bố mẹ. Rồi cái ngày Tư Em biết tin Hai Thương bị giam ở nhà tù Biên Hòa, cô phải giả dạng người quen vô thăm, thấy chồng bị mất hai chân, người tong teo như que củi, cô phải nhét nắm tay vào mồm để không bật lên tiếng hét, tiếng khóc. Đau lắm! Thương lắm!...
Tôi hỏi chú Hai:
- Dạ thưa chú! Cho đến bây giờ, nhiều người vẫn không hiểu, sức mạnh từ đâu mà chú có thể chịu đựng những trận tra tấn tàn khốc của kẻ thù như vậy?
Chú Hai nói:
- Sức mạnh từ Tổ quốc! Làm tình báo, bất luận trong mọi hoàn cảnh, mình phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc. Chỉ một chút sơ sẩy hay nhượng bộ, mình sẽ bị kẻ địch triệt để lợi dụng, khai thác. Trước khi nhận nhiệm vụ, chú đã thề trước Tổ quốc, trước Đảng, sẵn sàng chấp nhận hy sinh vô điều kiện để giữ bí mật.
Không phải lúc vô tù kẻ thù mới tra tấn mà ngay khi chú bị bắt vào tháng 2-1969, tụi thám báo đã dùng lưỡi lê chọc thủng đùi của chú để trả thù việc chú bắn rớt máy bay và tiêu diệt 3 thằng trong đội hình tụi nó. Nếu bữa đó súng chú không hết đạn, sẽ còn khối thằng bỏ mạng. Khi vô tù, sau khi mua chuộc bằng đô la, gái đẹp nhưng bất thành, trong vòng ba tháng, CIA đã cưa chân chú đến 6 lần, mỗi lần cắt một khúc và cấy vi khuẩn gây ngứa vào vết thương. Nhưng tất cả đều bất lực trước sức mạnh phi thường và lòng trung thành tuyệt đối của người chiến sĩ cộng sản. Về sau, tên sĩ quan chỉ huy lực lượng CIA trực tiếp tra tấn Hai Thương đã hỏi ông:
- Rốt cuộc, ông là con người hay khối sắt?
Hai Thương đáp:
- Tôi cũng là con người như các ông. Tra tấn là việc của các ông. Bổn phận của tôi là chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc!
Viên sĩ quan CIA trố mắt:
- Không! Ông không phải là con người như chúng tôi. Ông là một sinh vật bằng thép!
Câu chuyện của người anh hùng tình báo trở thành biểu tượng của tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên trung. Đó là những bằng chứng hùng hồn chứng minh sự tất thắng của cách mạng Việt Nam trước bom đạn và sự bạo tàn của kẻ xâm lược. Những năm gần đây, có mấy lần tôi được theo chú đi giao lưu với cựu chiến binh, cán bộ, chiến sĩ các đơn vị quân đội, đoàn thanh niên và học sinh các trường học. Ở đâu chú cũng nhắn nhủ thế hệ trẻ về lòng yêu nước, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với nhân dân...
Chú Hai Thương ra đi giữa những ngày mùa Thu tháng Tám. Trong hào khí non sông, hào khí cách mạng soi rọi con đường của thế hệ trẻ hôm nay và mai sau, mãi mãi có hình bóng của chú với nụ cười hiền từ và khí phách hiên ngang.
PHAN TÙNG SƠN