QĐND - Ông Nguyễn Minh Vỹ sinh ngày 17-7-1914 trong một gia đình Hoàng tộc triều Nguyễn, tên khai sinh là Tôn Thất Vỹ. Thời thanh niên, học Trường Quốc học Vinh, ông bị đuổi học vì tham gia bãi khóa. Chuyển về học Trường Quốc học Quy Nhơn, ông tiếp tục hoạt động cách mạng rồi được kết nạp vào "Thanh niên Cộng sản Đoàn".
Ngày 19-7-1931, ông bị bắt, giam tại Quy Nhơn, bị Tòa án Nam triều kết án bảy năm tù khổ sai. Ngoài ra, ông bị triều đình Huế bắt không được ở trong hàng ngũ Hoàng tộc nữa, phải đổi theo họ Trương của mẹ và mang tên họ mới là Trương Vỹ. Ra tù, ông Trương Vỹ tiếp tục hoạt động, tham gia Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Bình Định. Thời gian này, ông còn tích cực tham gia hoạt động văn học trong nhóm "Thái Dương Văn Đoàn", gồm các nhà thơ nổi tiếng như: Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên, Phan Thanh...
 |
Lễ ký chính thức Hiệp định Pa-ri ngày 27-1-1973. Bốn người ngồi hàng đầu (từ trái qua phải) là các ông: Nguyễn Minh Vỹ, Xuân Thủy, Nguyễn Duy Trinh và Nguyễn Cơ Thạch. Ảnh tư liệu. |
Ngày 23-10-1945, thực dân Pháp tiến đánh Nha Trang - Khánh Hòa, ngăn chặn đường tiếp viện của các tỉnh miền Bắc chi viện cho miền Nam. Lúc này, ông lấy lại tên là Tôn Thất Vỹ, nhận nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hành chính tỉnh Khánh Hòa, đã cùng một số cán bộ chỉ huy quân sự như Phạm Kiệt, Thế Lâm, Lư Giang, Hà Văn Lâu, Hà Vi Tùng... lãnh đạo quân dân toàn tỉnh, tổ chức kháng chiến suốt 101 ngày đêm từ 23-10-1945 đến 2-2-1946. Thời gian này, ông đón các đoàn thị sát chiến trường của Chính phủ do các Bộ trưởng Lê Văn Hiến rồi tiếp đến là Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp chỉ huy, mang theo thư khen của Hồ Chủ tịch vào cho quân dân miền Nam.
Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên của nước ta, 6-1-1946, ông Tôn Thất Vỹ đã được bầu là đại biểu Quốc hội đầu tiên của tỉnh Khánh Hòa. Thời gian đầu kháng chiến, ông là Chủ nhiệm kiêm Tổng biên tập Báo Thắng của tỉnh Khánh Hòa, cùng ông Lý Văn Sáu xây dựng tờ báo đầu tiên của tỉnh... Năm 1954, theo đề nghị của ông, Ủy ban Kháng chiến miền Nam Trung Bộ đã ra Nghị định công nhận việc đổi tên, họ của ông thành Nguyễn Minh Vỹ.
Sau Chiến thắng Điện Biên Phủ và giải phóng Thủ đô, khi có lệnh tập kết ra Bắc, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Hội đồng Tập kết Liên khu 5, Chỉ huy trưởng Quân cảng Quy Nhơn, mang mật danh là "Trung tá Nam". Tiếp đó, ông nhận nhiệm vụ là Vụ trưởng Vụ Quan hệ Bắc Nam, Chủ nhiệm Báo Thống nhất, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục Thông tin kiêm Phó trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, tuyên truyền cho sự nghiệp đấu tranh thống nhất đất nước. Khi Mỹ bắt đầu đưa quân vào miền Nam, tiến hành chiến lược "Chiến tranh đặc biệt", tại kỳ họp Quốc hội khóa II năm 1962, ông Nguyễn Minh Vỹ được giao nhiệm vụ soạn bản dự thảo tuyên bố của Quốc hội tố cáo hành động của đế quốc Mỹ, kêu gọi dư luận tiến bộ trên toàn thế giới ủng hộ Việt Nam. Bác Hồ đã trực tiếp duyệt bản dự thảo này, chuyển Trưởng ban Thường trực Quốc hội Trường Chinh và Thủ tướng Phạm Văn Đồng xem lại. Bản dự thảo tuyên bố trên của Quốc hội với bút tích sửa chữa của Bác Hồ, hiện đang được lưu trữ tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.
Ngày 25-1-1969, Hội nghị bốn bên ở Pa-ri chính thức khai mạc giữa Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng hòa. Ông Nguyễn Minh Vỹ được quyết định làm phó đoàn đàm phán Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tại hội nghị. Ông đã cùng các thành viên trong đoàn thường nhắc nhau lời dạy của Bác Hồ trước khi lên đường sang Pa-ri:
"Các chú sang Pháp lần này sướng hơn Bác sang Pháp năm 1946 nhiều. Ở nhà ta chiến thắng, thế giới ngày càng hiểu ta, ủng hộ ta. Ngồi ở Pa-ri mà tố đế quốc Mỹ thì sướng lắm! Nhưng luôn nhớ Mỹ là nước lớn, nhân dân Mỹ yêu chuộng hòa bình và công lý cũng như trước đây ta hay nói Tây có hai thứ Tây: Tây thực dân và Tây nhân dân, cho nên phải nói năng cho khôn khéo".
Ngày 20-12-1972, trong phiên họp bốn bên lần thứ 171 ở Kléber-Paris, ông Nguyễn Minh Vỹ thay mặt đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vạch rõ sự bội tín của Mỹ, lên án bước leo thang chiến tranh nghiêm trọng của Mỹ ở Bắc Việt Nam rồi tuyên bố:
“... Để biểu thị sự phản đối hành động leo thang chiến tranh, những cuộc ném bom cực kỳ dã man và thái độ đàm phán lật lọng của phía Mỹ, phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với sự đồng tình của đoàn đại biểu chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam quyết định ngừng phiên họp 171".
Cả hai đoàn Việt Nam bỏ phiên họp ra về. Cuộc họp kéo dài có 58 phút.
Ngay sau đó, với danh nghĩa Phó trưởng đoàn, ông cùng bà Nguyễn Thị Bình và ông Lý Văn Sáu tổ chức các cuộc họp báo tuyên truyền cho đường lối và chính sách đối ngoại của phía ta, phản đối những hành động leo thang chiến tranh của đế quốc Mỹ, đặc biệt trong thời kỳ Mỹ dùng B-52 đánh phá miền Bắc nước ta. Cuối cùng, sau 174 phiên họp công khai của Hội nghị bốn bên ở Pa-ri, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký kết vào ngày 27-1-1973.
Ông Nguyễn Minh Vỹ mất ngày 29-9-2002, thọ 88 tuổi. Ông đã cống hiến cả cuộc đời mình ngay từ khi còn ở tuổi thanh, thiếu niên cho Tổ quốc. Cuộc đời ông đã gắn liền với những sự kiện lịch sử quan trọng của đất nước. Đánh giá công lao và thành tích của ông Nguyễn Minh Vỹ, Đảng và Nhà nước đã tặng thưởng ông Huân chương Độc lập hạng nhất cùng nhiều huân, huy chương cao quý khác. Năm 2008, nhà báo, nhà hoạt động quân sự, ngoại giao, nhà cách mạng lão thành Nguyễn Minh Vỹ được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh.
ĐỖ SÂM