QĐND - Nguyễn Khang (1919-1976) là người có nhiều năm tháng hoạt động cách mạng ở Thủ đô. Tháng 8 năm 1945, khi là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp phụ trách Hà Nội, ông đã sớm đưa ra quyết định Tổng khởi nghĩa ở Hà Nội - quyết định mà những người hoạt động cùng ông luôn coi là một bước đi táo bạo và không kém phần sáng tạo trong thời điểm ấy...
Nguyễn Khang tham gia cách mạng từ năm 1936 và ba năm sau được cử phụ trách Đoàn thanh niên phản đế liên tỉnh Hà Nội - Hà Đông - Sơn Tây - Bắc Ninh, sau đó tham gia Thường vụ Thành ủy Hà Nội. Năm 1941 ông bị thực dân Pháp bắt giam và đày đi Sơn La. Ba năm ở chốn lao tù của thực dân, ông đã vượt ngục và tiếp tục dấn thân vào con đường cách mạng, là Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ phụ trách An toàn khu của Đảng trong vùng Hà Nội-Hà Đông-Sơn Tây.
 |
Ông Nguyễn Khang. Ảnh tư liệu
|
Tìm hiểu về cuộc đời hoạt động cách mạng của Nguyễn Khang, chúng tôi đã tìm gặp các nhân chứng đang ở tuổi “xưa nay hiếm” và nhiều người trong số họ đều coi Nguyễn Khang là bậc đàn anh trong những tháng ngày cùng hoạt động. Đại tá Nguyễn Hải Hùng, nguyên Phó cục trưởng Cục Tuyên huấn-Tổng cục Chính trị và từng là Đội trưởng Đội Tự vệ xung phong ngoại thành Hà Nội trước Cách mạng Tháng Tám kể lại: “Trong thời gian hoạt động cách mạng, tôi biết anh Khang qua người vợ của anh là chị Tạ Thị Thọ-con gái nghệ sĩ xiếc Tạ Duy Hiển-người hoạt động cùng Đội Tự vệ xung phong ngoại thành. Anh Khang đã để lại dấu ấn cá nhân rất lớn, quy tụ được trí tuệ của anh em để chớp thời cơ giành chính quyền, tránh đổ máu. Anh cũng là người định ra phương thức rất đặc sắc trong vũ trang khởi nghĩa, đó là giành chính quyền bằng cách đánh vào chính quyền tay sai, tránh đụng độ với phát-xít Nhật”. Còn Đại tá Lê Trọng Nghĩa - nguyên Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội vẫn nhớ như in kỷ niệm với người cán bộ Xứ ủy trẻ tuổi ngày ấy: “Cuối tháng 5-1945, đồng chí Lê Đức Thọ giới thiệu tôi với anh Khang khi anh Khang là Thường vụ Xứ ủy phụ trách Hà Nội. Gặp anh Khang lần đầu tiên, tôi có cảm nhận anh là một cán bộ lãnh đạo trẻ, hiền lành và dễ gần. Nhưng sau này, qua các biến cố, tôi đã có những ấn tượng sâu sắc về anh, người đã để lại những dấu ấn đậm nét trong việc đánh sập chính quyền tay sai và tạo dựng chính quyền nhân dân ở Hà Nội, góp phần quan trọng đưa Tổng khởi nghĩa Tháng Tám đến toàn thắng”…
Ngày 15-8-1945, tại một cơ sở của Xứ ủy ở làng Vạn Phúc (Hà Đông), khi nghe tin phát-xít Nhật đầu hàng Đồng minh không điều kiện, Nguyễn Khang và các đồng chí Xứ ủy đã họp bàn và quyết định xúc tiến khởi nghĩa ở các tỉnh do Xứ ủy phụ trách. Sau khi mang nghị quyết khởi nghĩa ra Hà Nội và được chứng kiến sức mạnh của quần chúng khi biến cuộc mít tinh do Chính phủ bù nhìn tổ chức tại Nhà hát Lớn thành cuộc mít tinh nóng bỏng của Việt Minh, ngay chiều 17-8-1945, trở về An toàn khu (ATK) Hà Đông, Nguyễn Khang đã trao đổi với Trần Tử Bình (khi đó đang trực Xứ ủy) quyết định cho Hà Nội phát động khởi nghĩa và triệu tập hội nghị bàn kế hoạch thực hiện. Quyết định để Hà Nội khởi nghĩa được đưa ra chỉ hai ngày sau khi có tin Nhật đầu hàng phe Đồng minh và Pháp còn đang lúng túng trong chính sách cụ thể đối với Đông Dương. Trong khi ngày 17-8-1945 Đại hội Quốc dân Tân Trào mới bế mạc và có thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa. Trong điều kiện phương tiện giao thông khó khăn, lệnh khởi nghĩa không thể truyền nhanh tới các địa phương, nhưng căn cứ vào bản Chỉ thị của Trung ương: “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”, Nguyễn Khang đã quyết định cho Hà Nội đứng lên khởi nghĩa, quyết định ấy có thể coi như một sự sáng tạo, một cách chớp thời cơ để “vùng lên” giành chính quyền ngay từ khi mệnh lệnh chưa đến.
Ông Trần Tử Bình có kể lại trong cuốn hồi ký “Người Hà Nội” về thời khắc lịch sử ấy: “Trưa hôm đó, anh Nguyễn Khang ở Hà Nội vào cho biết là ở Hà Nội không khí cách mạng sôi sục lắm, tối qua (17-8) Khâm sai chính quyền bù nhìn đã rút lui để lại chính quyền cho một bọn ở trong cái gọi là Ủy ban chính trị có toàn quyền hành động, ta cần có chủ trương khởi nghĩa gấp”. Sau này, Nguyễn Khang cũng đã tâm sự: “Trước đây, khi suy nghĩ về khởi nghĩa, chúng tôi thật ra cũng chưa hình dung được sẽ tiến hành ở Hà Nội như thế nào. Lực lượng của địch ở đây rất lớn, nhưng sau buổi chiều ngày 17-8 ấy, chúng tôi thấy rằng rất có thể khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội được” (Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 - Đoàn Thanh niên cứu quốc Hoàng Diệu, NXB Lao động, 1999). Đề cập tới thời khắc quyết định, Đại tá Lê Trọng Nghĩa nhớ lại: “Sáng 17-8, anh Khang chỉ ra lệnh cho thanh niên xung phong phá cuộc mít tinh của giới công chức do Chính phủ bù nhìn tổ chức, sau đó rút lui. Khi đó anh còn ngại lực lượng của ta chưa thực sự sẵn sàng. Nhưng đến ngay chiều hôm đó, trước mắt tôi đã là một Nguyễn Khang khác hẳn. Về ATK báo cáo Xứ ủy, anh đặt vấn đề: Tất cả đã chín muồi, phải khởi nghĩa ngay!”.
Ngày khởi nghĩa ở Hà Nội được Xứ ủy và Thành ủy Hà Nội ấn định vào 19-8-1945. Để tổ chức lãnh đạo cuộc khởi nghĩa, ngày 18-8, tại số nhà 101 phố Găm-bét-ta (nay là đường Trần Hưng Đạo), Nguyễn Khang đã thay mặt Xứ ủy triệu tập một cuộc họp với Thành ủy Hà Nội để thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội (tức Ủy ban khởi nghĩa) do ông làm Chủ tịch. Suốt ngày hôm đó, công việc khởi nghĩa được tiến hành gấp rút. Nhận thấy cần thảo ngay một truyền đơn cho binh lính Nhật, Nguyễn Khang đã tìm tới một người quen biết tiếng Nhật ở phố Hàng Da nhờ dịch hộ truyền đơn mang khẩu hiệu đấu tranh: “Chống mọi hành động của đế quốc can thiệp vào công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc Việt Nam”.
Sáng 19-8, khi quần chúng khởi nghĩa vào chiếm Trại Bảo an binh, quân đội Nhật đã trực tiếp can thiệp, đưa xe tăng cùng binh lính bao vây quanh trại, đòi tước vũ khí. Vấn đề đặt ra lúc này là: Đánh hay không đánh? Nguyễn Khang cùng Trần Tử Bình, Trần Đình Long lập tức giao cho Lê Trọng Nghĩa lấy xe ô tô trong phủ, cắm cờ đỏ sao vàng, đàng hoàng đến gặp viên chỉ huy Nhật ở trước Rạp Majestic (nay là Rạp Tháng Tám), điều đình thương lượng. Cuộc điều đình diễn ra khá gay go nhưng cuối cùng viên chỉ huy Nhật đã chấp thuận rút quân. Ta đã giải tỏa một cách êm thấm và tránh được cuộc đối đầu với quân đội chiếm đóng Nhật. Trong ngày 19-8, ta đã kết thúc nhanh chóng việc chiếm các cơ quan đầu não chính trị, quân sự của chính quyền bù nhìn ở Thủ đô. Tối 19-8, Nguyễn Khang quyết định giao cho Lê Trọng Nghĩa và Trần Đình Long với tinh thần thừa thắng xông lên phải chủ động tìm gặp Tổng tư lệnh kiêm Toàn quyền Nhật để nói cho họ biết: Ta không đụng đến người Nhật và yêu cầu họ không can thiệp vào công việc của Việt Minh. Cuộc gặp đó đã diễn ra hết sức căng thẳng tại Tổng hành dinh quân đội Nhật (nay là số 33 Phạm Ngũ Lão), cuối cùng quân Nhật đã xác định thái độ không can thiệp vào công việc nội bộ của ta.
Ngay tối 19-8, tại Bắc Bộ Phủ, Nguyễn Khang đã chủ tọa cuộc họp của Ủy ban Quân sự cách mạng nhằm chuẩn bị cho buổi ra mắt Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ và Ủy ban nhân dân Cách mạng Hà Nội để giữ chính quyền non trẻ. Ủy ban nhân dân Cách mạng lâm thời Bắc Bộ lúc đó mới chỉ có ba người do Nguyễn Khang làm Chủ tịch. Cuộc họp cũng quyết định cử cán bộ cấp tốc lên Khu Giải phóng báo tin mừng thắng lợi, mời các đồng chí Trung ương Đảng sớm về Hà Nội để tiếp tục lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa trong cả nước.
Sau Tổng khởi nghĩa, Nguyễn Khang chuyển sang làm công tác Đảng chuyên trách. Trong thời kỳ Toàn quốc kháng chiến, ông là Chủ tịch Ủy ban kháng chiến-hành chính Liên khu I, Bí thư Liên khu Việt Bắc. Năm 1951 ông được bầu làm Ủy viên Trung ương Đảng. Các năm 1957-1959, ông được cử làm Đại sứ Việt Nam dân chủ cộng hòa tại Trung Quốc. Hết nhiệm kỳ, ông được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Phủ Thủ tướng và Chánh Văn phòng Trung ương Đảng. Ông mất năm 1976 tại Hà Nội. Ghi nhận công lao đóng góp của Nguyễn Khang, thành phố Hà Nội đã quyết định lấy tên ông đặt cho một đường phố thuộc quận Cầu Giấy.
Đã 65 năm trôi qua, nhưng trong ký ức những chiến sĩ cách mạng năm xưa vẫn đọng lại những kỷ niệm khó phai về một nhà cách mạng nhiệt huyết, năng động, như lời bộc bạch của Đại tá Lê Trọng Nghĩa: “Mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám, tôi lại thêm một lần cảm nhận: Cho đến nay, Nguyễn Khang vẫn là một hình tượng nổi bật của lớp thanh niên dấn thân theo cách mạng, giàu lòng yêu nước, là người dám nghĩ, dám làm và dám chịu trách nhiệm”.
Quang Huy