Bà tên thật là Nguyễn Thụy Nga (tên thường gọi Nguyễn Thị Vân). Là con thứ bảy trong gia đình nên bà được gọi theo cách thân mật của người Nam Bộ là Bảy Vân. Tên tuổi của bà đã được nhắc đến nhiều, không chỉ vì bà là phu nhân của cố Tổng bí thư Lê Duẩn mà còn bởi bà là một nhà báo tài năng, tâm huyết, một cán bộ cách mạng lão thành, một người phụ nữ Nam Bộ tài sắc vẹn toàn...
Ánh mắt hiền từ. Gương mặt phúc hậu. Tấm lưng còng trong chiếc áo bà ba màu tím nhạt. Đôi bàn tay khẽ khàng nâng niu những cánh lá mềm mại, bé xíu trong khoảnh vườn xanh mát bóng cây... Dường như tất cả những vẻ đẹp và nội tâm của hình tượng bà má Nam Bộ đều hội tụ ở chân dung bà lúc này. Đưa tay lên định bấm chuông mấy lần nhưng chúng tôi đành rụt lại vì không muốn làm xáo trộn khoảnh khắc trong lành và yên ắng của một sáng ban mai đầu hạ của bà. Chỉ đến khi biết chúng tôi tới, vẫn khẽ khàng như thế, bà mở cổng đón khách với nụ cười đôn hậu.
Ngôi biệt thự xinh xắn của bà và các con cháu ẩn mình dưới những tán cây xanh ở khu đô thị Phú Mỹ Hưng (Thành phố Hồ Chí Minh). Có cảm giác như không gian ở đây được che chắn bởi một chiếc ô xanh, ngăn cái nắng nóng hầm hập đang phả xuống từ bên ngoài. Gian phòng khách lịch sự, giản dị, thanh thoát với một bộ sa lông và chiếc tủ chứa bên trong rất nhiều sách báo. Trên các bức tường, bà treo những tấm ảnh ghi dấu kỷ niệm của những giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời mình, của gia đình. Nổi bật nhất là bức ảnh thời trẻ bà chụp với phu quân – đồng chí Lê Duẩn (hồi đó là Bí thư Trung ương Cục). Bàn thờ của đồng chí Lê Duẩn được bà để trên tầng 2, căn phòng trang trọng nhất của ngôi nhà. Nhìn chân dung người phụ nữ trong các bức ảnh và gương mặt hiện tại của bà, sự khác biệt chỉ là sự già – trẻ. Còn thì vẻ đẹp, nét phúc hậu và sự thông minh, cương nghị thì vẫn thế. Cái thần thái của con người của bà thật khó lẫn, bất chấp quy luật khắc nghiệt của thời gian…
Đã có nhiều người viết về bà. Về phía bản thân, bà cũng đã có một cuốn hồi ký khá đầy đặn. Bởi thế, khi chúng tôi hỏi chuyện, bà liền lấy ra cuốn hồi ký, vừa run run cầm bút ký tặng, vừa nói chậm rãi:
- Những kỷ niệm sâu sắc trong cuộc đời đã được cô viết trong cuốn sách này. Cháu xem cái gì phù hợp thì lấy làm tư liệu. Nhớ là viết chính xác, đúng sự thật. Viết về lịch sử, con người mà sai sự thật là có tội với lịch sử, có tội với bạn đọc.
 |
Bà Bảy Vân hôm nay. |
Điều bà dặn chúng tôi cũng chính là sự đúc kết sau nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực báo chí, tuyên giáo của bà. Nhiều nhà báo công tác ở Báo Sài Gòn Giải phóng những năm tám mươi thế kỷ trước, khi bà Bảy Vân còn làm Phó tổng biên tập kể lại rằng, làm việc dưới quyền “sếp” Bảy Vân rất “sướng”. Bà là người rất coi trọng sự đổi mới trong hoạt động chuyên môn, đề cao tính chiến đấu của tờ báo, luôn chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng lực lượng trẻ và đặc biệt bà là người luôn biết cách truyền “lửa” nhiệt huyết cho phóng viên. Việc gì dù khó đến mấy, được sự động viên, tiếp sức, thái độ ân cần, chu đáo của bà, các phóng viên đều tận tâm, tận lực thực hiện đến nơi đến chốn. Hỏi bà về những chiêm nghiệm trong đời làm báo, bà bảo:
- Có nhiều thứ để nói về nghề báo, nhưng ở đâu, giai đoạn nào, người làm báo cũng không được phai nhạt chất chiến đấu.
Tiếp xúc với bà và tham khảo các tư liệu về nữ nhà báo Nguyễn Thụy Nga (Bảy Vân), chúng tôi thấy cái chất chiến đấu ấy không chỉ có trong hoạt động báo chí mà nó là phẩm chất được hình thành trong con người bà từ rất sớm. Ông cụ thân sinh bà từng làm chủ bút một tờ báo lớn ở Sài Gòn. Vùng đất Biên Hòa (nay là tỉnh Đồng Nai) quê hương bà là một trong những “địa chỉ đỏ” của cuộc kháng chiến chống Pháp. Từ nhỏ, bà đã nghĩ ra cách khai thêm tuổi để được đi làm cách mạng. Ngôi nhà ở Cù Lao Phố của gia đình bà là nơi ẩn náu, tổ chức hoạt động cách mạng của các chiến sĩ Cộng sản bị thực dân Pháp kết án tù. Bà nhớ lại:
- Năm 1940, Nhật bỏ bom Sài Gòn nên tôi phải nghỉ học về nhà. Các anh cán bộ thường tổ chức họp trong nhà tôi. Tôi phục vụ cơm nước, canh gác cho các anh. Dần dần các anh hướng dẫn, dìu dắt tôi đi hoạt động cách mạng, làm liên lạc tuyến Sài Gòn – Mỹ Tho, Sài Gòn – Tân An.
Là người năng động, tháo vát, thông minh, bà nhanh chóng được tổ chức tín nhiệm. Sau 8 năm hoạt động từ làm liên lạc đến tham gia công tác vận động phụ nữ, bà được giao làm Hội trưởng Hội Phụ nữ Cần Thơ, thư ký cho Đoàn Phụ nữ Cứu quốc. Bà tham gia mở nhiều lớp đào tạo cán bộ phụ nữ tuyến xã ở các địa phương. Trong quá trình hoạt động cách mạng, bà được đồng chí Lê Duẩn dìu dắt, hướng dẫn. Tình yêu giữa người nữ cán bộ Đoàn trưởng Đoàn Phụ nữ Cứu quốc với đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Trung ương Cục nảy nở. Được sự ủng hộ của tổ chức, cuối năm 1950 hai người tổ chức hôn lễ.
Ròng rã những năm tháng kháng chiến chống Pháp rồi đến chống Mỹ, bà vừa hoạt động cách mạng từ căn cứ Trung ương Cục đến địa bàn miền Tây Nam Bộ. Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của một cán bộ phụ trách phong trào phụ nữ, bà tranh thủ học thêm nghiệp vụ ngành y, giúp chị em trong việc sinh nở, nuôi dạy con cái. Năm 1955, bà ra Bắc nhận nhiệm vụ ở Báo Phụ nữ, phụ trách mảng miền Nam. “Hai bờ Bến Hải” là bài báo đầu tiên của bà. Bài viết gây xúc động mạnh trong độc giả, thôi thúc phong trào đấu tranh của các giới. “Tôi mô tả cảnh chia cắt hai bờ. Phía bên kia, hình ảnh những người phụ nữ xuống bến vo gạo, rửa rau, nhìn sang bờ bên này thấy cờ Tổ quốc tung bay, lòng khát khao hòa bình, thống nhất. Bài báo sau đó được một tờ báo lớn của Trung Quốc đăng lại”.
Có một chi tiết thú vị trong những năm tháng hoạt động báo chí của bà mà đến nay anh chị em làm nghề báo ở Thành phố Hồ Chí Minh vẫn thường nhắc, đó là nhà báo Nguyễn Thụy Nga là nữ nhà báo đầu tiên đi “du học” đại học báo chí ở nước ngoài. Ấy là năm 1960, bà được cử đi học nghiệp vụ báo chí tại Bắc Kinh, Trung Quốc, sau đó được tuyển vào học tại khoa Báo chí thuộc Đại học Bắc Kinh. Tốt nghiệp về nước, bà được phân công làm ủy viên biên tập, phụ trách mảng phía Nam của Báo Hải Phòng kiến thiết. Tình hình cách mạng ở miền Nam càng ngày càng lên cao. Phong trào của phụ nữ đang phát triển thành cao trào, rất cần những cán bộ am hiểu địa bàn, có trí thức sâu rộng để lãnh đạo phụ nữ, đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Nguyễn Thụy Nga nhận nhiệm vụ lên đường trở vào Nam. Cuộc hành trình theo một chuyến tàu không số của bà kéo dài nhiều tháng, trải qua bao gian khổ, hiểm nguy mới tới đích. Vào đến nơi, bà được tổ chức phân công làm Phó ban Tuyên huấn Khu ủy Tây Nam Bộ, phụ trách tờ báo Giải phóng miền Tây. Địa điểm in báo được tổ chức bí mật trong rừng Cà Mau. Với cách làm mới, nhà báo Nguyễn Thụy Nga chủ trương đưa thông tin nhanh nhạy, định hướng tư tưởng rõ ràng, viết ngắn, dễ hiểu, phù hợp với bạn đọc ở vùng sông nước miệt vườn. Báo Giải phóng miền Tây trở thành phương tiện mũi nhọn tuyên truyền đường lối chiến tranh cách mạng của Đảng, cổ vũ tinh thần đấu tranh, củng cố, khẳng định niềm tin tất thắng của cuộc kháng chiến chống Mỹ trong đồng bào miền Tây Nam Bộ. Vừa làm công tác chuyên môn, bà vừa tham gia tổ chức mở các lớp đào tạo cán bộ tuyên huấn cho các địa phương, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng đến ngày toàn thắng.
Vừa làm nhiệm vụ cách mạng, vừa làm mẹ nuôi nấng hai đứa con trong hoàn cảnh hiểm nguy, gian khổ suốt những năm tháng chiến tranh nhưng bà luôn chăm lo chu toàn, trọn vẹn việc nước, việc nhà. “Những năm tháng ấy nhiệm vụ của anh Ba (đồng chí Lê Duẩn) hết sức nặng nề. Chúng tôi rất ít có thời gian bên nhau. Tôi luôn tự nhủ phải cố gắng hết sức để xứng đáng với anh. Mỗi lần viết thư cho anh tôi đều nói em và con mạnh khỏe, bình an để anh yên tâm lo việc cách mạng”. – Bà hồi tưởng.
Sau giải phóng miền Nam, bà được điều về làm ủy viên thường vụ Tỉnh ủy Long An phụ trách công tác tuyên huấn, khoa giáo. Năm 1980, bà về làm Phó tổng biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng cho đến ngày nghỉ hưu.
Nay, ở tuổi ngoài tám mươi, nhìn đôi bàn tay run run lật từng trang sách của bà, chúng tôi cảm nhận vốn sức khỏe trong con người bà đang vơi dần, cạn dần theo thời gian. Cũng phải, bởi ở độ tuổi sung sức nhất của đời người, bà đã dành trọn sức lực và tâm huyết cho cách mạng. Dù tuổi cao, sức yếu nhưng bà vẫn dành thời gian cho báo chí và viết sách. Với bà, cách hưởng sự an nhàn của tuổi già tốt nhất là làm những việc vừa sức mình để trí óc không bị bào mòn.
Bài và ảnh: Lữ Ngàn