QĐND Online - Tại Lễ vinh danh 70 gương mặt thanh niên Quân đội, Công an tiêu biểu trong Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn 2012-2014, tôi đặc biệt ấn tượng với Thượng úy Trần Ngọc Hà, Thuyền trưởng Tàu 51-11-50 (Lữ đoàn 649, Cục Vận tải, Tổng cục Hậu cần). Không chỉ là một thuyền trưởng trẻ quyết đoán, sáng tạo, giàu bản lĩnh, giỏi nghiệp vụ, anh còn là người chỉ huy luôn quan tâm chăm lo đời sống bộ đội, được cấp trên tin tưởng, đồng đội nể phục, yêu mến.
Ước mơ theo nghiệp của bố!
Thượng úy Trần Ngọc Hà sinh ngày 21-3-1983 tại xã Quảng Lưu, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa. Mới ngoài 30 tuổi, đã là thuyền trưởng của một tàu vận tải, nhiều lần chỉ huy tàu vận chuyển hàng ra Trường Sa, đó là thành tích đáng kể đối với nghiệp thủy thủ mà không phải ai cũng có được. Trò chuyện với Trần Ngọc Hà, tôi được biết, anh thi vào Học viện Hải quân khoa Hàng Hải, xác định theo nghiệp thủy thủ vì muốn được nối tiếp sự nghiệp của bố (cũng từng là thuyền trưởng, công tác tại Lữ đoàn 649). Với mong muốn ấy, sau khi tốt nghiệp ra trường năm 2008, anh đã đăng ký về phục vụ tại Lữ đoàn 649, cùng đơn vị với người cha thân yêu của mình.
Về nhận nhiệm vụ, chàng thủy thủ trẻ được giao giữ chức thuyền phó hàng hải của một tàu kéo biển, chuyên kéo các loại xà lan trọng tải 1.000 tấn. Nhiệm vụ của anh là giúp việc cho thuyền trưởng xây dựng kế hoạch đi biển, huấn luyện kỹ thuật cho cán bộ, thuyền viên. “Ở trường, mình mới chỉ được học về điều động đơn tàu, vì vậy khi được giao phụ trách tàu có đầu kéo ban đầu cũng không khỏi khó khăn, bỡ ngỡ”- Trần Ngọc Hà thật thà tâm sự. Từ “thử thách” ban đầu ấy, đã giúp anh hiểu thêm rằng, thực tế không giống hoàn toàn với những gì được học trên nhà trường. Vì vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ, anh đã chủ động học hỏi kinh nghiệm của các cán bộ, thuyền viên đi trước, cùng với đó, tích cực tìm tòi, thận trọng, sáng tạo trong việc xử trí các tình huống gặp phải.
 |
Thượng úy Trần Ngọc Hà tham gia Hành trình Về nguồn do Tổng cục Chính trị tổ chức tại tỉnh Cao Bằng (tháng 12-2014). |
Sau khi đã “khắc chế” được tàu đầu kéo, Trần Ngọc Hà được luân chuyển lên tàu 51-11-75, vẫn giữ chức Phó thuyền trưởng hàng hải và lần đầu được thực hiện khát khao của mình, tổ chức vận chuyển hàng ra quần đảo Trường Sa. Nhắc lại kỷ niệm về chuyến đi Trường Sa đầu tiên, anh vẫn còn bồi hồi cảm xúc: “Ngay lần đi đầu tiên, tàu gặp sóng to, phải chạy trước bão, khiến mình khá hoảng, do chưa có kinh nghiệm đối phó. Bình tĩnh nhớ lại những kiến thức cơ bản được học ở trường, mình đã tổ chức cho tàu đi đè sóng, gối gió, tránh đi vuông, ngang với sóng, nhờ đó, chuyến đi đã thành công, đạt kế hoạch đề ra”.
Những sáng kiến “để đời” của thuyền trưởng trẻ
Nhiều lần tổ chức vận chuyển hàng ra Trường Sa, tuy nhiên, năm 2010 là năm có nhiều chuyến đi đáng nhớ nhất trong nghiệp thủy thủ của Trần Ngọc Hà. Trong chuyến thứ 3, khi ra đảo Nam Yết, thành viên trên tàu hầu hết là các thủy thủ, nhân viên trẻ nên với cương vị Bí thư chi đoàn tàu, Trần Ngọc Hà đã đăng ký “Chuyến hàng thanh niên tự quản”. Tàu vừa cập đảo, chuẩn bị trả hàng thì cẩu bị gãy, không thể vận chuyển hàng lên bờ. Trong khi đó, ở trên, các đồng đội lính đảo đang dõi mắt trông ngóng. Phát huy tinh thần xung kích của thanh niên, Trần Ngọc Hà đã động viên anh em khắc phục khó khăn, dùng tay tự bốc hàng lên đảo bàn giao cho đơn vị. Kết quả, sau nhiều giờ làm việc quần quật, với khí thế thi đua hăng say, các thành viên đã bốc xong hơn 500 tấn vật chất giao cho đảo, bảo đảm đúng tiến độ.
Còn chưa kịp “hoàn hồn” sau chuyến đi đầu mùa thì tháng 9 năm đó, Trần Ngọc Hà lại được giao chỉ huy tàu thực hiện chuyến đổ bộ đầu tiên lên đảo để trả phương tiện cho đơn vị bạn. Đây là lần đầu tiên đơn vị thực hiện kỹ thuật “đổ bộ”, vì vậy, tất cả anh em đều chưa có kinh nghiệm. Khi thả thử neo lái để neo tàu, chiếc neo lập tức bị gẫy. Giữa biển khơi mênh mông sóng nước, gần như mọi “trọng trách” lúc này được đặt hết lên vai Trần Ngọc Hà. Sau thời gian suy nghĩ, tính toán, đưa ra nhiều phương án khác nhau, cuối cùng, anh quyết định lựa chọn phương án nhờ tàu bạn giữ lái neo tàu mình. Có tàu nhận giúp, Trần Ngọc Hà lại phải cùng anh em tính toán cẩn thận quy luật, tốc độ dòng chảy, hướng, độ gió, mực thủy triều... từ đó chọn khu vực đổ bộ chính xác. Chỉ cần tính sai một yếu tố là việc đổ bộ sẽ thất bại, tốn rất nhiều công sức, thời gian, nhiên liệu. Nhờ sự tính toán kỹ lưỡng, khoa học, phối hợp nhịp nhàng giữa hai tàu, chỉ một lần, anh và các đồng đội đã thực hiện đổ bộ thành công. Việc đổ bộ thành công mang ý nghĩa đặc biệt quan trọng, vì giải phóng được nhiều công sức bộ đội cả trên tàu và trên đảo. Trước đây, để hoàn thành kế hoạch, bộ đội trên đảo phải mất thời gian 2 năm mới xong nhiệm vụ. Nay, nhờ phương án đổ bộ trực tiếp, thời gian hoàn thành nhiệm vụ rút ngắn xuống chỉ còn 9 tháng. Từ “sáng kiến” này của Trần Ngọc Hà, sau đó, các tàu của Lữ đoàn khi làm nhiệm vụ đổ bộ đều thực hiện theo phương pháp trên.
Sau thành tích gây “tiếng vang” trong toàn Lữ đoàn, tháng 5-2012, Trần Ngọc Hà được điều lên làm trợ lý pháp chế công vụ, thuộc phòng Tham mưu của Lữ đoàn, với nhiệm vụ chính là tham mưu, giúp việc cho chỉ huy phòng về công tác hàng hải, hàng giang; huấn luyện nghiệp vụ cho các đối tượng toàn Lữ đoàn; duy trì nền nếp chính quy của đơn vị. Với tinh thần cầu thị và khả năng sáng tạo nên ở cương vị mới, anh vẫn phát huy được năng lực, phẩm chất của mình, có nhiều đề xuất, kiến nghị giúp chỉ huy các cấp nâng cao chất lượng công tác, nền nếp chính quy, kỷ luật đơn vị. Tháng 4-2014, Trần Ngọc Hà được bổ nhiệm làm thuyền trưởng tàu 51-11-50. Đây là tàu trọng tải nhẹ, thuộc diện cũ nhất của Lữ đoàn, lại thiếu chính trị viên, thuyền phó chuyên môn, nên Trần Ngọc Hà đều phải kiêm nhiệm, kể cả chức bí thư chi bộ tàu. Hỏi về tâm trạng khi được bổ nhiệm làm thuyền trưởng, anh phấn khởi chia sẻ: “Đó là niềm vinh dự, hạnh phúc lớn lao của mỗi thủy thủ, thuyền viên. Mặc dù tàu đã cũ, xuống cấp, quân số lại phân tán, tuy nhiên, trên cương vị thuyền trưởng, mình đã động viên anh em đoàn kết, coi “tàu là nhà”, tích cực đóng góp công sức gõ rỉ, tự sửa chữa, bảo quản, bảo dưỡng tốt các thông số kỹ thuật. Sau khi được động viên, ai cũng hăng hái, tích cực tham gia. Nhờ đó, hiện nay, tàu đã đủ điều kiện đi biển dài ngày, sẵn sàng lên đường làm nhiệm vụ khi có lệnh”.
Không chỉ giỏi về chuyên môn, kỹ thuật, Thượng úy Trần Ngọc Hà còn là người chỉ huy say mê tăng gia sản xuất. Năm 2011, khi là bí thư chi đoàn, anh đã sáng tạo mô hình “Vườn rau thanh niên” trên tàu 51-11-75. Đây là tàu đầu tiên của Lữ đoàn sử dụng các thùng xốp, tận dụng các khoảng trống, kín gió tại boong, khoang chở hàng... để trồng các loại rau cải, bầu đất, mồng tơi, rau gia vị, phục vụ bữa ăn hằng ngày của anh em thủy thủ. “Mới đầu, chưa có kinh nghiệm nên anh em lấy đất thịt trồng rau nên dù rất chăm tưới nước, nhưng rau rất chậm lớn. Tìm hiểu, mình mới phát hiện ra, đất thịt để trong hộp, nếu tưới nước nhiều sẽ bị bít chặt lại, do đó rau lớn chậm. Để khắc phục, mình và anh em đã lấy xơ dừa trộn cùng xỉ than và đất với tỉ lệ thích hợp, quả nhiên rau phát triển nhanh hơn hẳn, năng suất cao không kém trên bờ. Chỉ trong năm đầu tiên áp dụng, anh em trên tàu đã thu được trên 300kg rau các loại”, Trần Ngọc Hà kể. Nhận thấy mô hình “Vườn rau thanh niên” đem lại hiệu quả thiết thực nên sau đó, hầu hết các tàu của Lữ đoàn 649 đều áp dụng làm theo. Nhờ đó, anh em khi đi biển dài ngày đã được bổ sung thêm rau xanh, không bị “thèm” rau như trước.
Năm 2014, anh được Thủ trưởng Tổng cục Hậu cần tặng Bằng khen và vừa vinh dự được chọn là một trong 70 gương mặt trẻ tiêu biểu của Quân đội và Công an. Đây là những phần thưởng xứng đáng, tạo động lực để Thượng úy, thuyền trưởng Trần Ngọc Hà tiếp tục nỗ lực, phấn đấu.
VĂN CHIỂN