Chuyện về nuôi rắn hổ mang của ông Hữu khá thú vị. Cách đây hơn 5 năm, khi đang nằm chơi với cháu trong vườn nhà thì có một con rắn hổ mang lớn bò vào nhà. Dù con rắn phùng mang đe dọa, nhưng rồi nó cũng bị "khuất phục" bởi kỹ năng bắt rắn của ông Hữu.
Bắt được con rắn, ông Hữu thả vào cái chuông đựng nước, hằng ngày bắt cóc, nhái cho ăn. Nuôi được hơn một tuần lễ thì có người bạn đến chơi, ông đem câu chuyện ra kể thì ông mới biết đó là một con rắn hổ mang cực độc. Trong thời gian nuôi, thấy nuôi rắn tốn ít công chăm sóc, không bị bệnh tật, lại bán được giá cao, nên ông Hữu tính chuyện nuôi rắn hổ mang lâu dài. Hiện, con rắn hổ mang đầu tiên ông Hữu bắt được vẫn còn sống và nặng hơn 5kg.
 |
Thương binh 3/4 Nguyễn Văn Hữu giới thiệu về nghề nuôi rắn hổ mang.
|
Sau khi tự lên mạng tìm hiểu kỹ về tập tính sống, chế độ chăm sóc, cách xây chuồng trại nuôi rắn, đầu năm 2012, ông Nguyễn Văn Hữu lên tận Bình Dương tìm mua 10 con rắn giống về nuôi. Mua được rắn đã khó, nhưng việc xin giấy phép để nuôi rắn cũng gặp không ít khó khăn, thậm chí ông còn bị nhiều người trong gia đình phản đối vì việc nuôi loài bò sát cực độc này trong nhà. Khi được cấp phép và thuyết phục được gia đình, ông Hữu bắt đầu tính chuyện lâu dài. Để tiện chăm sóc, khu nuôi rắn được ông thiết kế ở trong nhà và ngoài sân, chuồng xây bằng gạch, mỗi chuồng có diện tích khoảng một m2, nền tráng xi măng, mặt trên làm bằng khung lưới để thông thoáng. Tự gây giống sinh sản, đến nay khu nuôi rắn của ông Hữu lúc nào cũng có hơn 500 con lớn, nhỏ. Mỗi năm, từ tiền bán rắn, ông thu về hơn 300 triệu đồng.
Theo kinh nghiệm của ông Hữu, để bảo đảm rắn sinh trưởng và phát triển tốt, điều quan trọng là phải thường xuyên vệ sinh chuồng trại, bảo đảm khô ráo, tránh bệnh cho rắn nuôi. Nếu rắn nuôi bị bệnh thì ảnh hưởng lớn đến sự sinh trưởng, sinh sản nên phải thường xuyên kiểm tra, thấy biểu hiện rắn yếu, bỏ ăn là phải có phương pháp điều trị. Thức ăn cho rắn phải bảo đảm sạch, tùy từng loại, từng độ tuổi mà có khẩu phần khác nhau. Ví dụ, rắn lớn từ 3 đến 4kg thì một tuần cho ăn 2 lần, còn rắn bé cách một ngày ăn một lần; riêng với rắn đẻ trứng, ngoài cá thì còn bổ sung thêm cóc, nhái, đặc biệt là phải biết cách ấp trứng để làm sao con rắn con nở với tỷ lệ cao nhất.
Đội mũ soi đèn tự chế, một tay cầm móc, một tay thò vào chuồng, lôi ra con rắn hổ mang lớn, ông Hữu giải thích: “Con này nặng gần 4kg, mỗi năm đẻ một lần từ 40 trứng trở lên, quy trình ấp là khoảng 65 ngày bắt đầu từ ngày ấp. Nếu không ấp thì trứng rắn bán từ 200.000 đến 300.000 VNĐ/trứng. Tổng cộng con rắn này cho thu nhập gần 10 triệu đồng/năm”.
Không chỉ nuôi rắn thương phẩm, trứng rắn, ông Hữu còn bán cả rắn con cho ai có nhu cầu muốn nuôi và sẵn sàng hướng dẫn kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi. Một tin vui với ông Hữu là mới đây Trung tâm Nuôi trồng, nghiên cứu, chế biến dược liệu Quân khu 9 (Trại rắn Đồng Tâm) đã tìm đến nhà, hướng dẫn cách chăm sóc để lấy nọc rắn, khi đủ điều kiện cán bộ Trung tâm sẽ xuống mua lại nọc rắn. Đây là thực sự là cơ hội tốt để ông tiếp tục phát triển nghề yêu thích của mình...
Bài, ảnh: TUẤN SƠN - QUANG ĐỨC