Dư âm đọng lại mãi sau những lần được thầy chỉ bảo tận tâm trong biên tập đã giúp những kiến thức triết học, lý luận vốn “khô, khổ, khó” dần dần sáng tỏ.
Hóa giải lý luận trừu tượng
Cách đây ba năm, lần đầu tôi được tiếp xúc với Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương tại Ban Chỉ huy quân sự huyện Mường Lát, tại hội thảo xây dựng “thế trận lòng dân” trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc do thầy Dương chủ trì.
Cách gợi mở, nêu vấn đề thảo luận của thầy rất khúc triết, dễ nghe, dễ hiểu, biến những câu chữ lý luận khô khan khiến tôi cảm mến.
Giờ giải lao, sau khi xem “sản phẩm” tôi viết, thầy đã gạch chân hai từ “hiện nay” ở cuối một câu văn. Nhìn tôi, thầy cười đôn hậu và nhẹ nhàng hỏi: “Sao em lại thêm hai từ này vào bản thảo?”
- Theo em, “bổ sung” như thế để tăng tính thời sự ạ?
- Đúng nhưng chưa đủ em nhé. Nếu đặt hai từ đó trong ngữ cảnh này thì nghĩa của câu văn chỉ mang tính hiện tại, chưa bao quát xu thế phát triển, chưa phản ánh rõ trục xuyên suốt: Quá khứ, hiện tại và tương lai.
Như vậy, nội dung của cả bài viết giảm đi tác dụng vì người đọc sẽ hiểu: Chúng ta chỉ phấn đấu đạt đến “cái dân chủ hiện tại” mà các nước tư bản đang có, họ sẽ không hiểu nền dân chủ xã hội chủ nghĩa như một xu thế tất yếu của loài người cần vươn tới - Thầy Dương giải thích.
Tôi ngớ người, lý nhí đáp: “Vâng, em đã hiểu. Em cảm ơn thầy!”
 |
Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương đón nhận danh hiệu Nhà giáo Nhân dân. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Lần khác, tôi được cộng tác với thầy Dương khi làm MC dẫn chương trình giao lưu trong Triển lãm sách kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, thầy là khách mời.
Hôm họp kỹ thuật, thầy hỏi tôi nhiều điều và đề nghị cho xem kịch bản, nội dung giao lưu vì “muốn được chuẩn bị tâm lý”, tìm chọn phương án tối ưu để nói với khán giả thật giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ và ấn tượng nhất. Dĩ nhiên là tôi đã đồng ý. Nhưng trong đầu thì tính toán một phương án khác với tham vọng: Gây bất ngờ với khán giả, muốn họ hiểu kỹ hơn và trân trọng hơn ý chí, trình độ của người được mệnh danh là chiến sĩ tiên phong “số một” về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Việt Nam.
Buổi giao lưu diễn ra trang trọng, nồng nhiệt và ấm áp. Thầy Dương trả lời các câu hỏi của tôi rất “hóm hỉnh” với phong cách nhà giáo - nghệ sĩ và rất khít thời gian kịch bản. Với cái duyên nói chuyện khúc triết, nhẹ nhàng, thu hút sự tập trung, thầy đã nhận được hưởng ứng của khán giả. Khi tiếng vỗ tay chưa ngớt, tôi đột ngột hỏi thầy câu hỏi không hề có trong kịch bản.
- Được biết thầy cả đời học và dạy môn triết học, toàn lý luận, nhưng cách thể hiện trong giảng dạy và viết bài đấu tranh về phòng, chống “diễn biến hòa bình”; “phi chính trị hóa” quân đội thì lại không cứng, không khô, rất gần gũi, dễ hiểu, thuyết phục. Xin thầy nói rõ bí quyết đó là gì?
Thầy Dương cười và giải thích.
- Thật ra, nhiều người đã hỏi tôi về vấn đề này. Tôi nghĩ, những gì mình biết về lý luận mà đem ra chỗ đại chúng thì chỉ làm tai ù, mỏi đầu, nản lòng người nghe vì nó rất trừu tượng, khó hiểu.
Vì vậy, tôi đã cố gắng “đời sống hóa triết học”, dùng tất cả những ngôn từ vốn có trong kho tàng văn hóa Việt Nam để diễn tả, nói cho phù hợp người nghe. Có lúc thì dùng tục ngữ, ca dao, dân ca, có lúc dùng các thành ngữ nhưng có khi là kể các câu truyện ngụ ngôn, chuyện dân gian mà nhiều người biết để gọi, đặt tên hoặc giải thích cho rõ sự vật, hiện tượng. Nhờ đó, giúp người nghe dễ hình dung, dễ nhớ; tức là biến cái “khô’ thành ướt, cái khó thành dễ, cái trừu tượng thành cụ thể.
Chia sẻ của thầy Dương được Đại tá, Nhà văn Nguyễn Tiến Hải và Đại tá Nguyễn Hữu Quý hưởng ứng, cuộc giao lưu được tiếp thêm “lửa”, rất hào hứng, thêm thú vị, ấn tượng và chương trình vì thế phải kéo dài thêm gần 15 phút, nhưng vẫn được khán giả nhiệt tình ủng hộ. Ấn tượng về thầy cứ theo tôi mãi.
Người truyền “lửa” dung dị
Thầy Bá Dương quê ở Thanh Hóa, trở thành chiến sĩ Trung đoàn 252, Quân chủng Không quân. Tháng 8-1982, Bộ Quốc phòng gửi thầy đi học biệt phái tại Trường Đại học Tổng hợp Quốc gia Rostov trên Sông Đông, Liên Xô, chuyên ngành Triết học.
Sau khi tốt nghiệp về nước, công tác tại Học viện Chính trị, những bài giảng của thầy về triết học đã “truyền lửa” tình yêu lý luận đến các thế hệ học viên. Cùng với đó, thầy say mê nghiên cứu khoa học, đã công bố hàng chục công trình có giá trị, là “cây viết” xuất sắc, cộng tác viên cao cấp của nhiều tạp chí, tờ báo uy tín.
Trò chuyện với tôi, khi nhắc tới thầy Dương, Đại tá Nguyễn Văn Sáu, Phó Giám đốc, Phó tổng biên tập Nhà xuất bản Quân đội nhân dân thường tâm đắc, thầy là người truyền “lửa” dung dị qua trang viết. Đến nay, thầy đã có ít nhất 6 tập sách về phòng, chống “diễn biến hòa bình” trên các lĩnh vực”.
Anh phân tích, khi lý giải về chân lý, giá trị, ý nghĩa chủ nghĩa Mác - Lênin đối với người Việt Nam, thầy nói: Từ xa xưa, ông cha ta đã quan niệm “Có thực mới vực được đạo”.
Vì vậy, để Chủ nghĩa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh chiếm giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của nhân dân ta, việc đầu tiên là Đảng phải chăm lo cho hạnh phúc của nhân dân, làm cho dân no, dân yên, dân tin, dân hạnh phúc...
Dù có khó khăn đến mấy cũng không được để dân đói khổ, mất việc làm, không có thu nhập. Đó là cách tốt nhất để xây dựng “thế trận lòng dân”...
Trong bài “Tiếng gọi từ trái tim, mệnh lệnh của cuộc sống”, thầy Dương lý giải, cho dù chủ nghĩa xã hội hiện thực có lâm vào thoái trào, cho dù Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có thể làm thay đổi cuộc sống thì những giá trị của chủ nghĩa nghĩa Mác - Lênin là nhân đạo, quan niệm duy vật về lịch sử, phép biện chứng duy vật và học thuyết giá trị thặng dư vẫn là những giá trị vĩnh hằng, có sức sống mãnh liệt, trường tồn.
Bởi cho đến nay, chủ nghĩa Mác - Lênin vẫn là học thuyết duy nhất bênh vực, bảo vệ hòa bình, quyền sống, quyền làm người ở xã hội độc lập, tự do, ấm no, hạnh phúc.
Thầy khẳng định, lập trường thế giới quan, nhân sinh quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng của Chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh luôn luôn đúng vì đứng vững trên lập trường của chủ nghĩa duy vật biện chứng, phản ánh đúng quy luật vận động, phát triển của thế giới khách quan.
Gần đây, thầy Bá Dương cho ra tập thơ “Sắc màu thương nhớ” với 60 bài thơ, 60 khúc tự tình về Tổ quốc, quê hương, về đồng đội, bạn bè và người yêu thương. Đọc thơ của thầy, tôi tưởng tượng, đó dường như những khúc tự tình không địa chỉ, là thầy muốn gửi tình thương mến cho nhân gian, nhưng đặc sắc và ấn tượng sâu sắc nhất với tôi là những khúc tự tình linh thiêng dành cho Tổ quốc và Nhân dân.
 |
Nhà giáo Nhân dân, PGS, TS, Thiếu tướng Nguyễn Bá Dương, Ủy viên Hội đồng lý luận Trung ương,
Phụ trách Nhóm chuyên gia 35 Quân ủy Trung ương,\nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội Nhân văn quân sự Bộ Quốc phòng. Ảnh: Hải Việt
|
Tổ quốc trong thơ của thầy gần gũi, thân thương như vòng tay mẹ ôm con. Trong giấc mơ gần trong cả giấc mơ xa, kể cả khi cách xa vời vợi. Càng đi xa càng thấy Tổ quốc thật gần: Xa Tổ quốc nhớ hình hài đất nước/ Cánh diều bay nối mơ ước tuổi thơ.
Gần đây, nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tôi có đọc bài viết của thầy về văn hóa quân sự của Đại tướng. Thêm một cách nhìn mới của thầy mang tính tổng kết rất cô đọng, súc tích bởi khái quát những luận điểm nên không sa về kể sử như nhiều người viết khác.
Điều đó cho thấy, dù đã đạt được nhiều giải thưởng sách quốc gia, có nhiều công trình đạt tầm cao, nhưng ý chí học tập, nghiên cứu không ngừng nghỉ ở thầy, vẫn vẹn nguyên và đầy sinh khí như thời trẻ đứng trên bục giảng truyền cảm hứng cho học viên.
Thầy đã biến những kiến thức, những “món ăn” vốn được quan niệm là “khô, khổ, khó” thành những điều giản dị, dễ hiểu, dễ nhớ giúp người học thêm vững niềm tin. Điều đó giúp tôi có thêm cảm hứng tiếp tục sống với nghề biên tập, tròn, đầy với triết lý nhân sinh: Lao động và cống hiến là niềm vui, hạnh phúc lớn nhất đời người - điều mà thầy Bá Dương luôn động viên tôi.
Khá lâu rồi, do công việc thay đổi, tôi chưa có dịp gặp thầy trò chuyện, tâm tình. Thỉnh thoảng, trên mạng zalo, thầy nhắn hỏi thăm sức khỏe và không quên động viên tôi cố gắng, thầy bảo, hạnh phúc nhất là có công việc làm và dồn hết tâm huyết vào đó.
Thầy động viên: Nghề biên tập có “lợi kép”, vừa được đọc, tiếp thu kiến thức mới, lại vừa được cống hiến. Lao động, cống hiến làm cho con người tự tin hơn, sống có ý nghĩa hơn nhiều.
Thầy bảo, trong từng hoàn cảnh khác nhau thì sự cống hiến cũng khác nhau. Trong thời bình, học trước hoặc vừa học vừa cống hiến cho Tổ quốc, cho nhân dân đều tốt. Lao động và cống hiến giúp người ta từ bỏ chủ nghĩa cá nhân.
VIỆT HẢI