Dù rằng, công việc đặc biệt này không phải lúc nào cũng “xuôi chèo mát mái” khi nhiều lúc theo lời anh: “viết hàng trăm bài báo về sâm nhưng giá trị thực của sâm Việt Nam vẫn chưa được coi trọng đúng mức. Không những thế, nhiều người còn đang nhầm lẫn về giá trị của sâm, cho rằng, sâm Ngọc Linh mới là quý nhất, trong khi sâm Việt Nam còn rất nhiều dòng quý ở nhiều khu vực trên cả nước”.
Nên duyên với sâm từ những chuyến đi thực tế
Trong cuộc trò chuyện vội vã chiều cuối năm, nhà báo Phạm Ngọc Dương dành nhiều tâm huyết cùng niềm trăn trở lớn về việc làm sao bảo tồn, phát huy giá trị dòng sâm được trồng tại vùng Tây Bắc. Theo nhà báo Phạm Ngọc Dương, từ những năm 2000, trong những lần thực hiện các phóng sự, anh đã có cơ hội cùng các thầy lang ăn, ngủ trong rừng nhiều ngày. Cũng từ đây, anh có thêm hiểu biết về các loại dược liệu quý, trong đó có sâm.
“Các chuyến đi phóng sự của tôi liên quan đến rừng núi. Đối với nghề làm báo thì phải đi sâu, đi kỹ. Tôi hay đi cùng với những thầy lang, người hiểu biết về thảo dược, cây rừng, người bản địa, hay với những người sống bằng rừng, săn bắn hái lượm.
 |
Đối với nhà báo Phạm Ngọc Dương, những chuyến đi rừng luôn chứa đựng nhiều điều hấp dẫn, thú vị. Ảnh nhân vật cung cấp. |
Có những lần, những chuyến đi kéo dài cả tuần trong rừng, ăn, ngủ giữa thiên nhiên. Cũng nhờ những trải nghiệm thực tế này, cùng với cơ duyên được gặp gỡ, tiếp xúc với những người hiểu biết về thảo dược, người dân địa phương, tôi nhận ra rằng các hiểu biết về dược liệu, thuốc men của người Việt mình còn kém hơn người Trung Quốc. Cũng chính vì thế, rất nhiều thảo dược quý của Việt Nam không được trọng dụng, thậm chí còn bị Trung Quốc thu mua với giá rẻ mạt”, anh Phạm Ngọc Dương trải lòng.
“Có lần tôi thấy người Mông theo nhau cả làng đi vào tìm củ sâm tiết trúc rất quý, hàng trăm triệu một kilogam. Tôi hỏi đây là cây gì thì người Mông nói là củ khoai lang núi, người Trung Quốc cần mua để ăn nên họ bán cho người Trung Quốc với giá rất rẻ, khoảng một đến ba trăm ngàn đồng. Còn nhiều giống cây quý khác như thất diệp, nhất chi hoa, lan kim tuyến... cũng được tìm kiếm hái lượm để bán sang Trung Quốc với giá rẻ như cho”-từ những lần “mục sở thị” sự chảy máu của dược liệu quý trong đó có sâm Việt Nam, anh Phạm Ngọc Dương càng nung nấu ý định cho ra đời những bài viết khẳng định giá trị thực sự của sâm.
Đau đáu với mong muốn bảo tồn, nhân rộng sâm ở vùng Tây Bắc
Theo anh Phạm Ngọc Dương, cho đến giờ, vẫn có nhiều người chưa hiểu hết tác dụng cũng như chưa chú trọng đến việc bảo tồn, nên việc “chảy máu sâm” vẫn tiếp diễn.
“Người Trung Quốc bảo rằng, có nhiều loại sâm tiết trúc, nhưng giá trị không chênh nhau nhiều. Từ loại tiết trúc mọc ở dãy Hoàng Liên Sơn, đến Lào, tận núi Ngọc Linh, giá trị không khác nhau mấy và người Trung Quốc thu mua theo giá chung. Có những thời điểm giá lên cao, cũng là do Trung Quốc gom giống, có thời điểm xuống thấp, là nhu cầu nội địa họ đáp ứng được”, anh Phạm Ngọc Dương cho biết.
 |
Nhà báo Phạm Ngọc Dương luôn trăn trở với việc làm sao bảo tồn, phát huy giá trị sâm Việt Nam. Ảnh nhân vật cung cấp. |
“Càng đi rừng nhiều, tìm hiểu nhiều, tôi nhận thấy sâm tiết trúc là loại thảo dược cực kỳ giá trị. Trong dòng sâm tiết trúc, hiện tại, đắt nhất là loại mọc ở núi Ngọc Linh, gọi là sâm Ngọc Linh, ở địa phận Quảng Nam và Kon Tum. Tên thực tế được định danh khoa học là sâm Việt Nam. Loại tự nhiên, quý ngang nhau là mọc ở bên Lào, cũng thuộc dải núi Ngọc Linh, bởi nó cùng địa hình, địa chất, khí hậu.
Tuy nhiên, trong quá trình tìm hiểu về sâm, tôi đã thử nghiên cứu, kiểm định chất lượng, thì nhận thấy, một loại sâm tiết trúc ruột đen ở dãy Hoàng Liên Sơn thuộc địa phận Lai Châu có hàm lượng Saponin tổng hợp loài sâm thậm chí cao hơn ở núi Ngọc Linh.
Để tìm hiểu giá trị của sâm vùng này, có lần, tôi đã cất công sang thị trấn Đồng Xương, Kim Bình, Trung Quốc để mục sở thị vùng trồng sâm rộng lớn. Tới đây tôi mới vỡ lẽ, khu vực này sát với khu vực Mường Tè, Phong Thổ, Lai Châu và đã canh tác được một vùng sâm đến hàng trăm ha, như thế, rõ ràng, sâm tại vùng Lai Châu có giá trị không thua kém gì, chỉ tiếc rằng, chúng ta chưa biết cách tận dụng, khai thác và bảo tồn. Loại sâm tiết trúc có giá trị thứ hai là loại mọc ở một quả núi giữa huyện Na Hang và Lâm Bình (Tuyên Quang)".
Từ những chia sẻ chi tiết về các dòng sâm cũng như những chuyến đi vượt biên giới chỉ để hiểu thêm về sâm, nhà báo Phạm Ngọc Dương cho rằng, vùng Tây Bắc với lợi thế về địa hình rộng lớn, khí hậu phù hợp cộng với nguồn nhân công giá rẻ dồi dào từ lao động là người dân tộc thiểu số rất phù hợp cho việc bảo tồn, phát huy giá trị của sâm. “Trong mỗi chuyến đi của mình, tôi cũng cố gắng kết nối với người dân địa phương để làm sao chỉ cho họ biết giá trị thực của cây sâm, từ đó có thể trồng, canh tác, đem bán lấy tiền, vừa góp phần cải thiện đời sống, vừa giúp giữ nguồn gen sâm quý hiếm. Nhiều người đồng bào La Hủ ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu đã có cuộc sống tốt hơn nhờ trồng sâm”, nhà báo Phạm Ngọc Dương cho biết.
“Chuyên gia” bày cách chọn sâm
Nhân cuộc trò chuyện về sâm, thứ hàng vốn đắt đỏ nhưng mang lại lợi ích sức khỏe, giá trị kinh tế cao, tôi tò mò đem câu hỏi: “Làm sao phân biệt được sâm thật, giả cũng như làm sao biết được sâm nào tốt nhất, quý nhất” thì như chạm đúng hiểu biết của “chuyên gia” về sâm Phạm Ngọc Dương.
Anh cho biết, sâm Việt Nam là dòng sâm quý, được coi là Quốc bảo Việt Nam, được đánh giá là quý nhất thế giới dựa trên hàm lượng Saponin tổng hợp rất cao. Thế nhưng, sâm Việt Nam lại có vô số loại, nguồn gen tương đối phức tạp, nên bị giả nhiều, lẫn lộn giá trị và khiến người tiêu dùng như rơi vào ma trận. Nó phức tạp đến mức, máy móc cũng không phân biệt được, nhà thực vật cũng không phân biệt được.
 |
Nhờ vốn hiểu biết về sâm, anh có thể chia sẻ hàng giờ đồng hồ về loại cây quý này. Ảnh do nhân vật cung cấp. |
Nếu dựa trên hàm lượng Saponin tổng hợp, thì đúng là hàm lượng Saponin tổng hợp trong sâm Việt Nam cao nhất thế giới. Củ sâm trồng non cũng đạt trên 10%. Sâm rừng già, có thể hàm lượng Saponin lên đến hơn 20%.
Trong dược liệu, hàm lượng chất thường chiếm 1-2%, nhưng củ sâm Việt Nam thì dồi dào chất, mà lại toàn chất quý. Đó có lẽ là cơ sở đánh giá nó quý nhất thế giới, tốt nhất thế giới. Ngoài ra, duy nhất sâm Việt Nam có sự hiện diện mr2 (Majonosid-R2). Sâm Mỹ cũng có mr2 nhưng vô cùng thấp, không đáng kể.
Nhưng, nếu đánh giá về giá trị thị trường thì sâm Việt Nam không phải quý nhất. Đắt nhất phải là sâm Trường Bạch của Trung Quốc. Những củ sâm hoang dã trên núi Trường Bạch thuộc tỉnh Cát Lâm, Trung Quốc, nếu 100 năm tuổi, thì giá hàng trăm tỷ đồng 1kg, thậm chí vài trăm tỷ đồng. Những củ sâm bé bằng ngón tay có giá vài tỷ là bình thường.
Nhân sâm Triều Tiên, Hàn Quốc khai thác hoang dã cũng vô cùng đắt đỏ. Củ sâm bằng ngón tay được đấu giá lên đến một vài trăm ngàn đô la, thậm chí triệu đô la. Nếu xét về giá trị, thì sâm Trung Quốc đắt nhất thế giới, quý nhất thế giới. Mặc dù, những củ sâm này, đem phân tích, hàm lượng Saponin tổng hợp có thể chỉ 2-3%.
Tại Việt Nam, sâm ở núi Ngọc Linh gọi là sâm Ngọc Linh được coi là có giá trị cao nhất. Nhưng tìm được sâm nguyên bản gen ở vùng núi này không đơn giản, rất hiếm, ít nên vô cùng đắt đỏ. Công ty sâm Ngọc Linh Kon Tum trồng và bảo tồn hơn 20 năm nay, với 700ha dự án, nhưng cũng không có nguồn sâm củ dồi dào. Hiện công ty chủ yếu vẫn bảo tồn gen, cấp giống cho bà con trồng.
Sâm ở Nam Lào cùng dãy với núi Ngọc Linh nên cũng tương đương chất lượng. Sâm Bắc Lào và sâm Lai Châu, cùng sâm Kim Bình có khí hậu, địa chất tương đương nhau, nên chất lượng tương đồng. Sâm trồng trên 10 năm ở Ngọc Linh và Lai Châu, Kim Bình có hàm lượng Saponin cũng tương đương nhau. Xét nghiệm định tính, định lượng, xét nghiệm gen đều cho ra kết quả như nhau, cùng thuộc về một nguồn gốc. Chính vì vậy, không thể dùng khoa học kỹ thuật để phân biệt được vùng sâm. Riêng sâm trồng non, khoảng 5 năm tuổi, thì hàm lượng Saponin của sâm trồng ở Lai Châu và Kim Bình thường rất cao, nhất là hàm lượng mr2 cao vượt trội so với sâm trồng ở Ngọc Linh.
Theo anh Phạm Ngọc Dương, thực ra, tất cả các loại sâm đều là sâm Việt Nam cả, tức Panax vietnamensis. Chúng ta lựa chọn củ sâm đến từ vùng nào, để mua được với đúng giá trị thực mà thôi. Và người tiêu dùng cũng không nên mặc định rằng, sâm Ngọc Linh mới là sâm quý nhất vì như nghiên cứu chỉ rõ, sâm tại nhiều vùng khác của Việt Nam cũng có giá trị tương tự, thậm chí còn cao hơn.
Kết thúc cuộc trò chuyện đầy thú vị về sâm, nhà báo Phạm Ngọc Dương không quên nhắn nhủ, niềm trăn trở lớn nhất của anh vẫn là, làm sao để người Việt hiểu đúng giá trị của sâm Việt Nam cũng như, việc bảo tồn, phát huy giá trị kinh tế từ sâm sẽ được các địa phương quan tâm hơn. Bởi lẽ, sâm Việt Nam có chất lượng chẳng thua kém bất cứ một loại sâm nào trên thế giới, hoàn toàn có thể sản xuất số lượng lớn để xuất khẩu cũng như phục vụ nhu cầu nội địa.
HỒNG UYÊN