Đại biểu tham quan mô hình sâm Việt Nam tại hội thảo.

Sâm Việt Nam hay còn gọi là sâm Ngọc Linh, sâm K5… được phát hiện đầu tiên vào năm 1973 tại vùng núi Ngọc Linh thuộc tỉnh Kon Tum ở độ cao 1.800m so với mực nước biển. Năm 1985, sâm Việt Nam được xác định là một loài sâm Panax mới của thế giới với tên khoa học là Panax Vietnamensis Ha et Grushv. Những năm gần đây, ngoài việc phát triển diện tích tại chỗ theo phương pháp truyền thống, sâm Việt Nam đã được di thực và trồng bằng phương pháp công nghệ cao tại Tam Đảo, Sa Pa, Đà Lạt.

Tại hội thảo, các chuyên gia trong nước và Hàn Quốc đã trình bày những kết quả nghiên cứu mới nhất về thành phần saporin trong sâm Việt Nam, vai trò và tầm quan trọng của sâm Việt Nam, những thành quả trong hợp tác nghiên cứu quốc tế, kết quả trồng sâm Việt Nam theo phương pháp công nghệ cao, phát triển sâm Việt Nam dựa vào kinh nghiệm từ nhân sâm Hàn Quốc, thị trường và tiềm năng của sâm Việt Nam… Hội thảo là cơ hội để doanh nghiệp, nhà đầu tư tìm kiếm đối tác, tích lũy kinh nghiệm, mô hình tiên tiến nhằm khai thác tiềm năng, giá trị to lớn của sâm Việt Nam.

Tin, ảnh: VŨ ĐÌNH ĐÔNG