QĐND - Mọi người thường nhắc đến ông Phạm Thế Cường (130/1B, đường số 8, phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh) với cái tên đầy yêu mến "ông Cường sách". ông là người sở hữu một kho sách hơn 20.000 cuốn-những cuốn sách mà ông nâng niu gìn giữ và sưu tầm từ khi còn thơ bé-và lập một thư viện tư nhân cho trẻ em đọc miễn phí ngay trong khuôn viên gia đình. ông đã thực sự trở thành cái nôi ươm mầm tình yêu sách và những ước mơ xanh cho trẻ em qua từng trang viết…
Kẻ sĩ mê sách
Cái tên Phạm Thế Cường không quá nổi bật trong giới yêu sách và sưu tầm sách cũ. Nhưng nhiều người biết đến ông bởi ông không chỉ là hội viên CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, mà ông còn có một kho sách khổng lồ và là “ông chủ” của thư viện sách tư nhân phục vụ trẻ em đọc sách miễn phí tại TP Hồ Chí Minh. Trong hành trình dài ra Bắc để tìm về tham quan, học hỏi kinh nghiệm của những thư viện sách ở các tỉnh Bắc Ninh, Nam Định… của ông, tôi đã có cơ hội được trò chuyện với ông. Dường như, đam mê sách đã ngấm vào máu, thì tất cả những câu chuyện xoay quanh đều hướng về chủ đề đó. Tôi tò mò hỏi: "Những chuyến đi kéo dài cả tháng, thì thư viện sách có ai trông nom?". ông cười xòa: “Đồng minh đắc lực của tôi là bà xã. Trẻ con đến đọc sách đã theo nền nếp, có phát thẻ hội viên nên giờ tôi cứ đi theo niềm mê say của mình”.
 |
Ông Phạm Thế Cường trong một buổi lễ giới thiệu sách với các bạn đọc nhỏ tuổi. Ảnh do tác giả cung cấp
|
Mê say là thế, nhưng ông vẫn không quên nhắc: “Khi đã “say”, người ta có thể nhịn ăn, nhịn mặc để mua một cuốn sách, hay thậm chí quên mệt mỏi để vượt cả đoạn đường dài mà đến với cội nguồn tri thức. Với trẻ em, nếu được truyền niềm hứng thú đọc sách thì đó là cách để gieo yêu thương và những giấc mơ tuổi thơ hữu ích”.
Ông say mê sách từ năm mới 6 tuổi và cuốn sách đầu tiên là một cuốn tiểu thuyết kinh điển. Sinh ra và lớn lên ở đất kinh kỳ, vào TP Hồ Chí Minh lập nghiệp từ năm 23 tuổi, ông vẫn nhớ tuổi thơ ngọt ngào và kỳ thú trên những chuyến phiêu lưu cùng các nhân vật trong từng trang sách. Người đầu tiên cho ông cảm hứng đọc sách là bố ông-một ông giáo luôn tâm niệm: Chỉ có sách vở mới nuôi dưỡng tâm hồn thơ trẻ và là nhịp cầu với thế giới rộng mở bên ngoài. Hồi đó, gia đình ông đang sơ tán ở Nam Định. Sinh nhật 6 tuổi, bố ông đã tặng cho con trai món quà ý nghĩa: Cuốn tiểu thuyết “Không gia đình” của nhà văn Pháp Hector Malot. Cầm cuốn sách trên tay, khi đó ông tò mò lắm. “Tôi chưa biết đọc chữ, nhìn tranh thì thích hơn. Nhưng bố tôi bảo: Các chị sẽ đọc cho con nghe. Mỗi tối, chị họ (con bác ruột) lại cầm sách đọc cho tôi vài trang. Tôi say sưa nghe như nghe mẹ kể chuyện cổ tích trước khi đi ngủ. Hôm nào mệt, chị ấy đọc ít hơn. Tôi giục thì chị bảo “em tự đọc đi”. Thế là ban ngày, tôi cầm sách, tự lật giở, rồi không hiểu sao cũng đánh vần được. Có khi đọc cả tiếng mới xong một câu, đọc xong không hiểu nghĩa lại nhờ chị giải thích. Trong vòng một tháng, tôi đã đọc đến trang cuối cùng của cuốn tiểu thuyết khiến ai cũng ngạc nhiên”.
Một năm sau, gia đình ông chuyển từ nơi sơ tán về Hà Nội. ông Cường không nhớ bao nhiêu lần đứng xếp hàng trước cổng nhà sách trên phố Hàng Khay để mua sách hay những lần phải đi nhặt ve chai, bán giấy vụn để mua sách. Số sách trong nhà đọc hết, ông lại cất gọn lên trên tủ làm “của để dành”. Thậm chí, số tiền bố mẹ cho ăn sáng, ông đều dành dụm mua sách. Năm 15 tuổi, ông đã có tủ sách với 121 cuốn, trong đó có những cuốn kinh điển và bỏ rất nhiều tiền để mua. Tủ sách của ông trở thành thư viện để bạn bè mượn đọc, trao đổi sách hằng tuần.
Lập thư viện miễn phí
Năm 23 tuổi, ông chuyển vào Nam sinh sống và công tác tại Xí nghiệp X32, ở TP Hồ Chí Minh. Bén duyên với người phụ nữ quê miền Trung nắng gió, hai vợ chồng tay không lập nghiệp. Hạnh phúc của họ ngày càng có thêm nhiều tiếng cười với hai nhóc tỳ kháu khỉnh. Mỗi khi con đến tuổi đến trường, ông đều tặng sách cho con làm món quà đầu đời, như trước đây ông vẫn được bố mình dành tặng. Các con đều có thú vui đọc sách như bố, hễ đi đâu, chơi gì, thấy có sách nào hay cũng mang về, đóng góp vào tủ sách chung của cả gia đình. Trong căn nhà, hai vợ chồng ông dành hẳn tầng 3 để làm chỗ để sách. Trong căn phòng, kê đến 6 kệ đôi và 9 kệ đơn nhưng chỉ có một chiếc bàn gỗ, một máy ảnh, một chiếc đèn đọc sách và cơ man nào là sách. Số lượng sách trong kho sách của ông đến nay là hơn 20.000 cuốn, trong đó có đủ các loại sách từ sách thiếu nhi, sách nghiên cứu, khoa học khám phá đến những tiểu thuyết kinh điển… Có những cuốn sách giấy đã ố vàng, tưởng như chỉ cần chạm nhẹ đã khiến giấy vụn nát nhưng lại là tài sản quý giá nhất mà ông có được.
Những năm 2007-2008, khu vực nơi ông sinh sống xuất hiện rất nhiều quán internet. Trẻ con cứ sau giờ học lại sà vào các quán internet để chơi điện tử. Nhưng xung quanh đó, lại không hề có một hiệu sách nào, thậm chí tiệm cho thuê sách đọc như ông vẫn thường la cà ở Hà Nội hồi nhỏ cũng không có. Ngày ngày, đi tập thể dục hay đi nhà sách, ông đều thấy các quán internet đỏ đèn đến nửa đêm, lúc nào cũng đông khách, chủ yếu là học sinh. Điều đáng nói là không ít em vô tình nhiễm ngôn ngữ mạng và đem ra giao tiếp hằng ngày làm ông rất buồn lòng. Một lần, ông gọi mấy cậu học sinh chừng lớp 4 vừa bước từ quán internet ra: “Các cháu có thích đọc sách không?”. Nghe mấy đứa trẻ rụt rè bảo “có”, khiến ông mở cờ trong bụng. Nghĩ có thể truyền cảm hứng đọc sách cho các em, ông tiếp lời: “Nhà bác có rất nhiều sách, nếu các cháu thích đọc thì buổi sáng chủ nhật, sang nhà bác, chúng ta sẽ cùng đọc sách”.
Một sáng chủ nhật năm 2008, một vài đứa trẻ rón rén đứng trước cổng nhà ông Cường để đọc sách theo lời hứa của ông. ông đón bằng nụ cười trìu mến rồi đưa các cháu lên phòng sách chọn đọc. Từng cuốn sách lật ra, chúng bị cuốn vào mê hồn trận của sách, say sưa đọc. Lúc về, một cậu bé thưa: “Chủ nhật tuần sau, cháu đến đọc sách nữa nhé”. ông mừng thầm, thế là kéo được tụi nhỏ đến với thế giới sách rồi.
Trẻ con truyền tai nhau, kéo đến nhà ông đọc sách ngày một đông. Thấy các cháu ham sách, ông nghĩ, chỉ có đọc sách, giúp các cháu tiệm cận với những tác phẩm văn học giàu tính nhân văn từ nhỏ sẽ góp phần rất lớn vào việc hình thành nhân cách của các em sau này. ông bàn với vợ tận dụng khoảng trống sân sau để lập ra một phòng đọc cho các cháu thiếu nhi đến đọc miễn phí. Hai vợ chồng trích tiền lương ít ỏi xây một căn phòng đọc sách rộng khoảng 20m2 phía sau nhà, chứa 2000 đầu sách thiếu nhi đầu tiên. Ngày 19-5-2008, tại buổi khai trương thư viện sách, ông Cường tổ chức cuộc thi kể chuyện về Bác Hồ. Nhiều em nhỏ hăng hái tham gia. Để việc đọc sách đi vào lịch của các cháu, hai vợ chồng ông phát thẻ đọc sách cho 10 cháu đầu tiên. Tính đến năm 2012, số thẻ đã lên đến 200 chiếc.
Nhiều trẻ con đến đọc sách, các bậc cha mẹ cũng vui lây. Trong các buổi họp tổ dân phố, ông đều đưa ý kiến khuyến khích con cái đọc sách cho các gia đình, ai cũng hào hứng, phấn khởi. Vợ chồng ông còn tổ chức các buổi giới thiệu sách mới, vui chơi trí tuệ, dã ngoại, mời nhà văn về nói chuyện… Vào các dịp hè, ông đều tổ chức các cuộc thi hiểu biết về các lĩnh vực xã hội, văn hóa, lịch sử… có giải thưởng để khuyến khích tham gia. Năm 2009, chủ đề của hội sách hè là: Chúng em với môi trường xanh; năm 2010 là: Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 1000 năm Thăng Long-Hà Nội; năm 2011 là: Em yêu Tổ quốc Việt Nam và hè 2012 là: Đọc sách giúp em tốt đẹp hơn.
Mỗi chủ đề được xây dựng, ông hướng dẫn các cháu tìm đọc kiến thức liên quan, chuẩn bị tài liệu, phân công cho các cháu thuyết trình. Các em được đọc sách miễn phí, nhưng rất hạn chế mượn về nhà, bởi ông muốn cho các em thực sự tập trung và nhập tâm khi đọc sách. Từ khi thư viện được thành lập, nhiều cháu trở nên học giỏi môn Văn, quán internet trong khu phố cũng thưa khách dần. Đến đây, ông còn dạy các cháu học lễ nghĩa, cách sống tốt đẹp, nên về nhà nhiều cháu ngoan ngoãn hẳn lên. Nhiều em có vốn kiến thức, hiểu biết phong phú và sáng tạo hơn.
Ngày nào cũng thế, cổng nhà ông luôn mở cửa đón các em nhỏ đến đọc sách, từ trẻ 6 tuổi đến những người đã nghỉ hưu. Thậm chí, dịp cuối tuần, nhiều cha mẹ cũng đi cùng con đến đọc sách. Hằng ngày, ông vừa chăm sóc và quản lý CLB Người yêu sách Nguyễn Huy Tưởng, vừa đi khắp nhà sách để “cập nhật” thêm sách mới, đồng thời tham quan, giao lưu với các thư viện khác.
Sau 5 năm hoạt động, thư viện sách tư nhân của ông lên đến gần 10.000 cuốn sách, mở rộng khuôn viên lên 40m2. Tháng 3-2013, thư viện sách tư nhân Phạm Thế Cường được Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Hồ Chí Minh cấp giấy chứng nhận hoạt động, trở thành bước ngoặt quan trọng trong hoạt động chung của thư viện. ông mỉm cười bảo tôi: “Người ta thường nhắc đến thiệt-hơn khi bảo tôi “mang tiền nhà đi làm việc xã hội. Nhưng với tôi, suốt cả cuộc đời mải miết đi kiếm tìm tinh hoa của kiến thức, chỉ mong mang lại thành quả là thành lập thư viện sách, truyền đam mê đọc sách cho các em mà thôi. Chỉ cần hằng ngày thấy các cháu say mê đọc sách, trưởng thành và sống tốt hơn nhờ sách là tôi vui lắm rồi”.
VĂN QUỲNH LƯU