Cuối tháng 12 năm 1964, Trung đoàn ô tô 265 được Bộ Tổng tư lệnh tung vào Trường Sơn. Tiến thẳng hướng Nam, vượt qua muôn trùng sông núi mà đích cuối cùng là Bạc thuộc Hạ Lào, cuộc hành quân của trung đoàn kéo dài khoảng nửa tháng trên chặng đường gần 1.500km. Sự xuất hiện đoàn “ngựa sắt” đã làm những người lính Trường Sơn bao năm lăn lộn trong cảnh “ở không nhà, đi không dấu, nấu không khói, nói không thành tiếng” sung sướng đến rơi nước mắt.

Ngày 15-1-1965, anh Thiết Cương, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 265 và tôi, Chủ nhiệm chính trị Trung đoàn từ Ba Khe quay về La Hạp để báo cáo kết quả cuộc hành quân và xin chỉ thị về nhiệm vụ tiếp theo của Bộ Tư lệnh Đoàn 559.

La Hạp là một ngã ba nối đường 128 và đường B45. Một ngả ra Bản Đông, một ngả vào Bạc, và một ngả tạt ngang xuống A Lưới - A Sầu.

Thiếu tướng Võ Bẩm (thứ hai từ bên trái) cùng các con trai trong quân ngũ: Võ Dũng (bên trái ảnh), Võ Kiên (bên phải ảnh) và Võ Cẩm (chụp năm 1970). Ảnh gia đình cung cấp

Sở chỉ huy Bộ Tư lệnh Đoàn 559 đóng trong một khu rừng đại ngàn nguyên sinh cách ngã ba La Hạp chừng 3km. Đường vào Bộ Tư lệnh được ngụy trang không thấy dấu chân người. Đồng chí liên lạc của Bộ Tư lệnh đứng sẵn ngoài đường cái dẫn chúng tôi đi gần một giờ đồng hồ mới tới nơi. Gặp một chiếc lán nằm ven con suối nhỏ, đồng chí liên lạc giới thiệu với chúng tôi, đó là Sở chỉ huy của Bộ Tư lệnh. Đứng ngoài nhìn vào đã thấy hai người mà tôi đã từng quen biết là Trung tá Nguyễn An và Trung tá Nguyễn Lang. Còn một người tôi chưa bao giờ gặp mặt nhưng đoán chắc là Tư lệnh Võ Bẩm. Thiết Cương và tôi vào lán, chưa kịp đứng nghiêm để chào thì các anh đã đứng cả dậy, ôm chầm chúng tôi tựa như lâu ngày gặp được người thân, vui mừng mà nói: “Chúc mừng thắng lợi cuộc hành quân của các cậu”. Riêng anh Võ Bẩm giống hệt như một nông dân, bận bộ quần áo đen xuyềnh xoàng, người cao to, mặt vuông chữ điền với vầng trán cao, nhìn quắc thước nhưng đôn hậu. Anh dang cả hai tay, một bên ôm Thiết Cương, một bên ôm tôi, siết chặt vào người và nói với giọng xúc động: “Bọn tớ trông đợi các cậu như trông mẹ đi chợ về. Phấn khởi quá! Sung sướng quá!”. Ngần ấy từ đủ biết cái tình cảm và cái khát khao của người đứng mũi chịu sào thực hiện sứ mệnh chi viện sức người, sức của cho cách mạng miền Nam trào dâng đến mức nào!

Đồng chí Võ Bẩm sinh ra trong một gia đình nhà nho thuộc xã Tịnh Khê, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Từ nhỏ, ông đã chịu ảnh hưởng về lòng yêu nước của người cha là cụ Võ Thạc, một yếu nhân trong phong trào chống Pháp của vua Duy Tân tại Quảng Ngãi. Năm 15 tuổi, Võ Bẩm tham gia hoạt động cách mạng. Tháng 3-1934, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Nhiều lần ông bị giặc Pháp bắt tù đày ở các nhà lao Quảng Ngãi, nhà tù Lao Bảo, nhà tù Buôn Ma Thuột… Cách mạng Tháng Tám thành công, ông được điều động vào quân đội (10-1945) và kể từ đó, cả cuộc đời ông luôn phấn đấu, rèn luyện để xứng danh Bộ đội Cụ Hồ.

Sau khi hiệp định Giơ-ne-vơ được ký kết, dưới ách thống trị của Mỹ-Diệm, những người cộng sản và đồng bào yêu nước ở miền Nam bị kìm kẹp, tù đày, bị giết hại dã man. Những người con của miền Nam sống trong cảnh “ngày Bắc đêm Nam” muốn được trở về chiến đấu giải phóng quê hương. Trong số đó có Võ Bẩm.

Ngày 5-5-1959, đồng chí Nguyễn Văn Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban Thống nhất Trung ương đã truyền đạt chỉ thị của Bộ Chính trị và trực tiếp giao nhiệm vụ cho Võ Bẩm: Mở một con đường đặc biệt trên dãy Trường Sơn. Nhiệm vụ trong năm 1959 là thiết lập tuyến hành lang, nối thông liên lạc, vận chuyển gấp một số hàng quân sự thiết yếu cho Khu 5, đưa cán bộ tăng cường cho chiến trường…

Lúc đó, Võ Bẩm còn giữ cương vị Cục phó Cục Nông trường.

Từ một tổ chức bé nhỏ được gọi là “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” do ông làm Đoàn trưởng, sau một vài tháng được đổi tên là Đoàn 559 với số quân vẻn vẹn có 440 cán bộ, chiến sĩ, được biên chế thành một tiểu đoàn có nhiệm vụ xoi lối mở đường, dần dần phát triển thành một sư đoàn với hơn một vạn quân vào cuối năm 1961, rồi thành một binh đoàn binh chủng hợp thành với hơn hai vạn quân vào giữa năm 1965. Trong giai đoạn này, Thiếu tướng Võ Bẩm là người đã “khai sơn phá thạch”, xây dựng tuyến vận tải quân sự Trường Sơn từ đông sang tây, chuyển phương thức vận tải bằng mang vác sang phương thức gùi thồ, và từ gùi thồ sang phương thức vận tải bằng cơ giới là chủ yếu (1963 - 1964). Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh sau này đã qua 4 lần thay đổi Tư lệnh. Thiếu tướng Võ Bẩm là một trong những người đặt nền móng cho việc hình thành một binh đoàn vận tải chi viện chiến lược mà chiến công vang dội của nó đã đi vào lịch sử.

Nghĩ về chiến công của Bộ đội Trường Sơn, chúng ta thương tiếc và biết ơn vô hạn gần 2 vạn cán bộ, chiến sĩ Trường Sơn đã anh dũng hy sinh, hơn 3,2 vạn người bị thương tật và nhiều người bị nhiễm chất độc da cam. Nhưng chắc chắn có một con người không bao giờ phai mờ trong ký ức của những người lính Trường Sơn, đó là Thiếu tướng Võ Bẩm. Ông là hiện thân của một cán bộ rất mực trung kiên, là một cán bộ có tài, dũng cảm sáng tạo và quyết đoán, rất mực yêu thương đồng đội và cấp dưới, một vị tướng giản dị, khiêm tốn, cương trực và thủy chung.

PHAN HỮU ĐẠI