Nhà thơ dân tộc Tày Y Phương sinh năm 1948, tại huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, với tên khai sinh là Hứa Vĩnh Sước. Ông từng giữ chức vụ lãnh đạo văn hóa, văn học nghệ thuật của tỉnh Cao Bằng, nhận được nhiều giải thưởng cao quý như: Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2007. Với những văn nghệ sĩ dân tộc thiểu số (DTTS) thế hệ sinh sau chiến tranh như tôi, tầm vóc của Y Phương thật sự lớn lao, một tượng đài văn học, bởi ông khá đa tài từ làm thơ, viết văn xuôi đến tiểu luận rất độc đáo, sâu sắc, có giá trị lâu dài. Và hơn hết, ông truyền cảm hứng cho những bạn trẻ viết văn người DTTS dấn thân vào văn chương.

Hồi còn là một chú trai núi người Thái ở miền tây Nghệ An, tôi tình cờ đọc bài thơ của Y Phương trong một tờ báo Tết. Chỉ nhớ rằng đó là khung cảnh một buổi sáng mùa xuân, người thơ ngồi nghe tiếng mưa rơi trên mái tôn mà cảm tác. 

 Nhà thơ Y Phương. Ảnh: NGUYỄN ĐÌNH TOÁN.

 

Tôi đã gặp lại chính khung cảnh của một cơn mưa như thế khi theo chân người bạn đến nhà thăm ông. Từng giọt lộp độp rơi trên mái tôn. Tôi toan hỏi về bài thơ từng đọc nhưng rồi lại quên béng bởi câu chuyện của ông chủ yếu về cuộc sống và ông thì luôn tay lau dọn chỗ này chỗ kia. Ông quan niệm rằng không gian sống phải sạch sẽ, đàng hoàng thì sức sáng tạo sẽ luôn dồi dào. Ông khuyên chúng tôi là những người viết DTTS nên giữ gìn hồn cốt dân tộc mình trong sáng tạo nếu muốn có thành tựu. Ông hát thơ Tày, nói tiếng Tày cùng người nhà và đó là cách ông giữ gìn bản sắc, nguồn cội. Tôi ngồi nghe và chợt nghĩ có lẽ vì thế mà ông viết được những câu thơ dung dị mà giàu sức gợi. Ở đó có lối nghĩ của người Tày quê ông thoát thai trong hình hài tiếng Việt: “Người đồng mình thô sơ da thịt/ Chẳng mấy ai nhỏ bé đâu con/ Người đồng mình tự đục đá kê cao quê hương/ Còn quê hương thì làm phong tục”.

Sau cuộc gặp, tôi tìm đọc về ông nhiều hơn. Hồi đó, tôi chỉ nhớ mỗi bài thơ “Nói với con” in trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 9. Tôi tìm đọc về ông nhiều hơn rồi nhận ra những sáng tác của ông là sự kết hợp tài tình giữa vốn cổ bản địa và chất hiện đại. Tôi dừng lại lâu nhất ở “Tiếng hát tháng Giêng” được ông viết năm 1986. Đó là những tâm tình của thi nhân về thời gian lao của đất nước. Tháng Giêng, mùa tòng quân nhập ngũ, anh lính người Tày nhắn nhủ với “em” là người ở lại quê nhà. Ở thi phẩm “Tiếng hát tháng Giêng”, ngoài hình ảnh chiến hào và nòng súng hướng về ngược gió, chúng ta còn thấy thấp thoáng bóng dáng của trường ca “Khảm hải” (vượt biển), một tác phẩm văn học trứ danh của người Tày. “Đá lô nhô như sóng triều dâng/ Sóng có buồn? Sao núi bâng khuâng...”.  

Ngày ấy, khi đọc những tác phẩm của Y Phương, tôi nghĩ rằng bản thân mình cũng sinh ra và trưởng thành trong không gian làng bản. Lớn lên trong điệu hát khắp, hát xuối; cũng ở nhà sàn, tắm suối, ăn nếp nương... Rồi tôi tự nhìn lại những thứ mình tập tọng viết bấy lâu nay và nhận ra dù có cố công tìm một lối viết mới mẻ, tôi vẫn không thể vượt qua cái bóng bao trùm của một miền văn hóa Thái. Tôi nhận ra bóng dáng của “Xống chụ xon xao” (Tiễn dặn người yêu) trong những vần thơ của mình. Đó là một dòng suối lớn mà tôi có thể thỏa thuê vùng vẫy. Còn với Y Phương, đó có thể là “Khảm hải”, là tiếng đàn then hay lời ru của bà và vốn sống suốt một thời gian dài của cuộc đời ông gắn bó với quê hương Cao Bằng của mình.

Sau cuộc gặp với Y Phương ít lâu, tôi có đọc thêm “Tháng Giêng tháng Giêng một vòng dao quắm” (2009), một tập tản văn của ông. Ngày đó, cuốn sách đã rất cuốn hút tôi bởi không có nhiều tản văn về văn hóa miền núi và nhất là khi nó do chính người miền núi viết. Tập tản văn là những câu chuyện về miền đất, con người, văn hóa Cao Bằng quê ông được kể một cách thản nhiên và gọn ghẽ. Trong sách xuất hiện không ít tên gọi tiếng Tày của các nghi lễ tâm linh, lễ hội, các đoạn trích lời hát tiếng Tày. Trong tác phẩm, tiếng Tày và tiếng Việt được ông sử dụng một cách tự nhiên, tạo nên sự độc đáo ít thấy ở thể loại tản văn. Đó là một cách ông thể hiện niềm tự hào về bề dày, cũng là cách ông quảng bá văn hóa quê hương đến công chúng.

Sức sáng tạo của Y Phương thật dồi dào, thành tựu thật lớn, cần phải có những công trình nghiên cứu xứng tầm. Bài viết nhỏ này xin vĩnh biệt nhà thơ độc đáo của văn học Việt Nam hiện đại, người đã "kê cao quê hương" bằng thơ ca.

Nhà thơ VI VĂN CHÔỒNG