Khi lớp phóng viên trẻ chúng tôi về báo, ông đã là một trụ cột chuyên viết về chiến đấu, huấn luyện và rèn luyện kỷ luật. Da ngăm ngăm, dáng người chắc nịch, nói ít nhưng nói to, rõ ràng và chắc chắn-con người ông như sinh ra để dành cho những cuộc hành quân, những chuyến đi dài, đi xa về những nơi nóng bỏng nhất của cuộc chiến.
Nhà báo Nguyễn Hồng Phương, người đồng đội cùng phòng, cùng nhóm công tác với ông trong nhiều năm kháng chiến chống Mỹ, cứu nước kể rằng, cứ khi cần phóng viên đi chiến trường thì Tư Đương là một trong những người đầu tiên hăng hái xung phong. Nhà báo Hồng Phương nhớ lại, chính Tư Đương là phóng viên có mặt ở các chiến trường Lào nhiều nhất. Trong một đêm giữa chiến dịch Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng, bất chợt tiếng chuông điện thoại réo lên: “Tư Đương đây. Ghi lại lời tớ nhé. Từ đây không có cách gì gửi bài ra nhanh được”. Thế là gần 2 giờ khi máy thông, khi ngắt quãng, phóng viên trực đêm Hồng Phương đã ghi lại được những thông tin và chi tiết chính của bài báo đọc từ Cánh Đồng Chum trên đất bạn. Hôm sau, tờ báo có bài báo nóng hổi, đậm đặc thông tin về trận chiến quyết liệt của bộ đội Lào-Việt ra mắt trong sự ngạc nhiên và phấn chấn của cả tòa soạn.
 |
Nhà báo Nguyễn Tư Đương ở chiến trường. Ảnh do gia đình cung cấp |
Sau chuyến đi Cánh Đồng Chum, Tư Đương còn bám sát các trận đánh trong Chiến dịch Đường 9-Nam Lào, rồi Mặt trận Quảng Trị, rồi xa hơn nữa vào phía Nam. Những khi ở Hà Nội, ông hầu như thường xuyên đến với các đơn vị, các trận địa và có mặt trong các cuộc tổng kết, diễn tập. Cả cơ quan ai cũng yêu quý ông không chỉ bởi sự xông xáo mà còn ở bản tính chân thật, khảng khái. Ông đã từng nhiều lần thẳng thắn đối thoại và tranh luận với chỉ huy đơn vị về những yêu cầu của thực tế chiến đấu. Công việc làm báo với ông là không có “tô hồng”, chỉ có quyền nói đúng sự thật.
Công việc là vậy song cuộc sống riêng của ông lại gặp điều không thuận. Kết hôn nhiều năm nhưng không có con, những nét buồn thi thoảng vẫn làm ông trầm lại. Cả cơ quan biết điều ấy nên đến một ngày vợ ông sinh nở, mọi người đều quan tâm, chờ đợi. Nhưng ca sinh không thành, Tổng biên tập Nguyễn Đình Ước dành chiếc ô tô cho nhóm hỗ trợ đặc biệt đi xin một bé sơ sinh bị bỏ lại đem về cho vợ chồng ông nhận làm con nuôi. Và rồi đứa bé càng lớn lại càng trông giống ông. Hơn thế nữa, lần sinh nở sau nhà ông lại đón được phúc lớn “mẹ tròn con vuông”.
Với riêng tôi, thật tiếc là chỉ được một lần đi công tác cùng ông. Đó là chuyến đi đến Trung đoàn 165, Sư đoàn 312 sau khi đơn vị từ chiến trường ra hậu phương. Việc củng cố, xây dựng nâng chất lượng toàn diện của trung đoàn lúc này rất cấp thiết, trước hết là chất lượng, phong cách của cán bộ chỉ huy và trách nhiệm đảng viên.
Sau buổi làm việc với Chính ủy Trung đoàn La Văn Tý, nhà báo Nguyễn Tư Đương đi đến nhiều đại đội thăm hỏi, trao đổi kỹ càng với cán bộ, chiến sĩ để rồi ông hoàn thành một bài báo đặc sắc với đầu đề “Đêm giao thừa của một tác phong”. Vâng, không có đội ngũ cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần trách nhiệm, gần gũi, thân mật mà kiên quyết, rõ ràng với chiến sĩ thì không thể động viên họ chấp hành kỷ luật, quyết tâm rèn luyện sẵn sàng trở lại chiến trường. Tôi và anh em mới vào nghề học được nhiều ở nhà báo Tư Đương từ thái độ trách nhiệm, niềm say mê nghề nghiệp cùng những chuyến đi, những bài viết của ông. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, nhà báo Tư Đương vẫn mải mê bám riết các đơn vị, các vùng đất chiến trường cũ. Ông là người đầu tiên viết kỹ về “Đường mòn Hồ Chí Minh trên biển”, về tuyến đường ống xăng dầu vượt Trường Sơn. Ông cũng viết nhiều về cuộc sống và chiến đấu của nhân dân và bộ đội ta tại miền đất Đồng bằng sông Cửu Long, nơi trong chiến tranh rất ít phóng viên có điều kiện được đến.
Với kinh nghiệm từng trải và sức viết của mình trong chiến tranh, nhà báo Nguyễn Tư Đương sau này được điều về Ban Ký sự lịch sử trực thuộc Tổng cục Chính trị. Vẫn là ông, trung thực, khảng khái, những trang viết hồi ký về các mặt trận, các đồng đội và nhân dân của ông tiếp tục ra mắt và được người đọc đã hoặc chưa từng qua chiến tranh hào hứng đón nhận.
Một trái tim, một ngòi bút chiến binh Nguyễn Tư Đương đã và vẫn sẽ làm ấm lòng đồng chí, đồng đội và bạn đọc gần gũi.
MẠNH HÙNG