QĐND - Kỷ niệm 49 năm Ngày thành lập Sư đoàn 2 (Quân khu 5), từ mảnh đất Tây Nguyên, lãnh đạo, chỉ huy cùng cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã về Đà Nẵng thăm, chúc sức khỏe Thượng tướng Nguyễn Chơn, Anh hùng LLVT nhân dân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng khóa VI, VII, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó tổng Tham mưu trưởng, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2.

Ở tuổi 87, vị tướng trận mạc vẫn còn khá minh mẫn. Mái tóc bạc trắng trên gương mặt hồng hào, sư đoàn trưởng “thét ra lửa” năm nào giờ vẫn thật phúc hậu. Căn bệnh huyết áp cao và hen suyễn không cho phép ông ngồi xe lăn được lâu. Vậy mà hôm đó ông vui, nói chuyện cả giờ đồng hồ. Nhận lẵng hoa từ tay chỉ huy sư đoàn, ông cười trìu mến. Câu đầu tiên, ông hỏi: “Đơn vị hiện nay huấn luyện thế nào?”. Đại tá, Sư đoàn trưởng Thái Đại Ngọc báo cáo công tác huấn luyện của đơn vị trong năm qua có bước tiến bộ vượt bậc. Đơn vị phối hợp các quân binh chủng của Bộ Quốc phòng diễn tập hiệp đồng bắn đạn thật, quy mô lớn; đăng cai tổ chức 11 sự kiện lớn; đơn vị nền nếp, chính quy, doanh trại xanh, sạch, đẹp; đời sống cán bộ, chiến sĩ không ngừng được nâng cao. Năm 2013 và 2014, Sư đoàn 2 tổ chức kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trung đoàn 1-Ba Gia, 60 năm Ngày thành lập Trung đoàn 38-Gio An; năm 2015 kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Trung đoàn 95-Măng Yang và 50 năm Ngày thành lập sư đoàn.

Cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2 thăm Thượng tướng Nguyễn Chơn.

Thượng tướng Nguyễn Chơn tỏ vẻ hài lòng. Ông hỏi kỹ về công tác chuẩn bị cho lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập sư đoàn (20-10-2015), về khách mời và nhắc đơn vị không bỏ sót anh em chỉ huy nào, nhất là những đơn vị trước đây thuộc Sư đoàn 2, nay đã thay đổi phiên hiệu hoặc chuyển sang đơn vị khác. Chiều dài lịch sử “sư đoàn thép” hai lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân, trong đó Trung đoàn 1 đã ba lần được tuyên dương Anh hùng, làm ông thêm phấn khích. Ông nói, sở dĩ Sư đoàn 2 thành tích vẻ vang là bởi vì nắm chắc địch, không chủ quan, đặc biệt là biết dùng quân; lúc nào thì 2 kèm 1, lúc nào thì 1 kèm 1, không để chiến sĩ không được huấn luyện, thao tác lóng ngóng khi ra chiến trường. Phải rèn luyện nghiêm ý chí kỷ luật, đây là một trong những yếu tố quyết định thắng lợi. Ông nói kinh nghiệm một số trận tiêu biểu đánh Mỹ, ngụy mà ông tham gia và chỉ huy, như các trận: Ba Gia, Vạn Tường, Đường 9-Nam Lào, Đắc Tô, Tân Cảnh... Ông nhớ về các Sư đoàn trưởng Lê Hữu Trữ, Dương Bá Lợi, Nguyễn Việt Sơn, Trương Hồng Anh đã hy sinh với bao cảm xúc bồi hồi và niềm thương mến. Với Sư đoàn trưởng Vũ Đình Nã, ông dành tình cảm đặc biệt; vui mừng khi nghe Quân khu 5 và Sư đoàn 2 hỗ trợ kinh phí để cuối đời Đại tá Vũ Đình Nã đã có căn nhà khang trang hơn.

Giữa câu chuyện, cán bộ sư đoàn hỏi: “Thủ trưởng từng nói, trong trận đánh có thể lường trước bao nhiêu thương vong của đơn vị?”, ông khẳng định, đúng như vậy, chiến đấu nhiều thì ắt tiên liệu được. Lường trước thương vong, một phần để trang bị đủ dụng cụ y tế cứu chữa thương binh kịp thời và chôn cất liệt sĩ chu đáo. Ông kể trong chiến tranh, bộ đội ta có lúc khá đơn giản, như đánh dấu mộ đồng đội, không dùng hòn đá khắc tên mà dùng khúc gỗ. Qua thời gian, mối mọt, mưa gió, khúc gỗ hư hỏng, mộ trở thành vô danh, thật đau xót. Rồi ông kể về trận đánh ở thị xã Kon Tum năm 1972, do sai lầm trong chỉ đạo và không lường trước thời tiết địa bàn Tây Nguyên nên các hỏa lực mạnh bị vô hiệu hóa, dẫn đến tổn thất lớn. Đây cũng là bài học của lịch sử mà người cầm quân phải nghiên cứu chiến lệ nhằm bảo đảm trận đánh thắng lợi. Ông nhắc nhở sư đoàn nên thăm chiến trường Kon Tum, dâng hương tưởng niệm những người lính của sư đoàn đã ngã xuống ở mảnh đất này.

Chiến đấu và trưởng thành ở Sư đoàn 2 và Khu 5 gần suốt cuộc đời binh nghiệp, trưởng thành từ tiểu đoàn trưởng, trung đoàn trưởng và hai lần làm sư đoàn trưởng, tiếp đến là Tư lệnh Quân khu 5, nên Thượng tướng Nguyễn Chơn là linh hồn của “sư đoàn thép”. Ông từng mổ vết thương mà không cần dùng thuốc gây tê, bởi ông muốn để dành thuốc đó cho thương binh nặng hơn, việc làm của ông làm bao người thán phục. Kể lại chuyện này, ông giơ cánh tay bị thương: “Vẫn còn một mảnh nằm trong cánh tay này, nhưng hồi đó nếu đi viện thì làm sao đánh giặc. Thôi cứ kệ, lâu ngày thành quen, coi như không có”. Tuổi già, ông hay hoài niệm. Đồng đội làm tặng cuốn phim tư liệu về ông, ngồi xem mà ông rớm lệ. Đó là khi phim nhắc về người vợ hiền của ông đã mất, Anh hùng LLVT nhân dân Trần Thị Lý; là đồng bào đã cưu mang ông trong chiến tranh; là các đồng chí lãnh đạo ở Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 đã sát cánh với ông qua những trận đánh, nay không còn nữa; là những cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 2, gương mặt trẻ măng, ngời sáng trong buổi lễ ra quân huấn luyện…

Đại tá Lê Ngọc Nam cho biết: “Vẫn biết việc đón Thủ trưởng Nguyễn Chơn lên sư đoàn là điều không thể, nhưng cán bộ, chiến sĩ sư đoàn ai cũng có tâm nguyện như vậy, nhất là trong những dịp lễ lớn. Hôm nay về thăm, nghe những lời ông dặn dò, chúng tôi càng thấy trách nhiệm của mình, làm sao để xứng đáng với truyền thống đơn vị mà thủ trưởng đã dày công xây đắp”.

Đã đến giờ quân y vào điều trị căn bệnh hen suyễn của ông. Mọi người lưu luyến nắm chặt bàn tay ấm áp của vị tướng tài ba, đức độ, nghĩa tình, để được nhận thêm sức mạnh. Thượng tướng Nguyễn Chơn nhìn theo màu áo xanh mà ông từng gắn bó, đôi mắt lại đỏ hoe…

Bài và ảnh: HỒNG VÂN