Ngay từ khi lọt lòng mẹ, Nguyễn Thanh Bình đã được phát hiện bị hỏng chân trái. Gia đình cứ nghĩ Bình bị bại liệt nên đưa đi chữa khắp nơi, tốn bao tiền của, mãi sau này mới biết, anh bị ảnh hưởng chất độc da cam từ người bố. Bình tâm sự: “Khi đang học lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên tôi đã phải bỏ học. Sau đó, tôi theo học nghề may với tất cả niềm đam mê và sự cố gắng. Quá trình học, tôi có cơ hội tiếp xúc với xã hội, với cộng đồng và nhận thấy cuộc sống thật là tốt đẹp. Từ đây, tôi thay đổi cách nhìn, thay đổi quan niệm sống và nghĩ mình nên làm gì cho bản thân, gia đình và xã hội. Tôi luôn nghĩ, người khuyết tật phải có một tay nghề vững mới bảo đảm được cuộc sống, mới thay đổi được số phận”.

Chỉ sau một năm học, Nguyễn Thanh Bình trở thành thợ may có tay nghề giỏi, anh mở cửa hàng may thời trang từ đó và phát triển nghề cho đến nay. Hiện cửa hàng anh luôn có 3 thợ chuyên may các loại quần áo, comple, váy đầm thời trang theo yêu cầu của khách hàng. Mức lương trung bình của thợ đạt 2,5-4 triệu đồng/tháng.

Ngoài việc sản xuất, kinh doanh hàng may mặc, 5 năm qua, Bình đã dạy nghề cho hơn 200 lượt người gồm lao động nông thôn, người khuyết tật, lao động xuất khẩu, học sinh, sinh viên, những người là con em gia đình chính sách... Đối với những người thuộc diện gia đình chính sách hay người có hoàn cảnh khó khăn, anh giảm 50% học phí; còn với những người khuyết tật hay nhiễm chất độc da cam, anh miễn phí học nghề. Qua thời gian được đào tạo, hầu hết họ có tay nghề thành thạo, có việc làm tại các xí nghiệp, cơ sở và mở cửa hàng riêng để phát triển kinh tế gia đình.

Không chỉ sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, Nguyễn Thanh Bình còn tích cực tham gia công tác xã hội, mở rộng giao lưu với cộng đồng. Năm 2014, anh làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Thanh niên khuyết tật tỉnh Thái Bình. Với trọng trách của mình, anh cùng Ban chủ nhiệm câu lạc bộ tìm kiếm, nắm bắt thông tin về người khuyết tật, tranh thủ sự giúp đỡ của cộng đồng xã hội, của các tổ chức trong nước và quốc tế. Cũng từ đây, nhiều chương trình, dự án đã đến với người khuyết tật: Dự án Drive giai đoạn 2 được thực hiện ở tỉnh Thái Bình trong thời gian 2 năm (2009-2010) với sự tài trợ của Quỹ cựu binh Mỹ. Dự án “Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật nghèo và phơi nhiễm đi-ô-xin” tiếp tục được thực hiện giai đoạn 2 trong thời gian từ tháng 6 đến tháng 12-2012 đã hỗ trợ trực tiếp cho 19 hội viên trong tỉnh với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Dự án của Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua tổ chức Development Alternative Inc (DAI-Hoa Kỳ) và Hội Trợ giúp người khuyết tật Việt Nam (VNAH) nhằm nâng cao năng lực hoạt động cho câu lạc bộ thanh niên khuyết tật và phát triển cơ hội việc làm cho người khuyết tật tỉnh Thái Bình. Dự án thực hiện từ tháng 3 đến tháng 9-2015 với tổng kinh phí gần 530 triệu đồng, hỗ trợ vốn vay quay vòng không lãi suất cho 20 người khuyết tật...

GIA LINH