 |
9 người con của hai cụ Tạ Quang Yên-Nguyễn Thị Nuôi (ảnh chụp từ 1934) trong đó sau này 6 người là liệt sĩ, một người là thương binh. |
Tôi theo anh Vân, anh Tạo... là cán bộ Tỉnh đội và Thành đội tới thăm gia đình bác Tạ Quang Tám đang sống trong ngôi nhà “gia đình chính sách” ở miền Đông Thanh của phường Vị Hoàng, thành phố Nam Định. Chuyện bác Tám kể về cách nay gần 60 năm gia đình được Bác Hồ “sắc phong”: “... Muôn thuở thơm danh”, nghe như huyền thoại:
Bác Tạ Quang Tám-người con thứ tám của ông bà Tạ Quang Yên-Nguyễn Thị Nuôi. Ông bà có 8 người con trai và một con gái (có một người mất từ bé), thì 7 anh đã tòng quân đánh giặc, trong đó 6 người đã hy sinh anh dũng ngoài mặt trận, còn một người trở về là thương binh-đó là bác Tám...
Ông cụ quê ở Huế, bà cụ quê ở Hà Nội, phiêu dạt tới đây làm nghề kéo xe thuê bên bến đò Chè, quanh năm lặn lội ven sông đầy cực khổ, nhưng thấm nỗi khổ nhục của người dân mất nước, đã nuôi dưỡng giáo dục gần chục người con “nên người”. Ngôi nhà nghèo năm xưa của gia đình ở 100-C10-phố Bờ Sông (phường Phan Đình Phùng), từng là một cơ sở của cách mạng. Và chính người con trai đầu Quang Trường sớm tham gia hoạt động cách mạng, đã trở về trong đoàn quân khởi nghĩa giành chính quyền ở thành Nam. Nước nhà giành được độc lập mới ba tuần thì ngày 23-9-1945, Pháp đã trở lại xâm lược, gây hấn ở Nam Bộ. Nghe tiếng gọi “sơn hà nguy biến”, mùa thu ấy anh Quang Trường xung phong vào chi đội Nam tiến của Thành Nam lên đường vào Nam Bộ bám trụ đánh giặc, về sau hy sinh giữa trận tiền...
Mùa xuân 1946, cùng lúc 5 người em của Quang Trường là Khả-Hồng-Thuấn-Đức-Tám noi gương anh đã “Nam tiến” cùng xung phong lên đường tòng quân giết giặc. Theo yêu cầu chiến đấu, 4 người anh tình nguyện vào đội quyết tử bảo vệ Thành Nam (về sau là đại đội 105 của Tỉnh đội), còn Tám năm ấy mới 16-17 tuổi làm chiến sĩ liên lạc của đại đội 1, trung đoàn 34. Ngày 19-2 Đinh Hợi (theo ngày lịch âm mà sau này gia đình làm giỗ)-tức ngày 11-3-1947, xe tăng, xe cam nhông của quân Pháp ùn ùn kéo về hòng giải vây cho đồng bọn trong thành phố. Nhưng khi quân Pháp vừa kéo tới làng Trung Trang (sau thuộc xã Mỹ Tân) ở vùng ngoại thành thì bị đơn vị Quyết tử do anh Khả làm trung đội trưởng chỉ huy phục kích, dùng bom ba càng và các vũ khí tự tạo bất ngờ tấn công mãnh liệt, diệt nhiều xe và lính Pháp. Bọn địch sống sót phải rút về cố thủ ở đồn Hữu Bị. Nhưng bốn anh em Khả-Hồng-Thuấn-Đức ngày hôm ấy đều hy sinh tại trận...
 |
Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nuôi (người ngồi giữa) của gia đình được Bác Hồ khen tặng “... Muôn thuở thơm danh”. (Ảnh của gia đình cung cấp) |
Ngày 4 người anh quyết tử của bác Tám hy sinh thì bác Tám cũng là chiến sĩ dũng cảm của trung đoàn 34 liên tục chiến đấu 86 ngày đêm quyết tử bảo vệ Thành Nam-trung đoàn đã được Bác Hồ khen tặng danh hiệu Tất Thắng. Hai năm sau đó, Tám được điều về công tác ở Ban 2 của Khu 3 về hoạt động bí mật ở vùng Phát Diệm được hai năm thì bị địch bắt giam ở Nam Định, rồi Hải Phòng. Cùng anh em đào hầm trốn không thành, Tám bị đày ra Phú Quốc. Sau ngày đã có Hiệp định Giơ-ne-vơ, đến 8-1955, bác Tám mới được trao trả trở về ở Sầm Sơn, và được xuất ngũ, chuyển công tác... Nhưng hết đánh Pháp lại phải đánh Mỹ. Mùa xuân năm 1965, bác Tám đã chuyển ngành lại xin tái ngũ, cùng người em út là Quang Mười lên đường chiến đấu ở chiến trường Khu 5. Đến năm 1967, bác Tám bị thương nặng nên được ra Bắc điều trị, là thương binh hạng 3/4 nên được chuyển ngành công tác cho đến khi về hưu. Còn người em Quang Mười là chiến sĩ phòng không của đoàn 365 tiếp tục chiến đấu đến năm 1972 đã hy sinh trong chiến dịch Quảng Trị, mãi năm 1995 mới tìm được mộ, đã đón anh về giữa lòng Thành Nam...
Cụ Yên đã qua đời từ năm 1969, còn cụ Nuôi cũng qua đời năm 1979, nên không được biết năm 1994 cụ bà được truy tặng danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam anh hùng” trong đợt đầu tiên. Gia đình hai cụ có 7 người con trai tòng quân, thì 6 người là liệt sĩ, một người trở về là thương binh, trong đó 4 người đã hy sinh oanh liệt-là liệt sĩ từ những ngày đầu của toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Và ngày ấy, sau khi nhận được báo cáo của địa phương, tháng 9-1948 Bác Hồ đã viết thư, gửi tặng chiếc áo... là “sắc phong” anh hùng đầu tiên:
“Kính gửi cụ Tạ Quang Yên ở Nam Định. Tôi rất cảm động được báo cáo rằng cụ có 8 người con, trong đó có 6 người tham gia kháng chiến, mà 4 người đã oanh liệt hy sinh vì Tổ quốc. Tôi trân trọng thay mặt Chính phủ gửi lời khen ngợi và tặng cụ mấy chữ:
Một nhà trung hiếu-Muôn thuở thơm danh.
Nhân dịp này tôi xin biếu cụ một chiếc áo mà đồng bào đã biếu tôi...”.
TIẾN HẢI