Vị tướng gắn bó với những chiến trường khốc liệt

Đại tướng Lê Trọng Tấn tên thật là Lê Trọng Tố. Ông quê ở làng Nghĩa Lộ, thôn An Định, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Do cơ duyên nghề nghiệp, chúng tôi được gặp nhiều anh hùng, tướng lĩnh từng công tác với Đại tướng Lê Trọng Tấn và cả nhiều nhà nghiên cứu khoa học quân sự. Họ đều có chung nhận định, Lê Trọng Tấn là tướng trận, tướng tấn công. Ở những chiến trường gai góc và nóng bỏng nhất, sự có mặt chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn có khả năng xoay chuyển cục diện trận đánh. Ông đi đến đâu, chỉ huy chiến dịch nào, mũi tiến công vào đâu, tướng lĩnh, cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị đều đoàn kết một lòng, tin tưởng, vững tâm vào trận đánh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ lịch sử, trên cương vị là Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, ông trực tiếp chỉ huy đơn vị theo chỉ đạo của trên trong 3 đêm 2 ngày phải đột phá, xuyên thủng 3 phòng tuyến cực mạnh của địch ở cứ điểm Him Lam. Trên chiến trường miền Nam, Đại tướng Lê Trọng Tấn đã tham gia chỉ đạo các chiến dịch lớn như: Bình Giã (1964), Cánh Đồng Chum - Mường Sủi (1972); là tư lệnh các chiến dịch then chốt, quyết định: Đồng Xoài, Bàu Bàng - Dầu Tiếng (1965), Đường 9 - Nam Lào (1971), Trị Thiên (1972), Đà Nẵng (1975)... Riêng Chiến dịch giải phóng Huế - Đà Nẵng (từ ngày 26 đến 29-3-1975), chỉ trong ít ngày, Tư lệnh cánh quân hướng đông Lê Trọng Tấn đã chỉ huy Quân Giải phóng đập tan 10 vạn quân địch, tiến thẳng đến của ngõ Sài Gòn…

Với ông Lê Đông Hải, là con trai duy nhất của Đại tướng Lê Trọng Tấn nên từ nhỏ ông đã được theo học trường thiếu sinh quân và từng là "lính" của bố mình trong Đại đoàn 312. Sau 1954, ông là một trong những “hạt giống đỏ” được Nhà nước cử sang Liên Xô học tập. Về nước ông phục vụ trong quân đội cho đến khi nghỉ hưu. Do yêu cầu công tác và nhiệm vụ chiến đấu nên cha con lúc trẻ ít có cơ hội sống bên nhau. Ông Lê Đông Hải nghe nhiều, biết nhiều về cha nhưng chủ yếu qua đồng đội của ông chứ ít khi do đích thân Đại tướng kể.

Đại tá Lê Đông Hải cười nói: “Cha con xa nhau suốt nhưng tôi biết mình thừa hưởng khá nhiều đức tính của cha, trong đó có cả sự bộc trực. Sau này tôi được các cộng sự của bố cho biết thêm rằng, ông nóng tính, hay cãi nhưng lại rất cầu thị. Chắc các cậu biết 3 lần cãi để đời của ông chứ”.

Ông Lê Đông Hải giới thiệu những kỷ vật của Đại tướng Lê Trọng Tấn trong phòng truyền thống của gia đình. Ảnh: THANH TUẤN

Trước câu hỏi này, phải mất khá nhiều thời gian suy nghĩ và chắp nối cùng sự gợi ý của ông Lê Đông Hải chúng tôi mới liên tưởng được đến những lần “cãi” đặc biệt của Đại tướng Lê Trọng Tấn. Và thật kỳ lạ, chúng đều diễn ra vào mùa Xuân, trong những tình huống mang tính “bước chuyển” của cách mạng Việt Nam.

Lần "cãi" đầu tiên diễn ra trong Chiến dịch Điện Biên Phủ khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp quyết định chuyển phương án từ "đánh nhanh, thắng nhanh" sang "đánh chắc, tiến chắc" cuối tháng 1-1954. Thời điểm này, Đại đoàn 312 do Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn chỉ huy vừa tốn rất nhiều công sức và xương máu để đưa được pháo vào trận địa. Thay đổi phương án đồng nghĩa với việc lại phải kéo pháo ra, không khác gì giội một gáo nước lạnh vào khí thế đang lên cao của bộ đội. Chính vì vậy, Lê Trọng Tấn đã phản ứng với Tổng chỉ huy Võ Nguyên Giáp. Mặc dù cuối cùng ông vẫn chấp hành vì "quân lệnh như sơn". Và đây là lúc bản lĩnh và tài năng quân sự của ông được bộc lộ rõ nét: Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn không những động viên được bộ đội kéo pháo ra, sau đó kéo pháo ngược trở lại thành công để chiến đấu và chiến thắng mà còn trực tiếp đề xuất chiến thuật "vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt", được phổ biến và áp dụng thành công trong chiến dịch này.

Lần "cãi" thứ hai diễn ra trước Chiến dịch Đà Nẵng (tháng 3-1975). Kế hoạch ban đầu, tướng Lê Trọng Tấn đề xuất đặt mục tiêu đánh chiếm thành công trong 5 ngày. Đại tướng Võ Nguyên Giáp không tán thành vì cho rằng 5 ngày là quá dài, có thể cho địch đủ thời gian tháo chạy về Sài Gòn, tập hợp và củng cố lại lực lượng phòng thủ, dẫn tới khó khăn trong việc tấn công của ta. "Anh Tấn vẫn giữ ý kiến, và trình bày: Đánh như vậy không thể chuẩn bị kịp. Tôi nói, giọng có phần gay gắt: “Tư lệnh mặt trận là anh nên tôi để anh ra lệnh. Nếu là người khác, thì tôi ra lệnh: Đánh Đà Nẵng theo phương án chuẩn bị 3 ngày...". Anh Tấn không phát biểu thêm, nghiêm chỉnh chấp hành mệnh lệnh. Sau này anh đã đến gặp tôi, thân tình nhắc lại cuộc tranh cãi về phương án 5 ngày và phương án 3 ngày, rồi vui vẻ nhận khuyết điểm. Đúng là con người trung thực, thẳng thắn, cương trực, đáng quý biết bao!" (Đại tướng Võ Nguyên Giáp kể lại trong hồi ký). Và một lần nữa, bằng tài năng của vị tướng dày dạn trận mạc, Lê Trọng Tấn dù "cãi" lại là thế nhưng ông vẫn cùng những người lính của mình đánh bật 100.000 quân địch, giải phóng Đà Nẵng chỉ trong đúng 3 ngày.

Hai lần "cãi" đầu tiên không thành, nhưng đến lần thứ ba, tướng Lê Trọng Tấn đã hoàn toàn thuyết phục được vị Tổng chỉ huy của mình. Sau giải phóng Đà Nẵng, ông đề nghị thành lập Cánh quân phía Đông vừa tiến vừa đánh theo đường duyên hải, trái ngược với kế hoạch ban đầu là gấp rút di chuyển qua Tây Nguyên để tiến công vào Sài Gòn. Đề nghị được thông qua, Cánh quân Duyên Hải dưới sự chỉ huy của tướng Lê Trọng Tấn đã hành quân thần tốc, đi tới đâu giải phóng tới đó. Đến cửa ngõ Sài Gòn, một lần nữa, ông không muốn thực thi theo kế hoạch đã đề ra và đã gửi một bức điện ra Tổng hành dinh lúc nửa đêm và được chấp nhận: “Theo kế hoạch, 5 giờ 30 phút sáng 30-4-1975, các hướng đồng loạt đánh vào Sài Gòn. Riêng Cánh quân phía Đông, anh Lê Trọng Tấn đề nghị nổ súng từ 18 giờ ngày 29-4. Lý do là các lực lượng ta còn cách vùng ven từ 15 đến 20km, phải vừa đánh địch vừa tiến quân, lại phải vượt sông Đồng Nai và sông Sài Gòn, nếu cùng nổ súng sẽ không đến kịp... Điện của anh Tấn đến lúc nửa đêm” (Hồi ký "Tổng hành dinh trong mùa xuân toàn thắng"-Đại tướng Võ Nguyên Giáp).

Ký ức người ở lại

Đại tá Lê Đông Hải vẫn nhớ như in lần gặp cha tại sân bay Tân Sơn Nhất, TP Hồ Chí Minh đầu năm 1979. Lúc này, ông Hải là một chuyên gia về vũ khí hóa học được cử sang Campuchia để xử lý những vấn đề liên quan. “Khi biết tôi chuẩn bị lên máy bay quân sự bay sang Phnom Penh, ông dặn dò vài điều để tránh tàn quân Khmer Đỏ phục kích rồi vội vã ra Bắc. Còn tôi trông theo dáng cha mà trong lòng đầy thắc mắc sao giờ này Tư lệnh mặt trận biên giới Tây Nam lại ở đây”, ông Hải kể. Mãi thời gian sau này ông Hải mới biết, lúc ấy tình hình biên giới phía Bắc bất ổn nên Đại tướng Lê Trọng Tấn về nước nhận nhiệm vụ khác. Và đó là điều bí mật không thể tiết lộ.

Tuy nhiên, dù bận bịu việc quân không thường xuyên ở nhà, Đại tướng Lê Trọng Tấn vẫn dành một khoảng riêng cho gia đình và những người thân yêu. Ông Lê Đông Hải luôn nhớ cái cảm giác sung sướng của một cậu bé rất lâu mới có dịp gần cha. Đại tướng là người có tác phong và thái đội làm việc nghiêm cẩn, ông ít nói nhưng rất sâu sắc nên mỗi khi gần cha, ông Đông Hải học hỏi được rất nhiều. Đặc biệt, hình ảnh bà Nguyễn Thị Minh Sơn-vợ của Đại tướng Lê Trọng Tấn ngồi bên hiên nhà chăm chú đọc một cách từ tốn, thỉnh thoảng lại mỉm cười mỗi khi nhận được thư chồng vẫn luôn hiện hữu trong trí nhớ của Đại tá Lê Đông Hải. “Những lúc như thế tôi lại tránh đi và từ xa lặng lẽ nhìn mẹ mà lòng cũng vui lây. Cha mẹ tôi hẳn là yêu nhau lắm nên dù ở đâu, gần như định kỳ họ đều gửi thư và quà cho nhau”, Đại tá Lê Đông Hải kể.

Quá trình tìm hiểu về cuộc đời và sự nghiệp của Đại tướng Lê Trọng Tấn, chúng tôi còn được biết, ông là người sống rất tình nghĩa.

Ông Lê Văn Khuê ở tổ 5, phường Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội-một người họ hàng của gia đình Đại tướng Lê Trọng Tấn từng chia sẻ với chúng tôi: “Ở quê tôi, mọi người gọi tên cụ Tấn bằng cả sự nể phục và kính trọng. Đối với con cháu như bố tôi mặc dù là cháu nhưng nhiều hơn cụ Tấn một tuổi, thế nhưng cụ Tấn không phân biệt mà vẫn đối xử rất điềm đạm. Tính cách của cụ thẳng thắn nên không làm mất lòng ai. Ngày Tết, cụ thường về vào ngày Mùng 2 để chúc Tết con cháu trong nhà, trong dòng họ”. Ông Khuê cũng cho biết thêm, năm ông 18 tuổi có đi lính nghĩa vụ. Đơn vị đóng quân ở khu cột cờ Hà Nội nên thi thoảng được vào nhà đại tướng, lúc bấy giờ ở đường Hoàng Diệu chơi. Trong trí nhớ của ông Khuê, ngôi nhà của Đại tướng Lê Trọng Tấn khác xa với những gì mà mình tưởng tượng. Cứ ngỡ rằng nó phải xa hoa, hào nhoáng lắm thế nhưng lại vô cùng giản dị, đồ đạc cũng rất đơn sơ.

Còn chị Trần Minh Thu, là bạn thân của chị Lê Nga-cháu nội Đại tướng Lê Trọng Tấn thì kể, những năm 1986-1987, chị thường đến nhà bạn, tức nhà của Đại tướng Lê Trọng Tấn ở ngõ 36, phố Lý Nam Đế để ôn thi đại học. “Ngoài giờ học, có hôm tôi nghe Nga nói phải đi cho lợn ăn mà không tin. Tôi theo bạn đi xuống cuối dãy nhà công vụ. Nhìn bạn có đôi vai ngang, dáng dong dỏng giống hệt ông nội, đang cúi xuống đổ thùng cám vào chậu gỗ cho hai chú lợn xộc ra ăn, lại cầm chổi quét dọn chuồng, tôi thầm khâm phục gia đình ấy. Đại tướng Lê Trọng Tấn trong ký ức của tôi là một người ông có gương mặt hiền lành, nho nhã, dáng người cao, khỏe mạnh, rất quý cháu. Đi ngang qua phòng, tôi thấy ông luôn bận bịu”, chị Thu chia sẻ.

 Vốn là người khỏe mạnh như vậy, nên sự ra đi đột ngột của Đại tướng Lê Trọng Tấn tháng 12-1986 đã để lại nhiều nuối tiếc cho người thân và đồng đội. Nhất là với con trai Lê Đông Hải, lúc đó đã sang Liên Xô công tác 3 tháng. Dù vậy, ghi nhớ lời động viên của cha lúc sinh thời như một động lực phấn đấu, ông Hải đã không ngừng học tập, nghiên cứu và trở thành một sĩ quan cao cấp trong quân đội. Trước lúc nghỉ công tác, ông là GS, TS, Viện trưởng Viện Kỹ thuật quân sự 2 (Viện Khoa học và Công nghệ quân sự hiện nay).

HƯỚNG NAM