Viện sĩ Nguyễn Duy Cương

Ông là người khai sinh cơ sở bào chế dược phẩm đầu tiên của chính quyền cách mạng, có những đóng góp xuất sắc cho sự nghiệp phát triển ngành dược Việt Nam. Hiện nay mặc dù tuổi cao, sức yếu, song ông vẫn làm việc không ngừng với tâm nguyện làm dày thêm kho tàng giáo khoa ngành dược cho thế hệ sau. Ông là Anh hùng Lao động Nguyễn Duy Cương, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam, viện sĩ Viện Hàn lâm Dược học Quốc gia Pháp...

Một thời sông nước Cửu Long

Mới đây về công tác tại xã Nhơn Hòa Lộc, huyện Tân Thành (Long An), chúng tôi được đến thăm di tích ghi dấu nơi ra đời cơ sở bào chế dược phẩm đầu tiên của chính quyền cách mạng. Gọi là di tích, nhưng cái để lớp người hôm nay nhận biết những dấu ấn lịch sử trên vùng sông nước này chỉ là một tấm bia đá được dựng ở một vị trí trang trọng. Vùng đồng hoang Tháp Mười, nơi giấu quân bí mật thuở ấy giờ đây đang ngày ngày chịu ảnh hưởng của tốc độ đô thị hóa. Trên tấm bia ấy có ghi danh người khai sinh ra cơ sở bào chế dược phẩm phục vụ đồng bào, chiến sĩ miền Nam đánh Pháp là Nguyễn Duy Cương. Chợt nghĩ, những gì đã được lưu danh trên bia đá, bảng vàng thì chắc đã thuộc về lịch sử. Vậy nhưng thật thú vị, chúng tôi được thông tin người góp công khai sinh ra nền dược học cách mạng Việt Nam hiện vẫn còn sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Chúng tôi về thành phố, tìm đến ngôi nhà của ông nằm trong một con hẻm yên tĩnh trên đường Phạm Ngọc Thạch. Mấy cây cổ thụ phủ tán lá xanh um đầu hẻm và cả những bụi chuối, những mảng cây dây leo dọc hai bên lối vào nhà, chừng như đã đủ tạo nên một mảng hồn quê, ngăn lại không khí ồn ào náo nhiệt của thành phố. Mặc dù đã 84 tuổi, sức khỏe đã cạn dần, nhưng nếp sinh hoạt của Viện sĩ Nguyễn Duy Cương vẫn mang đậm phong cách con người vùng sông nước, phóng khoáng, chân tình và cởi mở. Chỉ nhìn vào những mảng sắc xanh của cây lá choàng qua song cửa sổ nơi phòng làm việc và nghe ông kể về cái thú bơi xuồng ba lá dọc ngang kênh rạch thời trẻ, cũng đủ thấy chất sông nước ấy đã trở thành một phần hồn cốt, dù cuộc đời ông đã trải qua nhiều cương vị, sống và làm việc ở nhiều nơi...

Nguyễn Duy Cương tham gia cách mạng từ năm 1945, lúc ông đang là sinh viên Đại học Dược. Ngọn lửa nhiệt huyết của chàng trai trẻ, một trong những nòng cốt của phong trào Thanh niên Tiền phong đã thôi thúc Nguyễn Duy Cương rời xa chốn học đường đi kháng chiến. Ông tham gia thành lập Liên đoàn Thanh niên Sài Gòn – Chợ Lớn và sau đó nằm trong thành phần sáng lập Liên đoàn Thanh niên Nam Bộ và được bầu làm Bí thư. Với kiến thức dược học được trang bị, ông xung phong về Đồng Tháp Mười tổ chức phòng bào chế thuốc phục vụ kháng chiến. Được sự tiếp sức chuyên môn của người bạn đồng nghiệp Nguyễn Kim Hùng (ông Hùng sau này là Giáo sư, nguyên Trưởng khoa Dược Trường Đại học Y – Dược Thành phố Hồ Chí Minh) và nhiều anh chị em khác, Nguyễn Duy Cương đã thực hiện một cách xuất sắc qui trình bào chế các loại thuốc chữa bệnh cung cấp cho các mặt trận kháng chiến chống Pháp. Ông nhớ lại:

- Hồi đó, nơi đặt phòng bào chế thuốc nằm giữa vùng đồng hoang. Chúng tôi lấy cây rừng, tranh tre lá dựng lên để làm việc. Muốn đi từ khu An Lạc vào đến nơi bào chế thuốc phải mất hai ngày, vừa lội bộ vừa đi xuồng. Chúng tôi tổ chức trạm liên lạc dọc đường để thông tin và vận chuyển nguyên liệu, sản phẩm bào chế từ Sài Gòn về. Phương tiện máy móc thiếu thốn nên chúng tôi sử dụng cả máy của thợ bạc để hàn ống thuốc.

Nguyên liệu bào chế hạn hẹp, Nguyễn Duy Cương cùng các cộng sự dốc sức mày mò nghiên cứu, sử dụng các loại thảo dược có sẵn ở vùng sông nước để bào chế thuốc. Sản phẩm từ phòng bào chế ấy đã cung cấp cho các lực lượng kháng chiến, là các loại thuốc chữa bệnh về sốt rét, tiêu chảy, cảm sốt, ho v.v.. Vừa tổ chức bào chế thuốc, ông vừa lặn lội dọc vùng sông nước Đồng Tháp Mười trên chiếc xuồng ba lá đi tuyển chọn học viên, tổ chức đội ngũ giáo viên thành lập trường Trung học Thái Văn Luông. Đây là trường Trung học đầu tiên trong kháng chiến ở Nam Bộ.

Một đời “lương y như từ mẫu”

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, Nguyễn Duy Cương được bổ nhiệm chức Thứ trưởng Bộ Y tế phụ trách phía Nam kiêm Giám đốc Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh. Đất nước vừa trải qua chiến tranh, việc xây dựng, củng cố, phát triển mạng lưới y tế ở miền Nam nói chung và Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng là nhiệm vụ cấp bách. Là người thuyền trưởng tiếp quản con thuyền y tế rệu rã của chế độ cũ để lại, thử thách và trách nhiệm nặng nề đè lên đôi vai ông. Bức xúc nhất là tình trạng thiếu trầm trọng nguồn cán bộ y tế. Một bộ phận không nhỏ nhân viên y tế đã bỏ ra nước ngoài sinh sống. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ông đề xuất lên lãnh đạo Thành ủy, tiếp nhận đội ngũ nhân viên y tế thuộc quân đội của chế độ cũ vào làm việc tại các cơ sở y tế. Nghe ông đề xuất phương án, đồng chí Võ Văn Kiệt hỏi:

- Anh biết họ tốt, xấu thế nào mà đưa họ vào làm việc?

Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Duy Cương đáp:

- Tôi từng làm công tác trí vận nhiều năm, tôi hiểu, phần lớn anh em nhân viên y tế đều do bị ép buộc, bắt đi lính cho chính quyền Sài Gòn. Tôi tin anh em vẫn tốt.

Đề xuất của ông được lãnh đạo Thành ủy chấp thuận. Thành phố có được nguồn nhân lực y tế lớn đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Với quan điểm “dụng nhân như dụng mộc”, ông chỉ đạo các bệnh viện, cơ sở y tế sử dụng nhân lực dựa theo khả năng, sở trường và nguyện vọng của từng người, tạo điều kiện để họ hòa nhập, cống hiến cho xã hội. Ngày ấy, việc làm của ông gặp phải sự phản ứng quyết liệt của không ít người. Nhiều đơn, thư gửi về Thành ủy đề nghị xem xét lại lý lịch và lập trường quan điểm của Thứ trưởng, Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Duy Cương. Tuy nhiên, hiệu quả thực tế của công tác y tế đã khẳng định việc làm của ông là hoàn toàn đúng đắn.

Năm 1982, ông được điều ra Hà Nội làm Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế, sau đó làm Thứ trưởng phụ trách ngành dược. Với quan niệm đổi mới, ông đã tổ chức xây dựng đề án đổi mới toàn diện ngành dược. Chủ trương một giá, một thị trường được triển khai thí điểm tại Thái Bình, sau đó áp dụng rộng rãi trong cả nước đã mở ra một giai đoạn phát triển mới trong hoạt động của ngành dược. Công tác quản lý nhà nước đối với ngành dược được thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Thời kỳ này ông đề xuất thành lập Liên hiệp các xí nghiệp Dược Việt Nam (nay là Tổng Công ty Dược Việt Nam) và làm Tổng Giám đốc (kiêm nhiệm) của Liên hiệp. Năm 1983, ông được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Dược học Việt Nam và đảm nhiệm cương vị đó đến hiện nay.  Ông đã đưa Hội Dược học Việt Nam gia nhập các tổ chức dược của thế giới như Liên hiệp Dược quốc tế, Hiệp hội Dược sử dụng tiếng Pháp v.v.. Với những đóng góp xuất sắc cho ngành dược, năm 1998 ông được kết nạp vào Viện Hàn lâm Quốc gia Dược học Pháp, được công nhận chức danh viện sĩ. Năm 2007, ông được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Sau khi nghỉ hưu, ông dành trọn tâm huyết cho công tác nghiên cứu, viết sách, biên soạn tài liệu về dược học. Những năm qua, ông đã tham gia biên soạn, cho ra đời cuốn “Từ điển bách khoa Dược học” và nhiều cuốn sách có giá trị khác như: “Hành trình một đời người” viết về bác sĩ Vũ Văn Cẩn; “Bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - người thầy thuốc của nhân dân”; “Một cây cổ thụ” viết về giáo sư Trương Công Quyền v.v...

Vùng sông nước Cửu Long, nơi in dấu những sự kiện trong chặng đường đầu ông đến với cách mạng, giờ đây đã trở thành ký ức. Đôi chân của chàng trí thức yêu nước Nguyễn Duy Cương từng tung hoành sông nước Cửu Long thời kháng chiến, nay đã phải nhờ đến sự trợ giúp của chiếc xe lăn để đi lại. Một đời “Lương y như từ mẫu”, ông đã khẳng định cái chân giá trị bằng những danh hiệu, tước hiệu vinh quang nhất. Chẳng ai chống lại được quy luật của tạo hóa, nhưng khi chứng kiến những việc ông đã, đang làm và tiếp tục nung nấu vì sức khỏe của cộng đồng, lại thầm cầu chúc cho ông có được thêm thật nhiều sức khỏe...

Bài và ảnh: NGUYỄN KIM THANH