 |
Kỹ sư Nguyễn Văn Tập đang hướng dẫn người dân bản Xín Mần, xã Xín Mần kỹ thuật bón phân cho cây lê Đài Loan |
Lần đầu tiên ngược ngàn lên xã biên giới Xín Mần thuộc huyện Xín Mần (Hà Giang), càng quý trọng những người dân “sống chung” với dải đất biên cương cheo leo, hiểm trở bao nhiêu, thì tôi lại càng cảm phục đội ngũ cán bộ, chiến sĩ Đoàn kinh tế - quốc phòng B14 (Bộ CHQS tỉnh Hà Giang) bấy nhiêu. Bởi, họ đã tự nguyện “gác lại” cuộc sống yên lành ở dưới xuôi để lên đây góp sức cùng đồng bào đẩy lùi đói nghèo, lạc hậu và xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Trong tập thể đó, kỹ sư trẻ Nguyễn Văn Tập là một điển hình.
Là em út của ba chị em trong một gia đình khá giả ở xã Thanh Quang, huyện Nam Sách (Hải Dương), từ nhỏ đến khi rời ghế nhà trường, Tập hầu như không phải làm gì vất vả ngoài việc đi học. Sau ngày tốt nghiệp Trường đại học Nông nghiệp I Hà Nội, lòng Tập tràn đầy khát khao và hy vọng sẽ được mang những kiến thức “nóng hổi” vừa học để phục vụ bà con nông dân ngay tại quê hương mình. Đúng vào thời điểm ấy, biết tin Bộ Quốc phòng có đợt tuyển trí thức trẻ tình nguyện đến công tác ở các đoàn kinh tế-quốc phòng, Tập đã viết đơn tự nguyện lên nơi đó làm việc. Lúc đầu, mẹ tỏ ý không đồng tình vì lý do đơn vị đóng quân xa xôi, cách trở, nhất là lo lắng cho Tập khó có thể thích ứng với khí hậu khắc nghiệt ở vùng biên Xín Mần. Còn bố động viên Tập nghỉ ngơi ở nhà đôi ba tháng để “thư giãn đầu óc”. Ông bảo: “Nếu không tìm được việc làm đúng chuyên ngành thì bố xin cho con công tác ở một cơ quan hành chính ngay tại huyện”.
Nhưng Tập đã nói với bố mẹ:
- Dù khó khăn, vất vả đến mấy con cũng chịu đựng được. Chỉ mong bố mẹ ở nhà luôn bình an, mạnh khỏe để con yên tâm công tác.
Tuy trong lòng rất thương và không muốn con trai út phải công tác xa gia đình, song cuối cùng bố mẹ cũng đồng ý để Tập được toại nguyện.
Tháng 10 năm 2006, Tập đã “khăn gói” lên đường trong tâm trạng náo nức, phấn chấn. Ngày ngược lên đơn vị, chiếc xe u-oát quân sự phải “ì ạch” vượt qua hàng chục dốc cao theo chiều xoáy trôn ốc làm toàn thân Tập uể oải, nhão nhừ như muốn “rời” ra... từng khúc. Bước chân xuống địa bàn đóng quân của Đoàn B14 cao 1.600 mét so với mặt nước biển, Tập như bị “choáng” bởi bốn bề bao quanh chỉ có đồi núi trập trùng, không gian yên ắng, tĩnh mịch và hoang vu. Quang cảnh ấy khác hẳn với miền quê lúa trù phú, nhịp sống vui tươi mà Tập đã gắn bó từ thuở ấu thơ. Mới tầm bốn giờ chiều mà sương mù mịt đến mức, chỉ đứng cách xa vài ba mét cũng không thể nhìn rõ mặt nhau. Tối đó, Tập muốn có một giấc ngủ ngon để quên đi sự mệt mỏi, ê ẩm thân thể mà không sao chợp mắt được. Trằn trọc, thao thức đến quá một giờ sáng, anh bước ra ngoài. Thấy không gian im lìm, cô tịch, anh lạnh toát cả sống lưng, toàn thân nổi lên một lớp da gà và bỗng nhiên tim đập dồn dập. Từ bé đến giờ, chưa khi nào Tập thấy ở đâu đất trời lại thăm thẳm, ngút ngàn và âm u như ở miền biên ải Xín Mần này. Những giây phút hồ hởi ban đầu vội qua đi, những lo lắng ập đến, song Tập tự nhủ với chính mình: “Hãy giữ vững ý chí trước mọi gian lao, thử thách để không phụ lời hứa với bố mẹ trước lúc lên đường”.
Qua một tuần “làm quen” với nếp sống quân sự và học tập, tìm hiểu những điều cần biết khi quan hệ, tiếp xúc với đồng bào dân tộc, Tập được điều động đến Đội sản xuất số 2 ở xã Thàng Tín, huyện Hoàng Su Phì. Để đến được nơi ấy, nhiều đoạn đường Tập phải “cuốc bộ”, trèo đèo, lội suối khiến đầu gối mỏi nhừ và bàn chân phồng rộp, bỏng rát. “Muốn hiểu được bà con và để bà con hiểu mình, em phải chú trọng học tiếng dân tộc thiểu số, trước hết là những lời ăn tiếng nói hằng ngày mà bà con hay sử dụng. Trước khi làm công việc chuyên môn, em hãy học để làm công tác dân vận”-Nghe Đội trưởng-Trung tá Phạm Văn Tiến dặn dò thế, đêm đêm Tập ngồi thu lu dưới bóng đèn mờ đục để học những câu từ xưng hô, giao tiếp thường ngày của người Mông, người Nùng.
Những ngày làm công tác dân vận, Tập không bao giờ quên “hình ảnh” nhà anh Vàng Seo Hơ và chị Vàng Thị Thèn, dân tộc Mông ở bản Ngài Chồ. Đó là một ngôi nhà tranh vách đất tuềnh toàng, xiêu vẹo và tài sản bên trong không có gì đáng giá. Ba đứa con anh nheo nhóc, đen đúa đứng gần nhau với vẻ mặt ngơ ngác, đứa út ngoài hai tuổi vẫn tồng ngồng vì chỉ có chiếc áo ngắn cũn che thân. Ngoài sân, chỗ này cỏ mọc loang lổ, chỗ kia rác rưởi vứt bừa bãi. Trước cửa nhà chỉ vài mét có mùi thum thủm, hôi hám của mấy bãi phân trâu. Hôm sau, Tập đã bàn bạc và cùng với anh Hơ, chị Thèn gia cố, sửa sang cho ngôi nhà vững vàng hơn. Hai cái giường cũ ọp ẹp đã được Tập đóng đinh lại chắc chắn. Tập bảo chị Thèn mang chiếc chăn nhàu nát ra tận suối giặt giũ sạch sẽ, mang về phơi khô rồi sau đó tự mình gấp thành nếp vuông vắn để ở đầu giường. Sáng sớm, Tập cầm chổi quét dọn rác rưởi, lá cây và cầm xẻng hót phân trâu cho vào cái hố mà anh đã đào cách xa nhà ở. Tối đến, khi thì Tập đốt củi bên bếp lửa trò chuyện với anh chị về cách ăn ở hợp vệ sinh, xếp đặt đồ dùng sinh hoạt ngăn nắp, hôm thì anh hướng dẫn đứa con trai đầu của anh Hơ tập đọc, tập viết ở góc giường.
Trong một lần ăn cơm cùng gia chủ, anh Hơ liên tục “nâng chén” để “chúc sức khỏe cán bộ”, nhưng Tập chỉ uống một chén “làm phép” và nhẹ nhàng khuyên:
- Anh Hơ này, uống nhiều rượu không những sẽ làm cái bụng thêm nhiều bệnh, mà cái đầu cũng không được tỉnh táo, sáng suốt đâu. Mỗi bữa, anh Hơ chỉ nên uống từ hai đến ba chén thì ăn cơm sẽ cảm thấy ngon miệng hơn. Anh uống ít rượu thì cái đôi chân mới vững, cái bàn tay mới khỏe để làm được nhiều việc có ích giúp vợ con chứ!
Thấy vẻ mặt chồng chưa vui, chị Thèn nói:
- Cái bộ đội nói thật cái bụng lắm. Cứ nhìn bộ đội làm cho dân là biết bộ đội tốt rồi. Nghe cái bộ đội khuyên đúng thì từ nay mình đừng uống rượu nhiều như trước nữa.
Những lời nói mộc mạc của Tập và người vợ như “rót” vào tai khiến anh Hơ phải ngẫm ngợi rồi tự tay đóng nút chai rượu lại.
Là kỹ sư nông nghiệp, điều trăn trở nhất của Tập là làm sao biến những vùng đồi núi khô cằn ở vùng biên Xín Mần trở thành màu xanh của sự sống? Đối với đồng bào dân tộc, khi tuyên truyền đường lối, chủ trương và chính sách của Đảng, Chính phủ thì người dân vẫn nghe, nhưng phải làm cho “cái hạt thóc nhiều, cái hạt ngô mẩy” để bà con “trông tận mắt, sờ tận tay” thì bà con mới tin tưởng. Với suy nghĩ như vậy, Tập đã tham mưu và cùng với cán bộ Đội sản xuất số 2 cuốc đất đồi rồi san phẳng thành một thửa ruộng để trồng giống ngô lai mới. Bằng cách áp dụng phương pháp kỹ thuật mới, tích cực chăm bón, tưới nước, ruộng ngô đó đã phát triển đồng đều, xanh tốt. Đến ngày thu hoạch, Tập mời bà con dân tộc Mông ở bản Ngài Chồ ra tận ruộng xem anh em trong đội thu hoạch ngô. Cùng một diện tích và thời gian gieo trồng như nhau, nhưng qua so sánh tại chỗ, rõ ràng cây ngô giống mới do đội trồng cho năng suất cao gấp hơn hai lần cây ngô của đồng bào gieo trồng theo cách cũ. Từ đó, người dân đã tin và làm theo quy trình hướng dẫn kỹ thuật của Tập trên từng thửa ngô, ô lúa bậc thang trên các triền đồi núi.
Đã qua ba mùa cây rừng thay lá, kể từ ngày có Đoàn B14 trợ giúp 900kg ngô lai, hơn 6.100 cây lê Đài Loan và hàng ngàn cây giống rừng và được kỹ sư Tập trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật, người dân các xã trong vùng dự án đã trồng 1.300m2 ngô giống mới cho năng suất cao, 120ha rừng, 1.100m2 đậu tương và mỗi gia đình làm một vườn trồng cây lê Đài Loan. Kỹ sư Tập còn tích cực tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phương pháp canh tác mới và tham gia tập huấn kỹ thuật nông-lâm nghiệp cho 480 lượt người. Những việc làm của Tập cũng như cán bộ, chiến sĩ Đoàn B14 đã góp phần tạo công ăn việc làm, từng bước cải thiện đời sống hằng ngày cho bà con vùng biên, giảm tỉ lệ hộ đói nghèo từ 76% (năm 2005) xuống còn 55% (năm 2008).
Chính ủy Đoàn B14, Đại tá Giàng Seo Sào tâm sự với tôi:
- Trong số 10 trí thức trẻ tình nguyện cùng Tập về công tác ở Đoàn, 9 người vì nhiều lý do khác nhau đã “hạ sơn” trở về dưới xuôi tìm công việc khác, còn lại duy nhất Tập gắn bó với đơn vị và ở lại cùng bà con dân tộc nơi đây. Dù hiện tại đồng bào còn nhiều khó khăn, nhưng với sự chung tay góp sức của tập thể Đoàn B14, nhất là những cán bộ, nhân viên có tinh thần vượt khó và hết lòng với công việc như kỹ sư Nguyễn Văn Tập thì nhất định đời sống của bà con sẽ ngày càng no ấm.
Buổi tối, tôi đến thăm Tập tại phòng nghỉ. Trong gian nhà nhỏ gọn, đơn sơ, tường làm bằng cót ép, mái lợp phi-brô xi măng, tài sản của chàng kỹ sư trẻ chỉ có một chiếc giường cá nhân, chiếc hòm tôn đựng quần áo và một ca nhựa cùng hai cái cốc nhỏ. “Của nả” đáng kể nhất là những cuốn sách về khuyến nông, khuyến lâm và kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi trên bàn làm việc của anh.
- Tuổi trẻ, lại có bằng cấp hẳn hỏi, cơ hội tìm kiếm công việc phía trước còn nhiều, vậy Tập có ý định một ngày nào đó trở về xuôi công tác không?
Không trả lời ngay câu hỏi của tôi mà ánh mắt Tập nhìn xa xăm như suy tư điều gì đó. Lát sau, Tập bộc bạch:
- Ai chả có những lúc so đo, tính toán thiệt hơn, đúng không anh? Nhưng em vẫn nghĩ, nếu người nào cũng chỉ biết vun vén, lo toan cho mình thôi thì cuộc sống đâu còn tinh thần cộng đồng cao cả nữa. Lên công tác ở Xín Mần, nhìn những đồi núi hoang vu, cằn cỗi chẳng khác nào người ốm không được chữa trị, em thấy xót lòng lắm. May mắn được học hành và có chút ít “vốn liếng” về nghề nông, nên em muốn gắn bó lâu dài với mảnh đất này để giúp đỡ bà con biết trồng trọt, chăm sóc cây lúa, cây ngô ngày càng tốt hơn.
Rời biên cương Xín Mần trong một sáng mùa đông sương vẫn ngập tràn đồi núi, tôi thấy lòng mình se lại. Chợt nghĩ ở đâu đó vẫn còn những thanh niên lười lao động, sa đà vào lối sống hưởng thụ, thiếu tinh thần cộng đồng và ý chí vươn lên, thì tôi lại càng thêm cảm phục Nguyễn Văn Tập - một kỹ sư trẻ đã và đang cống hiến tuổi xuân, trí tuệ của mình vì sự ấm no của đồng bào trên biên cương cực bắc Tổ quốc.
Năm 2008, bên cạnh niềm vui được kết nạp Đảng và được tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”, kỹ sư Nguyễn Văn Tập còn đại diện cho tuổi trẻ Đoàn B14 và LLVT tỉnh Hà Giang về thủ đô Hà Nội tham dự Hội nghị tuyên dương những trí thức trẻ tiêu biểu và được Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong chiến dịch thanh niên, học sinh và sinh viên tình nguyện.
Bài và ảnh: NGUYỄN VĂN HẢI