Thế là người đồng nghiệp, người anh, người thủ trưởng cũ của tôi ra đi, ra đi mãi mãi. Những cuộc trò chuyện trên điện thoại với anh về nhân tình thế thái, về chuyện đời, chuyện nghề và cả chuyện trồi sụt bất thường của sàn chứng khoán… chỉ còn trong tâm tưởng. Những buổi bên bàn trà, trước mỗi sự việc, nghe anh phân tích, bàn luận giọng hứng khởi, mím môi, vung tay, dậm chân rồi nói cười toáng lên thật sảng khoái… từ nay chỉ còn là hoài niệm.

leftcenterrightdel
Đại tá, nhà báo Nguyễn Viết Sơn. 

Nhớ năm 1983, tòa soạn điều tôi từ Phòng biên tập Chính trị (nay là Phòng Công tác Đảng, Công tác Chính trị)  sang làm việc tại Phòng biên tập Quân sự (nay là phòng Quốc phòng-An ninh). Chuyến công tác đầu tiên về phòng mới, trên chiếc xe U-oát, lên các điểm tựa Lạng Sơn, anh Nguyễn Viết Sơn là phó phòng, trưởng đoàn; tôi với anh Lê Phúc Nguyên là phóng viên. Chuyến đi ấy tôi học tập ở các anh khá nhiều về tác phong công tác, kỹ năng tiếp cận đơn vị, lấy tài liệu viết báo của nhà báo quân sự. Từ đó tôi coi anh thân thiết như người anh, người bạn.

Trước mỗi chuyến công tác tôi đều trao đổi với anh, được anh gợi ý về đề tài, cách thể hiện bài viết. Ngày ấy tôi được phân công làm trang Quân sự địa phương với anh Vương Sỹ Đình (anh Đình sau này là Phó tổng biên tập Báo QĐND). Những năm 80 của thế kỷ trước, các bài Xã luận là “đặc sản” của Báo QĐND. Mỗi tuần báo đăng khá nhiều bài xã luận, trong đó phòng quân sự viết từ 1 đến 2 bài. Tôi ngại viết thể loại này. Ngại vì viết khó, phải tìm ra ý chỉ đạo mới và ngại nhất là Tổng biên tập trực tiếp duyệt, yêu cầu rất khắt khe, bài dễ bị “đá” hoặc viết lại, viết gấp trong ngày. Được anh Vương Sỹ Đình và anh Nguyễn Viết Sơn hướng dẫn, động viên, tôi viết dần cũng quen. Trước khi gửi bài lên Tổng biên tập, trưởng phòng hoặc anh Nguyễn Viết Sơn đều biên tập. Tôi nhớ, anh sửa không nhiều nhưng văn phong của anh rõ nét văn chính luận. Mỗi lần xem bài anh sửa, lại là bài học kinh nghiệm cho tôi. Anh em Phòng Quân sự  thời ấy nói rằng: Viết xã luận, bình luận quân sự có nghề thì sau anh Nguyễn Hồng Phương là anh Nguyễn Viết Sơn.

Mỗi bài viết của anh luôn thể hiện sự từng trải, nhạy bén trước nhịp sống chính trị, xã hội, luôn có những phát hiện mới mang tính định hướng, chỉ đạo và cách lập luận chặt chẽ, tư duy logic, văn phong trong sáng. Bởi vậy, mặc nhiên anh trở thành người gánh vác trách nhiệm chính của phòng về thể loại bài khó này. Cứ viết mãi loại bài này nên hình thành phong cách riêng. Sau này khi anh Nguyễn Viết Sơn viết bút ký hay viết tiểu phẩm, người đọc vẫn nhận ra hơi hướng chính luận trong đó.

Những năm đầu đổi mới, nhiều bài bút ký của anh được đánh giá cao bởi cái nhìn sắc sảo, có tầm, có tính gợi mở ở nhiều lĩnh vực và vùng miền. Đó là “Hải Phòng- thời điểm thách thức”, “ Nghĩ bên hồ Núi Cốc”, “ Bên cầu Kiều, mùa thu 91”, “Sôi động Gia Lâm”, “Điều ước năm 2000”… Những bài viết của anh trong các chuyến tháp tùng Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đi công tác các nơi và Chủ tịch nước Lê Đức Anh sang  thăm Mỹ đều để lại ấn tượng tốt đẹp với bạn đọc. Ở anh năng lực viết và thuyết trình, giảng giải rất cân đối. Có người cho là năng khiếu bẩm sinh. Tôi nghĩ  trước khi làm báo, anh có hơn 5 năm làm giáo viên chính trị Trường Quân chính Quân đoàn 1, chính  là môi trường thuận lợi giúp anh hoàn thiện nhiều về khả năng nói và viết.

Hơn 4 năm nay, sau khi nghỉ hưu, anh chị vào định cư tại TP Hồ Chí Minh để gần gũi các con cháu, tôi lại có dịp gặp anh nhiều hơn. Có lần khi biết bệnh tình khó qua khỏi, anh tâm sự như an ủi mình: “Chú ạ, suốt 43 năm ở quân ngũ thì anh tham gia 3 chiến dịch lớn: Khe Sanh năm 1968, Đường  9-Nam Lào năm 1971 và Quảng Trị năm 1972. Về  Báo QĐND 26 năm thì anh làm đủ việc: Phóng viên, cán bộ Phòng biên tập Quân sự , cán bộ Phòng Công tác Bạn đọc, Cộng tác viên rồi Phóng viên đặc biệt, Trợ lý Tổng biên tập... Nhìn lại, không có gì phải ân hận, tiếc nuối”...

Trước ngày anh ra đi, trên giường bệnh, tôi nắm tay anh. Với giọng nói thều thào, hơi sức cạn kiệt, anh vẫn nhấn từng tiếng, đủ để tôi và nhà báo Nguyễn Ninh (con gái anh) nghe được: “Mình đã kiên cường… chống chọi… với bệnh tật… Hết sức rồi !”. Đó cũng là lần cuối cùng anh nói thành câu, rõ ý với mọi người. Tôi hiểu thời điểm ấy là chặng đường cuối cùng của cuộc chiến đấu đã kéo dài âm ỉ hơn chục năm nay trong anh.

Suốt cuộc đời, anh luôn dành thời gian chăm lo cho vợ con thật sự chu đáo. Mỗi khi bệnh diễn biến xấu, anh đều cố giấu đi, không muốn người thân trong nhà biết sớm về sự thật đau buồn ấy. Cách đây vài tháng, anh kín đáo gọi riêng tôi ra nói nhỏ về bệnh tình có chiều hướng  xấu, rồi bàn, dặn dò cụ thể chuyện hậu sự.

Ý chí của anh, nghị lực của anh, tình yêu báo chí của anh - người đảng viên Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, nhà báo Quân đội nhân dân lớp đàn anh - là bài học quý, anh để lại cho tôi và những phóng viên trẻ hôm nay.

Bài và ảnh: ĐÀO VĂN SỬ