 |
Ông Lưu Vĩnh Châu |
Mãi đến năm 1968, qua một người bạn từ Nam Bộ ra, Lưu Vĩnh Châu biết tin cha mình còn sống và là Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn. Một nỗi niềm giằng xé tâm can ông. Sau khi dằn vặt suy nghĩ, Lưu Vĩnh Châu lên gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ung Văn Khiêm: “Tôi có trách nhiệm phải báo cáo với đồng chí về vấn đề này để đồng chí xem xét giúp tôi”.
Khu dân cư K300 ở quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh có dạng như chiếc bàn cờ, đã thế một số tên đường, số nhà lại mới thay đổi nên người từ nơi khác đến sẽ khá khó khăn trong việc tìm địa chỉ. Có lẽ vì thế nên khi tôi gọi điện thoại cho ông Lưu Vĩnh Châu xin một cái hẹn, ông cứ xuýt xoa mà rằng: “Tôi già rồi, quý nhất là cái tình. Có người đến nhà chơi là vui lắm. Nhưng mà để anh mất công tìm đường, hỏi nhà thì phiền cho anh quá. Tôi sẽ ra ngồi ở phía ngoài cổng. Anh chạy xe đến đầu đường Phan Bá Phiến là nhìn thấy tôi”. Cảm động trước sự nhiệt tình của ông, tôi chủ động đến trước giờ hẹn, nhưng khi đến nơi, đã thấy ông ngồi yên ắng trên chiếc ghế gỗ đặt trước cổng, gương mặt phúc hậu, mắt dõi ra đường ngóng khách…
Giữa khu dân cư vào hàng sầm uất, náo nhiệt bậc nhất Thành phố Hồ Chí Minh, không gian sống của cặp vợ chồng già, cựu chiến sĩ Điện Biên Phủ vẫn khá yên ắng. Từ những tán cây xanh ngăn ngắt ngoài cổng, khoảnh sân tráng xi măng mộc mạc cho đến cách bài trí những chiếc bàn, ghế, đồ gia dụng… trong nhà, đều đậm nét thôn quê dân dã. Tất cả cho thấy chủ nhân của ngôi nhà là người bình dị. “Tính ông nhà tôi cẩn thận và nhớ dai lắm. Cuốn nhật ký từ thời tham gia kháng chiến rồi trở thành chiến sĩ Điện Biên Phủ, đến bây giờ ông vẫn còn giữ được”. Bà Nguyễn Thị Dung, vợ ông xởi lởi với chúng tôi như vậy.
Tám mươi lăm tuổi, lưng đã còng, mái tóc lưa thưa không còn sợi xanh, nhưng trí nhớ của ông vẫn còn tốt. Trên chiếc bàn kê ở phòng khách, ông đã chuẩn bị đầy đủ các loại tư liệu cho cuộc trò chuyện với chúng tôi. Cuốn nhật ký bà Dung vừa nhắc đến, giấy đã nhũn, nét chữ mờ, nhòe, nhiều chỗ không đọc được. Bà Dung kể: “Mấy năm qua ông đã dành thời gian, cẩn thận chép lại tất cả sang một cuốn sổ khác”. Cũng nhờ đó mà chúng tôi hiểu hơn những chặng đường đời của một con người khá đặc biệt.
Từ Trần Văn Dõi đến Lưu Vĩnh Châu
Thuở nhỏ ông có tên là Dõi - Trần Văn Dõi, sinh năm 1924 tại Vĩnh Long, là con trai trưởng của Đốc học Tây Ninh Trần Văn Hương. Tháng 4-1975, ông Trần Văn Hương trở thành Tổng thống chính quyền Sài Gòn, là đời tổng thống có quãng thời gian trên ghế quyền lực ngắn nhất của thời Mỹ-ngụy...
Vào những năm đầu thập niên bốn mươi, chàng thanh niên Trần Văn Dõi sau khi học hết cấp trung học, đã hăng hái tham gia hoạt động trong phong trào Thanh niên tiền phong rồi đi bộ đội ở Tây Ninh. Được một thời gian, do thiếu vũ khí phục vụ chiến đấu nên vào mùa thu năm 1946, cấp trên đã lựa chọn những thanh niên có sức khỏe cường tráng, thành lập đội công tác ra miền Bắc để tiếp nhận vũ khí, vận chuyển vào Nam, trong đó có Trần Văn Dõi. Nhớ lại giai đoạn đó, ông Lưu Vĩnh Châu kể với giọng hào hứng:
- Khi nhận nhiệm vụ ra Hà Nội, chúng tôi cứ nghĩ lâu nhất là một tháng sẽ trở vào Tây Ninh. Nhưng rồi kế hoạch đưa vũ khí vào Nam không thực hiện được, do tình hình ở Hà Nội lúc bấy giờ đang rất căng thẳng. Theo yêu cầu nhiệm vụ, chúng tôi được biên chế vào đội Tự vệ khu Bạch Mai và bước ngay vào cuộc chiến đấu từ ngày Toàn quốc kháng chiến (19-12-1946).
Chuyến đi ấy trở thành bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời ông. Kháng chiến liên miên ròng rã, Trần Văn Dõi bặt tin nhà. Năm 1948, ông được cử đi học Trường Lục quân Trần Quốc Tuấn và đổi tên thành Lưu Vĩnh Châu (mang họ mẹ), sau đó tiếp tục được đào tạo chuyên ngành công binh. Kỷ niệm đáng nhớ của ông ở trường là cùng lớp học viên công binh tham gia xây dựng cầu treo Bờ Rạ vào tháng 7-1949. Ông được kết nạp Đảng trong giai đoạn này. Tốt nghiệp, ông được điều về Cục Công binh, làm Đại đội trưởng Đại đội Công binh 57, Tiểu đoàn 206. Năm 1953, do yêu cầu nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Trung Quốc về nước gặp rất nhiều khó khăn vì địch thường xuyên ném bom, bắn phá, đơn vị của Lưu Vĩnh Châu được biệt phái sang Cục Vận tải, làm nhiệm vụ phá bom, mở đường dọc tuyến biên giới Lạng Sơn phục vụ các đơn vị vận chuyển vũ khí.
Đại đội trưởng công binh ở Điện Biên Phủ
Chiến dịch Điện Biên Phủ nổ ra, tháng 3-1954 Tiểu đoàn 206 Công binh nhận nhiệm vụ rời Lạng Sơn hành quân về tuyến Yên Bái - Điện Biên Phủ làm nhiệm vụ mở đường vận tải phục vụ chiến dịch. Đại đội của Lưu Vĩnh Châu đảm nhiệm tuyến đường từ đèo Lũng Lô đến Sơn La, dài khoảng 16km, phối hợp với Thanh niên xung phong (TNXP) phá bom, làm đường cho xe, pháo của ta vào chiến dịch. Nhật ký của ông Châu ghi lại: “Ngày 24-3-1954: ...Đây là cửa ngõ vào Điện Biên Phủ nên địch tập trung đánh phá rất ác liệt. Đường bị tắc nhiều ngày. Có một Đại đội TNXP của khu Tây Bắc phụ trách nhưng làm không xuể. Có nhiều bom nổ chậm địch cài lại sau mỗi lần đánh phá”... Gian khổ và nguy hiểm là thế nên Lưu Vĩnh Châu đã động viên tinh thần bộ đội và bàn với đơn vị TNXP, lực lượng Bộ đội Công binh sẽ đảm nhiệm những vị trí trọng yếu, nguy hiểm, nơi có nhiều bom nổ chậm. Không có bất cứ phương tiện máy móc, kỹ thuật nào, tất cả đều bằng sức người và cuốc xẻng. Mỗi khi máy bay địch ném bom, họ theo dõi, đánh dấu từng vị trí, sau đó chia thành các tổ đi phá bom, sửa đường. “Ngày 30-3-1954: 4 giờ chiều địch lại ném bom. Bộ đội xuất quân rất hùng dũng, có quy củ, tự tin. May quá, một số lượng lớn bom không trúng mặt đường. Đường bị hỏng 2 nơi. Có bom nổ chậm. Mình cùng cậu Văn (bt 34) ra tận nơi cho các tổ đánh dấu, phá ngay hai quả. Số bom chưa nổ nằm chình ình trên mặt đường, cho anh em lăn dần xuống các suối. 7 giờ tối giải quyết xong bom, cho 3 trung đội cùng TNXP ra sửa đường. 11 giờ đêm, đường thông. Anh chị em thấy bộ đội giải quyết rất nhanh gọn thì rất vui mừng và tin tưởng”.... “Ngày 1-2-3 tháng 4-1954: Địch liên tiếp ném bom. Trong kia đánh càng dữ thì việc phá đường, chặn tiếp viện càng ác liệt... Anh em bộ đội và TNXP rất mệt và căng thẳng”.
- Thưa ông! Nhiệm vụ gian khổ và hiểm nguy như vậy, ông làm cách nào để đơn vị tránh được thương vong? - Tôi hỏi.
Ông Châu trầm tư:
- Ta càng đánh mạnh phía trong cứ điểm thì cường độ ném bom của địch càng lớn. Để tránh thương vong, chúng tôi tổ chức cho anh em làm vào ban đêm, có khi đốt đuốc lên làm nhưng cũng có khi phải làm mò để đảm bảo bí mật. Việc chia lực lượng thành các tổ, nhóm cũng là để hạn chế thương vong. Nhưng không thể tránh được hy sinh. Trong thời gian diễn ra chiến dịch, đơn vị tôi hy sinh hơn 20 đồng chí.
Ngày 24-4-1954 là một ngày ám ảnh tâm trí ông, bởi 12 đồng chí bị trúng bom địch, hy sinh. Ngay cả khi đã đầu hàng ở Điện Biên Phủ, địch vẫn điên cuồng ném bom. Thắng lợi rồi nhưng những người lính công binh vẫn phải đổ máu, thương vong. Ông Châu nhớ lại:
- Khi quân ta dẫn hàng chục ngàn tù binh Pháp rời cứ điểm đi qua tuyến đường chúng tôi làm, cảm giác lúc đó khó tả lắm. Tôi liên tưởng đến thời kỳ trước đó ở Hà Nội những ngày sắp nổ ra kháng chiến toàn quốc, giặc Pháp hống hách bao nhiêu thì nay trông nó bệ rạc, tệ hại bấy nhiêu...
Chúng tôi chợt thấy vui vui khi bất ngờ đọc đến đoạn nhật ký này của ông: “Ngày 31-12-1954: Anh em nghỉ đi xem duyệt binh. Bộ đội ta bây giờ hùng mạnh và oai dũng quá. Tiếc không còn Tây để mà đánh...”.
Khoảng lặng
Sau chiến dịch Điện Biên Phủ, Lưu Vĩnh Châu trở về Hà Nội. Ông gặp Nguyễn Thị Dung, người con gái quê Bến Tre công tác tại ngành y tế ở Hải Phòng. Hai người nên duyên chồng vợ. Năm 1961 ông được cử đi học ở Trường Đại học Bách khoa. Tốt nghiệp năm 1966, ông chuyển ngành về nhận công tác tại Ban Công nghiệp Trung ương. Đằng đẵng hơn hai chục năm xa quê, ước vọng ngày đoàn tụ gia đình của Lưu Vĩnh Châu vẫn vời vợi do đất nước còn chia cắt. Bao lần ông nhắn tìm, dò hỏi về người cha qua những người Nam Bộ ra Bắc tập kết, nhưng chẳng có tin tức gì. Mãi đến năm 1968, qua một người bạn từ Nam Bộ ra, Lưu Vĩnh Châu biết tin cha mình còn sống và là Phó tổng thống chính quyền Sài Gòn. Một nỗi niềm giằng xé tâm can ông. Sau khi dằn vặt suy nghĩ, Lưu Vĩnh Châu lên gặp Bộ trưởng Bộ Nội vụ Ung Văn Khiêm: “Tôi có trách nhiệm phải báo cáo với đồng chí về vấn đề này để đồng chí xem xét giúp tôi”. Ông Khiêm yêu cầu Lưu Vĩnh Châu giữ bí mật, không nói cho ai biết việc này. Một thời gian sau, ông Ung Văn Khiêm gặp Lưu Vĩnh Châu nói rằng, sắp tới Đảng sẽ cử ông vào Sài Gòn làm nhiệm vụ. Tuy nhiên đó là nhiệm vụ gì, cách làm ra sao thì Lưu Vĩnh Châu chưa được biết. Nhưng rồi chuyến vào Sài Gòn của Lưu Vĩnh Châu đã không diễn ra. Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, với chính sách nhân đạo, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta, cựu Tổng thống chính quyền Sài Gòn Trần Văn Hương được đối xử tử tế, nhà cửa không bị tịch thu. Ông Hương cũng tích cực học tập cải tạo để trở thành công dân tốt. Lưu Vĩnh Châu đưa vợ con vào Thành phố Hồ Chí Minh sinh sống để chăm sóc, phụng dưỡng cha. Ba mươi năm biền biệt, cuộc đời trải qua biết mấy thăng trầm, giờ cha con mới gặp lại nhau. Ông Hương sống những năm tháng tuổi già bình yên cùng vợ chồng Lưu Vĩnh Châu và các cháu nội đến năm 1982 thì qua đời.
Ngồi tâm sự với chúng tôi trong ngôi nhà ấm cúng, ngan ngát mùi thơm của mít chín, bưởi ngọt cùng nước giải khát ngâm trái mơ, ông Châu thổ lộ: cuộc đời ông thật hạnh phúc khi tham gia kháng chiến và được đến với Đảng. Những tháng ngày chỉ huy Đại đội Công binh trong chiến dịch Điện Biên Phủ là quãng thời gian hùng tráng và đáng nhớ nhất của ông. Hồi đó, ở Nam Bộ ngoài ông ra chỉ có hai người nữa trực tiếp tham gia chiến đấu ở Điện Biên Phủ, nhưng đến mấy chục năm sau ngày chiến thắng họ mới biết và tìm gặp nhau. Sống vui vẻ, giản dị, lạc quan pha chút hài hước là cách để ông nuôi dưỡng đời sống tinh thần và giữ sức khỏe tuổi già...
PHAN TÙNG SƠN