“Túy”-danh từ Hán-Việt có một nghĩa là chỉ có một chất không pha trộn cái gì vào. “Tinh túy là chắt lọc cái tinh hoa đặc trưng, độc đáo… Sỉ là xấu hổ, nhục nhã…”.

Cách đây 83 năm, ngày 13-6-1927, một người con ưu tú của dân tộc Việt Nam đã “ra đi” nhưng đã để lại cho đời sau 6 chữ “Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ”. Người đó sinh năm Dần, Giáp Dần, 1854: cụ Lương Văn Can.

Người già, trước khi “nhàn du tiên cảnh” lại là nhà trí thức thường suy nghĩ lại chặng đường mình đã đi, đúc kết lại những gì mình đã sống, không thể “tràng giang đại hải” như khi còn trẻ mà chỉ nói ít, nói sao cho được tinh hoa, tinh túy…

 

Du khách quốc tế tham quan Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Hà Nội. Ảnh: Trung Nguyên

“Bảo quốc túy, tuyết quốc sỉ” là lời tâm huyết mong mỏi cháu con, các thế hệ hãy cố gắng thực hiện điều mà tác giả-một lớp người, một thế hệ chưa làm được, làm chưa tốt. Có thể hiểu ý cụ Cử Can là thay mặt cho nhiều người “đau xót tim gan” dưới thời Pháp thuộc nên phải bảo vệ lấy văn hóa, tinh hoa của đất nước, của dân tộc, phải rửa sạch nỗi nhục mất nước, nỗi nhục nô lệ yếu hèn…”.

Văn hóa tinh hoa của một dân tộc là sức mạnh vô địch, là vũ khí trường tồn của dân tộc để dựng nước và giữ nước. 600 năm trước, Nguyễn Trãi đã từng dặn lại chúng ta rằng: “Học vấn và nhân tài đó là của quý không gì thay thế được của một nước, một dân tộc. Có nó, thì có tất cả, mất nó thì những cái còn lại không còn gì là đáng quý”.

Biết vậy, nên cụ Cử Can, quê ở Nhị Khê-đồng hương với Ức Trai Nguyễn Trãi, sống giữa trung tâm văn hóa Hà Nội lại lo nghĩ, đau xót trước những cảnh kém văn hóa, mất tinh thần dân tộc, trong ăn nói, vui chơi, học hành của lớp người đang cùng sống. Cụ sợ là văn hóa dân tộc, những gì là quốc hồn, quốc túy nếu mai một đi thì nước mất, nhà tan, dân tộc không còn, cụ hiểu rằng một dân tộc nếu không coi trọng việc giữ gìn, bảo tồn, phát huy tính cách dân tộc-cái tinh hoa của dân tộc thì dù kinh tế có phát triển đến đâu, quân đội đông đến đâu, tướng tá nhiều đến đâu kết cục cũng như vết xe nhà Bắc Tống bên Trung Hoa, tướng đông, quân nhiều, chưa đánh đã thua, chỉ 2 năm là mất nước!

Là thầy giáo hiệu trưởng trường Đông Kinh nghĩa thục, cụ Cử đau đáu trong lòng nỗi xót xa không khéo sẽ mất dần “quốc túy” và hổ thẹn khi là dân một nước văn hiến-từng bị đô hộ ngàn năm vẫn giữ được tinh hoa đất nước, mấy lần đánh thắng quân ngoại xâm mà nay lại chịu cúi đầu trước thực dân Pháp. Thiên thời, địa lợi, nhân hòa chưa đủ điều kiện cho thế hệ cụ rửa nỗi nhục nên cụ di chúc cho con cháu phải “tuyết quốc sỉ”-rửa nỗi nhục này. Nỗi nhục của một nước không chỉ là chịu nô lệ, mà còn là yếu hèn, nghèo đói, lạc hậu, cúi đầu trước kẻ mạnh. Làm gương trước cho đồng bào, các con trai của cụ như Lương Trúc Đàm, Lương Nhị Khanh và Lương Ngọc Quyến-cũng cầm tinh hổ như cha (sinh năm Canh Dần 1890-cùng tuổi với Nguyễn Sinh Cung-Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh) đã cố “tuyết quốc sỉ” như lời cha dặn. Cả 3 con trai ông không có tài sản vật chất (tam nam bất phú!) đã hy sinh cho nước, cho dân mong ước “tuyết quốc sỉ” mà không thành. Con rể, con dâu… đều cùng tham gia “rửa nhục cho nước” để lại một tấm gương “cả nhà Trung-Hiếu” cho muôn đời!

Nguyên Đán