 |
Một ấn phẩm của báo Yên Bái. Ảnh: Internet |
“
Kính gửi sở (ngành) X…, báo Yên Bái số ra ngày… có đăng bài phản ánh vụ việc…, đề nghị sở (ngành) kiểm tra, giải quyết, báo cáo tỉnh ủy trước ngày…”. Những công văn như thế đã trở thành “
chuyện thường ngày” ở… tỉnh ủy Yên Bái những năm gần đây. Từ vụ việc vướng mắc về thủ tục hành chính tới những bất cập trong đền bù giải tỏa mặt bằng, từ hiện tượng dùng mìn phá đá trên hồ Thác Bà đến hành vi thiếu văn hóa của giám đốc một cơ quan nọ, lãnh đạo tỉnh ủy đều đánh giá rất cao những thông tin mà báo
Yên Bái đề cập và cho phép báo địa phương mạnh dạn “vào cuộc”, không phải e ngại chuyện “
vạch áo cho người xem lưng”. Khi báo
Yên Bái điện tử mở chuyên mục truyền hình internet, đồng chí Bí thư tỉnh ủy đã “
đăng đàn” ngay với bài trả lời phỏng vấn về vấn đề xây dựng Đảng...
Đó là điều đồng chí Bùi Anh Túy, Tổng biên tập báo Yên Bái kể với chúng tôi khi tâm sự về “báo nhà”. Những năm gần đây, báo Yên Bái có nhiều đổi mới, xuất hiện nhiều bài viết mang tính chiến đấu cao một phần quan trọng chính nhờ sự quan tâm của tỉnh ủy. Anh Túy kể thêm với chúng tôi một câu chuyện khác: Có lần, các anh từng đắn đo trước bài viết của phóng viên về một cơ quan có nhiều khuyết điểm kéo dài. Nhưng cũng còn ngần ngại vì nếu đăng lên, rất có thể dư luận sẽ cho rằng, có chuyện lợi dụng công luận để “đấu đá” nhau. Anh Túy đành báo cáo sự việc với đồng chí Phùng Quốc Hiển, Bí thư tỉnh ủy. Sau khi cân nhắc, đồng chí đã đồng ý cho báo Yên Bái đăng bài viết này và nói thêm: “Đơn vị này còn hạn chế, khuyết điểm, nhắc nhở phê bình nhiều lần chưa chuyển biến. Nay báo Đảng đăng sẽ là một “cú hích” để họ nhận thức lại và sửa chữa. Báo Đảng không chỉ thông tin mà cũng chính là nơi giáo dục cán bộ, đảng viên, các cơ quan, đơn vị!”. Quả nhiên, sau khi đăng bài báo đó, đơn vị nói trên đã ý thức rõ hơn sai sót của mình, có chương trình khắc phục và tiến bộ.
Tình cờ được biết “chuyện thường ngày” của báo Yên Bái khiến tôi chợt nhớ đến thực trạng đáng suy nghĩ của nhiều tờ báo hiện nay, nhất là những hạn chế của báo chí địa phương. Nhiều vụ việc tiêu cực ở địa phương chỉ được công luận biết được qua báo Trung ương. Nhiều tờ báo luôn giữ “khoảng cách an toàn” khi thông tin về lĩnh vực của địa phương mình, ngành mình. Nguyên nhân chính không phải do những người làm báo thiếu sự nhạy cảm hay nghiệp vụ non yếu mà một phần do cán bộ lãnh đạo chưa coi cơ quan ngôn luận của mình chính là “binh chủng” xung kích trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, của địa phương. Giữa thời đại bùng nổ thông tin nhưng vẫn không phải không còn cán bộ lãnh đạo lười đọc báo, e ngại, né tránh tiếp xúc với báo chí. Đó không chỉ là thói quen xấu mà còn là vấn đề đạo đức mà Bác Hồ từng nhắc nhở đội ngũ cán bộ của Đảng. Trong một bài viết ký bút danh CB trên tờ Nhân Dân với tựa đề: “Cần phải xem báo Đảng”, Bác viết: “Nếu cứ cắm đầu làm việc mà không xem, không nghiên cứu báo Đảng thì khác nào nhắm mắt đi đêm, nhất định sẽ lúng túng, vấp váp, hỏng việc… Có những đồng chí mượn cớ khác mà không chú ý xem báo Đảng”. Lúc sinh thời, dù rất bận rộn, nhưng Bác thường xuyên quan tâm, đọc nhiều tờ báo, kể cả báo địa phương, biểu dương khen thưởng kịp thời những gương tốt, phê bình những hạn chế, khuyết điểm cần uốn nắn.
Tỉnh ủy địa phương ra công văn chỉ đạo các ban, ngành khắc phục, sửa chữa những hạn chế, khuyết điểm do chính báo địa phương nêu - câu chuyện ở Yên Bái là dẫn chứng đáng quý về việc đề cao tự phê bình và phê bình cần được nhân rộng.
NGUYỄN VĂN MINH