QĐND - Tháng 6 vừa qua tại Thành phố Hồ Chí Minh, Nguyễn Hoài Nam (Báo Thanh niên) là phóng viên duy nhất của cơ quan báo chí được Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng tuyên dương là cá nhân có thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng chống tham nhũng năm 2010. Không chỉ là một cây viết những bài đấu tranh chống tiêu cực, anh còn cùng cơ quan điều tra phá nhiều vụ án…
Từ người lính trở thành nhà báo
Nguyễn Hoài Nam sinh năm 1973, quê ở huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang. Năm 1993, nhập ngũ vào Đoàn Không quân B70, sau vài tháng huấn luyện ở Biên Hòa, Hoài Nam được điều về Ban Tác chiến Đoàn B70 ở sân bay Tân Sơn Nhất. Ở đây, Nam được đi học đồ bản tác chiến và các nghiệp vụ chuyên môn.
Sau 5 năm phục vụ quân đội, Hoài Nam ra quân vào tháng 4-1997. Anh xin vào làm thiết kế mẫu cho Công ty Dệt Thắng Lợi và đăng ký học tại chức buổi tối tại Đại học Khoa học tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh, ngành đồ họa. Để có tiền đi học, Hoài Nam đã vay tiền bạn bè mua máy quay phim và máy ảnh để làm dịch vụ đám cưới liên hoan, sinh nhật.
Năm 2003, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có chỉ thị cấm xe dù, bến cóc trên địa bàn thành phố. Trong khi đó, gần khu nhà mà Hoài Nam thuê trọ cảnh hằng đêm các xe “dù” đón khách nhộn nhịp gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Sẵn máy ảnh, Hoài Nam “mật phục” chụp gửi về Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh và ngay ngày hôm sau phóng sự ảnh phản ánh nạn xe “dù” bến “cóc” đã được đăng rất nổi trên Báo Pháp luật thành phố gây xôn xao dư luận, với những góc ảnh mới lạ, chú thích rõ ràng, cụ thể. Có lẽ do chất lượng ảnh tốt nên chị Hoàng Xuân (Thư ký tòa soạn) gọi Hoài Nam đến và gợi ý Nam viết đơn xin vào làm phóng viên của báo vì đợt đó Báo Pháp luật đang tuyển phóng viên. Nhưng ngặt vì yêu cầu phóng viên phải có xe máy đi làm, Hoài Nam có chiếc xe máy thì đã bán để lấy tiền cưới vợ và đóng học phí. Nhìn chiếc xe đạp cà tàng của Hoài Nam đang đi, chị Xuân chỉ còn biết an ủi: “Thôi em cứ làm cộng tác viên cho báo cũng được”.
Nhờ siêng lên tòa soạn, Hoài Nam quen một số phóng viên, anh học cách viết tin, bài và bài báo đầu tiên Hoài Nam được đăng trên Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh là bài “Điều tra viên làm tiền người bị hại”. Theo nội dung vụ việc, khoảng tháng 4-2004, một người dân bị cướp xe máy cạnh nhà và đã truy bắt được thủ phạm, nhưng điều tra viên công an huyện Hóc Môn thụ lý vụ án đã không chịu trả xe mà đòi đưa 2 triệu đồng thì mới trả xe. Khi bài báo của Hoài Nam đăng tải, điều tra viên này bị tước danh hiệu Công an nhân dân, bị đuổi khỏi ngành, còn chủ xe thì được nhận lại xe mà không mất đồng nào...
Cũng từ đó hàng loạt bài phóng sự của Hoài Nam xuất hiện trên báo pháp luật như “Giang hồ bến cóc xe dù”, “Làng quê không ruộng vẫn giàu”, “Cầy tơ ai quản”…
Thấy khả năng và bản lĩnh của Hoài Nam, một đồng nghiệp giới thiệu anh sang làm cho Báo Thanh niên và anh đã quyết định về Báo Thanh niên. Tháng 5-2005, cộng tác viên Hoài Nam đã trình làng trên Báo Thanh niên bài báo đầu tiên: “Cà phê ớn lạnh”, gây ngay được sự chú ý của nhiều bạn đọc. Nam tâm sự, để có chứng cứ dùng đậu nành rang cháy trộn với hóa chất làm thành cà phê, anh đã phải đóng vai thợ rang cà phê đi xin việc. Vừa làm cà phê, anh vừa bí mật quay cách làm ăn gian dối của các ông chủ bà chủ. Bài thứ hai của Hoài Nam được đăng trên Báo Thanh niên là bài: “Chế biến đậu hũ bằng công nghệ kinh hoàng”, phản ánh việc cơ sở chế biến đậu hũ đã pha với thạch cao để tăng trọng lượng. Chưa hết, năm 2005 ở công viên 23-9 cảnh mua bán ma túy diễn ra thường xuyên, anh đã hóa trang thành xe ôm để rình cả đêm, ghi lại những cảnh mua bán ma túy nhộn nhịp...
Đến ngày 1-1-2006, Hoài Nam được chính thức trở thành phóng viên Báo Thanh niên, chuyên viết mảng điều tra. Đến nay anh chưa được học một lớp báo chí chính quy nào, nhưng lòng đam mê nghề nghiệp, sự dấn thân đã đem lại thành công cho anh.
Thành viên tổ công tác phá án
Trong lần đóng vai khuân vác ngoài bến xe Miền Đông, Hoài Nam gặp một lái xe đã từng vận chuyển hàng lậu ở Cửa khẩu Móng Cái, nay bị sạt nghiệp, chuyển sang lái xe đường dài Bắc-Nam. Bằng cách lấy tài liệu rất khéo léo, Hoài Nam biết được đường dây buôn lậu hàng từ Cửa khẩu Móng Cái đi các tỉnh phía Bắc. Nhận định mức độ nghiêm trọng của vụ việc, anh đề xuất với Ban biên tập Báo Thanh niên và lên phương án đi viết bài điều tra và tháng 12-2006, Hoài Nam đóng vai phụ xe ra Móng Cái tìm việc.

|
Nhà báo Hoài Nam đóng vai người làm đậu tương để lấy tư liệu viết báo.
|
Tại đây, trong vai xe ôm, bốc vác rồi phụ xe, anh đã thấy từ Móng Cái mỗi ngày có hàng trăm xe vận chuyển hàng lậu công khai đi các tỉnh theo quốc lộ 18. Tìm hiểu về nguyên nhân hàng lậu lọt lưới, anh phát hiện bến xe Móng Cái là nơi trung chuyển hàng lậu. Còn để lọt hàng lậu là trạm kiểm soát liên hợp tại km15 (cách thành phố Móng Cái 15km). Tại trạm này, công an, hải quan, quản lý thị trường và thuế quan đã phối hợp nhau ăn hối lộ để cho hàng lậu qua mặt. Số tiền hối lộ từ 500 ngàn đồng đến 3 triệu đồng/chuyến xe. Nhận định mức độ đặc biệt nghiêm trọng vì một số cán bộ các ngành công an, hải quan, quản lý thị trường và thuế quan đã bảo kê cho buôn lậu lộng hành, Hoài Nam đã làm báo cáo vụ việc gửi đến Trung tướng Nguyễn Việt Thành (tức anh Tư Bốn), lúc này đang là Phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Tháng 6-2007, anh Tư Bốn cử 2 cán bộ bí mật vào Thành phố Hồ Chí Minh gặp nhà báo Hoài Nam. Đầu tháng 7-2007, Hoài Nam đích thân được mời ra Hà Nội để thẩm tra chứng cứ. Tại phòng làm việc của anh Tư Bốn, những đoạn băng mà Hoài Nam quay được cảnh buôn lậu lộng hành ở cửa khẩu, bến xe Móng Cái và Trạm km15, đặc biệt cảnh nhận tiền hối lộ công khai ở Trạm Km15, đã thuyết phục Trung tướng Nguyễn Việt Thành chỉ đạo cấp dưới thành lập tổ công tác để phá án, trong đó có phóng viên Hoài Nam. Ròng rã gần 2 năm, theo đuổi trinh sát vụ án, đến tháng 12-2008, Cơ quan công an cùng phóng viên Hoài Nam đã triệt phá đường dây hàng lậu Móng Cái. Sau vụ này, gần 40 cán bộ gồm công an, hải quan, thuế và quản lý thị trường bị kỷ luật luân chuyển công tác. Đặc biệt, hàng lậu thâm nhập vào Việt Nam theo quốc lộ 18 bị chặn đứng, mỗi năm Nhà nước không bị thất thu hàng chục tỷ đồng tiền thuế. Riêng Báo Thanh niên độc quyền phóng sự 3 kỳ “Thâm nhập đường dây hàng lậu Móng Cái”.
Trong vụ một nữ luật gia ở Thành phố Hồ chí Minh lừa đảo 2 người nước ngoài chiếm đoạt 14 tỷ đồng, hai nạn nhân đó đã tìm đến Báo Thanh Niên gặp Hoài Nam để tố cáo. Từ đơn tố cáo, Hoài Nam đã âm thầm điều tra. Không những phát hiện những hành vi lừa đảo của nữ luật gia này, anh còn phát hiện một thượng tá phó phòng thuộc Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an tiếp tay cho nữ luật gia này. Hoài Nam đã chủ động trực tiếp báo cáo với Bộ Công an, cung cấp các thông tin và cùng cơ quan điều tra tham gia phá án. Hiện Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ án sang Tòa án để truy tố nữ luật gia này, còn vị cán bộ phó phòng kia thì bị kỷ luật cách chức phó phòng, giáng cấp hàm từ thượng tá xuống trung tá, đồng thời cho thời gian tìm cơ quan chuyển công tác…
Trung tướng Nguyễn Việt Thành đã từng đánh giá “Chú Nam vừa là nhà báo vừa có tố chất của một trinh sát”.
Nguy hiểm và vinh quang
Những bài điều tra của Hoài Nam đã giúp cơ quan công an phanh phui được nhiều vụ tiêu cực. Anh cũng bị nhiều đối tượng xấu đe dọa. Như khi anh viết bài “Giấy kiểm dịch bán như rau”, cơ sở giết mổ gia cầm bị nêu tên trong bài đã thuê xã hội đen đến tận nhà anh hăm dọa; chúng đập bàn, đập ghế tại nhà, anh đã phải gọi công an phường đến giải tỏa. Tòa soạn BáoThanh niên đã phải gửi công văn cho UBND thành phố và Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhờ can thiệp, bảo vệ phóng viên Hoài Nam. Vợ con anh vô cùng lo lắng cho tính mạng của anh.
Những lần đi thâm nhập sòng bạc đá gà ở Long An, anh phải rất bình tĩnh đóng vai người chơi bạc, làm sao quay được những thước phim làm tang chứng. Chỉ cần sơ sảy để bọn giang hồ biết thì tính mạng anh khó bảo toàn giữa đồng không mông quạnh.
Dấn thân, làm đủ mọi nghề để thâm nhập thực tế, viết những bài phóng sự điều tra là bản lĩnh của nhà báo Hoài Nam. Để viết bài “Bí mật hành phi”, phanh phui việc cơ sở sử dụng dầu hố ga để phi hành bán cho người dân, anh phải đóng vai người làm công. Còn bài viết “Hãi hùng công nghệ trồng rau muống”, vạch trần việc người trồng rau đã sử dụng thuốc trừ sâu, thuốc kích thích tăng trưởng một cách vô tội vạ, Hoài Nam đã phải đóng giả làm người đi buôn rau. Tháng 11-2010, anh có loạt bài “Tôi đi làm vệ sĩ”, viết những mặt trái của các công ty vệ sĩ. Để có được phóng sự này anh đã phải xin đi làm ở 3 công ty vệ sĩ để thấy sự tắc trách của các công ty này… Có những vụ án như việc bảo kê đánh bạc ở quận 7 của một cán bộ công an, anh vừa nhận được lời hăm dọa vừa nhận được lời đề nghị mua chuộc tới hàng trăm triệu đồng để đừng đăng bài. Nhưng Hoài Nam vẫn kiên quyết đưa sự việc ra ánh sáng. Anh tâm sự: “Khi tôi viết bài, tôi đã có sẵn trong tay chứng cứ đầy đủ và xác thực, mọi tiêu cực đều được phơi bày, không một thế lực nào có thể bao che được”.
Chỉ mới hơn 4 năm làm báo, Hoài Nam đã đoạt nhiều giải thưởng: Giải nhất Cuộc thi Nhà báo với trẻ em Việt Nam với loạt bài “4 em bé bị hành hạ dã man” (năm 2006); Giải B về đề tài vệ sinh an toàn thực phẩm do Ban Tuyên giáo Trung ương và Bộ Y tế, Bộ Thông tin truyền thông tổ chức (năm 2009); Giải khuyến khích giải báo chí quốc gia (năm 2008) với bài “Người ghi hình lâm tặc phá rừng”; Giải báo chí vì sự nghiệp đại Đoàn kết toàn dân tộc do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức (năm 2008)…
Chia tay tôi, Hoài Nam nói: “Có lẽ chất lính đã cho tôi can đảm hóa thân đi viết phóng sự điều tra để chống tiêu cực - mặt trái của xã hội”.
Bài và ảnh: Đoàn Hoài Trung