Chúng tôi lớn lên sau khi đất nước được hoàn toàn thống nhất và được trải qua những năm tháng thực hiện chế độ bao cấp. Trong khó khăn, chúng tôi mới thấm lời cha, mẹ dạy là phải tiết kiệm. Và cũng chỉ hiểu tiết kiệm là không xa xỉ, không hoang phí, không bừa bãi trong tiêu dùng theo một nghĩa hẹp.

Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" do Đảng ta phát động đã gợi trong tôi niềm xúc động. Vẫn biết rằng, học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác là công việc suốt đời của mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh là tấm gương sáng ngời về đạo đức "Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư". Khi học tập, nghiên cứu tôi mới hiểu hơn về chữ "kiệm" theo phân tích của Hồ Chí Minh. Được đọc cụm bài: "Cần, kiệm, liêm, chính" viết khoảng tháng 6 năm 1949 với bút danh Lê Quyết Thắng của Bác tôi mới hiểu thêm, sâu hơn về nghĩa rộng của chữ "kiệm". Chuyện Bác Hồ tiết kiệm dùng phong bì, khi đọc ai cũng xúc động. Một cái phong bì Bác dùng 2-3 lần. "Trung bình, cái phong bì là 180 phân vuông giấy. Mỗi ngày, các cơ quan, đoàn thể và tư nhân trong nước ta ít nhất cùng dùng hết một vạn cái phong bì, tức là 180 thước vuông giấy. Mỗi tháng hết 5.400 thước. Mỗi năm hết 64.800 thước vuông giấy. Nếu ai cũng tiết kiệm, dùng một cái phong bì 2 lần, thì mỗi năm chỉ tốn một nửa giấy, tức là 32.400 thước vuông. Còn 32.400 thước thì để dành cho các lớp bình dân học vụ, thì chẳng tốt sao? Hơn nữa nhờ tiết kiệm giấy, mà tiền bạc và công phu làm giấy có thể thêm vào việc kiến thiết khác, thì càng lợi ích hơn nữa…".

Đó là một ví dụ về tiết kiệm của cải, vật chất của Hồ Chí Minh. Theo Hồ Chí Minh, ngoài tiết kiệm của cải còn phải tiết kiệm thời giờ. Muốn tiết kiệm thời giờ thì việc gì cũng phải làm cho nhanh chóng, mau lẹ. Khi đã làm thì phải hăng hái, chăm chỉ, chuyên chú, làm cho ra làm. Tiết kiệm thời giờ của mình lại phải tiết kiệm thời giờ của người, không nên ngồi lê, nói chuyện phiếm, làm mất thời giờ người khác. Tiết kiệm không phải là bủn xỉn. Khi không nên tiêu xài thì một đồng xu cũng không nên tiêu. Khi có việc đáng làm, việc lợi ích cho đồng bào, cho Tổ quốc thì dù tốn bao nhiêu công, bao nhiêu của cũng vui lòng, như thế là tiết kiệm. Tiết kiệm là không xa xỉ. Hồ Chí Minh cũng chỉ rõ, muốn tiết kiệm có kết quả tốt thì phải khéo tổ chức. Biết tổ chức thì tiết kiệm được sức lực, thời giờ và vật liệu.

Liên hệ với thực tiễn, trong những năm qua, trên cả nước đã xảy ra biết bao nhiêu vụ vi phạm pháp luật. Nhiều cán bộ có chức, có quyền phải ra trước vành móng ngựa với tội tham nhũng, hối hộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, do những cán bộ này năng lực tổ chức, quản lý kinh tế, quản lý con người kém, để cán bộ dưới quyền bớt xén công quỹ, rút ruột công trình, ăn chơi xa xỉ, cờ bạc… làm giảm uy tín của nhân dân với Đảng, gây bức xúc dư luận, để lại những thiệt hại to lớn về kinh tế của Nhà nước. Những cán bộ, đảng viên đó mang nặng chủ nghĩa cá nhân, không vượt qua được chính mình, lại thiếu tu dưỡng học tập đạo đức cách mạng, coi thường kỷ cương phép nước, không thấu hiểu nỗi khổ của nhân dân lao động, khó khăn của đất nước.

Thiết nghĩ, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trước hết mỗi cán bộ, đảng viên cần phải hiểu sâu, rộng chữ "kiệm" theo tư duy của Người. Rồi học phương pháp tiết kiệm, cách tiết kiệm và thực hành tiết kiệm của Người. Ai cũng ra sức, chăm chú học cách tiết kiệm của Bác Hồ sẽ góp phần thiết thực, mang lại hiệu quả cao cho cuộc vận động.

NGUYỄN ÁI (Hòm thư: 4NC-44 Kiến An-Hải Phòng)