QĐND -  35 năm phục vụ trong quân ngũ và cả những năm tháng về hưu sau này, họa sĩ Phạm Lực đã vẽ khoảng 25.000 bức tranh đủ thể loại từ sơn dầu, sơn mài, khắc gỗ. Tranh của ông tái hiện các khía cạnh hiện thực của cuộc sống bằng những nét bút tài hoa...

Không vẽ tranh là… ốm

Tôi đến xưởng tranh của họa sĩ Phạm Lực ở số nhà 175, Nghi Tàm, quận Tây Hồ, TP Hà Nội vào một sáng chủ nhật giữa tháng 8-2014, khi ông đang lúi húi hoàn thiện những nét vẽ cuối cùng cho bức tranh “Dân quân Ngư Thủy, Lệ Thủy, Quảng Bình bắn tàu chiến Mỹ” để kịp triển lãm về đề tài chiến tranh sắp tới. Ông chia sẻ: “Đêm hôm qua tôi không ngủ và cũng chưa ăn sáng để hoàn thiện bức tranh này. Năm nay tôi đã bước sang tuổi 72, nhưng vẫn đam mê vẽ tranh vì một lẽ đơn giản: Cuộc sống này có thật nhiều điều thi vị để phản ánh. Nếu ngày nào ở nhà mà không vẽ tranh là tôi ốm!”.

Họa sĩ Phạm Lực bên giá vẽ.

Gần 60 năm đeo đuổi nghề, ai cũng phải công nhận sức vẽ của Phạm Lực thật lớn. Phạm Lực vẽ không ngừng nghỉ, mỗi ngày từ 12-16 tiếng, ông căng giá lên rồi mải miết vẽ. Những nhát bút to, khỏe, trông rất gồ ghề, thô mộc nhưng rất khoáng đạt và cực kỳ gợi cảm, thu hút. Mỗi tác phẩm của ông có một vẻ độc đáo riêng, phản ánh muôn vàn cuộc sống thực tại xung quanh, từ đề tài chiến tranh đến khung cảnh lao động của những người nông dân, công nhân, đời sống gia đình hay các danh lam thắng cảnh, hoạt động văn hóa, lễ hội… được thể hiện trên nhiều chất liệu khác nhau. Một giáo sư của Trường Đại học Ha-vớt của Mỹ khi đến xem tranh của ông đã thốt lên rằng: “Ai muốn am hiểu nhiều về lịch sử, văn hóa, con người Việt Nam thì hãy đến xem tranh của Phạm Lực”.

Tranh của ông đẹp, thuần túy về con người, cuộc sống Việt, nên đã lôi cuốn nhiều người yêu tranh, với mọi tầng lớp trong xã hội từ cán bộ cấp cao, nhà ngoại giao, doanh nhân, nghệ sĩ nổi tiếng đến những công dân bình thường. Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Dũng, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người đã sưu tập nhiều tranh của Phạm Lực, cho rằng: “Có những cái nhất của ông sẽ còn được thời gian khẳng định. Nhưng cái nhất rõ nhất ngay từ bây giờ là năng lực sáng tạo. Cái đẹp trong tranh của ông là cái đẹp của cuộc sống, của quê hương, của những người lao động. Những người đã từng trải nghiệm những ngày tháng khó khăn, gian khổ của chiến tranh, của lao động sẽ cảm nhận được sâu sắc sự lung linh trong tranh của ông. Biết nhiều hơn là thấy được nhiều hơn”.

Người phụ nữ trong tranh

Trong hàng nghìn bức tranh mà ông vẽ, đề tài mà ông tâm đắc nhất là thân phận những người phụ nữ. Họa sĩ Phạm Lực chia sẻ: “Hiếm có nơi nào như ở Việt Nam chúng ta. Bom đạn diễn ra cả tiền tuyến và hậu phương. Và ở đó có những người mẹ, người phụ nữ phải chịu đựng bao đau thương, vất vả. Có khi đang cấy dưới ruộng, nghe tiếng máy bay lại lên bờ cầm súng, giặc đến nhà đàn bà cũng đánh. Rồi khi chiến tranh đi qua, những người phụ nữ ấy lại mong chồng, chờ con suốt cả cuộc đời mà không thấy… Hiện nay, nét đẹp của người phụ nữ Việt vẫn tỏa sáng. Tôi vẽ nhiều về người phụ nữ đơn giản cũng lẽ vậy thôi”.

Năm 1968, vì không có chất liệu để vẽ, Phạm Lực đã lấy bao bì đựng gạo vẽ một bức tranh về một người mẹ đang bón cháo cho con thương binh ngồi trên xe lăn. Bức tranh đã nhanh chóng lan truyền đi khắp nơi và rất nổi tiếng. Gần đây, ông đã vẽ một bức tranh sơn dầu hoành tráng rộng 80m2 thể hiện những người phụ nữ dưới chế độ phong kiến, thời chống Pháp, chống Mỹ, trước đổi mới và trong hòa bình hiện nay.

Họa sĩ Phạm Lực với những nét vẽ tài hoa, đầy sức sáng tạo và tinh thần lao động không ngừng nghỉ đã và đang giúp chúng ta thêm yêu cuộc sống hơn.

Bài và ảnh: NGUYỄN CHÍ HÒA