QĐND Online –
“Hồ Chí Minh suốt đời vì nhân dân đấu tranh…” – câu hát trên chỉ là trong nhiều câu hát về Bác Hồ mà từ nhỏ tôi thường được nghe. Dư âm những lời ca ấy đã để lại trong tôi biết bao cảm xúc, hình ảnh của Người theo năm tháng càng khắc ghi sâu đậm vào tâm trí tuổi thơ tôi tới khi trưởng thành và suốt cả cuộc đời như một lẽ tự nhiên. Nhiều người trong đời chưa một lần gặp Bác, nhưng những câu chuyện kể về Bác kính yêu, người suốt đời phấn đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân sẽ mãi mãi là tấm gương để chúng ta học tập và noi theo.
Năm 1946, khi trả lời các nhà báo về điều mong muốn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do. Đồng bào ta ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành”. Đây là mục tiêu cao nhất, cũng là động lực duy nhất xuyên suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của Người. Thực tế chứng minh: trong 79 mùa xuân của cuộc đời Người, thì có 30 mùa xuân Người tha hương đi tìm đường cứu nước, vượt chặng đường dài 20 vạn km, có mặt ở những nơi văn minh nhất đến những nơi nghèo khổ, bần cùng nhất trên thế giới, trải qua những ngày bị giam cầm trong nhà tù nơi xứ người… Tất cả chỉ nhằm tìm con đường cứu dân tộc, Tổ quốc mình khỏi cảnh nô lệ, lầm than và tủi nhục.
Báo Người cùng khổ (Le Paria) do Người thành lập ở Paris thủ đô nước Pháp, ngay ở số đầu tiên xuất bản ngày 01-4-1922 và ở trên trang đầu tiên đã đăng lời kêu gọi: “….Trong lịch sử phong trào quần chúng bản xứ ở các nước thuộc địa Pháp, chưa bao giờ có một tờ báo độc lập được lập để kêu to nỗi thống khổ và sự khốn cùng của họ…” và “Báo người cùng khổ sẵn sàng bước vào cuộc chiến đấu mới. Mục đích của nó chắc chắn sẽ đạt được là: giải phóng con người”.
Mục tiêu độc lập dân tộc, hạnh phúc của nhân dân luôn là ngọn lửa cháy bỏng trong trái tim Người. Trong lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến năm 1946, Bác viết: “Dù hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” tiếp tục thể hiện mục tiêu và quan điểm của Người. Sau này, với tư cách là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Người thường xuyên giáo dục, tuyên truyền về mục tiêu cao đẹp cho mọi người. Làm cho những ước muốn cháy bỏng đó lan toả sâu rộng đến từng cán bộ, đảng viên và quần chúng, tạo nên niềm tin và sức mạnh tổng hợp to lớn chiến thắng mọi kẻ thù.
Nghĩ về Chủ tịch Hồ Chí Minh là nghĩ đến con người khát khao tranh đấu cho tự do, bác ái, vô cùng vĩ đại nhưng hết sức bình dị: Yêu nước đến cháy bỏng, thương dân đến vô cùng. Từ trong sâu thẳm của lòng mình, Bác đã từng bộc bạch: “Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng. Gộp những đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi”. Bác còn dạy “việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm, việc gì có hại cho dân phải hết sức tránh”. Ngay lúc sắp đi xa, Bác vẫn chỉ nghĩ đến dân và lo cho dân. Trong di chúc Người đề nghị: “Chớ nên tổ chức điếu phúng linh đình để khỏi lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân”. Bác mong: “Toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hoà bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh. Góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới”. Đó là thể hiện mong muốn tột cùng, mục đích sống và mục tiêu phấn đấu suốt đời của Bác.
Đề thi tháng thứ hai (từ 10-7 đến 10-8-2007)
Năm 1946, khi trả lời câu hỏi của các nhà báo về điều mong muốn của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”.
Bạn hãy viết suy nghĩ của mình về tấm gương suốt đời phấn đấu hi sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bài dự thi không quá 1.000 chữ, gửi email: dientu@qdnd.vn, hoặc qua bưu điện đến địa chỉ: báo Quân đội nhân dân, số 7 Phan Đình Phùng, Hà Nội |
Năm 1994, sau khi tới thăm nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Tổng bí thư Trung Quốc Giang Trạch Dân đã xúc động ghi vào sổ lưu niệm:
“Một đời vì sự nghiệp cách mạng, gương sáng về sự liêm khiết”.
Nay Bác Hồ kính yêu của chúng ta đã đi xa, điều mong muốn của Bác đã được toàn Đảng, toàn quân và toàn dân thực hiện thắng lợi. Đất nước độc lập, non sông thu về một mối, sự nghiệp đổi mới của Đảng và đất nước hôm nay đã đạt được nhiều kỳ tích: Kinh tế phát triển, xã hội ổn định, an ninh được giữ vững. Mặc dù phía trước còn nhiều khó khăn thử thách trong những bối cảnh mới, lớp con cháu thế hệ Hồ Chí Minh xin nguyện hết mình tiếp nối lý tưởng và mục tiêu của Người phấn đấu mục tiêu: Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh.
Bùi Huy Tới (Hồng Lạc – Thanh Hà - Hải Dương)