Trong bản lý lịch đại biểu dự Đại hội Quốc tế cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đã ghi: "Biết các thứ tiếng: Pháp, Anh, Trung Quốc, I-ta-li-a, Đức, Nga". Trên thực tế, vốn ngoại ngữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có thể sử dụng thông thạo khá nhiều ngoại ngữ khác như tiếng Thái Lan, tiếng Tây Ban Nha, tiếng A-rập. Biết nhiều ngoại ngữ như vậy không phải là Người có năng khiếu “siêu phàm”, mà tất cả đều xuất phát từ sự khổ công học tập.
Ngày 5-6-1911, Người rời bến cảng nhà Rồng ra đi tìm đường cứu nước. Ngay khi còn trên chuyến tàu sang Pháp, mỗi lúc rảnh rỗi, Bác đều tìm đến hai người lính trẻ được giải ngũ đi cùng chuyến tàu để học đọc và viết tiếng Pháp. Họ cho Bác mượn những quyển sách nhỏ in tiếng Pháp. Muốn biết cái gì, muốn biết đồ vật nào đó bằng tiếng Pháp, Bác đều chỉ tay hỏi người Pháp. Rồi Bác viết vào một mẩu giấy, dán vào chỗ hay để ý nhất để tranh thủ vừa làm, vừa học. Có khi Bác viết cả vào cánh tay. Tối tối sau khi đi làm về, trước khi rửa tay, Bác ghi những từ mới lại. Học được chữ nào, Bác ghép chúng lại thành câu thực hành ngay. Ban đầu, Bác tập ghép một vài từ, sau ghép thành đoạn, dần dần Người tập viết thành bài dài. Một thời gian sau khi đến Pháp, Bác tìm đến các tờ báo của Pháp để xin được viết bài đăng báo. Sau mỗi bài báo viết bằng tiếng Pháp, Bác đều chép thành hai bản, một bản lưu giữ lại, còn bản kia gửi cho tòa soạn.
Thầy dạy tiếng Anh cho Người chính là Người. Phương tiện duy nhất của Người là quyển vở và cây bút chì. Người học ở mọi nơi, mọi lúc có thể. Năm 1923, Bác rời Pháp sang Nga. Người lao vào học tiếng Nga ngay lập tức. Người vừa làm, vừa học. Tranh thủ mọi cơ hội để học, Người đã tiến bộ không ngừng.
Trước tấm gương của Bác lại liên tưởng đến thực tế hiện nay Việt Nam đang phải giải quyết bài toán nguồn nhân lực tốt để phát triển. Trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới, ngoại ngữ là hành trang vô cùng cần thiết đối với mỗi người. Có ngoại ngữ trước tiên sẽ có điều kiện lập nghiệp tốt, rồi góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước giàu mạnh. Giáo dục đại học Việt Nam có lẽ nên sử dụng sách giáo khoa tiếng Anh ở các ngành quan trọng như kỹ thuật, công nghệ, bởi chỉ dùng sách Việt Nam thì chắc chắn sẽ tụt hậu. Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy mà chỉ có thể đọc thôi thì cũng đã rớt lại đằng sau. Hiện nay, dù có nhiều điều kiện tốt để học như phương tiện, tiền bạc, sách vở nhưng không ít người vẫn học ngoại ngữ trong sự bị động, đối phó. Biết rằng học ngoại ngữ không phải dễ, song ham học với một tinh thần cầu tiến, cộng với sự chăm chỉ và phương pháp đúng thì sẽ thành công.
ĐẶNG NGUYỄN