Cha tôi hy sinh khi tôi mới 1 tuổi. Cuộc sống vắng bóng hình cha nên khi lớn lên một chút, tôi luôn đau đáu tìm cha. Thế nhưng cuộc sống vì cơm áo gạo tiền, mãi đến năm 37 tuổi, tôi mới có chuyến đi đầu tiên. Hành trình bắt đầu từ manh mối qua những cuộc điện thoại. Tôi đã gọi qua tổng đài tư vấn và biết được số điện thoại đơn vị của cha tôi. Rất nhanh sau đó, các anh ở Sư đoàn 320 cho tôi biết ngày nhập ngũ, ngày hy sinh, đơn vị, trận đánh cuối cùng của cha và hướng dẫn gọi các số điện thoại cần thiết. Điểm cuối là liên lạc với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh... Tiếng một cán bộ vang lên, trả lời tôi: “Đúng rồi chị ơi, bố chị người Đoan Hùng, Phú Thọ, hy sinh ngày 29-4-1975 tại Đồng Dù, Củ Chi, hiện đang an nghỉ tại Nghĩa trang Liệt sĩ (NTLS) An Nhơn Tây thuộc xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh”.

Tác giả bên phần mộ người cha. Ảnh do tác giả cung cấp 

 

Tôi bồi hồi xúc động, người như đi trên mây. Việc đầu tiên là nhờ các anh ấy in cho một bản xác nhận cha tôi hiện nằm tại NTLS An Nhơn Tây chuyển phát nhanh về Lào Cai, sau đó là làm các thủ tục đi thăm cha ngay. Chỉ sau hai ngày, tôi đã nhận được văn bản chứng nhận của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh và nhanh chóng mua vé tàu vào Nam. Trên toa tàu giường nằm hôm đó có tôi, hai cậu thanh niên và một người đàn ông trung niên. Chưa đi xa thế bao giờ nên tôi cứ nghĩ 1.700km sẽ đi mấy ngày đường và đã chuẩn bị trứng gà luộc cả chục quả, nước ngọt cả lốc, nhiều bánh trái, hoa quả. Khi đọc trên vé tàu, tôi mới biết 38 giờ là đến nơi, nên tha thiết mời mọi người ăn giúp kẻo để lâu mọi thứ mang theo sẽ hỏng mất. Sáng ra, tôi mới có thời gian nhìn rõ người đàn ông trung niên đi cùng chuyến. Anh rất thận trọng, không ăn thứ gì tôi mời, cũng không tham gia chuyện trò gì, vẻ mặt lạnh lùng. Chỉ đến khi tôi cầm điện thoại gọi cho bác họ của tôi báo tin đang trên đường vào Nam tìm mộ cha, nghe hết câu chuyện, anh biết tôi đi tìm cha là liệt sĩ nên mới bắt chuyện. Anh bảo, lúc lên tàu anh nghĩ tôi là kẻ lừa đảo vì mang nhiều đồ ăn mời mọi người, chắc để đánh thuốc mê nhằm lấy trộm đồ của khách... Từ đó, dọc chuyến đi, anh làm hướng dẫn viên du lịch cho tôi, giới thiệu cho tôi lịch sử từng vùng đất nơi tàu đi qua. Đến Nha Trang nơi anh công tác, anh xuống tàu và giúi vội vào tay tôi 500.000 đồng, bảo cầm đi đường uống nước, không để tôi kịp từ chối hay nói lời cảm ơn. Về sau tôi mới biết anh là nhà sử học.

Đến ga Sài Gòn, tôi hỏi thăm đường đến Củ Chi. Từ bến xe Củ Chi, tôi hỏi thăm đường về NTLS An Nhơn Tây. Mấy anh xe ôm thấy tôi thì nhao nhao ra giá 40.000 đồng (năm 2009, một ngày công lao động phổ thông cũng chỉ 40.000-50.000 đồng), tôi liền chọn một anh. Thế nhưng lúc chở, hỏi chuyện tôi, biết tôi tìm mộ cha thì anh xe ôm lại bảo: “Em vào tìm ba em thì anh chở giúp em một chuyến có sao đâu. Cần đi đâu nữa thì cứ gọi anh, anh không lấy tiền đâu...”. Khi đến được nghĩa trang, tôi nói khéo để anh nhận tiền vì trông anh còn khó khăn lắm. Hai anh em cứ đùn đẩy mãi. Trước khi rời đi, anh xe ôm còn dặn: “Cần đi đâu thì gọi anh đưa đi nhé”.

Liên lạc với ban quản trang, tôi tìm đến được mộ cha. Ông nằm giữa bạt ngàn đồng đội. Trước tấm bia có dòng tên tuổi của cha, tôi thắp nén hương và đổ gục, khóc nức nở cả giờ đồng hồ không sao nín được. Bởi vì trong tôi không muốn tin rằng cha mình đã mất, vẫn mong manh hy vọng ông lạc đâu đó, một ngày sẽ trở về bên tôi, dù có thể không còn lành lặn. Tôi đã tự nghĩ ra cảnh tượng mình sung sướng, hạnh phúc ào đến ôm lấy cha... Khóc đã thấm mệt, tôi đứng lên đi vào trung tâm nghĩa trang, thắp nén hương trên đài tưởng niệm. Tôi thấy mình thật nhỏ bé giữa 10.000 chú, bác nằm đây. Tôi lặng lẽ đi một vòng trong khuôn viên bao la ấy. Bàn chân tôi bước đi, dẫn tôi đến một khu rộng lớn với những ngôi mộ ghi dòng chữ “liệt sĩ vô danh”. Tim tôi càng se sắt. Cha tôi vẫn còn may mắn hơn các chú, các bác ấy.

Trong dòng suy nghĩ miên man, tôi đi đến một bóng cây to có một tốp người đang ngồi giải lao uống nước. Tôi cố trấn tĩnh, giấu đi cảm xúc và đôi mắt sưng mọng, cất tiếng chào hỏi mọi người. Mọi người ai cũng rất thân thiện. Các anh hỏi tôi: “Chị đi viếng người thân ạ? Chị ở đâu vô đây?”. Tôi nói tôi ở Lào Cai, nơi chỉ cách biên giới Trung Quốc một con sông nhỏ, năm nay tôi 37 tuổi rồi mới có thể tìm được vào đây thắp cho cha mình nén hương. Lúc cha tôi nhập ngũ, tôi mới là thai nhi 7 tháng tuổi trong bụng mẹ. Cha tôi huấn luyện xong 3 tháng được về phép một tháng. Khi tôi được 1 tháng tuổi thì ông đi từ đó đến nay. Nói xong, tôi không thể giấu được nước mắt trào ra. Mọi người nhìn tôi thương cảm, không khí cũng như chùng xuống. Một người lớn tuổi hơn tôi nói giọng miền Nam, ôn tồn bảo: “Chị ơi, những liệt sĩ được quy tập vào đây được Nhà nước ta chăm sóc rất chu đáo. Chúng tôi là đội quản trang trông coi, tu sửa, vệ sinh và chăm sóc các phần mộ liệt sĩ. Ngày lễ, ngày tết, các ngôi mộ đều được thắp hương. Mỗi năm, rất đông các đoàn thể đến thăm viếng, khi người nhà chưa đến được thì các liệt sĩ vẫn được chăm sóc thường xuyên”.

Sau chuyến thăm viếng một năm, tôi đã đưa cha về quê nhà, nơi có mẹ tôi và họ hàng, bà con lối xóm, đồng đội của cha tôi mong đợi. Tôi đã hoàn thành được tâm nguyện lớn nhất đời mình. Điều lắng đọng trong tôi là đi đến đâu tôi cũng được những người lạ quan tâm giúp đỡ, từ đơn vị quân đội, sở, ban, ngành địa phương đến hành khách cùng chuyến tàu, anh xe ôm, đội quản trang... Tháng Bảy này, tháng của tri ân, tôi lại bồi bồi nhớ về chuyến đi năm ấy. Tất cả đều ấm áp tình người và đầy ắp yêu thương.                 

TRẦN THỊ GIANG