Cuộc đời binh nghiệp của Trung tướng Phạm Tuân gắn liền với những cái đầu tiên: Phi công đầu tiên hạ siêu pháo đài bay B52 và trở về an toàn; người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ và người Việt Nam đầu tiên ba lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng. Đằng sau những chiến công ấy là những câu chuyện chưa được nhiều người biết đến…
Lời giải của bài toán đánh B52
Vào đầu những năm 70 của thế kỷ 20, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ đang ở vào thời điểm ác liệt thì việc đánh máy bay B52 ngày càng trở nên quan trọng nhưng cũng vô cùng khó khăn vì B52 thường bay đêm, gây nhiễu mạnh, rất khó phát hiện. Chúng còn được các máy bay tiêm kích hiện đại nhất của không quân Mỹ hộ tống, bảo vệ nên việc tiếp cận càng khó. Khi ấy, Không quân ta với máy bay tiêm kích hiện đại nhất MiG 21 đã nhiều lần xuất kích nhưng vẫn chưa hoàn thành nhiệm vụ. Trong một lần xuất kích, phi công Vũ Đình Rạng đã vượt qua được vành đai phòng thủ dày đặc của máy bay tiêm kích Mỹ, tấn công được pháo đài bay B52 khiến máy bay này hư hỏng nặng, buộc phải hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay gần nhất ở Thái Lan. Trước diễn biến ấy, Bộ chỉ huy Đoàn Không quân Sao Đỏ đã triệu tập những phi công đánh đêm để phân tích chiến thuật đánh máy bay ném bom Mỹ, khi có máy bay tiêm kích yểm trợ trong những điều kiện thời tiết khác nhau ban ngày và ban đêm.
 |
Trung tướng, Anh hùng Phạm Tuân. Ảnh chụp lại |
Phạm Tuân và đồng đội sau đó đã nhiều lần cất cánh nhưng thời cơ chưa thuận lợi. Thêm nữa, nhờ có thiết bị ra-đa tối tân đặt trên các máy bay trinh sát, không quân Mỹ thường xuyên săn tìm được các địa điểm cất cánh máy bay của ta, nhiều lần máy bay địch phát hiện, tấn công sân bay của ta dù được bố trí khá xa và ngụy trang tốt.
Ngày 18-12-1972, Phạm Tuân là phi công đầu tiên cất cánh lên bầu trời khi B52 bay vào Hà Nội. Chẳng mấy chốc, máy bay Mỹ đã phá hủy đường băng cất cánh, đài chỉ huy, đường dây liên lạc gián đoạn… Sau khi chiến đấu với máy bay địch quay về thì nhiên liệu trên máy bay sắp cạn, Phạm Tuân đã quyết định hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay vừa bị đánh bom và chỉ nhờ ánh sáng phát ra từ đèn pha, chiếc MiG 21 tiếp đất nhưng bị tụt xuống hố bom, máy bay lộn nhào lật ngửa và trượt đi khoảng 300 mét. Chiếc máy bay sau đó gần như bị hỏng hoàn toàn. Thật may, nó dừng lại, không bốc cháy và nhà du hành vũ trụ tương lai đã thoát chết trong gang tấc.
Từ thực tế của những ngày đầu trong trận “Điện Biên Phủ trên không”, một số biện pháp mới được đưa ra: Đưa Sở chỉ huy và máy bay chiến đấu ra vòng ngoài (chủ động chiếm lĩnh độ cao và tốc độ để tiện cơ động tiếp cận địch); tinh thần chỉ đạo: Đánh bất ngờ, khôn khéo, tấn công kiên quyết và tập trung hỏa lực... Chiều 27-12-1972, Phạm Tuân được lệnh cơ động từ Nội Bài lên sân bay Yên Bái. Ông nhớ lại: “Khoảng hơn 9 giờ tối, tôi được lệnh xuất kích. Vừa rời đường băng, tôi đã phát hiện được tốp F4 chặn đường. Nhưng nhờ có các sĩ quan dẫn đường nhiều kinh nghiệm, tôi đã chủ động vượt qua tốp F4, tiến về phía B52 đang bay vào. Sở chỉ huy thông báo: “B52 phía trước 200km… 150km… 100km. Đến khoảng cách 60km, tôi vứt thùng dầu phụ và kéo chiếc MiG lên độ cao 6000m. Khi cự ly là 40km, tôi phát hiện tốp B52 của địch và báo về Sở chỉ huy. Nhận lệnh, tôi vượt qua các tốp F4 lao tới tiếp cận B52 ở cự ly 10km. Cuộc rượt đuổi căng thẳng diễn ra. Đến cự ly 4km, Sở chỉ huy ra lệnh bắn, tôi trả lời: “Chờ một tý”. Khẩu lệnh thứ 2 lại vang lên. Đến lần thứ 3, tôi mới chọn đường ngắm, phóng 2 quả tên lửa. Một quầng lửa bùng ngay trước mắt. Tôi chỉ kịp kéo máy bay lên rồi lật xuống, cơ động về hạ cánh tại Yên Bái. Sau đó, tôi được thông báo đã bắn rơi B52 và nhận điện chúc mừng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp”.
Chiến thắng của Không quân Việt Nam đã tạo một niềm tin rất lớn cho quân dân cả nước quyết chiến với máy bay Mỹ và làm lên trận “Điện Biên Phủ trên không” oanh liệt. Phạm Tuân trở thành phi công đầu tiên bắn rơi B52 của Mỹ…
Khổ luyện thành… phi hành gia
Năm 1977, Phạm Tuân được cử đi học tại Học viện Không quân Gagarin (Liên Xô), sau đó được vào Đội bay vũ trụ quốc tế Việt - Xô. Để thích ứng với điều kiện bay trên vũ trụ, Phạm Tuân và các đồng nghiệp đã phải trải qua các bài tập gian khổ, khó khăn. Ở đó không chỉ yêu cầu phi hành gia phải có sức khỏe cực tốt mà họ còn phải có thần kinh thép. “Việc khó nhất là trong điều kiện không trọng lượng nhưng vẫn đảm bảo làm việc bình thường”- Nhà du hành vũ trụ nhớ lại. Để chủ động với trạng thái không trọng lượng và tình trạng tăng giảm quá tải, các phi công phải tập trên các thiết bị quay, các thiết bị ly tâm, được huấn luyện sống trong các điều kiện như ở sa mạc hay ở vùng giá lạnh, cũng như dưới nước. Bài tập khó nhất vẫn là quay nhiều chiều ở các tư thế khác nhau. Gần đến chuyến bay phải như trong điều kiện đầu thấp hơn chân từ 20 đến 300C để quen với tình trạng tăng lượng máu lên não.
Yêu cầu khắt khe và điều kiện tập luyện, sinh hoạt không bình thường như thế, không phải ai cũng chịu nổi. Trong 4 phi công Việt Nam được đưa sang Liên Xô tuyển chọn, chỉ còn trụ lại Phạm Tuân và Bùi Thanh Liêm.
 |
Hai nhà du hành vũ trụ Phạm Tuân (bên phải) và Go-rơ-bát-cô trên tàu Liên hợp 37, ngày 23-7-1980. Ảnh tư liệu
|
Kết thúc 1 năm rưỡi tập luyện, ngày 23-7-1980, Phạm Tuân cùng nhà du hành vũ trụ Xô-viết Go-rơ-bát-cô được phóng vào không gian từ sân bay vũ trụ Bai-cơ-nua trên tàu Soyuz 37. Đây là chuyến bay lịch sử, có ý nghĩa về nhiều mặt đối với Việt Nam. Phạm Tuân trở thành người châu Á đầu tiên bay vào vũ trụ. Trong thời gian gần 8 ngày trên quỹ đạo, Phạm Tuân đã tiến hành các thí nghiệm về hòa tan các mẫu khoáng chất trong tình trạng không trọng lực; thí nghiệm y sinh học và nghiên cứu Trái đất từ vũ trụ. “Có mặt trên vũ trụ là niềm tự hào của cả dân tộc. Trong chuyến bay, tôi mang theo cờ Tổ quốc, ảnh Bác Hồ, bản Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc của Bác và một nắm đất được lấy từ Quảng trường Ba Đình lịch sử. Hình ảnh của đất nước và con người Việt Nam, cùng một số nước khác đã có mặt trong vũ trụ. Khoảnh khắc xúc động nhất từ vũ trụ là khi tôi được nhìn thấy đất nước hình chữ S thân yêu của mình…” – Nhà du hành xúc động nói.
“Đời tôi là cuộc… lội ngược dòng”
Sau chiến công xuất sắc hạ B52 trong 12 ngày đêm của trận “Điện Biên Phủ trên không”, phi công Phạm Tuân được trao tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân. Tiếp đó khi từ vũ trụ trở về, ông được Đảng và Nhà nước ta tặng danh hiệu Anh hùng Lao động và Huân chương Hồ Chí Minh. Cũng năm đó (1980), ông cũng vinh dự trở thành một trong những người nước ngoài đầu tiên được trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô, kèm theo Huân chương Lê-nin khi mới 33 tuổi, cấp bậc thượng tá. Ông nhớ lại sự kiện này: “Buổi lễ trao tặng danh hiệu Anh hùng Liên Xô được tổ chức trọng thể tại Điện Krem-li do Tổng bí thư Brê-giơ-nép chủ trì. Tham gia còn có nhiều lãnh đạo cấp cao của Đảng, Chính phủ và Quân đội Xô-viết. Sau khi tuyên dương công trạng, tôi và Go-rơ-bát-cô được Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô gắn huân chương và huy hiệu Anh hùng. Đối với tôi, đó là một vinh dự quá lớn”.
Kể lại các chiến tích đã qua, vị tướng Không quân cười khà khà: “Nếu có nói một điều gì đó về bản thân thì có lẽ là cuộc lội… ngược dòng. Ban đầu tôi được tuyển vào lực lượng Phòng không - Không quân nhưng không được cử đi học phi công lái máy bay vì bác sĩ đã phát hiện ra có dấu hiệu về tim phổi. Thế là tôi chỉ được cử vào lớp học thợ máy. Tôi vẫn không nản và tiếp tục rèn luyện để hoàn thiện sức khỏe của mình. Cho đến khi đơn vị cần tuyển chọn thêm một số người đi học lái máy bay thì tôi đã được các bác sĩ Liên Xô khám và chấp nhận. Chuyện bay vào vũ trụ cũng vậy. Ban đầu trong nước đã chọn 3 người, sang Liên Xô, tôi mới được gọi… bổ sung. Sau hai tuần kiểm tra thì Hội đồng y học Liên Xô lại chọn tôi và anh Bùi Thanh Liêm. Từ đó, tôi mới hiểu rằng, sức khỏe có thể biến đổi, phụ thuộc vào điều kiện và hoàn cảnh. Nếu chịu khó rèn luyện và khát vọng vươn tới thì có thể sẽ thành công”.
Về với đời thường, Trung tướng Phạm Tuân về ở khu phố lính. Ông bảo, ở đây toàn anh em, đồng đội mình, về nghỉ qua lại thăm hỏi, trò chuyện cho vui. Vợ ông, Thượng tá Trần Thị Phương Tiến cũng đã nghỉ hưu. Giờ chỉ còn hai vợ chồng ở với nhau. Con gái ông cũng đã lấy chồng, hiện ở TP Hồ Chí Minh, làm nghề tài chính ngân hàng. Con trai của nhà du hành vũ trụ mới đi du học về, theo nghề chị gái và cũng ở trong Nam luôn. Nghỉ hưu, người anh hùng lừng lẫy chiến công lại thêm thú chơi hoa lan với hàng trăm chậu của dăm chục loài. “Lan là loài hoa kiêu kỳ và khó tính lắm. Phải chăm chút cẩn thận. Đều đặn ngày hai lần tưới. Trước khi ngủ, hay đi đâu về là phải lên ngó vườn lan”- Ông hào hứng nói.
Thư Bình – Bích Trang