QĐND - Năm 1977, đồng chí Chu Huy Mân làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị thì tôi đang là Chính ủy Trung đoàn. Tôi biết danh tiếng ông qua báo, đài và một vài lần ông đến thăm đơn vị... Đó là một vị tướng giản dị, tính tình cởi mở, dễ gần.

Tháng 6-2001, khi được phân công làm Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, tôi mới có điều kiện gần gũi người tiền nhiệm của mình. Mỗi năm đôi ba lần tôi thường đến thăm Đại tướng Chu Huy Mân, lần nào cũng nhận được những lời tâm sự chân thành, những lời trao đổi cởi mở, thẳng thắn. Mặc dù đã nghỉ hưu, nhưng Đại tướng Chu Huy Mân rất quan tâm đến việc xây dựng cơ quan Tổng cục Chính trị. Ông đã có nhiều cuộc gặp gỡ, trao đổi về kinh nghiệm lãnh đạo, chỉ huy, về việc xây dựng hệ thống cơ quan chính trị và cán bộ chính trị trong toàn quân.

Khi Đại tướng Chu Huy Mân lâm bệnh và phải vào điều trị ở Bệnh viện TW Quân đội 108, tôi có nhiều lần đến thăm ông. Một lần, ông bảo tôi:

- Bộ Chính trị đã có Nghị quyết 51 hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội, cụ thể là khôi phục chế độ chính ủy, chính trị viên. Chúng tôi, những cán bộ lãnh đạo, chỉ huy trong thời kỳ chống Pháp, chống Mỹ đã đóng góp những suy nghĩ, truyền đạt những kinh nghiệm của mình vào cuốn sách “Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam” do tôi làm chủ biên với mục đích muốn tặng chính ủy, chính trị viên “Thế hệ 51” - những người phần lớn chưa qua chiến đấu, trưởng thành trong thời bình - làm tài liệu tham khảo. Bảy Dũng giúp chúng tôi cho xuất bản. Còn xuất bản đến đâu thì Tổng cục Chính trị tính toán.

Chủ nhiệm TCCT Chu Huy Mân tới thăm, kiểm tra bộ đội tên lửa, tháng 2-1977.
Ảnh tư liệu.

Tôi hứa với Đại tướng Chu Huy Mân là khi bản thảo hoàn thành sẽ giao cho Nhà xuất bản Quân đội nhân dân biên tập và xuất bản, phấn đấu là đưa sách đến cấp trung đoàn để anh em làm cơ sở nghiên cứu, bồi dưỡng kinh nghiệm cho cả cán bộ chính trị và cán bộ quân sự. Đồng chí Chu Huy Mân còn nói với tôi về những suy nghĩ, trăn trở của mình:

- Thực tế nhiều năm qua, vai trò lãnh đạo của Đảng trong quân đội còn chưa đúng tầm, hệ thống tổ chức cơ quan chính trị các cấp trong quân đội trở thành cơ quan nghiệp vụ của người chỉ huy, phó chính trị các cấp là người giúp việc người chỉ huy. Người phó chính trị thường là bí thư cấp ủy, nhưng không phải là người chủ trì lãnh đạo. Thiếu thực chất, tất nhiên dẫn đến hình thức. Quá trình xây dựng và chiến đấu của quân đội ta cho thấy mỗi khi có nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh của cấp trên, Đảng ủy cấp dưới phải bàn, ra nghị quyết cho đơn vị thực hiện. Khi đã có nghị quyết thì thủ trưởng quân sự phải truyền đạt và ra lệnh cụ thể cho cán bộ cấp dưới thi hành. Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, chính ủy, chính trị viên phải có kế hoạch quán triệt cho các cấp và bộ đội xây dựng quyết tâm, động viên cán bộ, chiến sĩ thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ. Trong chiến tranh, khi xuất hiện những tình huống ác liệt, khẩn trương thì người tư lệnh cần có người chính ủy trợ lực, giúp cho quyết định của mình đúng đắn, sáng suốt hơn. Có trường hợp ngày thường thủ trưởng quân sự nắm và điều hành công việc dễ dàng, nhưng khi lâm trận, những tình huống xảy ra ngoài dự kiến, không phải người chỉ huy nào cũng xử trí dễ dàng. Lúc này đúng, sai dễ bộc lộ và càng thấy cần có người chính ủy bên cạnh.

Tôi chăm chú lắng nghe Đại tướng Chu Huy Mân nói, trước khi ra về, ông còn ân cần dặn dò:

- Là Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Bảy Dũng hãy động viên đội ngũ cán bộ chăm lo xây dựng quân đội ta tinh nhuệ, trước hết phải tinh nhuệ về chính trị, tinh thần là chủ yếu, then chốt là phải có một đội ngũ cán bộ lãnh đạo, chỉ huy cấp chiến dịch và chiến lược có phẩm chất đạo đức, năng lực tương xứng hoặc cao hơn cương vị đảm nhiệm. Bảy Dũng lưu tâm để cuốn sách “Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam” sớm được xuất bản.

Hơn chục ngày sau, đồng chí Nguyễn Hồng Triền là bác sĩ chăm sóc sức khỏe của Đại tướng Chu Huy Mân tới gặp tôi, nói: "Bác Chu Huy Mân mời anh vào bệnh viện. Bác có việc muốn nói".

Hôm ấy, Đại tướng Chu Huy Mân đã phải thở ôxy, tay thì đang truyền thuốc. Tôi kéo ghế ngồi sát giường bệnh, Đại tướng vẫn vui vẻ nói đùa: "Năm nay tôi đã 93, nếu tính tuổi ta là 94 rồi, ngày về thế giới bên kia chắc không còn dài". Cả buổi trò chuyện, tuy sức khỏe không được tốt, nhưng Đại tướng Chu Huy Mân vẫn cố nói với tôi những điều ông tâm huyết:

- Xây dựng đội ngũ cán bộ phải đánh giá đúng cán bộ, vì bây giờ đánh giá khó hơn thời kỳ chiến tranh. Phải chú trọng bồi dưỡng cán bộ về các mặt chính trị, tư tưởng, phẩm chất đạo đức, năng lực và tác phong công tác, phải bám sát cuộc sống xã hội và hoạt động thực tiễn của quân đội, sâu sát đơn vị và bộ đội, dân chủ tập thể, đoàn kết đấu tranh tự phê bình và phê bình.

Nghỉ hồi lâu, đồng chí nói tiếp:

- Bảy Dũng đặc biệt lưu ý về việc bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kế cận cấp chiến dịch và chiến lược. Chỉ có người cộng sản chân chính, trung thực, vô tư mới trồng được con người cộng sản chân chính.

Đại tướng còn dặn tôi:

- Các anh cố gắng thực hiện thật tốt, tổ chức lãnh đạo thật tốt, đừng để anh em mình có thiếu sót, khuyết điểm gì, như thế chúng ta mới thực sự tự hoàn thiện cơ chế Đảng lãnh đạo quân đội. Vấn đề tôi băn khoăn nhất hiện nay là công tác xây dựng Đảng...

Tôi hứa với Đại tướng Chu Huy Mân là sẽ thực hiện những lời căn dặn ấy.

Ít ngày sau, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh điện cho tôi: "Anh hãy vào thăm Đại tướng Chu Huy Mân xem Đại tướng có ý kiến, dặn dò gì không". Khi tôi vào thì đồng chí Chu Huy Mân đã mệt nặng, nói rất khó nghe, phải qua người nhà nói lại. Đồng chí bảo tôi: "Những gì cần nói thì tôi đã nói hết, bây giờ tôi có thể yên tâm đi gặp Bác Hồ được rồi". Ngày 1-7-2006, trái tim Đại tướng Chu Huy Mân ngừng đập.

Thực hiện đúng lời hứa với Đại tướng Chu Huy Mân, cuối năm ấy, Nhà xuất bản Quân đội nhân dân đã xuất bản cuốn “Người chính ủy Quân đội nhân dân Việt Nam” và Tổng cục Chính trị đã cấp 12 nghìn cuốn sách tới các đơn vị để đội ngũ cán bộ, lãnh đạo chỉ huy các cấp trong toàn quân làm tài liệu tham khảo, học tập.

LÊ HẢI TRIỀU  (Ghi theo lời kể của Đại tướng Lê Văn Dũng)