Liệt sĩ Thăng Bình

Đọc xong cuốn sách “Người liệt sĩ và những lá thư tình” của tác giả Hoàng Điệp sưu tầm và giới thiệu, nhà xuất bản Quân đội nhân dân ấn hành thì cũng là lúc tình cờ tôi gặp được Đại tá Nguyễn Chấn, nguyên là Chính ủy Sư đoàn 325B, do Thượng tá Nguyễn Thăng Bình làm Sư đoàn trưởng. Thông qua ông, tôi lại càng hiểu sâu sắc hơn về người chỉ huy đặc biệt này.

Đại đội trưởng “thép”

Thượng tá Nguyễn Thăng Bình, sinh năm 1924 tại Nhơn Hưng, An Nhơn (Bình Định) trú quán tại phố Hàng Mã, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội). Năm 13 tuổi thoát ly gia đình làm công nhân đồn điền cao su của Pháp, năm 1945 gia nhập quân đội, trực tiếp tham gia nhiều chiến dịch, lập công hàng trăm trận trên các chiến trường. Song, với hàng ngàn lá thư tình trong thời chiến của Thăng Bình đã thể hiện đầy đủ tư chất lãng mạn trong con người anh. Đại tá Nguyễn Chấn kể:

Cuối năm 1947 đầu năm 1948, thực hiện chủ trương chiến lược “Đại đội độc lập, tiểu đoàn tập trung” của Bộ Tổng Tư lệnh, anh Thăng Bình đưa một đại đội (đại đội Thăng Bình) vào hoạt động độc lập trong địch hậu ở tỉnh Yên Bái, còn tôi đưa Đại đội 254 của Trung đoàn 148-Sơn La vào hoạt động độc lập ở Đà Bắc và thị xã Hòa Bình.

Tuy hai đơn vị ở hai mặt trận xa nhau, song cả hai đại đội chúng tôi đều lập nhiều thành tích xuất sắc nên thường xuyên biết tin về nhau qua các lần hội nghị tổng kết ở Quân khu. Tôi nhớ nhất câu chuyện “Bỏ tù giặc trong đồn” mà Đại đội trưởng Thăng Bình đã kể trước hội nghị làm cho cả cuộc họp ai nấy đều im lặng chăm chú lắng nghe.

Đó là vào thời điểm chiến dịch quân ta phá vỡ phòng tuyến sông Thao đã bước sang đợt thứ hai. Khí thế tấn công của bộ đội đang lên cao, với quyết tâm nhổ cho được đồn Phố Ràng và các đồn xung quanh.

Buổi sáng hôm đó, quân Pháp ở phố Ràng nhận được tin của một người dân  làng Bon báo: “Đêm qua có nhiều Việt Minh kéo đến làng Bon, họ cắm rất nhiều cờ đỏ sao vàng ở trong rừng và có cả khói thổi cơm nữa. Hình như Việt Minh muốn gọi dân làng Bon vào rừng để hội họp, mít-tinh hay làm gì đó (?)” (kế sách này là do Đại đội trưởng Thăng Bình bày ra).

Ngay lập tức, bọn Pháp cử một trung đội bí mật vào làng Bon từ sáng sớm để lục soát. Chúng mang theo súng liên thanh và moóc-chi-ê 60 đi cùng, bố trí xung quanh khu rừng. Sau một hồi lùng sục, không thấy có gì khả nghi nhưng thấy nhiều vết chân, mấy tên lính Lê Dương xuýt xoa vẻ nuối tiếc: “Thôi thế là hỏng ăn, Việt Minh đi hết cả rồi”.

Để giữ thể diện, tên quan Tây vào làng cho gọi tất cả nhân dân tập trung lại để vấn an. Hắn cao giọng: “Việt Minh toan đến bắt nạt các con, nhưng khi thấy các quan, chúng hốt hoảng, vội vàng chuồn ngay lên rừng. Nó không dám đến đây nữa đâu. Nếu nó mà đến đây thì quan lớn sẽ bắn cho nó vỡ sọ ra. Thằng Thăng Bình không giỏi gì cả, các con đừng có tin nó, hôm nọ các quan Tây suýt bắt được nó. Nó chạy bỏ mẹ ra đấy”.

Sau khi giết một số gà vịt của dân, các quan Tây ngất ngưởng ra về. Vừa đi đến giữa đường thì bất thình lình một loạt mìn nổ xé trời, làm 2 tên quan Pháp và 8 lính khố đỏ bị chết, số còn lại bỏ chạy toán loạn vào rừng. Kể từ hôm đó, chúng kiềng mặt làng Bon, không dám đến nữa. Mặc dù bị quân ta quấy nhiễu, bắn vào đồn hàng giờ đồng hồ nhưng chúng cũng mặc, không có bất kỳ sự phản ứng nào, dù chỉ là một hành động nhỏ nhất. Thế là Đại đội Thăng Bình đã xích được chân chúng lại, chẳng khác nào như bỏ tù chúng ở ngay trong đồn. 

Sau một ngày hạ đồn Phố Ràng, Đại đội Thăng Bình tiếp tục chiếm đồn Khe Pịa. Qua những tài liệu quân ta thu được, trong đó có tập nhật ký sổ tay chiến sự của tên trưởng đồn Khe Pịa, quan hai Phe-rúc-xi viết rất kỹ về anh, chúng ví Thăng Bình như cái đinh đóng vào mặt bọn Pháp và thốt lên rằng: “Thăng Bình quả là một Đại đội trưởng “thép”.

Những lá thư tình

Ít lâu sau, run rủi thế nào tôi được điều từ Trung đoàn 165 (thuộc Sư đoàn 312) sang làm Chính trị viên Tiểu đoàn 166 (Trung đoàn 209) còn Thăng Bình làm Tiểu đoàn trưởng. Chúng tôi ở cùng tiểu đoàn suốt mấy năm, trải qua các chiến dịch như: Lý Thường Kiệt, Tây Bắc, Thượng Lào, Hòa Bình… Trong chiến đấu gay go ác liệt, có nhiều trận đơn vị đánh thắng giòn giã như ở bản Tú (chiến dịch Lý Thường Kiệt), Ninh Mít (chiến dịch Hòa Bình), cũng có trận để thua như ở bản Vây (Tây Bắc). Nhưng dù thắng hay thua, khi thuận lợi hay lúc khó khăn, chúng tôi và đơn vị đều nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm chỉ rõ đúng sai, công tội rõ ràng, không bao giờ có chuyện tranh công đổ lỗi nên tinh thần đoàn kết nội bộ, quan hệ cán-binh ngày càng gắn bó bền chặt. Nhờ vậy Tiểu đoàn 166 của tôi và Thăng Bình luôn là đơn vị mạnh, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Năm 1953, để chuẩn bị cho chiến cuộc Đông Xuân và chiến dịch Điện Biên Phủ, Thăng Bình được điều lên làm Trung đoàn phó Trung đoàn 209, còn tôi sang làm Phó chính ủy Trung đoàn 165 thuộc Sư đoàn 312.

Mười sáu năm sau -  năm 1969, hai chúng tôi lại cùng về Sư đoàn 325B (Quân khu 4), Thăng Bình là Sư đoàn trưởng, tôi làm Chính ủy sư đoàn. Đơn vị hoạt động chiến đấu ở mặt trận B5 một thời gian, sau đó lại rút về đóng quân ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) để củng cố lực lượng. Tháng 11-1969, cấp trên có lệnh điều động Thăng Bình sang làm Tham mưu trưởng mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng (Lào).

Thăng Bình kết hôn với cô giáo Nguyễn Thị Thúy Nhuần từ năm 1953, sinh được 3 người con (2 trai, 1 gái) nhưng vì hoàn cảnh chiến tranh nên họ rất ít có dịp được sống bên nhau. Trong suốt những năm dài đằng đẵng xa nhà, nhất là từ năm 1962 đến 1970, Thăng Bình đón tết ở ngoài mặt trận, hoặc trên đất bạn. Cũng chính thời gian ấy, với những cuộc về thăm nhà chớp nhoáng, nhiều khi không đủ để nói hết với nhau một câu chuyện thì họ đã có một cách làm khác để thể hiện tình cảm với nhau bằng hàng ngàn trang thư được viết từ hậu phương cũng như hàng ngàn trang thư được gửi từ tiền tuyến (lập kỷ lục về thư tình thời chiến). Điều đặc biệt là, trong hàng ngàn trang thư gửi về không có lá thư nào Thăng Bình nhắc đến nỗi khó khăn, nguy hiểm ở ngoài mặt trận và ngược lại hàng ngàn trang thư gửi đi cũng không có lá thư nào cô giáo Thúy Nhuần than thở với chồng về những khó khăn ở chốn quê nhà mà hầu hết trong những lá thư ấy đều chất chứa tinh thần lạc quan yêu đời, tin tưởng vào thắng lợi, tràn ngập những lời lẽ yêu thương, nhung nhớ, động viên nhau gắng gỏi để hoàn thành mọi nhiệm vụ.

Vợ chồng đồng chí Thăng Bình thời trẻ

“Anh rất yêu quý của em!

Tình cảm của chúng ta luôn thiếu thốn, xa nhau chỉ gặp nhau trên nét chữ thân yêu thôi. Chúng ta luôn khát khao có một cuộc sống hạnh phúc, em hết sức thông cảm với cuộc sống lẻ loi của anh. Còn tất nhiên em yêu của anh phải có nghị lực để vượt qua chứ. Con người tất nhiên có những lúc phải suy nghĩ “trách mình phận hẩm lại duyên ôi” nhưng sau đó lại đấu tranh tư tưởng lấy dũng khí cách mạng để vượt qua. Hạnh phúc trong giấc mơ màng thôi anh nhỉ?... yêu anh, mong anh mạnh khỏe. (Nhuần-Bình),” (thư viết ngày 25-12-1965).

“Em Nhuần vợ nhớ thương của anh!

Em ơi! Hôm nay ngồi giữa rừng xanh ngoài trời mưa, nước mưa rì rào làm cho lòng anh càng nhớ lại bao kỷ niệm cuộc sống của chúng ta phải không em? Mỗi lần xa nhau, mỗi lúc nghĩ đến nhau thì trong đầu óc của chúng ta lại nghĩ đến bao điều đã trải qua của hạnh phúc, nào là lúc gian khổ, lúc vui sướng, rồi bao đêm ngày sống bên nhau đàn con ríu rít… lúc đó làm sao quên được phải không em? Mà nhất là lúc chống Mỹ cứu nước này chúng ta phải tạm xa nhau để hoàn thành mọi nhiệm vụ thiêng liêng của Đảng, của dân tộc ta, làm sao thực hiện cho kỳ được lời chúc Tết của Bác Hồ kính yêu: “Vì độc lập, vì tự do / Đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào…”. Vì lẽ đó mà người tiền tuyến phải hoàn thành mà người hậu phương cũng phải cố gắng hoàn thành mọi công tác và chăm nom mẹ già, con dại phải không em? Anh yêu chúc em vui khỏe, chờ ngày gặp nhau em nhé – Thăng Bình” (thư viết ngày 5-3-1969).

Thương nhớ Thăng Bình

Bình thường trong những lá thư của Thăng Bình gửi về từ mặt trận, rất ít khi nhắc đến tình hình chiến trận. Nhưng trong một lá thư gần nhất không đề rõ thời gian mà bà Nhuần nhận được ngày 20-1-1970 (trước khi ông hy sinh 12 ngày), lúc đó ông đang là Tư lệnh phó - Tham mưu trưởng mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Đó là lá thư viết vội, nét chữ nguệch ngoạc, chỉ vẻn vẹn mấy dòng đủ để thông tin cho gia đình biết là ông vẫn an toàn.

Ngày 2-2-1970, Tư lệnh Quân khu 4 Đàm Quang Trung báo tin cho tôi biết  Thăng Bình đã anh dũng hy sinh tại mặt trận Cánh Đồng Chum-Xiêng Khoảng. Tư lệnh còn căn dặn phải giữ bí mật, không phổ biến rộng rãi cho đơn vị biết, đồng thời chỉ thị đích thân tôi phải ra gấp Đô Lương (Nghệ An) để đón thi hài Thăng Bình.

Tin dữ đến thật bất ngờ khiến cho tôi bàng hoàng xúc động và đau đớn. Tôi vội mời hai đồng chí Sư đoàn phó là Tô Đình Khán và Chí Hiếu đến để thông báo tin trên và đề nghị các anh chưa cho đơn vị biết vội, đợi khi nào tôi về sẽ bàn việc tổ chức truy điệu đồng chí.

Đường từ Kỳ Anh ra Đô Lương rất xấu, phải dùng hai lái xe vào loại cừ khôi đi suốt trong đêm cho mãi tới 7 giờ sáng hôm sau mới đến Đô Lương. Đồng chí Tư lệnh Quân khu cũng vừa mới tới cách đây ít phút. Tôi vội vào báo cáo với anh Quang Trung thì được anh cho biết, chiến dịch Xiêng Khoảng đang tiếp diễn rất gay go ác liệt, vì vậy việc Tham mưu trưởng chiến dịch hy sinh phải giữ bí mật. Dự lễ truy điệu đồng chí Thăng Bình hôm đó có Tư lệnh Đàm Quang Trung, còn tôi với tư cách đại diện cho đơn vị và những người bạn chí thiết của anh Thăng Bình. Về phía gia đình có cô Thúy Nhuần và ba cháu nhỏ. Thấy tôi, cô Nhuần khóc thảm thiết. Nhìn chiếc quan tài của bạn, nghe tiếng khóc của cô Nhuần và ba cháu nhỏ, chúng tôi không sao kìm nổi xúc động.

NGÔ VĂN HỌC