Anh được biên chế vào Đại đội 16, Trung đoàn 64, Sư đoàn 320 (Đại đoàn Đồng Bằng). Hết thời gian huấn luyện, tháng 11-1967, tại một địa điểm bí mật trong rừng Cúc Phương (Ninh Bình), đơn vị của Nguyễn Hồng Dậu bắt đầu cuộc hành quân bộ vượt dãy Trường Sơn đến Quảng Bình, vòng qua nước bạn Lào, tập kết tại huyện Cam Lộ (Quảng Trị) rồi bước vào cuộc chiến đấu.

Suốt từ năm 1969 đến 1974, Nguyễn Hồng Dậu không nhớ đã tham gia bao nhiêu trận đánh, chỉ nhớ mình bị thương 3 lần, trong đó lần thứ ba là nặng nhất, xảy ra ngày 17-4-1974, trong một trận đánh ác liệt chống địch lấn chiếm tại Đường 21 (Gia Lai). Khi tỉnh dậy, anh thấy mình nằm trong Bệnh viện Quân y 211, mảnh lựu đạn găm khắp người. Với thương tật, mất sức 81%, chiến sĩ Nguyễn Hồng Dậu được đưa về Trung tâm Điều dưỡng người có công tỉnh Phú Thọ từ đó đến nay.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Dậu kể chuyện truyền thống với cán bộ, giáo viên và học sinh Trường THPT Trung Giáp, tỉnh Phú Thọ, tháng 12-2020. 

Giờ đây, khi đã bước vào tuổi xưa nay hiếm, vết thương chằng chịt trên cơ thể, nhưng mỗi khi nhắc lại một thời khói lửa năm xưa, ánh mắt cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Hồng Dậu lại ánh lên niềm tự hào. Giọng ông trở nên sôi nổi khi nhớ về trận chiến đấu lịch sử mình được tham gia đánh vào sở chỉ huy lữ đoàn dù 3 của địch, quân ta bắt sống tên đại tá, lữ đoàn trưởng Nguyễn Văn Thọ ở Đường 9-Nam Lào. “Trận này, cán bộ, chiến sĩ Đại đội 16 hy sinh rất nhiều nhưng chúng tôi luôn quyết tâm và đã chiến thắng. Hằng năm, những đồng đội còn sống trong trận đánh đó vẫn tổ chức gặp gỡ, ôn lại truyền thống đơn vị”, CCB Nguyễn Hồng Dậu nhớ lại.

Nhớ về những năm tháng lăn lộn khắp các chiến trường, kỷ niệm khắc sâu trong tim CCB Nguyễn Hồng Dậu là chưa đầy 7 tháng tuổi quân, chưa tròn 19 tuổi đời, ông vinh dự được kết nạp vào Đảng. Ông kể, ngày ấy, cánh lính trẻ cùng trang lứa nhìn ông với ánh mắt ngưỡng mộ, cảm phục. Tuy nhiên, sau khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng, ông cũng không tránh khỏi áp lực. Bởi trong hoàn cảnh chiến đấu, người đảng viên càng phải hăng hái, xung phong, dẫu biết phải đối mặt với hy sinh, mất mát. CCB Nguyễn Hồng Dậu kể: “Khi bị thương lần thứ hai, nếu sợ hy sinh, có thể lấy cớ thoái thác nhiệm vụ để được về hậu phương, nhưng tôi đã không làm điều đó. Khi điều trị vết thương tạm ổn định, tôi xin bác sĩ cho về đơn vị tiếp tục chiến đấu. Chỉ đến khi bị thương lần thứ ba, mất sức chiến đấu hoàn toàn, tôi mới chấp nhận ra quân, về khu điều dưỡng”.

Được biết, nhiều năm trở lại đây, trong điều kiện thương tật, sức khỏe mỗi ngày thêm giảm sút, nhưng CCB Nguyễn Hồng Dậu luôn sống lạc quan, trách nhiệm, tích cực tham gia các phong trào do trung tâm khởi xướng. Nhưng hoạt động khiến ông tâm huyết hơn cả là được tham gia kể chuyện truyền thống cho thế hệ trẻ. Ông tâm sự, mình còn sức lực, còn minh mẫn thì phải cống hiến, sống có trách nhiệm với cộng đồng, xã hội, đúng như lời dạy của Bác Hồ: “Thương binh tàn nhưng không phế”. Noi theo tấm gương mẫu mực của CCB Nguyễn Hồng Dậu, các con của ông đều phấn đấu trở thành đảng viên, là những cán bộ, công chức gương mẫu.

Bài và ảnh: VŨ ĐÌNH TIẾN