QĐND - Đồng đội thường thân mật gọi ông bằng những cái tên: “Tân còi”, “Tân Đại Tự”, “Tân xê trưởng”… Nhiều người còn cảm phục, ví ông như “con dao pha” của Trung đoàn 148 - một đơn vị chủ công của Sư đoàn 316 trong những năm làm nhiệm vụ quốc tế trên đất bạn Lào. Ông là CCB Cấn Nhật Tân, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 2, Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 148 (Sư đoàn 316, Quân khu Tây Bắc).
 |
CCB Cấn Nhật Tân kể lại những năm quân ngũ ở chiến trường Lào.
|
Tình cờ, tôi biết đến những biệt danh mà đồng đội đặt cho ông khi tới dự buổi gặp mặt do Ban liên lạc Trung đoàn 148 tổ chức. “50 năm trước, anh Tân là một trong số ít những đảng viên trẻ nhập ngũ vào Trung đoàn 148. Vì thế, anh trở thành một tấm gương, một hình mẫu thanh niên để chúng tôi phấn đấu, noi theo”, ông Nguyễn Hữu Bào, nguyên cán bộ trinh sát Trung đoàn 148, nhớ lại. Tò mò về những biệt danh mà đồng đội đặt cho ông Tân, tôi đã cùng các CCB trung đoàn tìm về quê ông (thôn Đại Tự, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP Hà Nội) để tìm hiểu về một trong những cán bộ xuất sắc của Trung đoàn 148 thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.
Ông Tân năm nay đã bước sang tuổi 71, dáng người mảnh khảnh và nụ cười hiền luôn thường trực trên môi. Đại tá Nguyễn Tuấn Doanh, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 148, bảo: “Trông lành thế thôi, nhưng vào trận thì gan góc và bản lĩnh có hạng!”.
Nổi danh từ những lần “thử lửa”
Ông Tân sinh trưởng trong một gia đình nông dân có bố, mẹ đều là đảng viên và có nhiều cống hiến cho cách mạng. Do tích cực tham gia hoạt động Đoàn ở địa phương nên khi 20 tuổi, ông đã được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Nửa tháng sau ngày kết nạp Đảng, ông Tân tình nguyện nhập ngũ. “Ngày ấy, thanh niên Kim Chung nô nức lên đường tòng quân, thế là tôi cũng xung phong nhập ngũ, dù biết mình thuộc dạng “thấp bé”, cân nặng chỉ hơn 40kg”, CCB Cấn Nhật Tân nhớ lại.
Ông Tân kể lại một kỷ niệm vui, đó là vào hôm khám tuyển sức khỏe, để “chắc ăn”, ông giấu thêm một hòn gạch vào trong người cho đủ cân. Các cô y tá phát hiện ra, họ cười, bảo: “Cháu làm thế tưởng các cô không biết à?”. Lúc ấy, Cấn Nhật Tân mới ấp úng trình bày nguyện vọng. Thế là mấy cô liền linh động, ghi tên ông đạt sức khỏe loại B, đủ điều kiện nhập ngũ. Ông Tân bảo rằng, chính cái tạng người “thấp bé” ấy mà trong thời kỳ đầu quân ngũ, mỗi lần đơn vị cơ động, ông thường xuyên nằm trong quân số bị rớt cuối đội hình…
Ngày 30-5-1965, đảng viên trẻ Cấn Nhật Tân lên đường nhập ngũ. Ông được biên chế về Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 đúng vào thời điểm tiểu đoàn nhận lệnh sang làm nhiệm vụ quốc tế ở nước bạn Lào. Từ đây, bản lĩnh, ý chí của người đảng viên quê lụa đã được thử thách, rèn luyện ở một vùng đất cách xa quê hương hàng nghìn cây số. Đó là Mặt trận Thượng Lào, nơi ông có tới 6 năm trui rèn, “thử lửa”...
Khi được hỏi: “Trong số 3 chiến dịch và 10 trận đánh lớn ở chiến trường nước bạn, đâu là kỷ niệm đáng nhớ nhất?”, ông Tân bảo, kỷ niệm thì có nhiều, khó có thể kể hết, nhưng nhớ nhất là trận đánh Mường Hiềm diễn ra vào trung tuần tháng 3-1966.
Đồng đội của ông kể lại, sau trận đánh ấy, tên tuổi Binh nhất, đảng viên Cấn Nhật Tân đã nổi danh cả Trung đoàn 148. Đó là trận đánh diễn ra vào ngày 13-3-1966, Đại đội 2, Tiểu đoàn 4 được lệnh tiến công địch ở sân bay Mường Hiềm. Tổ 4 người của Tiểu đội 7 do Binh nhất Cấn Nhật Tân chỉ huy có nhiệm vụ luồn sâu, bao vây, đón lõng phía bắc sân bay Mường Hiềm để không cho địch rút chạy. 24 giờ ngày 13-3-1966, lệnh nổ súng phát ra. Trận đánh kéo dài 4-5 giờ liền, càng đánh càng quyết liệt. Khi cho lực lượng đón lõng của Tiểu đội 7 siết chặt vòng vây vào sát trung tâm, Cấn Nhật Tân tìm cách mở mũi tiến công nhưng không dám vì chưa có lệnh. Đúng lúc ấy, một chiến sĩ thông tin của Đại đội 1 tới gặp ông, bảo: “Đại đội phó Thành đã hy sinh, anh cần báo cáo ngay tình hình chiến đấu tại thời điểm này về trung đoàn”. Do mới tham gia chiến đấu, lại sợ mình chưa đủ thẩm quyền nên ông Tân hỏi lại:
- Tớ báo cáo được không?
- Được! Vì không còn ai khác nữa…
Ông Tân liền cho điện về trung đoàn: “Đề nghị cấp trên cho pháo bắn chuyển làn, lực lượng tiến công trong trung tâm còn mỏng, lực lượng vây lõng vẫn còn 4 người và đồng chí thông tin, đề nghị cho Tiểu đội 7 mở một mũi tiến công vào trung tâm!”. Được cấp trên đồng ý, ông Tân để hai đồng đội ở lại đón lõng rồi cùng một người khác cơ động vào phía bắc trung tâm Mường Hiềm. Sau khi dùng AK và lựu đạn diệt ổ đại liên địch, ông Tân và đồng đội cơ động về phía tây khu vực Đại đội 1 đang chiến đấu. “Qua ánh lửa, tôi phát hiện thấy địch chạy từ chiến hào nọ sang chiến hào kia chống cự lại lực lượng tiến công của ta. Vì bắn hết cơ số đạn nên chúng tôi phải dùng lựu đạn của địch để diệt chúng. Kết quả, tổ đón lõng của Tiểu đội 7 đã tiêu diệt 19 tên địch, góp phần vào thắng lợi chung của chiến dịch”, ông Tân nhớ lại.
Đại tá Đoàn Độ, nguyên Chính ủy Trung đoàn 148, kể: “Trận Mường Hiềm là một trận đánh lớn vào trung tâm phòng ngự của địch, một trận đánh gay go, quyết liệt bởi địch có trận địa kiên cố, liên hoàn, có hầm hào, ụ súng, trận địa pháo. Khi nhận nhiệm vụ, tổ 4 người của Cấn Nhật Tân đã biết nắm thời cơ có lợi nhất cho tiểu đội và cả cục diện trận đấu, kết thúc trận đánh nhanh, gọn, đỡ thương vong”.
Sau trận đánh Mường Hiềm, và nhất là sau bức điện báo cáo về trung đoàn hôm ấy, Binh nhất Cấn Nhật Tân đã được cả trung đoàn biết tên. Ông được cấp trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba khi chưa đầy một tuổi quân.
Bản lĩnh giữa lằn ranh sinh-tử
Chúng tôi tìm gặp ông Nguyễn Hữu Bào, nguyên Đại đội phó Đại đội 2, một đồng đội từng có nhiều năm gắn bó với Đại đội trưởng Tân trong những năm chiến đấu ở Mặt trận Thượng Lào. Nhắc đến kỷ niệm với người đồng đội cũ, ông Bào xúc động kể lại một trận đánh khó quên vào giữa tháng 2-1970. “Hai chúng tôi đều coi đó là trận đánh khốc liệt nhất trong 6 năm làm nhiệm vụ trên đất bạn. Đến nay, sau mỗi lần gặp mặt, chúng tôi vẫn tự hỏi và không thể tin rằng mình có thể thoát hiểm trước lằn ranh mong manh sinh-tử”.
Ông Bào nhắc tới lần đối mặt với hiểm nguy trong trận đánh ngày 18-2-1970, khi Đại đội trưởng Cấn Nhật Tân chỉ huy Đại đội 2 chiến đấu tiến công vào trung tâm Cánh Đồng Chum tại khu vực sân bay Bản Áng. Tới giờ nổ súng, do bộ binh không kịp đến tiếp ứng nên Đại đội 2 buộc phải lùi ra, lúc này lực lượng tiến công của đại đội đã đến cách hàng rào thép gai của địch khoảng 100-300m. Nhận lệnh rút, nhưng do sương mù tan, trời sáng rõ nên rất dễ bị lộ. Chỉ huy đơn vị liền hội ý, báo cáo trên xin ở lại. Được cấp trên chấp thuận, Tiểu đoàn 4 tổ chức triển khai lực lượng, tận dụng địa hình giấu quân giữ vững khu vực đã chiếm để tối đến sẽ tổ chức tiến công. Nào ngờ, địch phát hiện được lực lượng của ta, chúng cho máy bay, pháo các loại bắn phá ác liệt vào đội hình.
 |
Cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 148 cùng các bạn Lào truy kích địch. Ảnh tư liệu của Trung đoàn 148
|
“Giữa lúc bom đạn địch cày xới ác liệt, anh Tân vẫn bình tĩnh ra lệnh cho anh em tiếp tục đào công sự, tuyệt đối không nổ súng để tránh địch phát hiện nơi ẩn nấp. Anh em Đại đội 2 đã chấp hành mệnh lệnh của Đại đội trưởng và bảo toàn quân số cho tới khi trời tối”, CCB Nguyễn Hữu Bào nhớ lại.
Giữa thời điểm khó khăn, nơi cái chết đang kề, Cấn Nhật Tân đã thể hiện sự nghiêm khắc và bản lĩnh trong chỉ huy và giải quyết tình huống. CCB Nguyễn Hữu Bào kể rằng, giữa nơi ẩn nấp không thuận lợi, Đại đội trưởng Tân vẫn chỉ đạo anh em phải đào bằng được công sự tại chỗ, nơi nào có đất đỏ thì ngụy trang lại, cỏ khô thì giữ nguyên. Ông còn đưa ra những biện pháp nghiêm khắc để ngăn chặn bất cứ ai có ý định rời vị trí…
Chiều muộn hôm ấy, máy bay địch ném bom vào đội hình Đại đội 2, Đại đội trưởng Tân bị thương, phải lui về phía sau điều trị. Đây là lần thứ ba ông bị thương. Ít ngày sau, khi sức khỏe chưa hồi phục hẳn, nhưng biết tin chỉ huy đại đội đang bị thương, ông lại tiếp tục xin về chỉ huy đơn vị. Đại đội trưởng Cấn Nhật Tân đã xốc lại đơn vị, động viên cán bộ, chiến sĩ giữ vững quyết tâm chiến đấu, bám chốt đến cùng cho tới ngày kết thúc chiến dịch.
“Mong nhận ra và nhắc nhớ tên nhau!”
Trải qua nhiều trận đánh, nhiều chiến dịch lớn ở Mặt trận Thượng Lào, Cấn Nhật Tân đã được giao các chức vụ từ cấp tiểu đội tới trung đội, đại đội. Ở cương vị nào, ông cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và được chỉ huy đơn vị ví như “con dao pha” của Trung đoàn 148. Năm 1966, ông được cử đi dự Đại hội mừng công của Quân khu Tây Bắc. Hai năm sau, ông về Hà Nội dự lớp bồi dưỡng đảng viên trẻ toàn miền Bắc. Năm 1970, sau nhiều lần bị thương, ông được chuyển về tuyến sau rồi đi học, chuyển ngành và nghỉ hưu. Về xã Kim Chung, ông lại tiếp tục được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ, rồi làm Trưởng thôn Đại Tự cho tới năm 2012.
Hằng năm, vào mỗi dịp gặp mặt nhân kỷ niệm ngày thành lập trung đoàn, có hai cá nhân xuất sắc vẫn thường được đồng đội nhắc tới, đó là liệt sĩ Nguyễn Trọng Lượng và Chuẩn úy Cấn Nhật Tân. Trong một lần họp mặt, Đại tá Nguyễn Tuấn Doanh, Trưởng ban liên lạc Trung đoàn 148 đã xúc động trải lòng: “Ngày ấy, các thủ trưởng đã lựa chọn và “thử lửa” những “con dao pha” của đơn vị bằng những chiến dịch, những trận đánh cam go, nhưng nhiều người trong số họ đã không kịp đón nhận sự vinh danh. Kết thúc chiến tranh, người thì hy sinh, người thì bị thương hoặc chuyển công tác, và rất nhiều lý do khách quan đã khiến thành tích của họ dần bị lãng quên...”.
Tâm sự của ông Doanh cũng là nỗi trăn trở của rất nhiều CCB Trung đoàn 148. Năm 2014, Ban liên lạc trung đoàn đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị cấp trên xét tặng danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân cho hai cá nhân có thành tích đặc biệt xuất sắc là liệt sĩ Nguyễn Trọng Lượng và Chuẩn úy Cấn Nhật Tân.
Hiểu được tâm nguyện của đồng đội, ông Tân không nén nổi xúc động. Ông nắm chặt tay, gọi tên từng đồng đội rồi khiêm tốn bộc bạch: “Vào trận, không ai mong có ngày mình được tặng thưởng huân chương hay bất cứ danh hiệu cao quý nào. Hết chiến tranh, trở về lành lặn và được gặp lại nhau là toại nguyện lắm rồi!”.
Hơn 50 năm đã qua, ông Tân không thể quên những gương mặt, những lời trăng trối của đồng đội trước lúc hy sinh: “Thủ trưởng ơi, em khát nước quá!”, “Hết chiến tranh, thủ trưởng nhớ về thăm bố mẹ em nhé!”, “Nếu còn sống, thủ trưởng hãy qua nhà thăm vợ, con em”… So với họ, ông tự nhận mình là người may mắn, và may mắn hơn khi hằng năm ông có dịp gặp gỡ, nhắc nhớ tên nhau trong mỗi lần hàn huyên, gặp mặt.
“Tôi mong sao tên tuổi của các đồng đội từng tham gia chiến trận xuất hiện nhiều hơn trong những trang sử truyền thống của trung đoàn, để mai này, thế hệ trẻ sẽ nhận ra và nhắc nhớ đến họ thông qua những bài học về truyền thống đơn vị”, đó là ước muốn bình dị mà CCB Cấn Nhật Tân thường tâm sự với bạn bè, đồng đội, những cựu chiến binh từng có những năm tháng chia ngọt sẻ bùi trên chiến trường nước bạn.
Bài và ảnh: MINH TUÊ