Giữa năm, ngôi trường đẹp như đóa hoa rừng trong xóm được hoàn tất. Cuối năm, lần đầu tiên có ô tô tới tận xóm mua ngô...” Cô giáo trẻ Lý Thị Sia, Trường Tiểu học Lũng Luông khoe với chúng tôi như vậy.

Trên đường từ trung tâm huyện Võ Nhai (tỉnh Thái Nguyên) về xóm Lũng Luông (xã Thượng Nung), Đại úy Đào Chí Thông, Trợ lý Dân vận của Ban CHQS huyện Võ Nhai giới thiệu về những địa danh nghe có vẻ rất kỳ lạ: “Cầu 2 nghìn”, “Cầu 3 nghìn”, “Cầu 5 nghìn”. Theo Đại úy Đào Chí Thông, từ thị trấn Đình Cả về Thượng Nung phải đi qua 3 con suối lớn. Trước kia, để đi qua suối, ô tô phải vượt ngầm. 

leftcenterrightdel
Cô giáo trẻ Lý Thị Sia với các học sinh Trường Tiểu học Lũng Luông. 
Có khi lũ lớn, phải đợi vài ngày mới qua được. Với xe gắn máy, xe đạp và người đi bộ thì vượt suối bằng cầu do người dân dựng tạm. Cây cầu thứ nhất ở xã Cúc Đường được người dân thu tiền 2.000 đồng/lượt với một chiếc xe gắn máy. Cây cầu thứ hai cũng ở xã Cúc Đường thì thu 3.000 đồng. Còn cây cầu thứ ba ở đầu xã Thượng Nung thu 5.000 đồng. Nhân dân địa phương dùng ngay số tiền thu phí mỗi xe gắn máy để đặt tên cho cầu. Vào mùa lũ, cầu tạm bị cuốn trôi, người dân muốn qua suối phải đi bằng mảng và giá cho mỗi lần xe gắn máy qua suối xê dịch từ 20.000 đến 100.000 đồng. Đến năm 2014, đường từ La Hiên vào trung tâm xã Thượng Nung đã được xây dựng kiên cố, cầu bê tông cốt thép hiện đại thay thế cầu tạm. ô tô, xe gắn máy qua 3 con suối thuận tiện suốt bốn mùa, người dân không còn phải nộp lệ phí qua cầu nữa, nhưng họ vẫn có thói quen gọi theo tên cũ để gợi nhớ một thời khó khăn.

Trước kia, đi từ huyện xuống xã Thượng Nung đã khó, nhưng từ trung tâm xã đi vào xóm Lũng Luông còn khó khăn hơn. Lũng Luông theo tiếng Tày có nghĩa là thung lũng lớn, nằm cách biệt hoàn toàn với những địa phương khác bởi các dãy núi cao sừng sững. Khi con đường xuyên núi dài hơn 4km chưa mở thì từ trung tâm xã Thượng Nung về Lũng Luông nếu đi bằng ngựa phải mất nửa ngày, còn đi bộ theo đường tắt cũng phải mất hơn hai tiếng.

Xóm Lũng Luông có 125 hộ dân với 670 nhân khẩu (100% là người dân tộc Mông), được thành lập từ những năm 80 của thế kỷ trước. Trước kia, hầu hết các hộ trong xóm đều thuộc diện đói nghèo, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào cây ngô. Do đường đi lại khó khăn, lại chưa có điện lưới quốc gia nên cuộc sống của người dân chỉ quen với tự cung tự cấp. Người già ở đây không nói được tiếng phổ thông. Muốn hỏi được chuyện những người lớn tuổi, chúng tôi phải nhờ Đại úy Đào Chí Thông là người Mông phiên dịch.

Khi chưa có đường xuyên núi, các cháu thiếu nhi ở Lũng Luông thường chỉ học đến hết bậc tiểu học rồi ở nhà lấy chồng, lấy vợ. Muốn học lên bậc trung học cơ sở phải về trường ở trung tâm xã. Có cặp vợ chồng đẻ đến con thứ ba mới đủ tuổi kết hôn. Bà Dương Thị Hoa, sinh năm 1959 có tới  9 người con (5 trai, 4 gái) cho biết, bà lấy chồng từ năm 16 tuổi, chồng bà hơn bà một tuổi. “Trước kia lạc hậu, không biết kế hoạch hóa gia đình đâu. Nay bộ đội vận động nên chỉ đẻ hai con; con gái đến 18 tuổi mới được cưới”, bà  Hoa nói.

Cô giáo Lý Thị Sia là người đầu tiên của xóm Lũng Luông có trình độ cao đẳng và cũng là cô gái đầu tiên trong xóm ngoài 20 tuổi rồi mà vẫn chưa đi “bắt chồng”. Khi hỏi lý do vì sao, Sia trả lời: “Bộ đội vận động cháu đi học. Đi học rồi thì cháu hiểu khi nào mới được lấy chồng. Tốt nghiệp cao đẳng sư phạm, cháu xin về quê để dạy các em trong xóm biết đọc, biết viết tiếng phổ thông, không còn lạc hậu nữa”.

Cô giáo Hứa Thị Mai, dân tộc Nùng, là giáo viên lớn tuổi nhất của Trường Tiểu học Lũng Luông kể với chúng tôi rằng, gần chục năm trước, khi cô về xóm Lũng Luông nhận công tác, cô không thể hình dung được mình sẽ ở lại đây bằng cách nào bởi đường sá đi lại rất khó khăn. Không có điện, không có sóng điện thoại, không nói chuyện được với người địa phương vì bất đồng ngôn ngữ... Thật may mắn cho cô, có các anh bộ đội thuộc Bộ CHQS tỉnh Thái Nguyên về Lũng Luông làm công tác dân vận. Các anh bộ đội giúp dân làm vệ sinh môi trường, xây nhà văn hóa, vận động người dân cho con đi học... Báo cáo của các anh về thực tế tại Lũng Luông cũng được gửi đi các cấp... Sau đó, xóm Lũng Luông có điện lưới quốc gia, có sóng điện thoại di động của Viettel. Rồi con đường xuyên núi được hoàn thành. Năm học này, lần đầu tiên cô trò Trường Tiểu học Lũng Luông được dạy và học trong các căn phòng kiên cố...

Chúng tôi đã được đi nhiều nơi, thăm nhiều trường học, nhưng chưa thấy ngôi trường nào độc đáo như Trường Tiểu học Lũng Luông. Ngôi trường như một bông hoa rực rỡ giữa núi rừng Việt Bắc, vừa giống như cung điện trong câu chuyện cổ tích xa xưa, vừa có nét rất gần gũi với những ngôi nhà của bà con dân tộc thiểu số, tiết kiệm kinh phí, độc đáo, tăng khả năng cách nhiệt, mát về mùa hè, ấm về mùa đông. Gạch xây dựng trường được làm tại chỗ, tận dụng lại từ công tác san lấp mặt bằng. Không gian tổ chức linh hoạt thành các lớp trong-ngoài, rỗng-đặc, không gian tĩnh-không gian động, giữa các khối hòa hợp với nhau...

Tiễn chúng tôi ra tận xe ô tô, cô giáo trẻ Lý Thị Sia bẽn lẽn: “Tết này mời các chú, các anh bộ đội về Lũng Luông nhé. Năm nay được mùa ngô, bán lại được giá cao nữa nên bà con vui lắm. Học sinh của cháu cũng rất vui vì có quần áo đẹp. Nhắc đến chuyện đói khổ ngày xưa ở xóm, nhiều cháu đã bảo rằng: “Cô kể chuyện cổ tích rồi...”.

Bài và ảnh: ĐỖ PHÚ THỌ