QĐND - Mắc bệnh Glocom (hay còn gọi là bệnh tăng nhãn áp) bẩm sinh, thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau nhức dữ dội ở vùng mắt, thị lực mờ, giác mạc luôn ở tình trạng mờ đục như sương, nhưng với ý chí và nghị lực phi thường, Nguyễn Thị Thu Trang luôn đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong học tập và các hoạt động xã hội.

Nguyễn Thị Thu Trang là cựu sinh viên Khoa Ngôn ngữ học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội), hiện đang là học viên cao học tại trường. Thu Trang sinh năm 1992, tại vùng quê nghèo xã Hòa Xá, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội. Cha mẹ cô là nông dân quanh năm bám đồng ruộng. Ngay từ khi sinh ra, Thu Trang đã không được may mắn như những bạn bè khác cùng trang lứa khi bị mắc bệnh tăng nhãn áp bẩm sinh, thị lực không được như người bình thường, vì vậy mà ngay cả việc quan sát và đi lại cũng là một điều khó khăn. Mặc dù thị lực kém nhưng Trang vẫn quyết tâm cùng bạn bè đi học. Là người khuyết tật nhưng nghị lực của Thu Trang thì không hề khuyết tật. 12 năm ngồi trên ghế nhà trường, Trang luôn là người đứng đầu lớp về thành tích học tập và hoạt động ngoại khóa.

Nguyễn Thị Thu Trang nhận bằng cử nhân loại giỏi chuyên ngành Ngôn ngữ học.

Năm 2010, sau khi thi đỗ khối D Khoa Ngôn ngữ học, Thu Trang từng bước thực hiện ước mơ của mình. Ngay từ năm đầu đại học, Trang đã tham gia công tác xã hội và trở thành thành viên tích cực của Câu lạc bộ Hoa đá (câu lạc bộ dành cho người khuyết tật của trường). Bắt đầu bước vào năm thứ 3 đại học, Trang đã trở thành Chủ nhiệm của Câu lạc bộ Hoa đá, nhiệm kỳ 2012-2013, với nhiều hoạt động xã hội thiện nguyện và xây dựng câu lạc bộ ngày càng vững mạnh. Không chỉ dừng lại ở đó, ba năm liền, Thu Trang vinh dự nhận giấy khen của hiệu trưởng nhà trường dành cho danh hiệu gương mặt trẻ tiêu biểu. Đồng thời hai năm liền nhận học bổng Chung Soo từ Hàn Quốc dành cho các sinh viên có thành tích học tập xuất sắc, sinh viên là cán bộ Đoàn có thành tích học tập tốt, sinh viên vượt khó vươn lên học tập. Cùng với những công tác xã hội của người khuyết tật, Thu Trang đã được nhận bằng khen do Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trao tặng trong Hội nghị biểu dương người khuyết tật tiêu biểu toàn quốc giai đoạn 2010-2013.

Tuy vậy, căn bệnh của Trang không phải lúc nào cũng để cho cô yên, mỗi khi ngồi trước máy tính hay đọc sách lâu, mắt bị tăng nhãn áp, đau nhức, cơ thể khó chịu, buồn nôn, vã mồ hôi, mi co quắp... Hầu như những cơn đau này thường xảy ra vào ban đêm và khi trời lạnh khiến cô rất khó chịu, không thể tiếp tục học tập. Nhưng với lòng quyết tâm không ngừng nghỉ, với đam mê trở thành một cô giáo thì ngoài việc học ở trường, Trang còn mở thêm lớp dạy tiếng Anh tại nhà vào cuối tuần ngay từ khi còn là sinh viên năm thứ 2. Có công mài sắt có ngày nên kim, 4 năm vất vả vật lộn với căn bệnh để học tập và tham gia các hoạt động xã hội cũng được đền đáp, Thu Trang tốt nghiệp loại giỏi, bằng cử nhân đạt chuẩn quốc tế, được chính tay hiệu trưởng nhà trường trao. Không dừng việc học ở đó, Thu Trang tiếp tục theo đuổi lớp cao học tại Khoa Ngôn ngữ học để thực hiện ước mơ trở thành một dịch giả chuyên nghiệp trong lĩnh vực công tác xã hội. Vừa học cao học, vừa đi làm, hiện tại, Thu Trang đang là trợ lý nghiên cứu cho Dự án Giám sát quyền giáo dục của trẻ em gái khuyết tật tại Việt Nam do Đại học Mount Saint Vincent, Ca-na-đa là cơ quan chủ quản.

Con đường tương lai còn nhiều khó khăn và thách thức với Thu Trang, nhưng với quyết tâm và ước mơ tốt đẹp, chắc chắn cô gái “tàn nhưng không phế” ấy sẽ ngày càng mạnh mẽ và thành công hơn.

Bài và ảnh: LÊ MAI TRANG