Nguyễn Thị Kim Yến là con gái thứ hai của giáo sư, bác sĩ Nguyễn Tấn Gi Trọng và dược sĩ Mai Thị Tùng Thọ. Bác Trọng quê ở Mỹ Tho, là một nhà trí thức lớn, đại biểu Quốc hội khóa I, được Bác Hồ giao trọng trách Tổng giám đốc Nha thông tin tuyên truyền từ khi nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa ra đời. Bác sĩ là một trong những người thầy thuốc có nhiều năm bên cạnh Bác Hồ, chăm lo sức khỏe cho Người.

Mới lên hai tuổi, Kim Yến đã được mẹ gánh gồng từ Hà Nội khói lửa lên chiến khu Việt Bắc trăm ngàn gian khó. Năm 1954, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, Kim Yến cùng gia đình trở về Hà Nội, được tiếp tục học hết trung học phổ thông, thi vào trường nhạc. Kim Yến là một cô gái xinh đẹp, hiếu động, sẵn sàng nhận những môn học mà ít bạn gái theo được. Đó là môn ác-coóc-đi-ông, một loại nhạc cụ khó, mang xách nặng. Cô có giọng hát hay từ bé. Những ngày ở Việt Bắc, Kim Yến được theo ba vào hát cho Bác Hồ nghe như cô cháu nhỏ hát cho ngoại nghe. Trong bức ảnh Bác Hồ bón cơm cho một em gái nhỏ, thì bé gái ấy chính là Kim Yến dễ thương bên già Hồ.

Năm 1960, tốt nghiệp trung cấp âm nhạc, Kim Yến thi tiếp vào trường Nghệ thuật kịch nói Việt Nam. Về trường mới, Kim Yến phát triển toàn diện hơn. Năm 1964 tốt nghiệp, Kim Yến được trường cấp chứng chỉ hạng ưu đồng khóa với nghệ sĩ Trà Giang, Thanh Tú... Vừa có năng khiếu, học giỏi lại là con gái một nhà trí thức cách mạng, việc đi học tiếp ở nước ngoài để đào tạo thành tài năng không khó, nhưng Kim Yến lại xin vào đoàn văn công Sư đoàn 330 của Nam Bộ tập kết. Cô nghĩ rằng: chỉ có thế mới có cơ hội trở về miền Nam, mới mong được về quê hương thành đồng Tổ quốc.

Kim Yến được chấp nhận là chiến sĩ văn công sư đoàn, cũng là lúc đoàn chuẩn bị hành quân vào tiền tuyến, phục vụ tuyến đường Trường Sơn từ Quảng Bình vào Quảng Nam nơi ác liệt nhất với pháo bầy B52, biệt kích và hàng rào điện tử Mắc Na-ma-ra.

Giặc Mỹ đã trút xuống nơi đây hàng triệu quả bom hòng cắt đứt con đường ra tiền tuyến. Ngày lại ngày hành quân, đào hầm, mang vác nặng, những cơn sốt rét rừng làm hao mòn tâm lực. Đêm đêm dừng chân ở các binh trạm, các đội công binh, thanh niên xung phong sửa đường, mở đường, đội xung kích văn công lại hát ca biểu diễn, phục vụ cán bộ, chiến sĩ ngoài tiền tuyến. Đội văn công của Kim Yến thực hiện lời hứa: ở đâu có mìn nổ mở đường là ở đó có tiếng hát, tiếng đàn. Kim Yến là diễn viên chính trong nhiều tiết mục nòng cốt của đội. Cô vừa xinh đẹp, duyên dáng vừa hát hay, đàn giỏi. Vai người mẹ trong vở kịch của Ngô Y Linh “Đâu có giặc là ta cứ đi!” và vai “Em bé giao liên” được bộ đội Trường Sơn hoan nghênh nhiệt liệt. Kim Yến cũng sôi nổi, dịu dàng hấp dẫn trong điệu múa “Cô gái U-dơ-bê-ki-xtan”. Cô tự kéo phong cầm tự minh họa trong bài tấu vui nhộn “Anh hùng đâu cứ phải mày râu”. Lần nào biểu diễn Kim Yến cũng được các chiến sĩ trẻ hoan hô hai lần, ba lần. Mỗi một chương trình của đội, Kim Yến phải xuất hiện bốn, năm lần diễn. Nhiều bữa lên cơn sốt, Yến cũng cố kìm cơn đau hành quân liên tục, biểu diễn liên tục không bao giờ mệt mỏi, uể oải. Sau hai năm phục vụ ở vùng chiến tranh ác liệt khu 4, khu 5, Kim Yến và anh chị em được ra Bắc chữa bệnh, học tập, nghỉ ngơi và bổ sung tiết mục mới.

Một ngày đầu xuân 1969, đội của Kim Yến lại vào Nam. Các anh chị văn công giải phóng, trong đó có Việt Thông, Tấn Ngọc, Phong Nhã, Trúc Linh, Kim Hiên... sau 5 tháng hành quân, đã vào đến miền Đông Nam Bộ. Kim Yến cùng đồng nghiệp tại chỗ khẩn trương luyện tập chuẩn bị lên đường biểu diễn phục vụ Đại hội tổng kết của Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền.

Mùa mưa 1969, núi rừng Tây Ninh ngày đêm mưa dầm dề, nước lênh láng ngập rừng, ngập suối. Trước giờ hành quân, Kim Yến bị cơn sốt ác tính. Đoàn định gửi Kim Yến ở trạm xá quân y, nhưng cô gượng dậy vật nài: “Xin các anh lãnh đạo đừng để em ở lại, em không thể yên lòng khi các bạn em ra đi về gần đến quê hương yêu dấu”. Đoàn trưởng không thể chối từ đành chấp nhận dìu Kim Yến lên đường. Khi đoàn dừng chân chờ nước rút cũng là lúc Kim Yến ngã vào vòng tay đồng đội. Trong cơn mê trên võng đưa đi cấp cứu, Kim Yến vẫn thầm hát bài ca sắp biểu diễn “Đường ra trận mùa này đẹp lắm!”. Nhưng rồi cô lịm dần cho đến khi ngừng thở. Một tài năng trẻ, một nghệ sĩ tài hoa đang thời sung sức, nở rộ tài năng đã ra đi giữa tuổi 25.

Mộ Kim Yến được chôn ở cánh rừng gần Lò Gò, giữa Bến Ra, bên dòng Vàm Cỏ. Sau ngày đất nước thống nhất, đồng đội đi tìm hài cốt của Kim Yến. Những tưởng cây khế bên mộ sẽ là dấu vết để thấy nơi em nằm, nhưng ngờ đâu bom Mỹ trút xuống đã hủy hoại không còn lá cây ngọn cỏ nào. Mãi đến tháng 7-2003, sau 34 năm cố công tìm kiếm, hài cốt của Kim Yến mới được về bên người cha thân yêu.

Chúng tôi lặng im mặc niệm Kim Yến trong nước mắt và lòng tự hào về người con gái kiên cường của sông Tiền với tinh thần hy sinh dũng cảm, hiến dâng tuổi thanh xuân cho sự nghiệp giải phóng quê nhà.

Đoàn Minh Tuấn