QĐND - Bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà (73 tuổi), từng học cùng khóa với bác sĩ, liệt sĩ Đặng Thùy Trâm tại Trường Đại học Y Hà Nội, cùng xung phong vào chiến trường miền Nam (năm 1966) và cùng chịu đựng những gian khổ, khốc liệt của chiến tranh bảo vệ Tổ quốc.
Trong căn nhà vỏn vẹn 37m2 ở xã Diên Toàn (huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa) bỗng vang tiếng gọi: “Anh ơi, nhà có khách. Anh mở đèn lên cho sáng, em đi pha trà nhé…”. Tiếng xưng hô “anh-em” đầy trìu mến giữa đôi vợ chồng già-cụ bà 73 tuổi và cụ ông là Đại tá Vũ Đình Nã, 83 tuổi (nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 2, Quân khu 5) khiến chúng tôi rất cảm động trong lần đầu trò chuyện.
 |
Vợ chồng bác sĩ Thu Hà và Đại tá Vũ Đình Nã tại nhà riêng.
|
Bắt đầu câu chuyện, bà Hà “đưa” chúng tôi về những năm tháng khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Sinh ra ở Đà Nẵng, nhưng năm 1952, cô gái Nguyễn Thị Thu Hà cùng gia đình tập kết ra Bắc. Sau khi tốt nghiệp đại học, Nguyễn Thị Thị Thu Hà xung phong vào chiến trường Quảng Nam cùng với 25 thành viên, trong đó bác sĩ Đặng Thùy Trâm được điều vào Quảng Ngãi. Sau hơn 3 tháng miệt mài hành quân, bác sĩ Hà cùng các thành viên mới đến huyện Tiên Phước (Quảng Nam) để nhận nhiệm vụ.
Vào tới mặt trận, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà được cấp trên giao đảm nhiệm chức vụ Bệnh xá trưởng huyện Quế Sơn. Trước đó, bác sĩ Hoàng Vân, Bệnh xá trưởng đã hy sinh trong một trận đánh bom của giặc Mỹ khi đang trực tiếp cứu chữa thương binh. Ngày đầu về đơn vị nhận nhiệm vụ, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà không tránh khỏi những cảm xúc đan xen, vừa lo lắng, vừa tràn đầy nhiệt huyết cống hiến. Bệnh xá lúc ấy chỉ có 18 cán bộ, nhân viên, nhưng phải thường xuyên chăm sóc cả trăm thương binh. Vì vậy, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà vừa làm công tác tư tưởng cho mình, vừa động viên đồng đội nỗ lực phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với tấm gương hy sinh anh dũng của bác sĩ Hoàng Vân.
Những người cùng thời và hiểu biết về bác sĩ Thu Hà kể lại: Hồi ấy, nhận thấy việc di chuyển thương binh về bệnh xá khá xa, nên bác sĩ Thu Hà đã thuyết phục cấp trên chuyển Bệnh xá huyện Quế Sơn về vùng Trung Quế Sơn để thuận tiện cho việc cấp cứu và chăm sóc thương binh. Kiến nghị của Bệnh xá trưởng được cấp trên chấp thuận, tập thể bệnh xá căng mình di chuyển đến địa điểm mới,… Theo sự phân công của bác sĩ Thu Hà, người chặt cây làm hầm phẫu thuật, người dựng lán trại, làm sạp nằm cho thương binh, người đào bếp Hoàng Cầm… Vất vả nhất là số anh chị em đi cõng gạo và thuốc chữa bệnh, nhu yếu phẩm phục vụ thương binh. Đặc biệt, trong những năm 1969-1972, đơn vị bị địch vây hãm ráo riết, công tác cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh gặp rất nhiều khó khăn, thiếu thốn. Bấy giờ, Bệnh xá trưởng Nguyễn Thị Thu Hà không còn sự lựa chọn nào khác là cho anh chị em dùng tro để giặt sạch băng, gạc; lấy mật ong rừng để rửa vết thương cho thương binh… Các dược tá: Phi Yến, Trần Thị Kim, Thúy Lưu… sau nhiều lần vào rừng tìm thảo dược, rồi chỉ còn Thúy Lưu trở về! Tiếp đó là Thành, Thách, Thương… lần lượt hy sinh. Trong muôn vàn khó khăn, vất vả và hy sinh ấy, bác sĩ Thu Hà không còn nước mắt để khóc, chỉ biết nén nỗi đau để nỗ lực phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ cứu chữa, chăm sóc thương binh, bệnh binh.
Trong điều kiện chiến tranh khốc liệt, để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, thiếu nhu yếu phẩm, lương thực cứu chữa và phục vụ thương binh, bệnh binh… bác sĩ Thu Hà lại quyết định băng rừng, vượt suối vào nhà dân ở Sơn Long, Sơn Thạch… vận động xin gạo, muối, mắm; đề nghị địa phương hỗ trợ lúa, rồi tự tay giã thành gạo mang về đơn vị. Nhớ lại những ngày tháng gian khổ ấy, bà Hà kể:
- Thiếu thuốc, thiếu lương thực đã khổ, nhưng không sợ bằng mỗi lần nghe tin địch tổ chức càn quét. Những lúc như vậy, chúng tôi phải tổ chức sơ tán thương binh làm thế nào để bảo đảm an toàn nhất.
Rất nhiều lần như thế, nhưng bác sĩ Thu Hà nhớ nhất một lần tổ chức sơ tán thương binh vào năm 1972. Khi ấy, địch càn rất đông, trong lúc đơn vị chỉ còn 7 người, lại phải sơ tán 162 thương binh. Thật may, với sự chi viện của LLVT huyện Quế Sơn, toàn bộ thương binh được sơ tán đến các hang động cách vị trí đóng quân 45 phút hành quân bộ. Riêng chị Xuân bị thương nặng không thể cơ động, buộc phải “giấu” trong bụi rậm ngay cạnh bệnh xá.
Suốt 8 năm sống giữa chiến trường ác liệt, nhất là trên cương vị Bệnh xá trưởng Bệnh xá huyện Quế Sơn, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà đã cùng đồng đội tổ chức cứu chữa, bảo đảm an toàn cho hàng nghìn lượt thương binh, bệnh binh. Hoàn thành tốt nhiệm vụ, nữ bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà được cấp trên điều trở ra miền Bắc, rồi gửi đi đào tạo chuyên sâu ở nước ngoài, chuẩn bị lực lượng phục vụ đất nước. Nhớ lại lần trở ra miền Bắc và được gặp mẹ tại thủ đô Hà Nội, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà kể:
- Năm 1974, được gặp lại mẹ, tôi mới biết, ở nhà, mọi người đã lập bàn thờ, bởi nghĩ rằng: Tôi đã hy sinh. Lần gặp gỡ ấy, tôi kể cho mẹ nghe chuyện cuộc sống của bộ đội ta ở chiến trường. Cứ nghe tôi kể là mẹ khóc và tôi cũng khóc!
Ở tuổi 73, hơn 45 năm tuổi Đảng, bác sĩ Nguyễn Thị Thu Hà mới có dịp trở lại chiến trường xưa. Bà hết sức cảm động khi rất nhiều người dân Quế Sơn vẫn nhớ, vẫn gọi đúng tên từng cán bộ, nhân viên Bệnh xá huyện Quế Sơn thời chống Mỹ, cứu nước. Tất cả đã qua đi; tất cả đã lùi vào dĩ vãng; nhưng trong chuyến đi này, với bà và nhiều đồng đội khác đã ghi đậm cảm xúc về mối tình quân-dân sâu nặng. "Nhờ có các cha, các mẹ, các chị, các em; nhờ có người dân Quế Sơn kiên trung, dũng cảm mà chúng tôi mới hoàn thành được nhiệm vụ"-bà nói, rồi ôm chặt từng người mà nước mắt chảy tràn...
Bài và ảnh: TRẦN CÔNG THI