Vừa qua, tôi được cơ quan cử đi dự thi “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Tôi đã kể câu chuyện Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước chỉ với hai bàn tay trắng, nhưng với lòng yêu nước, thương dân, ý chí sắt đá không bao giờ thay đổi lý tưởng đã chọn, Bác đã tìm ra con đường cứu nước đúng đắn.

Cuối buổi thi hôm đó, một khán giả đến bắt tay chúc mừng tôi và góp ý: “Câu chuyện của anh rất hay, nhưng phần liên hệ bản thân, anh kể rằng, anh định bỏ học do hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng được mẹ khuyên can rồi đọc cho nghe lời dạy của Bác “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không…là nhờ công học tập của các cháu”, nhờ đó, anh đã thay đổi quyết định thì hơi thiếu thuyết phục. Thực tế chắc không có chuyện ấy”.

Tôi nghĩ, khi người nghe đã thấy thiếu thuyết phục, thì đúng là mình cần tự kiểm tra lại phương pháp dẫn dắt câu chuyện của mình. Nhưng nếu nói “nghe lời Bác, thay đổi hành vi” là chưa thuyết phục thì vị khán giả nọ cũng…nhầm. Trên đất nước ta, đã có hàng trăm, hàng nghìn câu chuyện về những con người đã thay đổi suy nghĩ, tự chấn chỉnh mình để tiến bộ nhờ một lời khuyên, một món quà…thậm chí là một ánh mắt nhìn của Bác. Không kể những người vinh dự được trực tiếp gặp Bác, mà hàng nghìn người khác đã tiến bộ nhờ đọc những tư tưởng đạo đức của Bác qua sách báo. Trên trang 2, báo Quân đội nhân dân cũng đăng nhiều chuyện về những người được nhận Huy hiệu Bác Hồ, họ đều cho rằng, chiếc huy hiệu ấy đã thay đổi cuộc đời họ, khiến họ quyết tâm sống tốt hơn, cống hiến nhiều hơn cho đất nước.

Gần đây nhất, tại Hội thi Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh cấp toàn quân (khu vực phía Bắc), thí sinh Nguyễn Thị Hoà (Học viện Quân y) giành giải nhất. Hoà năm nay 19 tuổi, chỉ biết Bác Hồ qua sách báo và lời kể của bà, của mẹ nhưng hình ảnh và những lời dạy của Người trong cô vẫn rất sâu đậm, giúp cô vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu trở thành học viên giỏi. Hoặc như em Nguyễn Công Hùng, quê ở Nghệ An, là người tàn tật nhưng đã vượt lên số phận, trở thành Hiệp sĩ Công nghệ Thông tin, mở lớp dạy tin học cho bao người khác. Khi được các nhà báo hỏi về động cơ phấn đấu, Hùng đã trả lời rất thực: “Từ khi còn nhỏ, em đã quyết tâm trở thành Cháu ngoan Bác Hồ…”

Kể lại câu chuyện này, tôi muốn nói lên suy nghĩ của mình: “Sức lay động, cảm hoá của Chủ tịch Hồ Chí Minh là vô cùng to lớn, là chuyện khó tin nhưng có thật của đất nước chúng ta. Trong thực tế hiện nay, do ảnh hưởng từ mặt trái của cơ chế thị trường nên việc giáo dục đạo đức cho thế hệ trẻ gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải đổi mới, nhưng những giá trị đạo đức của Bác là không thay đổi. Cái cần thay đổi, cải tiến là cách thức tiến hành, hình thức tiếp cận để tuyên truyền, giáo dục cho phù hợp với tâm lý thế hệ trẻ hiện nay”.

Nguyễn Hồng