(Ảnh tư liệu)

Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, Bác nhận được “dư luận” về một đồng chí cán bộ trung đoàn (từng là cán bộ bảo vệ Bác đi nước ngoài ở thời điểm trước Cách mạng Tháng Tám) có những hành động không đúng mực. Đồng chí này thường hay quát mắng, đôi khi còn bợp tai chiến sĩ. Một hôm, Bác cho gọi đồng chí cán bộ trên lên Việt Bắc. Bác dặn trạm đón tiếp của An toàn khu (ATK), dù có đến sớm, cũng giữa trưa mới cho đồng chí ấy vào gặp Bác.

Trời mùa hè, nắng chang chang, đi bộ đúng vào giữa trưa, đồng chí cán bộ trung đoàn vã mồ hôi, người như bốc lửa.

Đến nơi, Bác đã chờ sẵn. Trên bàn đã đặt hai cốc nước, một cốc nước sôi có ý chừng vừa như mới rót, bốc hơi nghi ngút, còn cốc kia là nước lạnh. Sau khi chào hỏi xong, Bác chỉ vào cốc nước nóng nói:

- Chú uống đi.

Đồng chí cán bộ kêu lên:

- Trời! Nắng thế này mà Bác lại cho nước nóng làm sao cháu uống được.

Bác mỉm cười:

- À ra thế. Thế chú thích uống nước nguội mát không?

- Dạ có ạ.

Bác nghiêm nét mặt nói:

- Nước nóng, cả chú và tôi đều không uống được. Khi chú nóng, cả chiến sĩ của chú và cả tôi cũng không tiếp thu được. Hòa nhã, điềm đạm cũng như cốc nước nguội dễ uống, dễ tiếp thu hơn.

Hiểu ý Bác giáo dục, đồng chí cán bộ nhận lỗi, hứa sẽ sửa chữa...

Cách giáo dục của Bác tuy nhẹ nhàng nhưng có tác dụng rất lớn. Hiện nay, trong đơn vị quân đội vẫn còn một số cán bộ, sĩ quan có thái độ hách dịch, coi thường, “lên lớp” với chiến sĩ, cấp dưới. Những người này vẫn mang nặng tư duy cho rằng, chiến sĩ là học viên, là cấp dưới, mình là cấp trên đương nhiên có quyền sai bảo, quát nạt. Chính thái độ và hành vi “cửa quyền” của người cán bộ ấy đã gây không ít khó khăn cho chính họ khi không hoàn thành nhiệm vụ huấn luyện chiến sĩ.

Thời gian vừa qua, dư luận tỉnh Đồng Tháp rất bức xúc trước việc em Huỳnh Thị Ngọc Trâm, học sinh lớp 5, trường tiểu học An Hiệp 2, xã An Hiệp, huyện Châu Thành bị hoảng loạn đến mức không dám đến lớp sau khi bị thầy giáo bắt đem giao cho công an xã ép cung vì bị nghi ngờ lấy 47.800 đồng tiền quỹ lớp. Việc ép cung của công an xã hoàn toàn sai khi họ nóng vội kết luận em Trâm lấy tiền quỹ lớp mà không tiến hành điều tra cụ thể. Nếu như công an xã làm việc công minh, từ tốn nhẹ nhàng hỏi bé Trâm những câu hỏi liên quan, có lẽ bé không sợ đến mức hoảng loạn như thế.

Lại cũng có chuyện, một chiến sĩ người dân tộc thiểu số tên là A Phử, nhờ sự giải đáp nhẹ nhàng, cặn kẽ thấm đậm tình đồng chí của cán bộ Hà mà đã hiểu ra gốc gác vấn đề, không đòi về thăm nhà nữa, góp phần giúp đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kiểm tra toàn diện cả năm.

Muốn dân tin và hiểu mình, nắm rõ chính sách của Đảng, Nhà nước, người cán bộ phải giải thích cặn kẽ với thái độ hoà nhã, khiêm tốn. Nếu người dân chưa hiểu, cần phải giảng giải lại lần nữa. Mọi thành quả sẽ “đổ xuống sông, xuống biển” nếu như người cán bộ không biết kiềm chế hành động “quá nóng” của mình.

LINH OANH