QĐND Online - Trong cuộc đời binh nghiệp sôi động của mình, Thiếu tướng, Anh hùng LLVTND, nguyên Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam Lê Mã Lương có góc ký ức sâu đậm về Chiến dịch Thượng Đức năm 1974. Chiếc bi đông hiện nay ông đang giữ chính là một phần của ký ức đó.

Sau khi ta giải phóng Thượng Đức (7-8-1974), địch phản kích dữ dội nhằm tái chiếm. Tổng thống Việt Nam Cộng hòa Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho sư đoàn dù ra trận. Địch tuyên bố hùng hồn “Sư đoàn dù sẽ đánh bật Sư đoàn 304 ra khỏi Thượng Đức trong tháng 8. Nếu không tái chiếm Thượng Đức thì tổng thống cho giải tán sư đoàn dù”. Với quyết tâm này, địch không tấn công trực diện nữa mà dùng chiến dịch lấn dũi, đánh phá từng điểm tựa, điểm cao của ta. Khi bị thương vong thì lùi xuống, gọi pháo chi viện, nã đạn cấp tập. Không những thế, lính dù còn lợi dụng địa hình, địa vật, cây cối rậm rạp, đánh tiêu hao, gây cho ta nhiều tổn thất lớn. Trung đoàn 24 của Sư đoàn 304 (trước đó chủ công là Trung đoàn 66) được lệnh cấp tốc hành quân từ Quảng Trị vào Thượng Đức.

Chiếc bi đông của Thiếu tướng Lê Mã Lương.

Giằng co với địch từng điểm tựa, Trung đoàn 24 chịu đựng nhiều gian khổ tưởng chừng không vượt qua nổi. Đang vào mùa mưa, những trận mưa rừng đổ xuống như trút nước. Hầm hào công sự của bộ đội luôn bị ngập nước, bùn đất đặc sệt, cơ động rất khó khăn. Bom đạn địch chà đi xát lại, tiếng nổ ầm vang, rung chuyển núi đồi. Địch tổ chức những đợt lấn dũi suốt ngày đêm. Có nơi bộ đội ta và lính dù chỉ cách nhau 50m trong tầm lựu đạn. Do chiến đấu căng thẳng nên các đơn vị bộ đội kể cả trên chốt và phía sau xuất hiện mệt mỏi, sốt rét gia tăng, lở loét, nước ăn bàn chân thấu xương, làm ảnh hưởng đến sức chiến đấu nghiêm trọng. Đại úy, Chủ nhiệm Chính trị Trung đoàn Lê Mã Lương đi cùng Trung tá, Sư đoàn phó kiêm Tham mưu trưởng Sư đoàn 304 Lê Đắc Long lên Đỉnh 1062 kiểm tra và động viên bộ đội trên các chốt. Bùn nước sền sệt ngập đến đầu gối. Đi trên đỉnh 1062, tựa như đi trong sình lầy, cây cối chỏng chơ không còn một chiếc lá trên cành, dù nơi đây từng là khu rừng già rậm rạp. Cứ một đoạn từ 25 đến 50 mét hào chiến đấu, anh em trong đoàn lại thấy lên một chiến sĩ đã hy sinh vùi trong bùn.

Thiếu tướng Lê Mã Lương kể về chiếc bi đông tại Hội thảo về Chiến thắng Thượng Đức.

Khi đoàn đến căn hầm vừa là nơi ẩn nấp và chiến đấu của Trung úy, Đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 6 Đinh Đình Bình, mọi người ngạc nhiên khi thấy những đoạn gỗ bị cháy sém, vỡ toác xếp vào nhau tựa vào vách đất sạt lở. Để có được những thân cây này là điều xa xỉ. Thế mới biết anh em giỏi giang biết chừng nào. Đại đội 10 chỉ còn 13 tay súng cùng rất ít cơ số đạn. Hỏi chuyện mới biết, Bình đang học đại học năm thứ 2 thì xung phong đi bộ đội. Đó là một chàng trai gương mặt thật sáng láng, khôi ngô dù bùn đất vương vất. Chủ nhiệm Chính trị Lê Mã Lương trao chiếc bi đông nước của mình cho anh, vì chiếc bi đông của Bình đã thủng. Anh uống từng ngụm một rồi nói: “Em hết khát rồi. Em kiểm tra ai khát sẽ cho anh em uống”. Trong phút giây ấy, trong lòng Đại úy Lê Mã Lương trào dâng một tình cảm khó tả về chàng trai vóc dáng thư sinh này. Ông nghĩ đến Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi: “Tướng sĩ một lòng phụ tử. Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”. Chỉ có người chỉ huy tâm huyết, sống chết cùng anh em mới nhớ đến đồng đội mọi lúc, mọi nơi như vậy. Đưa lại cho thủ trưởng chiếc bi đông đã qua chục người cùng uống, Bình nói: “Còn người còn chốt, chúng tôi sẽ không rời trận địa, các thủ trưởng cứ yên tâm”. Sư đoàn phó Lê Đắc Long động viên: “Sư đoàn tin tưởng các đồng chí và sẽ bổ sung quân số, trang bị kịp thời”. Trời gần sáng, đoàn kiểm tra các đơn vị chốt ở 1062 về tới sở chỉ huy Trung đoàn thì nhận tin Đại đội trưởng Đinh Đình Bình đã hy sinh lúc 5h ngày 6-11-1974, khi chỉ huy đại đội phản kích quân dù. Chốt của Đại đội 10 vẫn còn giữ vững.

Nghe tin Bình đã được đưa xuống chân đồi và chuyển ra phía sau, nhưng Đại úy Lê Mã Lương vì công tác không thể nào thăm Bình lần cuối. Gương mặt thư sinh và đầy bản lĩnh của chàng sinh viên Đinh Đình Bình cứ hiển hiện mãi trong anh. Chiếc bi đông từng được Bình và Đại đội 10 chuyền tay nhau uống, ông giữ như báu vật suốt cả cuộc chiến tranh.

40 năm đã qua, về lại vùng đất lửa dự Hội thảo “Chiến thắng Thượng Đức, ý nghĩa và bài học lịch sử”, tháng 6-2014, Thiếu tướng Lê Mã Lương vẫn vẹn nguyên cảm xúc về những đồng đội Trung đoàn 24 đã hy sinh để mở toang cánh cửa thép Thượng Đức năm nào.

Bài và ảnh: HỒNG VÂN