QĐND - Câu chuyện sẽ kể dưới đây đã lùi xa 66 năm, ngày nay hầu như rất ít người biết đến. Chỉ có điều may mắn là “nhân vật chính” của câu chuyện hiện vẫn còn với đầu óc khá minh mẫn, dẫu đã ở tuổi 85. Đó là dược sĩ Phạm Thiệp, nguyên chuyên viên của Vụ Dược chính, Bộ Y tế. Cụ Thiệp chính là người đầu tiên ở nước ta điều chế được chất ête (ether), dùng để gây mê trong các ca phẫu thuật thương binh thời chống Pháp…

Dược sĩ Phạm Thiệp (năm 2008).

Giai đoạn đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân y của quân đội ta gặp vô vàn khó khăn do thiếu rất nhiều loại vật tư kỹ thuật cơ bản, đặc biệt thiếu ête gây mê nên hầu hết các ca mổ cho thương binh đều… “mổ sống”. Không thể để tồn tại việc phẫu thuật gây đau đớn cho thương binh (cũng là gây đau đớn về tinh thần cho thầy thuốc) như vậy mãi được! Nếu chỉ trông chờ vào việc tìm mua gom chất gây mê từ vùng địch hậu thì không thể đủ và mất đi sự chủ động, ngành quân y đã đặt vấn đề phải tự điều chế ête, đủ cung cấp cho các trạm phẫu. Đầu năm 1948, tại Chiến khu Việt Bắc, dược sĩ N. thuộc nhóm nghiên cứu dược Cục Quân y, Bộ Quốc phòng đã thử điều chế ête từ rượu chưng cất thủ công, nhưng giữa chừng phải bỏ dở vì gặp sự cố cháy nổ. Cũng khoảng thời gian này, hoạt động một cách độc lập, Phân viện nghiên cứu dược Liên khu 3 do dược sĩ Nguyễn Văn Luận đứng đầu đã có một quyết định táo bạo: Tự chế ête mê bằng các loại vật tư, nguyên liệu khai thác tại chỗ.

Cụ Phạm Thiệp nhớ lại: “Ngày đó tôi còn quá trẻ, do tình cờ mà vào nghề dược. Toàn quốc kháng chiến 22-12-1946 nổ ra, tôi từ quê Hải Dương theo gia đình tản cư về vùng tự do Tiên Hưng, Thái Bình. Vừa học xong năm thứ nhất Thành chung, chưa có nghề ngỗng gì, thì có một người quen giới thiệu tôi với dược sĩ Nguyễn Văn Luận. Lúc này, phân viện của ông đang thiếu người, thấy tôi khỏe mạnh, lại biết tiếng Pháp nên nhận ngay. Ông có bằng dược sĩ cao cấp Đông Dương và năm 1947 đã tự mình nghiên cứu thành công chưng cất rượu thường thành cồn 90-95 độ. Không hiểu sao lúc đó ông lại giao cho tôi nhiệm vụ điều chế ête gây mê, khi tôi mới bước sang tuổi 18 và chưa có chút kiến thức gì về dược học. Trợ giúp cho tôi còn có anh Lại Thành Hiến, nhưng anh vốn chỉ là người buôn bán thuốc Tây, cũng không có bằng dược sĩ (năm 1949, trong một lần chạy giặc càn, anh Hiến bị kẹt lại, từ đó mất liên lạc với cơ quan). Giờ nghĩ lại mới thấy ông Luận không chỉ là dược sĩ có trình độ cao, mà cũng rất biết cách đào tạo nghề cho anh em.

Phạm Thiệp (ngoài cùng, bên phải) cùng anh em ở Phân viện Nghiên cứu Dược Liên khu 3 thời kỳ chế ête gây mê ở Thái Bình, năm 1950. Ảnh do nhân vật cung cấp.

Trước hết, ông đưa tôi đọc những cuốn sách kinh điển của Pháp về dược, như: Cô-đếch (Codex), Đoóc-vô (Dorvault), Lơ-bô (Lebeau)… Đang tuổi trẻ, nhiệt huyết, lại có được một người thầy như ông Luận bên cạnh, tôi yên tâm dồn mọi tâm trí vào việc tự học để rồi có ứng dụng ngay vào việc điều chế ête gây mê. Về nguyên lý, tạo ête từ cồn không quá phức tạp, khó nhất là dựng được một hệ lò chưng cất thủ công trong điều kiện thiếu thốn đủ thứ. Cồn 90-95 độ đã có sẵn; a-xít thì ra cửa hàng hóa chất mua gom, đựng trong các lọ sành; muốn có nhiệt độ sôi cao, phải đun dầu sôi. Tìm hiểu ở địa phương có bán dầu ép từ hạt lạc, thế là chúng tôi đến các phiên chợ quê mua gom từng can, từng chai dầu lạc. Mất chừng 2 tháng chuẩn bị, rồi tự tính toán, lên bản vẽ thiết kế một hệ chưng cất cụ thể. Cồn và ête đều là những chất dễ cháy nổ, a-xít sun-phua-rich thì rất độc hại, dính phải là bỏng loét da thịt ngay. Trong điều kiện thời chiến, ở lẫn với dân, lại phải chuyển địa điểm thường xuyên thì sự mất an toàn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Buổi đầu ở Tiên Hưng, lò chưng cất được đặt ngay dìa tường đình làng, khá xa với nhà dân. Sau này chạy giặc về Hà Nam, Thanh Hóa, nhiều khi lò phải đặt sát nhà, miễn là nơi ấy kín đáo. Khi chạy giặc càn, ngoài chum, lọ lỉnh kỉnh, trong ba lô của tôi lúc nào cũng phải có đủ những cuốn “cẩm nang”, còn quý hơn vàng.

Đến giờ đã 66 năm trôi qua, trong tâm trí tôi còn nhớ rõ ngày khởi lò, chưng cất mẻ ête đầu tiên. Lò đã sôi được một lúc, ai cũng nín thở nhìn vào ống sinh hàn, để rồi đều thở phào khi những giọt ête đầu tiên màu vàng óng nhỏ xuống bình thu hồi tỏa mùi thơm ngào ngạt. Kể từ hôm đó, lò liên tục hoạt động, mỗi tháng chưng cất được khoảng 15 lít thành phẩm. Có thành phẩm rồi còn phải tiếp tục loại bỏ tạp chất để được ête tinh khiết, sau đó chia nhỏ, gửi ra tiền tuyến. Đặt hàng cho chúng tôi ngày ấy là bác sĩ Hoàng Đình Cầu, Trưởng trạm phẫu Mặt trận Liên khu 3, trạm của ông đóng ở Phủ Lý, Hà Nam (sau ngày hòa bình, bác sĩ Cầu trở thành Thứ trưởng Bộ Y tế, Anh hùng Lao động). Lô ête đầu được gửi đi, chúng tôi lại một phen hồi hộp, không biết chất lượng thế nào? Bác sĩ Hoàng Đình Cầu đã sớm có phản hồi, rằng ête gây mê của phân viện dùng rất tốt! Tiếng lành đồn xa, chỉ một thời gian ngắn sau đó, các mặt trận Liên khu 4, Bình-Trị-Thiên, Thượng Lào… đều dùng sản phẩm của chúng tôi. Đến đầu năm 1954, vẫn còn ête gây mê tiếp tục được sử dụng trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Cần nói thêm là, mấy năm đầu, các trạm phẫu chỉ dùng ête gây mê, về sau còn sử dụng các loại thuốc gây mê khác như: Clô-rô-phoóc (cloroform), ni-tơ-rát ô-xít (nitrous oxyt), xy-clô-proo-pan (cyclopropane)… Sau ngày hòa bình lập lại trên miền Bắc được một thời gian, do đã thông thương với các nước bạn, tiếp thụ nhiều tiến bộ kỹ thuật trong ngành gây mê hồi sức, chất ête có nhược điểm dễ cháy nổ mới được loại bỏ dần, thay thế bằng nhiều chất khác trong phẫu thuật.

Vậy là từ đầu năm 1948, ête gây mê do ta tự chế đã đến nhiều chiến trường, kịp thời phục vụ cho việc phẫu thuật thương binh, bệnh binh, cơ bản chấm dứt việc “mổ sống”. Suốt cả quá trình đó, dẫu nhiều khi chúng tôi phải di chuyển chạy giặc, song việc chưng cất không bị gián đoạn lâu và đặc biệt không để xảy ra sự cố cháy nổ. Giờ tuổi đã cao, nhiều lúc tôi nghĩ lại việc mình làm còn tự hỏi: Có phải ngày ấy điếc không sợ súng không nhỉ?”.

Cụ Phạm Thiệp kết thúc câu chuyện bằng một câu hỏi như thế. Người hầu chuyện cụ và viết bài này cho rằng: Ngày đó dẫu cụ mới vào nghề, không bằng cấp, song không hề “điếc”. Lòng yêu nước, ý chí tự học phi thường cộng với trí thông minh đã giúp cụ nhanh chóng tiếp thu một nghề mới và trở thành người đầu tiên ở nước ta điều chế được ête gây mê đủ tiêu chuẩn dùng trong phẫu thuật!

Năm 1960, ở tuổi 30, “chàng dược sĩ bất đắc dĩ” mới được bước chân vào giảng đường Trường Đại học Dược Hà Nội và 5 năm sau có bằng dược sĩ cao cấp. Năm 1990 nghỉ hưu, cụ lại say sưa viết sách, đến nay đã hoàn thành 6 cuốn đều liên quan đến nghề dược, trong đó cuốn “Thuốc biệt dược và cách sử dụng” (viết chung với dược sĩ Vũ Ngọc Thúy) có số lần tái bản kỷ lục, tới 18 lần.

Cụ Phạm Thiệp có hai người con đều ở riêng, hiện cụ sống độc thân (cụ bà đã mất cách đây 4 năm) trong một căn nhà nhỏ ở hẻm sâu hun hút thuộc quận Đống Đa, Hà Nội. Việc chế ête gây mê thành công, được đánh giá là xuất sắc ở thời kỳ đầu tham gia cách mạng, sau này cụ còn làm được nhiều việc khác cho ngành dược trong hai cuộc kháng chiến. Có một điều, suốt thời gian dài chăm chỉ làm việc và có nhiều thành tựu như thế, cụ vẫn chưa một lần được phần thưởng, hoặc sự vinh danh xứng đáng nào. Cụ là vậy, âm thầm làm việc với trách nhiệm cao nhất, hiệu suất cao nhất và thanh thản sống trong sự thanh bạch, khiêm nhường chẳng màng danh lợi!

PHẠM QUANG ĐẨU