QĐND - "Ngay từ năm lớp 6, đọc một bài môn Vật lý, em có cảm hứng hơn nhiều bài Toán hay các môn học khác. Em thích tìm hiểu các hiện tượng tự nhiên và Vật lý tạo cho em sự hứng thú trong học tập...”-Vũ Thanh Trung Nam, du học sinh tại Đại học Quốc gia Xin-ga-po chia sẻ.
Từ tình yêu môn Vật lý, nên khi thi vào cấp 3, dù đỗ thủ khoa Trường chuyên Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội), Á khoa chuyên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng Nam lại quyết định vào học lớp Lý, Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam để tiếp tục theo đuổi đam mê của mình.
 |
Vũ Thanh Trung Nam. Ảnh: QUỲNH NGA
|
Ba năm học THPT, với lòng đam mê, sự dìu dắt của các thầy cô, Nam đã khiến bố mẹ, nhà trường rất tự hào khi liên tiếp giành giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi quốc gia, Olympic Vật lý châu lục, quốc tế. Hai năm học lớp 10 và lớp 11, Nam là một trong hai học sinh xuất sắc nhất lớp chuyên tự nhiên được Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam trao học bổng Odon Vallet.
Nói về “bí quyết” học tập Vật lý của mình, Nam khiêm tốn: Tự học là hiệu quả nhất. Ngoài thời gian trên lớp, mỗi ngày em dành hơn 3 giờ để đọc và làm bài tập môn Vật lý. Với những bài tập khó, em tìm hiểu vấn đề thật kỹ rồi rút kinh nghiệm, tích lũy kiến thức.
Trước khi làm bài tập, Nam luôn đọc thật kỹ lý thuyết, bởi theo kinh nghiệm của Nam, có nắm chắc lý thuyết mới thực hành tốt được.
Tổ trưởng môn Vật lý Trường THPT chuyên Hà Nội-Amsterdam, thầy Nguyễn Xuân Quang, người đã trực tiếp dìu dắt Nam suốt 3 năm cấp 3 thi học sinh giỏi từng đánh giá: Nam có giác quan nhạy bén về Vật lý. Những vấn đề khó và trừu tượng của môn học này luôn được Nam tìm hiểu tường tận. Việc sắp xếp thời gian của Nam cũng rất khoa học, bảo đảm vừa học và tự học nâng cao, vừa học ngoại ngữ mà vẫn có thời gian tham gia các hoạt động khác.
Với những nỗ lực của bản thân, Vũ Thanh Trung Nam đã giành Huy chương vàng Vật lý quốc tế năm 2014; Huy chương vàng Vật lý châu Á và Vật lý quốc tế năm 2015. Hiện Vũ Thanh Trung Nam đang theo học tại Đại học Quốc gia Xin-ga-po. Mong muốn của em là được học các ngành có tính ứng dụng cao như: Khoa học vật liệu, điện học lượng tử..., để sau này có nhiều sáng chế hữu ích phục vụ con người, xã hội.
THÀNH AN